3.3.1 Quản lý vùng nuôi
Công tác quản lý vùng nuôi đươc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và sự phối hợp từ Sở ban ngành xuống địa phương.
- Thực hiện Quyết định 176/QĐ-BTS ngày 1/3/2006 của Bộ Thủy sản về việc ban hành quy định tạm thời đối với tôm thẻ chân trắng. Sở Thủy sản(cũ) đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 15/7/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định quản lý đối với tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó quy định đối với những cơ sở sản xuất kinh doanh giống tôm thẻ chân trắng và cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Không cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nuôi tôm sú.
Thực hiện nghiêm Quyết định của Bộ Thủy sản và UBND tỉnh, năm 2007 Chi cục BVNL Thủy sản đã phối hợp với Thanh tra thủy sản, chính quyền địa phương, Chi cục BVNL thủy sản tiến hành kiểm tra và xử lý một số cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng không đáp ứng đúng các quy định theo quyết định số 22/2007/QĐ-UBND.
- Từ năm 2008, thực hiện Quyết định số 456/QĐ –BNN-NTTS ngày 4/2/2008 của Bộ Nông nghiệp&PTNT về điều kiện sản xuất giống và nuôi tôm thẻ chân trắng. Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy (trước thời điểm 1/4/2009) Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An(từ sau 1/4/2009) sản phối hợp với địa phương; TT Khuyến ngư hướng dẫn các cơ sở
nuôi tôm thẻ chân trắng phải đảm bảo đúng các yêu cầu quy định, tránh để tôm thoát ra môi trường nước xung quanh, tách biệt với các đầm nuôi tôm sú [12].
- Năm 2010 UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 18/2010/QĐ –UBND ngày 9 tháng 2 năm 2010 về việc ban hành quy chế quản lý vùng nuôi và cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chi cục nuôi trồng thủy sản định kỳ 2 lần/tháng và đột xuất tiến hành kiểm tra, kiểm soát vùng nuôi và vùng sản xuất giống. Khi có vùng dịch xảy ra Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã phối hợp với Chi cục Thú y, phòng Nông nghịêp kiểm tra và hướng dẫn xử lý dịch bệnh khi xảy ra, bằng cách dùng vôi (5-7 tấn/ha) hoặc Clorine(30ppm), sau thời gian 7-10 ngày mới được phép xả ra ngoài môi trường. Dù đã có chính sách hỗ trợ hóa chất xử lý những đầm nuôi tôm bị bệnh đốm trắng, những việc hỗ trợ vẫn chưa kịp thời và đầy đủ, nên không xử lý triệt những ao nuôi bị bệnh, dẫn tới việc kiểm sóat dịch bệnh trong môi trường không hiệu quả.
3.3.2. Quản lý con giống.
Tôm bố mẹ và tôm giống trước khi đưa vào sản xuất đều được kiểm tra, kiêm định, kiểm dịch chất lượng. Khi phát hiện tôm bị bệnh virus đốm trắng và Taura…đều bị xử lý hủy bỏ.
Thực hiện Quyết định 176/QĐ-BTS ngày 1/3/2006 của Bộ Thủy sản về việc ban hành quy định tạm thời đối với tôm thẻ chân trắng và Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 15/7/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định quản lý đối với tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Quy định không được phép sản xuất giống chân trắng trong vùng quy hoạch sản xuất giống tôm sú. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu con giống của địa phương, năm 2008 Chi cục BVNL Thủy sản đã kiểm tra và cho phép 1 cơ sở (CP) ương giống tôm thẻ chân trắng trên địa bàn. Yêu cầu cơ sở thực hiện nghiêm tục Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 15/7/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh và phải kiểm soát được tình hình sản xuất không làm thất thoát tôm ra môi trường, có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo xử lý tốt, thực hiện công tác kiểm dịch con giống trước lúc xuất bán(kiểm tra MBV, vi rút đốm trắng, Tau ra).
- Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 4/2/2008 của Bộ Nông nghiệp&PTNT về điều kiện sản xuất giống và nuôi tôm thẻ chân trắng được ban hành, đã nới lỏng điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm thẻ chân trắng. Ngày 6/8/2009 Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã ban hành Quyết định số 85/2008/QĐ-BNN về quản lý sản xuất kinh doanh
giống thủy sản là những văn bản pháp lý giúp cho việc quản lý cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng cũng như nuôi tôm thẻ chân trắng tốt hơn [12].
Đầu năm 2010, Tổ kiểm định TP.Vinh được Cục Thú y kiểm tra và công nhận là phòng thí nghiệm có đủ năng lực chẩn đoán xét nghiệm bệnh do vi rút Đốm trắng trên tôm bằng phương pháp PCR sử dụng kít IQ2000WSSV. Do đó, công tác kiểm tra chất lượng tôm bố mẹ, tôm giống, tôm nuôi có nhiều thuận lợi. Nên tôm bố mẹ, tôm giống trước khi đưa vào sản xuất được kiểm định, kiểm dịch.
3.3.3. Quản lý thức ăn, môi trường
- Hàng tháng Chi cục nuôi trồng thủy sản phối hợp với địa phương kiểm tra vùng nuôi, lấy mẫu quan trắc môi trường và thông báo kết quả cho các huyện, xã, người nuôi biết tình hình mầm bệnh trong môi trường.
- Thực hiện tốt chế độ kiểm tra điều kiện kinh doanh của các cơ sở thức ăn, chế phẩm sinh học nên hạn chế được các sản phẩm thức ăn, chế phẩm sinh học kém chất lượng đưa vào lưu hành trên thị trường, bảo vệ quyền lợi cho người nuôi. Cùng với việc kiểm tra, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường và cấm sử dụng các loại kháng sinh được tiến hành thường xuyên và có hiệu quả, các cơ sở sản xuất giống, đại lý kinh doanh thức ăn và chế phẩm sinh học đều niêm yết danh sách các loại kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng, qua đó ý thức người nuôi được nâng cao.
- Chi cục nuôi trồng cũng đã phối hợp với Trung tâm Vùng 1 lấy mẫu thức ăn kiểm tra dư lượng kháng sinh cấm, kết quả không phát hiện dư lượng kháng sinh cấm trong các mẫu thức ăn [12].
3.4. Những khó khăn trong nghề nuôi tôm thẻ chân trắng.
- Nguồn nhân lực: Hiện nay những người có trình độ chuyên môn tham gia vào nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi thẻ chân trắng nói riêng là rất ít.
- Con giống: Vấn đề chất lượng giống là một trong những nguyên nhân chính tác động đến năng suất, chất lượng tôm thịt sau này. Hiện nay con giống sản xuất và dịch vụ trên địa bàn tỉnh có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng mới chỉ đáp ứng được 2/3 diện tích, số diện tích còn lại chủ yếu bắt từ các dịch vụ khác trong các tỉnh phía nam không có quá trình ương gièo để tôm giống thích nghi điều kiện môi trường dẫn đến chất lượng kém.
- Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi mới nên trình độ kỹ thuật của người dân còn thiếu chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm từ nuôi tôm sú. Qua điều tra 120 hộ nuôi thì có 65 hộ nuôi (54,2%) bảo thiếu kỹ thuật.
- Tình hình dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra.
- Thiếu vốn sản xuất: nhiều hộ nói rằng muốn chuyển đổi hình thức nuôi nhưng do gặp khó khăn về vốn nên họ không thể chuyển đổi được. Trong 120 hộ điều tra thì có 50 hộ nuôi (39,2%) khó khăn về vốn để đầu tư sản xuất.
- Quy hoạch vùng nuôi: hiện nay chưa quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng cụ thể cho từng địa phương.
- Trong công tác quản lý:
+ Một số cơ sở chưa tuân thủ công tác khai báo kiểm tra, kiểm dịch, kiểm định chất lượng con giống trước khi xuất bán. Bên cạnh những cơ sở ương giống tôm chân trắng trên địa bàn đã được kiểm tra về điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thì một số hộ nuôi tự ý đi mua ngoài, nên không kiểm sóat được nguồn giống đưa về.
+ Chức năng nhiệm vụ về kiểm định, kiểm dịch con giống có sự chồng chéo giữa Chi cục thú y và Chi cục nuôi trồng thủy sản; chức năng Kiểm định chất lượng giống và sản phẩm nuôi trồng giữa Chi Nuôi trồng thủy sản và phòng Quản lý chất lượng của Sở Nông nghiệp. Vì vậy, có sự hạn chế trong việc quản lý trong sản xuất kinh doanh giống và nuôi trồng thủy sản.
+ Cơ cấu tổ chức từ Trung ương đến địa phương có sự sắp xếp lại dẫn đến ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo sản xuất.
3.5. Cơ hội và thách thức đối với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn hiện nay. hiện nay.
3.5.1 Cơ hội.
- Hiện nay và cả tương lai, nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản luôn luôn tăng đã tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Mặt hàng xuất khẩu thủy sản Việt Nam ngày càng được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới.
- Tỉnh đã và đang có chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tạo ra thị trường xuất khẩu.
- Tỉnh có chính sách thu hút nhân tài đặc biệt các ngành kinh tế mũi nhọn, có chính sách đào tạo và nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác kỹ thuật.
3.5.2 Thách thức.
Nghề nuôi tôm nói chung và nghề nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức, ảnh hưởng đến tính bền vững.
- Các tác động kinh tế, xã hội, môi trường của ngành nuôi tôm và gần đây các vấn đề về rào cản chất lượng sản phẩm và tranh chấp thương mại giữa các nước xuất khẩu và nhập khẩu. Việc chuyển đổi quá nhanh một số diện tích ruộng lúa, ruộng muối năng suât thấp và đất hoang hóa ven biển sang nuôi tôm, đặc biệt là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ngày càng tăng một cách nhanh chóng kéo theo một loạt các vấn đề bất cập như: về cung ứng vốn đầu tư, giống, quản lý môi trường, kiểm soát dịch bệnh, quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng.
- Thị trường tiêu thụ từ khâu sản xuất đến khâu chế biến tiêu thụ chưa được thiết lập chặt chẽ.
3.6. Định hướng phát triển
Tôm thẻ chân trắng được coi là một trong những đối tượng nuôi chủ lực hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đẩy mạnh nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh, khai thác hợp lý tiềm năng diện tích sẳn có, bên cạnh đó vẩn đảm bảo phát triển nuôi bền vững.
Mục tiêu đến năm 2015 diện tích nuôi tôm TC&BTC đạt 1.500 ha trong, sản lượng đạt 15.000 tấn.
3.7.Các giải pháp phát triển. 3.7.1. Giải pháp kỹ thuật.
- Con giống:
Tôm giống trước khi thả nuôi cần kiểm tra, xét nghiệm các loại virus gây bệnh như: WSSV, MBV, TSV... Tôm giống phải có chất lượng tốt, không bị nhiễm bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm định, kiểm dịch.
- Tuân thủ lịch mùa vụ thả giống theo thông báo của ngành.
Đối với những vùng nuôi cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, khả năng giữ nước ao nuôi thấp, đáy ao quá nhiều bùn nên nuôi 1 vụ chính trong năm. Thời gian còn lại nên nuôi
các đối tượng khác như cá, cua ... để cải thiện môi trường và hạn chế rủi ro. Những hộ có công trình ao nuôi đảm bảo, khả năng quản lý và đầu tư thiết bị phù hợp có thể nuôi 2 vụ/năm, tuy nhiên phải đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
- Hình thức nuôi: Chuyển hình thức nuôi Quảng canh cải tiến sang hình thức nuôi bán thâm canh và thâm canh.
- Thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp kỹ thuật như: Việc cải tạo, diệt tạp trước và sau các vụ nuôi; Xử lý nước trước khi đưa vào nuôi thường xuyên theo dõi, giám sát tình trạng tôm nuôi và biến động của các yếu tố môi trường trong ao nuôi để đưa ra các biện pháp kỹ thuật cho phù hợp.
+ Trong quá trình cải tạo ao nuôi, các hộ trong khu vực có chung hệ thống cấp và tiêu nước thì nên nạo vét kênh mương để tăng khả năng cấp thoát nước cho ao nuôi. Những vùng này cần tiến hành cải tạo ao, lấy nước và thả tôm giống đồng loạt để hạn chế ô nhiễm môi trường nước do quá trình cải tạo ao gây ra.
+ Người nuôi khi phát hiện tôm bị bệnh người nuôi cần phải báo ngay cho các hộ nuôi xung quanh, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn gần nhất để được hướng dẫn biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời, tránh hiện tượng lây lan dịch bệnh xảy ra trong vùng. Tuyệt đối không được xả nước chưa qua xử lý hoặc tôm chết ra môi trường, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Không dùng các loại hóa chất và kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi tôm do Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định.
+ Nước thải từ nuôi tôm BTC trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn theo qui định nhằm tránh lây lan mầm bệnh
+ Cơ sở nuôi tôm TC&BTC cần đầu tư hệ thống máy bơm nhằm chủ động việc cấp nước, xử lý nước thải trong suốt quá trình nuôi, cần phải đầu tư một số thiết bị kiểm tra cơ bản các yếu tố: Nhiệt độ, độ mặn, pH và Ôxy hoà tan. Cần xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ các yếu tố môi trường thông qua sử dụng các thiết bị, máy móc đo các thông số. Không sử dụng sử dụng phương pháp cảm quan trong kiểm tra môi trường.
- Quản lý thức ăn: Qua điều tra hệ số chuyển đổi thức ăn trong nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn là rất cao. Do vậy, để giảm chi phí giá thành sản sản xuất cần có biện pháp quản lý thức ăn tốt.
+ Chọn thức ăn chất lượng tốt: chọn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với các giai đoạn phát triển của tôm. Tuyệt đối không sử dụng thức ăn không rõ nguồn gốc, bao bì rách, vón cục, quá hạn sử dụng. Nên dùng một hãng thức ăn trong suốt vụ nuôi, nếu có sự thay đổi thì phải có thời gian làm quen cho tôm thích ứng với thức ăn mới.
+ Cách cho ăn: Chia thức ăn trong ngày ra nhiều bữa 3-4 bữa, cho ăn theo giờ cố định trong ngày, tránh cho tôm ăn vào thời gian môi trường không thuận lợi (từ 12 – 4 giờ sáng vì thời điểm này hàm lượng oxy trong ao thấp.
+ Thường xuyên kiểm tra, xác định khối lượng của tôm trong ao nuôi.
Sử dụng sàng ăn: để kiểm tra tôm ăn mỗi ha ao nuôi nên đặt 6 – 8 sàng ăn hoặc có thể nhiều hơn nếu cần thiết kích thước mỗi sàng 0,8 x 0,8, sàng đặt quanh bờ ao và cách bờ ao 1m. Cho thức ăn vào sàng khi đã cho tôm ăn xong, nếu cho thức ăn vào sàng trước, tôm tập trung ăn hết thức ăn trong sàng gây khó khăn cho việc theo dõi và điều chỉnh thức ăn. Thời gian kiểm tra sàng phụ thuộc vào tuổi và kích cỡ của tôm nuôi, thường 2-2,5 giờ sau cho ăn đối tôm nhỏ, 1,5 – 2 giờ đối với tôm lớn. Quan sát lượng thức ăn tại thời điểm kiểm tra còn khoảng 7 -10 % lượng thức ăn cho vào sàng là được. Thông thường nếu cho ăn thiếu, tôm sẽ tập trung vào sàng đông, tôm lớn vào sàng nhiều do lượng thức ăn cho bên ngoài không đủ [1].
Chài tôm: để kiểm tra tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm từ đó có biện pháp điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Mỗi ao chài từ 4 đến 8 các vị trí nên cố định các cho các lần chài sau. Chú ý tôm thẻ chân trắng rất nhạy cảm với môi trường nên không chài tôm khi trời nắng nóng.
+ Theo dõi màu nước: nếu màu nước ngày càng sậm hơn, báo hiệu thức ăn đang dư, cần giảm thức ăn cho các bữa vào hôm sau và chài kiểm tra lại.