Chương 2 CÁC ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CÔNG AN NHÂN DÂN Ở THÀNH PHỐ
2.2.2. Các đảng bộ trường Công an nhân dân ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng từ năm 2003 đến năm 2011
2.2.2.1. Chỉ đạo thực hiện xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng
Đầu thế kỷ XXI, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, an ninh quốc gia Việt Nam đứng trước nhiều thử thách gay gắt, xảy ra biểu tình gây rối, bạo loạn lật đổ ở một số địa bàn chiến lược phía Nam vào các năm 2001, 2004.
Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng tại các trường CAND ở
TPHCM ngay từ khi trở thành cơ sở giáo dục đại học độc lập đã mang tính chiến đấu cao và là một phương thức lãnh đạo cơ bản của tổ chức cơ sở đảng.
Là hạt nhân chính trị tại cơ sở, cầu nối giữa Đảng và quần chúng, các đảng ủy trường trực tiếp chỉ đạo thực hiện xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng thông qua việc bảo đảm và phát huy tinh thần trách nhiệm của ban giám hiệu, cấp ủy chi bộ, lãnh đạo đơn vị, toàn thể đảng viên trong tuân thủ, thực hành nguyên tắc, chấp hành chỉ đạo của cấp trên gắn với tăng cường đoàn kết thống nhất nội bộ. Qua hoạt động sinh hoạt chính trị, đảng ủy và cấp ủy chi bộ trực thuộc chỉ đạo cơ quan, đoàn thể, đảng viên, cán bộ, giảng viên, học viên các trường quán triệt quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nắm bắt kịp thời tình hình trong nước, quốc tế, xác định đúng đắn và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao.
Để bảo đảm thông suốt, thống nhất nhận thức trong toàn đảng bộ, các đảng ủy trường CAND ở TPHCM đặc biệt quan tâm chỉ đạo ban giám hiệu, cấp ủy các chi bộ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn tăng cường tuyên truyền, triển khai rộng rãi việc học tập, quán triệt nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, nghị quyết các kỳ hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, các nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương và Hội nghị Công an toàn quốc. Thực hiện chủ trương của Đảng về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, ban thường vụ đảng ủy các trường CAND ở TPHCM đã chỉ đạo ban giám hiệu triển khai gắn nhiệm vụ đào tạo đại học với hoạt động huấn luyện lực lượng dự bị, sẵn sàng chiến đấu. Từ năm học 2003 - 2004, hiệu trưởng các trường đã quyết định điều động hàng nghìn lượt sinh viên đến thực tập tốt nghiệp tại địa bàn Tây Nguyên, trực tiếp tham gia hỗ trợ Công an địa phương trấn áp bạo loạn, góp phần giữ vững chính quyền nhân dân. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (tháng 4/2006), ngày 16/8/2006, Đảng ủy Công an Trung ương đã đề ra chương trình hành động thực hiện trong toàn lực lượng. Các đảng ủy trường CAND ở TPHCM đã xây dựng kế hoạch học
tập, quán triệt, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn các trường cụ thể hóa thành chương trình hành động tại từng đơn vị. Các đảng ủy trường tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, báo cáo để đảng viên nghiên cứu Nghị quyết, trong đó định hướng tập trung liên hệ, thực hiện các quan điểm của Trung ương, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương về “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là khâu then chốt, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới” [80]; “bổ sung cơ chế lãnh đạo của Đảng... đối với hoạt động quốc phòng, an ninh” [84].
Cuối nhiệm kỳ 2005 - 2010, các đảng bộ trường CAND ở TPHCM đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn phát động tuyên truyền, thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Qua đó đã góp phần thống nhất nhận thức trong toàn đảng bộ, cổ vũ, động viên đảng viên, cán bộ, giảng viên, học viên hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Từ tháng 4 đến tháng 7/2010, các đảng bộ trường CAND ở TPHCM hoàn thành việc tổ chức đại hội các chi bộ trực thuộc, triệu tập đại hội đảng bộ trường nhiệm kỳ 2010 - 2015, bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND lần thứ VIII, tổ chức tại Hà Nội trong tháng 8/2010. Từ ngày 14 đến ngày 16/10/2010, Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ V, nhiệm kỳ 2010 - 2015, được triệu tập, Nghị quyết Đại hội khẳng định tiếp tục xây dựng CAND “thực sự là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội” [68], chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng trong lực lượng CAND nhiệm kỳ 2010 - 2015 là “kiện toàn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với CAND và sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự” [68]. Các đảng ủy trường CAND ở TPHCM đã chỉ đạo cấp ủy cơ sở, thủ trưởng cơ quan, người đứng đầu Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên giáo; nâng cấp tổ tuyên huấn thành ban tuyên giáo trực thuộc đảng ủy và phát hành ấn phẩm “Thông tin nội bộ”, là tài liệu bắt buộc phổ biến trong
sinh hoạt chính trị và phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ huy. Thực hiện chủ trương nhân lực tại chỗ, các đảng ủy trường chỉ đạo cấp ủy cơ sở, thủ trưởng cơ quan, đoàn thể từng bước xây dựng đội ngũ báo cáo viên, trước hết từ nguồn cấp ủy viên, người đứng đầu Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn và các cơ quan, đơn vị. Đảng bộ Trường Trung cấp CSND II có nhiều sáng kiến trong phân công các đơn vị tham mưu công tác chính trị, tư tưởng: “từ tháng 8 đến ngày 20/11 hàng năm, cơ quan chính trị chịu trách nhiệm chính...;
từ cuối tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ chịu trách nhiệm chính...” [203, tr.101]. Với sự phân công rành mạch, rõ ràng đã nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị tổ chức, huy động được sự sáng tạo của tập thể, thu hút đông đảo quần chúng, góp phần nâng cao chất lượng của công tác chính trị, tư tưởng.
Hoạt động chỉ đạo thực hiện xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng còn được thể hiện rõ nét qua vai trò quyết định của ban thường vụ đảng ủy và đảng ủy cơ sở đối với công tác chuyên môn của các trường CAND ở TPHCM. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2003 - 2005, Ban Thường vụ Đảng ủy Trường Đại học ANND, Trường Đại học CSND đã tập trung chỉ đạo Ban Giám hiệu triển khai nhanh chóng việc tiếp nhận nhiệm vụ đào tạo đại học, xác định trọng tâm là đào tạo cán bộ Công an chính quy cho các địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Trong các năm học 2003 - 2004, 2004 - 2005, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy cơ sở, dựa trên chương trình khung của Bộ Công an, các trường đã hoàn thành việc xây dựng, ban hành chương trình đào tạo, đề cương chi tiết học phần, môn học cho từng hệ, loại đối tượng được giao đào tạo. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn đẩy mạnh phong trào thi đua dạy giỏi, học tốt trong đoàn viên, hội viên. Nhiều chuyên đề, bài học được biên soạn mới, đi sâu làm rõ “những nét mới và những vấn đề mang tính đặc thù của công tác công an ở các tỉnh, thành phía Nam” [79].
Quán triệt Đề án số 1252/2006/ĐA-BCA ngày 17/7/2006 của Bộ Công an “về tăng cường đổi mới giáo dục, đào tạo trong CAND giai đoạn 2006 - 2020” [26], trong năm 2006, các đảng ủy trường CAND ở TPHCM đã ban hành đề án tăng cường, đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2006 - 2020.
Đảng ủy Trường Đại học ANND cụ thể hóa các chỉ tiêu, biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong nghị quyết lãnh đạo xây dựng và thực hiện chương trình công tác năm học. Đảng ủy Trường Đại học CSND ban hành Nghị quyết số 171-NQ/ĐU ngày 06/6/2008 “về nâng cao chất lượng dạy học giai đoạn 2008 - 2013” [121], vạch ra những định hướng có tính chiến lược, chỉ đạo công tác chuyên môn theo hướng chuẩn bị điều kiện cho việc mở rộng quy mô và tiếp nhận nhiệm vụ đào tạo các bậc học cao hơn. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường CAND ở TPHCM được Bộ Công an ấn định liên tục tăng qua các năm, ổn định ở mức trên 1.600 chỉ tiêu/năm học đối với Trường Đại học ANND và khoảng 2.900 chỉ tiêu/năm học đối với Trường Đại học CSND;
trong đó chiếm 85% là đào tạo trình độ đại học, còn lại là các hệ bồi dưỡng khác. Trong giai đoạn này, các trường đại học CAND ở TPHCM đều cấp bằng Cử nhân Luật, chuyên ngành Điều tra tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc Điều tra tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đào tạo đại học, các đảng ủy trường CAND ở TPHCM đặc biệt quan tâm và tập trung chỉ đạo ban giám hiệu, thủ trưởng các đơn vị chức năng chuẩn bị, triển khai các điều kiện đào tạo sau đại học. Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, các trường đại học CAND ở TPHCM đã có những bước phát triển nhanh chóng. Ngày 07/01/2005, Trường Đại học ANND được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ [175], với 2 chuyên ngành Điều tra tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và Quản lý nhà nước về an ninh quốc gia [47]. Đến ngày 20/01/2006, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao cho Trường Đại học CSND [176] nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ Luật, chuyên ngành Tội phạm học và Điều tra tội phạm. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn,
nâng tầm các cơ sở giáo dục đại học CAND phía Nam, trong ngày 25/12/2006, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành hai quyết định “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy” của Trường Đại học ANND [27] và Trường Đại học CSND [28], thay thế cho các quyết định năm 2003. Theo đó, các trường đại học CAND ở TPHCM được bổ sung thêm hai nhiệm vụ quan trọng là đào tạo cán bộ CAND “có trình độ sau đại học,… và thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo theo kế hoạch của Bộ” [27; 28]. Ngày 24/12/2010, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép Trường Đại học ANND đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Điều tra tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia [48]. Đến ngày 05/7/2011, Trường Đại học CSND được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo tiến sĩ Tội phạm học và Điều tra tội phạm [50]. Như vậy, kết thúc nhiệm kỳ 2005 - 2010, các đảng bộ trường đã hoàn thành mục tiêu mà nghị quyết đại hội đề ra, với việc tiếp nhận đầy đủ nhiệm vụ đào tạo cả ba trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Điều này đã đặt nền móng quan trọng, góp phần khẳng định vị thế, tạo điều kiện mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học CAND ở TPHCM trong giai đoạn sau này.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, ban thường vụ đảng ủy các trường đã chỉ đạo thủ trưởng các khoa/bộ môn gắn nội dung giảng dạy với phong trào thi đua dạy giỏi, thao diễn sư phạm và nhân rộng bài giảng điển hình tiên tiến.
Giáo án của từng giảng viên được xét duyệt bởi cấp ủy, lãnh đạo khoa/bộ môn trước khi đưa vào giảng dạy, qua đó lựa chọn những bài giảng hay, các giảng viên triển vọng tham dự hội thi dạy giỏi cấp trường, hội giảng của Bộ Công an. Qua hai nhiệm kỳ 2003 - 2005, 2005 - 2010, các đảng ủy trường đã lãnh đạo đẩy mạnh phong trào dạy giỏi, Trường Đại học ANND có 63 lượt giảng viên thực hiện bài thao diễn sư phạm cấp trường, cử 10 giảng viên tham gia hội giảng của Bộ Công an đạt thành tích cao [79; 80]; Trường Đại học CSND có 12 lượt giảng viên được công nhận giảng viên giỏi cấp Bộ, 117 lượt giảng
viên được công nhận giảng viên giỏi cấp Trường [83; 84]. Phong trào thi đua dạy giỏi đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo. Kết quả phân loại học tập, rèn luyện hàng năm cho thấy số học viên đạt loại loại giỏi, loại khá năm sau cao hơn năm trước.
Thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập, mở rộng hợp tác nghiên cứu, chương trình hành động toàn khóa nhiệm kỳ 2005 - 2010 của các đảng ủy trường đại học CAND ở TPHCM cũng đặt ra mục tiêu phát hành tạp chí khoa học. Phục tùng quyết nghị của đảng ủy, ban giám hiệu các trường đã ưu tiên nguồn lực chuẩn bị, thực hiện các thủ tục xin cấp phép xuất bản tạp chí. Ngày 10/7/2006, Trường Đại học ANND được Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép phát hành Tạp chí Khoa học và Giáo dục An ninh [57], trở thành một trong những trường CAND đầu tiên có tạp chí khoa học riêng được cấp phép xuất bản. Đến ngày 12/9/2008, Trường Đại học CSND được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép ấn hành Tạp chí Khoa học giáo dục CSND [56]. Các tạp chí này đều hình thành, phát triển từ nội san của các trường, giai đoạn đầu triển khai xuất bản 4 số/năm, đến 2011 được tăng số xuất bản (từ 6 đến 12 số/năm) và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp mã số chuẩn quốc tế ISSN. Các tạp chí Khoa học và Giáo dục An ninh, Khoa học giáo dục CSND sau khi ra đời đã nhanh chóng khẳng định vị trí không chỉ là cơ quan thông tin, lý luận chính trị, nghiệp vụ của các trường CAND ở TPHCM, mà còn là diễn đàn khoa học công an, địa chỉ trao đổi, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của CAND các tỉnh, thành phố phía Nam và là nơi công bố khoa học chủ yếu của đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học các trường CAND phía Nam.
Các đảng ủy trường đều xác định nghiên cứu khoa học là chức năng đặc trưng, cơ bản của cơ sở giáo dục đại học, là nhiệm vụ tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và được cụ thể hóa trong “Chương trình nghiên cứu khoa học” của các đảng ủy trường, ban hành theo từng nhiệm kỳ. Bên cạnh
nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học theo tiêu chuẩn quy định, các đảng ủy trường đại học CAND ở TPHCM đã chỉ đạo hỗ trợ cán bộ, giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học thông qua các hình thức thi đua khen thưởng chuyên đề. Qua đó, bước đầu đã đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học các cấp, đã xuất hiện những công trình giá trị, góp phần làm sáng tỏ thực trạng, chiến lược, quy luật của công tác bảo đảm an ninh, trật tự các địa bàn chiến lược phía Nam. Đến hết năm 2010, Trường Đại học ANND có 31 nhiệm vụ khoa học (gồm 6 đề tài cấp Bộ, 25 đề tài cấp cơ sở) và 8 sáng kiến cải tiến cấp trường được nghiệm thu [80]; Trường Đại học CSND có 22 đề tài khoa học cấp Bộ và 54 đề tài cấp cơ sở được hội đồng khoa học các cấp thẩm định, phê duyệt đưa vào sử dụng [84]. Hàng năm, các trường CAND ở TPHCM có hàng nghìn lượt học viên tham dự cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, chuyên đề sinh viên giỏi cấp trường và hàng trăm đề tài sinh viên xuất sắc được lựa chọn dự thi, đạt giải trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TPHCM tổ chức.
Trước năm 2012, Trường Cao đẳng CSND II chưa được thành lập, tiền thân lúc này là Trường Trung cấp CSND II, được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ trung cấp CSND cho Công an các tỉnh, thành phố phía Nam.
Đảng ủy cơ sở Trường Trung cấp CSND II lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị theo nhiệm kỳ và năm học, trên cơ sở đó “ban hành Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ hàng tháng” [203, tr.104]. Đến hết năm 2011, Trường đảm nhiệm 08 chuyên ngành trung cấp CSND và đào tạo Trưởng Công an xã.
Để phục vụ nhiệm vụ đào tạo, Đảng ủy Trường chỉ đạo biên soạn 734 giáo trình, tài liệu, trong đó có 89 giáo trình môn học, 152 giáo trình bài học [203, tr.124], đảm bảo 100% học phần có tài liệu dạy học. Từ năm học 2009 - 2010, Trường bắt đầu biên soạn, lưu hành theo quý nội san Khoa học giáo dục. Số lượng giáo viên đạt thành tích dạy giỏi không ngừng nâng lên, số lượng đề tài
được nghiệm thu tăng dần, đã có 13 đề tài cấp Bộ, 48 đề tài cấp cơ sở được nghiệm thu [203, tr.125]. Đảng ủy Trường tích cực tranh thủ sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an để mở rộng diện tích đất và công trình phục vụ đào tạo.
Đến năm 2011, quy mô đào tạo của Trường là 4.000 học viên, Trường có trụ sở chính ở quận Thủ Đức, cơ sở 2 đặt tại Quận 9, TPHCM. Kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Trường đã chuẩn bị những nền tảng quan trọng để thành lập Trường Cao đẳng CSND II vào năm 2012.
Trong giai đoạn đầu đảm đương vai trò lãnh đạo cơ sở giáo dục độc lập, các đảng bộ trường CAND ở TPHCM không tránh khỏi một số tồn tại trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Báo cáo tự đánh giá để đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục của Trường Đại học ANND, Trường Đại học CSND nêu rõ: “Việc xây dựng lịch trình, chương trình chủ yếu bằng phương pháp thủ công”; “chưa chủ động trong hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo” [190;
197]. Về công tác nghiên cứu khoa học, “các đề tài mặc dù nghiên cứu tổng kết thực tiễn nhưng việc tổ chức ứng dụng trong thực tiễn chưa nhiều”; “một số đề tài khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở chưa đảm bảo tiến độ” [190; 197]. Đặc biệt, “chưa có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp” với các đơn vị thực tiễn để chuyển giao kết quả nghiên cứu. Trong chỉ đạo hoạt động đào tạo, có tình trạng chậm cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo do “chương trình đào tạo của ngành Công an hầu hết được xây dựng theo chương trình khung đã được ấn định nên việc tham khảo các chương trình đào tạo khác, nhất là chương trình đào tạo của các trường ngoài ngành hoặc trên thế giới hạn chế và hầu như không có” [190; 197]. Việc vận hành hoạt động của các trường hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách Nhà nước, nhưng “việc tiếp nhận có lúc chậm; với mức kinh phí phê duyệt là còn thấp so với thực tế hoạt động”, dẫn đến việc “đầu tư trang thiết bị, phương tiện dạy học, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác chưa đồng bộ, đây là tồn tại rất cần được khắc phục nhưng việc khắc phục vẫn còn chậm” [190; 197].