Chương 3 CÁC ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CÔNG AN NHÂN DÂN Ở THÀNH PHỐ
3.1.3. Yêu cầu, định hướng phát triển các trường Công an nhân dân ở Thành phố Hồ Chí Minh theo chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở
Ngày 25/10/2017, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt
động hiệu lực, hiệu quả”, xác định nhiệm vụ ưu tiên: “Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ”
[7]. Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành nghị quyết thực hiện, thành lập ban chỉ đạo xây dựng đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Đề án 106), tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 về “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” [20]. Với chủ trương xây dựng bộ máy tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, không tổ chức cấp trung gian, Bộ Công an đã giải thể 06 tổng cục, 01 đơn vị tương đương tổng cục, 55 đơn vị cấp cục, 20 Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cấp tỉnh, gần 1.000 đơn vị cấp phòng và trên 2.300 đơn vị cấp đội [71], là “cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của lực lượng” [71] trong lịch sử ngành Công an.
Đối với các học viện, trường CAND, quá trình thực hiện Đề án 106 và Nghị quyết 22-NQ/TW kéo dài hơn các tổng cục, cơ quan trực thuộc Bộ.
Ngay cả khi bộ máy Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành việc cơ cấu lại, Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ “quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an” đã được ban hành và Luật CAND (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018, thì việc sắp xếp lại các cơ sở đào tạo trong CAND vẫn chưa thực hiện xong. Các quy phạm pháp luật trên đã tạo hành lang pháp lý cho việc tiếp tục xem xét tổ chức lại, giải thể, sáp nhập các trường CAND, trong đó khối các học viện, trường đại học CAND thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ [62].
Nguyên tắc kiện toàn hệ thống các trường CAND do ban chỉ đạo Đề án 106 đặt ra là “tập trung, thống nhất, tinh gọn hơn theo hệ lực lượng ANND, CSND” [191]. Việc duy trì các trường CAND phía Nam như những cơ sở đào tạo độc lập đã được xem xét lại. Một số phương án do Tổng cục Chính trị
CAND nêu ra để lấy ý kiến các trường CAND trong năm 2017, 2018 dự kiến sáp nhập các trường đại học CAND ở TPHCM vào Học viện ANND, Học viện CSND, sáp nhập các trường trung cấp và giải thể các trường văn hóa [191]. Trên tinh thần “thận trọng, đảm bảo khách quan, dân chủ, khoa học”, các kế hoạch của Đảng ủy Công an Trung ương [109] và của Đảng ủy Tổng cục Chính trị CAND [115] về việc thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị đều xác định: “Trước mắt, vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức học viện, trường CAND đến hết năm 2017 - 2018” [115]. Tuy nhiên, cùng với khối cơ quan Bộ, các trường CAND phải “đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế”, “hạn chế tuyển chọn công dân vào CAND, tiếp nhận cán bộ, tiếp nhận học viên tốt nghiệp trường CAND” [107].
Ngày 13/9/2018, sau khi Tổng cục Chính trị CAND đã giải thể, Cục Đào tạo, Bộ Công an ban hành công văn số 336/X02-P1, thông báo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và hướng dẫn “triển khai phương án tổ chức lại các trường CAND” [63]. Theo đó, Bộ Công an chủ trương duy trì 6 học viện, trường đại học CAND phía Bắc, còn 2 trường đại học CAND phía Nam (Trường Đại học ANND và Trường Đại học CSND) sẽ tổ chức lại thành “cơ sở 2” của Học viện ANND và Học viện CSND [63]; đối với bậc cao đẳng, trung cấp, sẽ tiến hành giải thể 8 trường hiện có để tổ chức lại thành 3 trường, với 2 trường ở phía Bắc, 1 trường ở phía Nam [63]. Về phương án bố trí cán bộ, chủ trương “khuyến khích, động viên cán bộ, chiến sĩ tự nguyện chuyển công tác về Công an địa phương” theo định hướng sắp xếp, bố trí cán bộ của Bộ Công an [41] và của Tổng cục Chính trị CAND [183] khi kiện toàn tổ chức bộ máy.
Năm 2019, Trường Đại học ANND và Trường Đại học CSND không được phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy. Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an, trả lời Báo CAND ngày 04/3/2019, nêu rõ: “Theo tinh thần Đề án 106, các trường CAND sẽ được sắp xếp tinh gọn lại theo hướng từ 19 đầu mối xuống còn hơn 10 đầu mối. Việc thu
hẹp các trường CAND tổ chức tuyển sinh những năm gần đây chính là sự cụ thể hóa chủ trương này” [10]. Địa bàn tuyển sinh năm 2019 được đổi mới: “chỉ 3 trường tổ chức tuyển sinh là Học viện ANND, Học viện CSND và Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Các trường này sẽ tuyển sinh trên phạm vi toàn quốc” [10]. Thực tiễn cho thấy tác động xã hội của chủ trương này là đáng kể, xuất hiện một số bất cập trong thu hút nguồn nhân lực thi tuyển.
Sau quá trình xem xét kỹ lưỡng các ý kiến đề xuất từ cơ sở, đánh giá các phương án một cách thận trọng, khách quan và tác động thực tiễn xã hội, trên cơ sở tham mưu của Bộ Công an, ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 106/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công an” [178]. Ngày 24/3/2020, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký các quyết định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các học viện, trường đại học CAND. Ngày 07/4/2020, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định phê duyệt địa điểm đào tạo của các học viện, trường CAND. Theo đó, Bộ Công an có 11 cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp trực thuộc, với 8 trường có trụ sở chính tại các tỉnh, thành phố phía Bắc và 3 trường ở TPHCM. Bộ Công an khẳng định: “Trường Đại học ANND và Trường Đại học CSND tiếp tục được xác định là cơ sở trọng điểm về đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan nghiệp vụ cho khu vực phía Nam” [46, tr.8].
3.2. CHỦ TRƯƠNG VÀ QUÁ TRÌNH CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG CỦA CÁC ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CÔNG AN NHÂN DÂN Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ NĂM 2011 ĐẾN NĂM 2020