Chương 4 NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
4.2.4. Phát huy vai trò của đoàn thể, cơ quan, đơn vị tham gia xây dựng Đảng
Với đặc trưng lấy xây dựng Đảng làm trung tâm của mọi mặt công tác, các đoàn thể quần chúng, cơ quan, đơn vị tại các trường CAND ở TPHCM đều coi nghị quyết của đảng bộ là cơ sở quan trọng để xác định, thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn, khoa, bộ môn, phòng, trung tâm, ban quản lý dự án do đó tác động về nhiều mặt đến công tác xây dựng Đảng.
Thực tiễn công tác phát triển đảng viên tại các trường CAND ở TPHCM cho thấy, mặc dù công tác phát triển đảng viên có sự đổi mới về chủ thể thực hiện quy trình, nhưng về căn bản tiêu chuẩn, phương châm kết nạp đảng viên là ổn định, gắn chặt với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, rèn luyện đạo đức và mức độ giác ngộ của đối tượng phát triển đảng. Đối với học viên chính quy, để được lựa chọn đứng vào hàng ngũ của Đảng cần có kết quả học tập, rèn luyện tốt, được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại cơ sở đánh giá là đoàn viên ưu tú, thì mới được chi bộ sinh viên chấm chọn, đưa vào danh sách cảm tình Đảng. Đối với cán bộ, giảng viên, cần có ít nhất hai năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ tiên tiến, phân loại cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; được tổ chức Đoàn (nếu còn trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn), hoặc Hội Phụ nữ, Công đoàn công nhận là đoàn viên/hội viên ưu tú. Như vậy, các mặt công tác chuyên môn, thể hiện qua chất lượng giảng dạy của khoa, bộ môn, hiệu quả quản lý, tham mưu, phục vụ của phòng, trung tâm, phong trào của đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn các trường đều có sự tác động
trực tiếp đến công tác phát triển đảng viên. Chỉ cần một mắt xích buông lỏng việc thực hiện chủ trương, phương hướng trong công tác phát triển đảng viên, hoặc việc thực thi các mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, đoàn thể thiếu hiệu quả, thì có thể gây ra những nút thắt kìm hãm, ảnh hưởng đến chỉ tiêu phát triển đảng viên của các đảng bộ trường.
Đoàn thể trong CAND và tại các trường CAND đều được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, đặc biệt là về công tác nhân sự chủ chốt.
Phong trào của các đoàn thể trong CAND mang định hướng chính trị rõ nét, có tác dụng thúc đẩy đoàn viên, hội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng. Trong đó, phong trào “Đoàn tham gia xây dựng Đảng”, “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên” có sức ảnh hưởng lớn. Qua các giai đoạn phát triển, tổ chức Đoàn đã phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, vận động đoàn viên nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu sớm trở thành đảng viên. Kết quả của công tác xây dựng Đảng về tư tưởng và đạo đức tại các trường CAND ở TPHCM mang dấu ấn sâu sắc của đội ngũ đảng viên trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn, của các thế hệ đoàn viên thanh niên.
Nhiều đồng chí cấp ủy viên, lãnh đạo, chỉ huy trưởng thành từ công tác đoàn;
trong nhiều nhiệm kỳ, các đảng ủy trường CAND ở TPHCM đều cơ cấu bí thư đoàn thanh niên tham gia ban chấp hành đảng bộ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến công tác đoàn thể.
Để tiếp tục phát huy vai trò của đoàn thể, cơ quan, đơn vị tham gia xây dựng Đảng, các đảng bộ trường CAND cần coi trọng hơn nữa chức năng tham mưu của đoàn, hội, khoa, phòng, trung tâm, không chỉ đối với hoạt động lãnh đạo của đảng bộ ở từng lĩnh vực công tác chuyên môn, mà còn đối với các mặt xây dựng nội bộ Đảng. Trong công tác tuyên giáo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cần thu hút sự tham gia đông đảo của đoàn viên, hội viên để đổi mới phương thức tuyên truyền, tăng tính hấp dẫn, thuyết phục của hoạt động giáo dục, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận
điệu sai trái, thù địch. Một số đơn vị giảng dạy như Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn, Khoa Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự cần được tin tưởng giao nhiệm vụ tham mưu công tác lý luận chính trị của đảng ủy, đồng thời trực tiếp tiến hành một số mặt công tác chính trị tư tưởng của đảng bộ trường như chủ trì công tác thực tế chính trị - xã hội “Mùa hè xanh”, về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử Đảng, lịch sử Ngành, lịch sử trường...
Đối với cơ quan đảm nhiệm công tác Đảng tại các trường CAND (trước năm 2020 là Phòng Công tác Đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng; nay là Phòng Chính trị), cần được ưu tiên bổ sung biên chế có chuyên môn về lĩnh vực xây dựng Đảng, kiểm tra Đảng, có phẩm chất, đạo đức trong sáng, xứng đáng là cơ quan chính trị của Đảng trong CAND.
Những kinh nghiệm trên đây có ý nghĩa xuyên suốt quá trình xây dựng các đảng bộ trường CAND ở TPHCM trong thời gian qua và có giá trị tham khảo nhất định trong quá trình phát triển thời gian tới.
Tiểu kết Chương 4
Từ nghiên cứu, phục dựng quá trình các đảng bộ trường CAND ở TPHCM lãnh đạo công tác xây dựng Đảng từ năm 2003 đến năm 2020, Chương 4 đạt được một số kết quả:
Một là, hoạt động lãnh đạo của các đảng bộ trường đã cho thấy tầm nhìn
và tính toàn diện trong chủ trương về công tác xây dựng Đảng. Cùng với quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, các mặt công tác xây dựng Đảng được triển khai đầy đủ, bảo đảm sự phát triển bền vững của các đảng bộ, trường CAND ở TPHCM.
Hai là, mặc dù ưu điểm là cơ bản, nhưng một số chủ trương, hoạt động
lãnh đạo công tác xây dựng Đảng của các đảng bộ trường CAND ở TPHCM trong một vài lĩnh vực còn thiếu tính chủ động; một bộ phận cấp ủy viên, đảng viên chưa có nhận thức đầy đủ về công tác xây dựng Đảng; biểu hiện nặng về hành chính trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mặt công tác xây dựng Đảng chậm được khắc phục.
Ba là, quá trình các đảng bộ trường CAND ở TPHCM lãnh đạo công tác
xây dựng Đảng rút ra một số kinh nghiệm trong quán triệt vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, trong kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, trong chỉ đạo thực hiện các mặt công tác xây dựng Đảng và phát huy vai trò của cơ quan, đoàn thể vào quá trình xây dựng các đảng bộ trường trong sạch, vững mạnh.
Nhận xét về ưu điểm, hạn chế và đúc kết kinh nghiệm từ quá trình các đảng bộ trường CAND ở TPHCM lãnh đạo công tác xây dựng Đảng góp phần làm rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn của công tác xây dựng Đảng trong lực lượng CAND, qua đó hoàn thành mục đích nghiên cứu của đề tài luận án.