CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC KẾ TOÁN THU CHI NGÂN SÁCH TẠI KHO BẠC NHÀ NƯỚC HUYỆN BỐ TRẠCH
2.4. Đánh giá chung về tình hình thu chi NSNN và công tác kế toán thu chi NSNN tại KBNN huyện Bố Trạch
2.4.1. Ưu điểm.
+ Nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ tin học, ngành Kho bạc Nhà nước đã có một chương trình kế toán Kho bạc tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hạch toán kế toán nói chung và kế toán thu ngân sách nói riêng.
+ Bộ phận kế toán về cơ bản đã thực hiện công tác kế toán thu ngân sách theo đúng quy định và chế độ kế toán ngân sách và nghiệp vụ kho bạc nhà nước cho các khoản thu vào và tiến hành phân chia (điều tiết) cho các cấp ngân sách được hưởng, phối hợp với cơ quan thu trong quá trình thu ngân sách. Định kỳ tiến hành đối chiếu số liệu với cơ quan thu trên địa bàn theo đúng quy định.
+ Bộ phận kế toán chi ngân sách đã phối hợp tương đối tốt với bộ phận thanh toán vốn và bộ phận thanh toán trái phiếu trong việc hạch toán và kiểm soát chi ngân sách. Định kỳ bộ phận kế toán chi tiến hành đối chiếu với cơ quan Tài Chính trên địa bàn và các đơn vị sử dụng ngân sách liên quan.
+ Qua 3 năm 2005 - 2007 kế toán chi ngân sách Kho bạc Nhà nước Bố Trạch đã từ chối thanh toán 350 món sai chế độ làm lợi cho Nhà nước hàng tỷ đồng.
2.4.2. Tồn tại.
+ Chứng từ sử dụng để hạch toán khoản chi ngân sách xã chưa hợp lý.
+ Việc in sổ sách quá nhiều trong ngày là không cần thiết.
+ Phân công công việc trong bộ máy kế toán chưa hợp lý.
+ Việc hạch toán, định khoản vào chứng từ còn sai, nhầm lẫn giữa mục lục ngân sách với nhau, việc điều tiết các khoản thu không đúng mã điều tiết gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác thu ngân sách và phải điều chỉnh nhiều lần.
Vì vậy việc tìm ra những giải pháp để ngày càng hoàn thiện hơn công tác kế toán nói chung và công tác kế toán thu chi ngân sách nói riêng là mối quan tâm hàng đầu không những ở KBNN huyện Bố Trạch, mà còn là mối quan tâm của lãnh đạo ngành KBNN Việt Nam.
CHƯƠNG III
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC KẾ TOÁN THU CHI NSNN TẠI KHO BẠC
NHÀ NƯỚC HUYỆN BỐ TRẠCH
Đề xuất 1: Về chứng từ, sổ sách kế toán:
+ Chứng từ chi ngân sách xã nên áp dụng như đối với các đơn vị dự toán khác, nghĩa là dùng giấy rút dự toán kiêm lĩnh tiền mặt, chuyển khoản để thống nhất về mặt mẫu biểu vì xã cũng là một đơn vị dự toán mà chi bằng lệnh chi tiền tức là không kiểm soát chi là mâu thuẫn với quy định.
+ Về sổ kế toán: Hàng ngày chỉ cần in 2 loại sổ: Đó là sổ chi tiết tiền mặt và sổ chi tiết tiền gửi ngân hàng để đối chiếu, không cần in bất kỳ một loại sổ nào hàng ngày vì đã có chương trình tin học kiểm tra số dư của từng tài khoản. Cuối tháng in sổ chi tiết của các tài khoản không mang tính chất thu, chi ngân sách, các tài khoản mang tính chất thu, chi ngân sách không phải in vì các tài khoản này đã in ở phần báo cáo ngày và báo cáo tháng.
Đề xuất 2: Về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy kế toán :
Cần có những văn bản cụ thể hơn về việc phân công nhiệm vụ giữa các bộ phận trong Kho bạc Nhà nước Huyện cho phù hợp vơí thực tế khách quan. Cụ thể những công việc như:
+ Thu phạt: Cần giao cho bộ phận bảo vệ thực hiện, vì bảo vệ trực cơ quan 24/24h trong ngày, có thể thu được bất cứ thời gian nào khi đối tượng bị phạt nộp phạt. Đồng thời giảm bớt khối lượng công tác cho bộ phận kế toán thu ngân sách.
+ Công tác quản lý chi tiêu nội bộ cần tách ra khỏi bộ phận kế toán ngân sách Nhà nước, để đảm bảo kế toán mang tính chuyên nghiệp hơn, không chồng chéo công việc lẫn nhau vì nếu một kế toán viên vừa đảm nhiệm 2 chức năng là kế toán ngân sách và kế toán chi tiêu nội bộ thì dễ dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ vì hai lĩnh vực này đều thực hiện công tác báo cáo cùng một lúc.
+ Về công tác quản lý và khai thác các chương trình tin học: Có 2 phương án mà bản thân cho là phù hợp, đó là:
-Tách công tác này ra khỏi bộ phận kế toán bằng cách chuyển công tác này cho bộ phận kế hoạch phụ trách vì bộ phận này có khối lượng công việc tương đối ít.
- Nếu không tách ra thì cần kết hợp giao công tác này cho kế toán trưởng đảm nhiệm. Vì theo quy định điều 18 quyết định 130/2003/QĐ-BTC của Bộ Tài chính thì kế toán trưởng không được phép giao dịch với khách hàng. Các công việc còn lại không quy định nghĩa là kế toán trưởng làm được. Nhưng kế toán trưởng thường chỉ làm công tác kiểm tra, kiểm soát các công việc còn lại do các nhân viên kế toán đảm nhận.
Đề xuất 3: Về nhân sự và chế độ đãi ngộ:
Để tránh tình trạng kế toán viên nhầm lần, sai sót trong quá trình hạch toán kế toán, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước các cấp cần quan tâm hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng bộ máy kế toán, cụ thể :
+ Thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn nghiệp vụ kế toán, bồi dưỡng kiến thức về luật ngân sách Nhà nước và các nghị định liên quan đến ngân sách Nhà nước. Bồi dưỡng các kiến thức về tin học, tài chính. . . vì cán bộ kế toán Kho bạc Nhà nước huyện rất yếu về mặt này. Tiếp tục đào tạo và đào tạo lại đội ngũ kế toán để chuẩn hoá đội ngủ này bắt buộc 100% phải có trình độ đại học chuyên ngành kế toán mới đảm đương được nhiệm vụ ngày càng nặng nề của Kho bạc Nhà nước.
+ Có chế độ đãi ngộ thích hợp với những người làm công tác kế toán, hiện nay ở ngành Kho bạc Nhà nước hầu như không có chế độ đãi ngộ cho đội ngũ kế toán.
Điều này không kích thích được tinh thần làm việc tạo của anh chị em kế toán.