Chương 2 CÁC ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CÔNG AN NHÂN DÂN Ở THÀNH PHỐ
2.1.3. Kinh nghiệm lãnh đạo công tác xây dựng Đảng của các đảng bộ tiền thân thời kỳ trước khi thành lập các trường đại học, cao đẳng
Với đặc điểm chung là sáp nhập về mặt hành chính nhưng không sáp nhập về tổ chức đảng, các đảng bộ trường CAND ở TPHCM thời kỳ trước năm 2003 có quá trình hoạt động tương đối độc lập, gắn với địa phương nơi các trường đóng quân hơn là gắn với trụ sở chính ở Hà Nội. Điều này có nguồn gốc từ việc các đảng bộ tiền thân của Trường Đại học ANND, Trường Đại học CSND sau ngày giải phóng cùng trực thuộc Đảng ủy cơ quan đại diện Bộ Nội vụ ở phía Nam (từ năm 1977 gọi là Đảng ủy 1-77), sau đó có giai đoạn cùng trực thuộc Đảng ủy Công an TPHCM (từ năm 1982 đến năm 1989); còn Trường Cao đẳng CSND II vốn có một trong những tiền thân là trường đào tạo sơ học, trung học của Công an TPHCM [203, tr.40].
Trong bối cảnh rất phức tạp của công cuộc bảo vệ an ninh, trật tự ở TPHCM những năm 80 thế kỷ XX, các trường CAND ở TPHCM có nhiệm vụ chung do Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ 2 (năm 1980) và lần thứ 3 (năm 1983) xác định:
phải nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật và những kiến thức cần thiết về kinh tế, tâm lý học, xã hội học trong bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và trong làm án. Tăng cường cán bộ có năng lực ở các ngành tư pháp để bảo đảm thực hiện đúng luật pháp, phục vụ kịp thời các yêu cầu chính trị của Thành phố [149, tr.85].
Từ thực tiễn hoạt động đó, các đảng bộ trường CAND ở TPHCM cho thấy rõ một số kinh nghiệm trong lãnh đạo công tác xây dựng Đảng.
Một là, lấy xây dựng Đảng làm trung tâm cho mọi hoạt động của đảng
bộ và nhà trường.
Chủ trương nhất quán của các đảng bộ trường CAND ở TPHCM là bảo đảm mọi mặt công tác của nhà trường đều xoay quanh công tác xây dựng
Đảng, lấy xây dựng Đảng làm gốc, quyết định mục tiêu, phương hướng của hoạt động chuyên môn. Văn kiện các kỳ đại hội Đảng bộ Trường Đại học ANND thời kỳ Cơ sở phía Nam/Phân hiệu khẳng định: “Đảng bộ xác định công tác xây dựng Đảng là hạt nhân của mọi hoạt động trong Nhà trường”
[73]. Trong đó, chính trị tư tưởng được xác định là nhiệm vụ chi phối các mặt công tác khác. Tiền thân của Đảng bộ Trường Đại học CSND, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ VI, tháng 11/1988 nêu rõ: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đó là yếu tố quyết định thành công trong mọi lĩnh vực công tác chuyên môn” [198, tr.50]. Tiền thân của Trường Cao đẳng CSND II, trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, từng phiên chế cán bộ, giáo viên, học viên theo mô hình quân đội, trong đó bổ nhiệm cán bộ của Trường giữ chức vụ “Chính trị viên đại đội để quản lý, lãnh đạo về chính trị tư tưởng đối với học viên” [203, tr.44-45].
Công tác xây dựng Đảng tại các trường CAND ở TPHCM nhằm giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính Đảng trong hoạt động đào tạo, xây dựng lực lượng CAND. Với định hướng chính trị đó, công tác xây dựng Đảng tại các trường CAND ở TPHCM không chỉ là công việc nội bộ của tổ chức đảng mà còn có sự tham gia đông đảo của cán bộ, giáo viên, học viên các trường. Sau mỗi kỳ đại hội, các đảng ủy trường chủ trì xây dựng quy chế làm việc giữa đảng bộ và nhà trường, giữa đảng ủy với ban giám hiệu. Từng lĩnh vực công tác chuyên môn của các trường được giao cho các đồng chí đảng ủy viên phụ trách. Các công tác chuyên môn lớn được đảng ủy xây dựng và triển khai bằng hệ thống chương trình công tác.
Hai là, xây dựng đảng bộ trường đủ trí tuệ và bản lĩnh lãnh đạo thực
hiện nhiệm vụ chính trị.
Kinh nghiệm chung của các đảng bộ tiền thân, ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách lãnh đạo của các đảng bộ trường CAND ở TPHCM thời kỳ sau này là sự chủ động trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đều là tổ
chức cơ sở đảng, các đảng bộ trường nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng vững chắc từ cơ sở. Đại hội Đảng bộ Cơ sở phía Nam của Trường Đại học CSND lần thứ VII (tháng 9/1991) xác định: “Củng cố tổ chức cơ sở đảng vững mạnh về mọi mặt..., nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo, xây dựng Trường vững mạnh toàn diện” [198, tr.56]. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Phân hiệu Học viện ANND lần thứ IX (nhiệm kỳ 1998 - 2000) định hướng: “đổi mới công tác xây dựng Đảng nhằm xây dựng Đảng bộ có đủ trí tuệ và bản lĩnh chính trị lãnh đạo toàn diện mọi lĩnh vực công tác của nhà trường” [72].
Trong thời kỳ là Cơ sở phía Nam/Phân hiệu, việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đảng bộ trường đòi hỏi phải xử lý hài hòa mối quan hệ với học viện phía Bắc, đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp của đảng bộ đối với mọi mặt công tác của trường. Sách “Lịch sử Trường Đại học CSND (1976 - 2016)” cho rằng, trong khi Đảng bộ Cơ sở phía Nam trực thuộc Đảng ủy Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, độc lập với Đảng bộ Trường Đại học CSND (tên gọi của Học viện CSND khi đó), thì “công tác chuyên môn lại do Trường Đại học CSND quản lý, chỉ đạo, đã nảy sinh những khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến một số mặt công tác” [198, tr.61].
Về vấn đề này, Đảng bộ Phân hiệu Học viện ANND nhận định: “mô hình Phân hiệu đã bộc lộ những bất cập không thể khắc phục được”, quyết nghị phải “phát triển nhà trường lên một tầm cao mới” [74], “xây dựng Phân hiệu Học viện An ninh nhân dân thành Trường Đại học An ninh Thành phố Hồ Chí Minh chính quy, hiện đại, hội nhập” [74].
Các đảng bộ tiền thân đã thể hiện vai trò lãnh đạo, dẫn dắt trong những thời điểm quan trọng, then chốt của các trường. Ngày 04/5/1994, sau quá trình sáp nhập, hợp nhất nhiều trường vào tổ chức bộ máy, trước tình hình một bộ phận cán bộ, đảng viên có tâm tư về vị trí việc làm, Đảng ủy lâm thời Trường Trung học CSND II ra nghị quyết “Tập trung kiện toàn hệ thống tổ
chức của Đảng bộ Trường theo chức năng, nhiệm vụ mới”; “giữ vững sự ổn định tổ chức, tăng cường công tác xây dựng Đảng làm nền tảng đảm bảo cho việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn và hậu cần đời sống” [124].
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các đảng bộ tiền thân đã lãnh đạo xây dựng, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của các trường CAND ở TPHCM thời kỳ sau này, mà yếu tố được tích lũy quan trọng hàng đầu là nguồn lực con người. Đó cũng là kinh nghiệm chung cơ bản của các đảng bộ trường trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị: “chú trọng xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất và năng lực đủ sức lãnh đạo mọi mặt công tác của Trường” [203, tr.31].
Ba là, quán triệt, thực hiện đúng đắn các nguyên tắc tổ chức, hoạt động
và sinh hoạt đảng.
Kiên định tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất, tự phê bình và phê bình là bài học đúc rút từ những thành tựu, hạn chế vừa có tính phổ biến, vừa có tính đặc thù của các đảng bộ tiền thân trong quá trình lãnh đạo công tác xây dựng Đảng tại các trường CAND ở TPHCM. Nếu Đảng bộ Phân hiệu Học viện ANND nhấn mạnh yêu cầu giữ vững sự đoàn kết và coi đó “là sự sống còn của tổ chức đảng” [74], thì lịch sử công tác xây dựng Đảng tại Trường Đại học CSND đã bổ sung kinh nghiệm có tính chất điều kiện cho yêu cầu này. Đoàn kết chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở tập trung dân chủ, sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của cấp ủy viên, đảng viên; dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, kỷ luật.
Sau một số trường hợp đảng ủy viên bị xử lý kỷ luật do thiếu sót trong quản lý kinh tế [179, tr.16], tiền thân của Đảng bộ Trường Đại học CSND, trong nhiệm kỳ 1983 - 1985 đã đề ra phương hướng, chỉ tiêu: “xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về mọi mặt. Không có đảng viên phạm sai lầm phải xử lý kỷ luật” [179, tr.20]. Tuy nhiên, trong chính nhiệm kỳ này, “đồng chí Võ Tánh Nhân, Phó Bí thư Đảng ủy, Quyền Hiệu trưởng và đồng chí Hoàng
Minh Đường, Ủy viên Thường vụ bị kỷ luật” [179, tr.31]. Biên niên lịch sử Đảng bộ Trường Đại học CSND (1976 - 2016) nêu rõ: “do nảy sinh những biểu hiện tiêu cực của cá nhân, ngày 15/4/1985, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 1035/NV-QĐ, miễn nhiệm Quyền Hiệu trưởng và điều chuyển đồng chí Võ Tánh Nhân trở lại Cục Đào tạo” [179, tr.23].
Giai đoạn Phân hiệu Học viện CSND (2001 - 2003), lịch sử Trường Đại học CSND ghi nhận “tình hình nội bộ lãnh đạo Nhà trường thiếu thống nhất, có biểu hiện bè phái mất đoàn kết” [198, tr.85], nảy sinh vấn đề “đơn thư nặc danh, việc giải quyết đơn thư chưa dứt điểm, còn để kéo dài” [179, tr.68], khiến cho “hoạt động của Nhà trường rơi vào tình trạng trì trệ” [198, tr.86].
Trong cuộc họp Đảng ủy mở rộng ngày 15/6/2001, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã tự kiểm điểm. Nhiều ý kiến cho rằng:
“Nội bộ Đảng ủy chưa có sự gắn kết”; “vấn đề dân chủ chưa được phát huy”
[179, tr.68]. Các đồng chí Phó Phân hiệu trưởng đều có ý kiến “đồng chí Phân hiệu trưởng chưa có sự phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí để tạo sự chủ động trong công tác” [179, tr.68]. Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ Trường Đại học CSND (1976 - 2016) ghi nhận:
để giải quyết tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 2656/QĐ(X13) ngày 24/5/2002, điều động và bổ nhiệm đồng chí Phạm Hồng Cử, Hiệu trưởng Trường Trung học An ninh nhân dân II, làm Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân và giữ chức Phân hiệu trưởng Phân hiệu Học viện Cảnh sát nhân dân [179, tr.70].
Từ thực tiễn lịch sử đó, kinh nghiệm chung của các đảng bộ tiền thân là chú trọng “củng cố đoàn kết thống nhất từ trong Đảng; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, chú trọng chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng và sinh hoạt cấp ủy” [179, tr.50]. Đó cũng là chủ trương có tầm ảnh hưởng, định hướng công tác xây dựng Đảng tại các trường CAND ở TPHCM trong những năm sau này.
2.2. CHỦ TRƯƠNG VÀ QUÁ TRÌNH CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG CỦA CÁC ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CÔNG AN NHÂN DÂN Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ NĂM 2003 ĐẾN NĂM 2011