Chương 2 CÁC ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CÔNG AN NHÂN DÂN Ở THÀNH PHỐ
2.1.2. Đặc điểm các đảng bộ trường Công an nhân dân ở Thành phố Hồ Chí Minh
- Đặc điểm các trường Công an nhân dân ở Thành phố Hồ Chí Minh liên quan công tác xây dựng Đảng:
Các trường CAND vừa là những cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, vừa là các đơn vị dự bị chiến đấu trực thuộc Bộ trưởng Bộ Công an.
Trong quá trình phát triển, Bộ Công an đã thành lập, duy trì 11 học viện, trường đại học, cao đẳng CAND. Trong đó, 08 trường có trụ sở chính đặt tại Hà Nội hoặc địa phương lân cận, 03 trường có địa bàn tuyển sinh ở phía Nam đều đặt trụ sở chính tại TPHCM: Trường Đại học ANND, Trường Đại học CSND, Trường Cao đẳng CSND II.
Khác với các học viện, trường CAND phía Bắc, chủ yếu có nguồn gốc từ Trường Công an Trung ương, các trường CAND ở TPHCM có lịch sử kế thừa Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và các cơ sở đào tạo hạ sĩ quan CAND mà Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) lập ở miền Nam sau ngày giải phóng. Trong đó, Trường Đại học
ANND là cơ sở giáo dục đại học được thành lập theo Quyết định số 154/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ [174], tiền thân là Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam. Ra đời từ tháng 10/1963 theo Chỉ thị số 69/CT ngày 30/9/1963 của Thường vụ Trung ương Cục, giữa chiến trường khốc liệt, Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo, vừa chiến đấu, lập nhiều chiến công, được công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đất nước thống nhất, Trường Bổ túc Sĩ quan CAND được thành lập trên cơ sở Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam (từ 4/1976 đến 11/1984), rồi phát triển thành Trường Cao đẳng ANND II (từ 11/1984 đến 7/1989). Thời kỳ từ năm 1989 đến năm 2003, Trường được sáp nhập vào Học viện ANND (trước năm 2001, Học viện ANND có tên là Trường Đại học ANND), lần lượt trải qua các giai đoạn là Cơ sở phía Nam của Trường Đại học ANND (từ 7/1989 đến 1994), Phân hiệu Đại học ANND (từ 6/1995 đến 10/2001), Phân hiệu Học viện ANND (từ 10/2001 đến 7/2003), trước khi tách ra và trở thành cơ sở giáo dục đại học độc lập, từ năm 2003. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trường Đại học ANND hiện được quy định tại Quyết định số 2061/QĐ- BCA ngày 24/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an [43].
Trường Đại học CSND và Trường Cao đẳng CSND II có tiền thân là những cơ sở đào tạo hạ sĩ quan Cảnh sát của Bộ Nội vụ, hình thành ở miền Nam sau năm 1975. Trường Đại học CSND lấy ngày truyền thống là 24/4 hàng năm, khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định số 13/NV-QĐ ngày 24/4/1976 “về việc thành lập Trường Hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân II” [198, tr.5]. Năm 1985, Trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng CSND II.
Đến năm 1989, Trường được sáp nhập vào Học viện CSND (trước năm 2001, Học viện CSND có tên là Trường Đại học CSND), trải qua các giai đoạn Cơ sở phía Nam của Trường Đại học CSND (từ tháng 7/1989 đến 1994), Phân hiệu Đại học CSND (từ tháng 6/1995 đến tháng 10/2001), Phân hiệu Học viện
CSND (từ tháng 10/2001 đến tháng 7/2003). Năm 2003, Trường trở thành cơ sở giáo dục đại học độc lập, theo Quyết định số 152/2003/QĐ-TTg ngày 28/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ “về việc thành lập Trường Đại học Cảnh sát nhân dân” [173]. Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trường Đại học CSND, hiện hành tại Quyết định số 2059/QĐ-BCA ngày 24/3/2020 [42].
Trường Cao đẳng CSND II lấy thời điểm 11/3/1977, ngày Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 1032/QĐ-BNV “về việc thành lập Phân hiệu Cảnh sát Quản lý trại giam” ở TPHCM, làm ngày truyền thống của Trường [203, tr.1]. Năm 1979, Phân hiệu Cảnh sát Quản lý trại giam được nâng cấp thành Trường Hạ sĩ quan Cảnh sát trại giam II, rồi trở thành Trường Trung học CSND II vào năm 1986, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Từ năm 2006, Trường có tên gọi là Trường Trung cấp CSND II [29], theo Quyết định số 2013/2006/QĐ-BCA(X13) ngày 25/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an. Đến năm 2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 5658/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2012, thành lập Trường Cao đẳng CSND II trên cơ sở Trường Trung cấp CSND II. Trong quá trình phát triển, Trường đã sáp nhập nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác vào tổ chức bộ máy. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trường do Bộ trưởng Bộ Công an quy định, hiện hành tại Quyết định số 3198/QĐ-BCA ngày 22/4/2020 [45].
Các trường CAND ở TPHCM nhiều lần thay đổi tên gọi, một số đơn vị từng trải qua quá trình sáp nhập, tổ chức lại. Tuy nhiên, xét theo quy định của pháp luật Việt Nam về loại hình đào tạo và tính ổn định trong định hướng phát triển, ở TPHCM có 02 cơ sở giáo dục đại học CAND, là Trường Đại học ANND và Trường Đại học CSND, tồn tại liên tục từ năm 2003 đến nay; có 01 cơ sở giáo dục nghề nghiệp CAND, là Trường Cao đẳng CSND II, tồn tại liên tục từ năm 2012 đến nay. Quy mô biên chế và chỉ tiêu đào tạo của các trường CAND ở TPHCM đều do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định, kể cả trong giai
đoạn sáp nhập. Hệ thống tổ chức bộ máy, chức vụ, chức danh của các trường được lập theo mô hình các cục trực thuộc Bộ, bao gồm 3 cấp: Lãnh đạo, chỉ huy cấp cục là ban giám hiệu (hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng); lãnh đạo, chỉ huy cấp phòng và tương đương; lãnh đạo, chỉ huy cấp đội và tương đương. Trong đó, cấp phòng và tương đương (khoa, phòng, trung tâm) thường được gọi là các đầu mối trực thuộc trường, là đơn vị cơ sở. Số lượng đầu mối do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định, thông thường từ 20 đến 30 đơn vị trực thuộc, có sự thay đổi theo từng giai đoạn và từng trường cụ thể. Các trường CAND không tổ chức hội đồng trường.
Cán bộ, giảng viên cơ hữu của các trường là sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ hoặc chuyên môn kỹ thuật trong CAND, quy mô biên chế được ấn định thông thường từ 500 đến 800 người/trường (biên chế thực tế thường thấp hơn số lượng ấn định). Địa bàn tuyển sinh của các trường từ Quảng Nam, Đà Nẵng (có giai đoạn là từ Quảng Trị) trở vào Nam; đối tượng đào tạo chủ yếu là học viên chính quy, tuyển từ nguồn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, đã trải qua sơ tuyển, đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn chính trị, thể chất, là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Thời điểm trúng tuyển, người học đồng thời được tuyển dụng vào lực lượng CAND, được hưởng chế độ lương/phụ cấp như sĩ quan/hạ sĩ quan CAND. Lưu lượng đào tạo, bồi dưỡng của các trường dao động trong khoảng 5.000 đến 10.000 học viên/trường/năm học.
- Đặc điểm tổ chức, hoạt động của các đảng bộ trường Công an nhân dân ở Thành phố Hồ Chí Minh:
Các đảng bộ trường CAND ở TPHCM là những tổ chức đảng có quy mô lớn trong Đảng bộ Công an Trung ương [114], chiếm 13,1% về số lượng đầu mối tổ chức cơ sở đảng và 10% số lượng đảng viên toàn Đảng bộ Công an Trung ương [113]. Trong quá trình phát triển từ năm 2003 đến năm 2020, các đảng bộ trường CAND ở TPHCM được phân cấp chính thức là tổ chức cơ sở
đảng. Đặc biệt, đối với Đảng bộ Trường Đại học ANND và Đảng bộ Trường Đại học CSND, trong thời gian các trường sáp nhập vào học viện/trường phía Bắc (từ năm 1989 đến năm 2003), thì các đảng bộ trường lại không sáp nhập.
Giai đoạn này, dù có tên là “Đảng bộ Cơ sở phía Nam” hoặc “Đảng bộ Phân hiệu” nhưng các đảng bộ này không phải là một bộ phận, không trực thuộc đảng bộ học viện/trường phía Bắc; đồng thời có con dấu riêng, tương đương về phân cấp và thẩm quyền với các đảng bộ cơ sở học viện/trường phía Bắc.
Do vậy, khi các trường đại học CAND ở TPHCM được Thủ tướng Chính phủ thành lập (năm 2003), thì các đảng bộ trường đại học hình thành trên cơ sở đổi tên từ đảng bộ phân hiệu, chứ không phải là thành lập mới.
Là các tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ Công an Trung ương, các đảng bộ trường CAND ở TPHCM đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng ủy Công an Trung ương, không thực hiện cơ chế song trùng lãnh đạo.
Giai đoạn Bộ Công an còn cấp tổng cục, các đảng bộ trường trực thuộc Đảng ủy Tổng cục Chính trị CAND (trước năm 2015 tên gọi là Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND), riêng giai đoạn 2002 - 2004 trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương. Từ sau năm 2018, hệ thống tổng cục thuộc Bộ Công an giải thể, các đảng bộ trường lại chuyển về trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương.
Về thẩm quyền cấp ủy, các đảng ủy cơ sở trường CAND ở TPHCM có quyền kết nạp và khai trừ đảng viên từ rất sớm, kế thừa các cấp ủy tiền thân, từ năm 1994 [96]. Là cấp ủy cơ sở CAND, các đảng ủy trường lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt công tác của đơn vị thuộc quyền. Do vậy, khi các trường CAND ở TPHCM chính thức trở thành cơ sở giáo dục đại học độc lập (năm 2003, đối với Trường Đại học ANND và Trường Đại học CSND) hoặc được giao nhiệm vụ đào tạo bậc trình độ mới trên khung trình độ quốc gia Việt Nam (năm 2012, đối với Trường Cao đẳng CSND II), đương nhiên dẫn đến nhiệm vụ chính trị của các đảng ủy trường cũng thay đổi có tính bước ngoặt.
Từ năm 2011, thực hiện chủ trương của Trung ương về “thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở” [9], sau khi được Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương giao quyền [99; 100], các đảng ủy trường đại học CAND ở TPHCM đã thiết lập hệ thống tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, thực chất là bắt đầu thí điểm mô hình tổ chức đảng cấp trên cơ sở ở đảng bộ cơ sở (riêng Trường Cao đẳng CSND II thực hiện sau các trường đại học 2 năm [103]). Kết quả của quá trình này là một trong những cơ sở thực tiễn để Đảng ủy Công an Trung ương chính thức công nhận các đảng bộ trường CAND ở TPHCM là đảng bộ cấp trên cơ sở [111; 112].
Trong cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, các đảng bộ trường CAND ở TPHCM tuân thủ nguyên tắc quan hệ giữa cấp ủy với thủ trưởng đơn vị là quan hệ lãnh đạo và phục tùng, qua đó đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của đảng bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Hệ thống các đảng bộ, chi bộ cơ sở được thiết lập đến các đơn vị giảng dạy, các đơn vị tham mưu, phục vụ, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc và trung đội sinh viên; đảm bảo không chỉ đảng viên mà toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học viên đều được thông tin, quán triệt đường lối lãnh đạo của Đảng trong công tác, học tập và chiến đấu.
Các đảng ủy trường có cơ quan chính trị làm nhiệm vụ tham mưu, phục vụ. Trước năm 2015, công tác Đảng do Phòng Xây dựng lực lượng thuộc trường đảm nhiệm. Từ năm 2015, chức năng này giao cho Phòng Công tác Đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng; từ năm 2020, do Phòng Chính trị phụ trách. Về các tổ chức quần chúng, các trường có Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và Công đoàn; không tổ chức Hội liên hiệp thanh niên và Hội sinh viên. Hoạt động của các tổ chức đoàn, hội đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các đảng ủy trường và sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của ban chấp hành tổ chức đoàn, hội cấp trên.