Chương 4 NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
4.2.3. Bảo đảm đồng thời tính toàn diện và tính trọng tâm, trọng điểm của công tác xây dựng Đảng trong từng thời kỳ, giai đoạn
Quá trình các đảng bộ trường CAND ở TPHCM lãnh đạo công tác xây dựng Đảng cho thấy, bảo đảm tính toàn diện của công tác xây dựng Đảng là một yêu cầu tất yếu nhằm gìn giữ sự phát triển lành mạnh về mọi mặt của tổ chức đảng các cấp. Các mặt của công tác xây dựng Đảng có mối liên hệ mật thiết với nhau; xây dựng Đảng về chính trị là cơ sở của xây dựng Đảng về tư tưởng; xây dựng Đảng về đạo đức tác động sâu sắc đến công tác chính trị tư tưởng và nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ; xây dựng Đảng về chính trị, về tổ chức, cán bộ gắn bó hữu cơ, quyết định lẫn nhau.
Tuy nhiên, bên cạnh tính toàn diện, một số mặt của công tác xây dựng Đảng nổi lên, đóng vai trò trọng tâm, trọng điểm trong những thời điểm lịch sử có biến chuyển, mỗi khi các trường có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy. Vào thời điểm các trường CAND ở TPHCM được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập, công tác xây dựng Đảng
về chính trị là mặt công tác quan trọng nhất, quyết định vị thế, triển vọng phát triển của đảng bộ, nhà trường, thể hiện qua việc lãnh đạo điều chỉnh nhiệm vụ chính trị, đổi mới chức năng, nhiệm vụ và nâng tầm cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, phù hợp với quy hoạch khung trình độ quốc gia Việt Nam. Do đối tượng lãnh đạo thay đổi (từ Cơ sở phía Nam/Phân hiệu trở thành trường đại học độc lập, từ trường trung cấp trở thành trường cao đẳng), phương thức lãnh đạo của các đảng bộ trường cũng có sự điều chỉnh phù hợp.
Tính chiến lược trong chủ trương xây dựng, phát triển các trường được thể hiện rõ nét qua việc các đảng bộ trường chủ động ban hành, công bố tầm nhìn, sứ mạng, văn hóa, triết lý giáo dục của cơ sở đào tạo. Nhiều nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo nhiệm vụ chính trị được quan tâm xây dựng. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiểm tra, giám sát được chú trọng, góp phần giữ vững chất lượng, nâng cao hiệu quả mọi mặt chuyên môn.
Ở những thời điểm cơ cấu tổ chức bộ máy đảng bộ, nhà trường có sự điều chỉnh, hoặc tình hình nhân sự chủ chốt, biên chế cán bộ có sự biến động, thì xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ lại trở thành mặt công tác có tầm quan trọng hàng đầu, quyết định các mặt công tác khác. Trong giai đoạn thí điểm mô hình đảng bộ cấp trên cơ sở, xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ là mặt công tác trọng tâm, đã góp phần thúc đẩy sự tiến bộ trong trình độ nhận thức, giác ngộ của đội ngũ đảng viên, thiết lập được hệ thống tổ chức cơ sở đảng làm việc hiệu quả, hình thành các cấp ủy xứng tầm cấp trên cơ sở. Trong giai đoạn các trường CAND ở TPHCM tạm dừng bổ nhiệm theo chủ trương của Bộ Công an, nhiều đơn vị có tình trạng khuyết thiếu thủ trưởng, công tác xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ đã bảo đảm hoạt động lãnh đạo, chỉ huy được duy trì, thực hiện thông suốt. Trong thời điểm các trường CAND ở TPHCM được thành lập mới, chia tách, sáp nhập, giải thể đơn vị trực thuộc, hoạt động kiện toàn cấp ủy được triển khai nhanh chóng, giúp thực thi hiệu quả quyền lãnh đạo của cấp ủy đối với thủ trưởng đơn vị các cấp.
Xây dựng Đảng về tư tưởng và về đạo đức là mặt công tác thường xuyên, liên tục, lâu dài của tổ chức đảng các cấp. Ở những thời điểm thử thách then chốt, xây dựng Đảng về tư tưởng và về đạo đức sẽ trở thành vấn đề trọng điểm, quyết định sự vững vàng, bản lĩnh của đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy và đảng viên. Bên cạnh đó, tính thống nhất về tư tưởng, sự trong sạch về đạo đức cũng là cơ sở, động lực đoàn kết, củng cố nội lực của các đảng bộ, nhà trường, tạo ra sức mạnh tổng hợp, dẫn dắt tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên, học viên các trường phấn đấu thi đua, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Như vậy, thực tiễn lãnh đạo công tác xây dựng Đảng của các đảng bộ trường CAND ở TPHCM cho thấy, các mặt công tác xây dựng Đảng không đơn thuần là hoạt động tự thân, nội bộ của tổ chức đảng, mà còn gắn bó mật thiết với công tác xây dựng lực lượng CAND. Bảo đảm đồng thời tính toàn diện và tính trọng tâm, trọng điểm của các mặt công tác xây dựng Đảng vì vậy là một kinh nghiệm tác động đến nguồn lực xây dựng các trường CAND trong sạch, vững mạnh. Áp dụng kinh nghiệm này, các đảng bộ trường, mà trước hết là đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy và cấp ủy cơ sở các cấp cần phát huy năng lực chủ động trong xây dựng chủ trương lãnh đạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử - cụ thể và nhiệm vụ chính trị của trường trong từng thời kỳ, giai đoạn. Trên cơ sở quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, việc các đảng bộ trường nhận rõ đặc điểm, tình hình cụ thể của từng trường để xác định được nhiệm vụ trọng tâm là hết sức cần thiết; từ đó lựa chọn những vấn đề mang tính đột phá nhằm chủ động xây dựng nghị quyết, kế hoạch thực hiện, có các chương trình hành động, phát động phong trào hưởng ứng chủ trương chung, đồng thời khuyến khích các hoạt động mang tính sáng tạo riêng của từng trường. Trong nội dung và phương thức lãnh đạo, cần xác định nhân tố con người là trung tâm, coi trọng bồi dưỡng thế hệ trẻ, cơ cấu những đảng viên giỏi về chuyên môn, vững vàng về chính trị, am hiểu kiến thức xây dựng
Đảng vào cấp ủy các cấp; ưu tiên bổ nhiệm lãnh đạo, chỉ huy từ nguồn cấp ủy viên tại chỗ. Trong triển khai, thực hiện các mặt công tác xây dựng đảng bộ, nhà trường, cần bảo đảm chế độ dân chủ, công khai trong thảo luận; thống nhất, kỷ luật nghiêm minh, tự giác trong hành động; xác định lộ trình khoa học, hợp lý và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ.