Chủ trương của Đảng về xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng và thí điểm giao một số quyền

Một phần của tài liệu Các đảng bộ trường Công an nhân dân ở Thành phố Hồ Chí Minh lãnh đạo công tác xây dựng Đảng từ năm 2003 đến năm 2020 (Trang 78 - 81)

Chương 3 CÁC ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CÔNG AN NHÂN DÂN Ở THÀNH PHỐ

3.1.1. Chủ trương của Đảng về xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng và thí điểm giao một số quyền

Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa X, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02/02/2008 “về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Nghị quyết đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, yếu kém trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, xác định nguyên nhân: “công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng Đảng ở cơ sở nói riêng... chưa theo kịp sự biến đổi của tình hình” [93, tr.154]; “việc ban hành các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác xây dựng Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ, ...chưa sát thực tế” [93, tr.155]. Về quan điểm, Trung ương đặt mục tiêu “tạo được sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, làm cho tổ chức đảng ở cơ sở vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức” [93, tr.156] và đưa ra giải pháp

“hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng theo hướng gắn tổ chức cơ sở đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị...” [93, tr.158];

“xây dựng mô hình tổ chức phù hợp với những tổ chức cơ sở đảng có tính đặc thù, ...phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng địa phương, đơn vị” [93, tr.158].

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X, ngày 09/3/2010, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW “Về xây dựng

và hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng”, khẳng định công tác “xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị” và chủ trương “thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp ủy cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương” [8].

Đồng thời, Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu: “Việc xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức đảng ở cơ sở phải bảo đảm tính hệ thống, khắc phục dần tình trạng tổ chức cơ sở đảng nằm trong tổ chức cơ sở đảng” [8].

Theo chủ trương của Trung ương, các quyền cấp trên cơ sở được thí điểm giao cho đảng ủy cơ sở là:

Được thành lập cơ quan tham mưu chuyên trách giúp việc.

Đảng ủy được quyết định thành lập tổ chức cơ sở đảng trực thuộc.

Ban thường vụ đảng uỷ được quyết định kết nạp đảng viên, kỷ luật khai trừ đảng viên, quyết định công nhận và khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên, chuyển sinh hoạt cho tổ chức đảng và đảng viên trực tiếp đến các đảng bộ cấp trên cơ sở... [8].

Trong các quyền trên, quyền “quyết định thành lập tổ chức cơ sở đảng trực thuộc” là quan trọng nhất, khi các đảng ủy cơ sở thi hành quyền này, tất yếu sẽ tạo ra mô hình “tổ chức cơ sở đảng nằm trong tổ chức cơ sở đảng”. Do vậy, việc thí điểm phải “được tiến hành chặt chẽ, thận trọng; chỉ thực hiện ở những đảng bộ thực sự có nhu cầu cấp thiết” [8] và đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện:

Có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng.

Có quy mô lớn: có nhiều đơn vị thành viên là tổ chức cơ sở trong một đơn vị chính quyền; đảng bộ có đông đảng viên (khoảng từ 400 đảng viên trở lên), hoạt động trên phạm vi rộng.

Là đảng bộ trong sạch vững mạnh [8].

Việc thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở là chủ trương quan trọng của Đảng, đã có tiền lệ thực hiện lần đầu tiên theo Quy định số 196- QĐ/TW ngày 24/11/2008 của Ban Bí thư “về tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước”. Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW thực chất là sự nhân rộng thí điểm, vận dụng thực hiện Điều 6, Quy định số 196-QĐ/TW.

Thực tế vào thời điểm triển khai, trong 1.134 tổ chức cơ sở đảng tại các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước trên toàn quốc, chỉ có 18 đảng ủy cơ sở đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện để được giao quyền cấp trên cơ sở [11].

Kết quả thí điểm là căn cứ quan trọng để cấp có thẩm quyền xem xét kiện toàn mô hình tổ chức đảng, hoặc chính thức thành lập đảng bộ cấp trên cơ sở ở đơn vị thí điểm, hoặc chấm dứt thí điểm và thu hồi các quyền đã giao cấp ủy cơ sở.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đã chỉ đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND phối hợp với Vụ Tổ chức - Điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương tiến hành khảo sát tại các đảng bộ tổng cục, bộ tư lệnh trực thuộc Bộ Công an để tham mưu giải pháp xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ Công an Trung ương. Ngày 13/4/2011, sau khi nhận được sự đồng ý của Ban Tổ chức Trung ương qua Công văn số 200-CV/BTCTW ngày 18/3/2011 “về việc thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở” [9], Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành các quyết định số 22, 23, 24, 25, 26-QĐ/ĐUCA(X13) “Về việc giao quyền cấp trên cơ sở” cho 5 đảng ủy cơ sở Học viện ANND, Học viện CSND, Trường Đại học ANND, Trường Đại học CSND và Cục Cảnh sát bảo vệ (Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội). Trong tổng số 385 tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ Công an Trung ương thời điểm năm 2011, đây là 5 đảng bộ đầu tiên được triển khai thí điểm [70, tr.415].

Ngày 25/4/2011, Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND ban hành Công văn số 676-CV/X11(X13) “về việc hoàn thiện một số loại hình tổ chức cơ sở

đảng”, thông báo chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương. Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo các đảng ủy được giao quyền cấp trên cơ sở triển khai các bước thực hiện Hướng dẫn số 38- HD/BTCTW ngày 09/3/2010 của Ban Tổ chức Trung ương, trước mắt là “xây dựng đề án lập tổ chức cơ sở đảng trực thuộc và đội tổ chức xây dựng Đảng chuyên trách giúp việc” [184], đồng thời nêu rõ việc thí điểm là cơ sở để xem xét bổ sung, kiện toàn hệ thống tổ chức đảng “phù hợp với thực tiễn ở từng đảng bộ hoặc thu hồi quyết định đã giao quyền khi các cấp ủy không thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn đã giao” [184].

Chủ trương của Trung ương về xây dựng, hoàn thiện các loại hình tổ chức cơ sở đảng và thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở là yếu tố bối cảnh lịch sử quan trọng, đặt ra cho công tác xây dựng Đảng tại các đảng bộ trường CAND ở TPHCM nhiều cơ hội và thách thức mới.

Trong đó, yêu cầu có tính chất cấp bách nhất là nâng cấp mô hình tổ chức bộ máy các đảng bộ trường từ cấp cơ sở lên cấp trên cơ sở.

Một phần của tài liệu Các đảng bộ trường Công an nhân dân ở Thành phố Hồ Chí Minh lãnh đạo công tác xây dựng Đảng từ năm 2003 đến năm 2020 (Trang 78 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)