Đánh giá tình hình dòng vốn đầu tư trong nước trên Thị trường chứng

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 39 - 95)

chứng khoán niêm yết Việt Nam

2.3.1. Vai trò của dòng vốn đầu tư trong nước trên Thị trường chứng khoán Việt Nam

Với vai trò là một kênh đầu tư, TTCK có nhiệm vụ thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong dân cư chuyển sang vốn dài hạn cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong đó, số vốn đầu tư có nguồn gốc trong nước luôn chiếm một tỷ lệ chi phối trong tổng vốn điều lệ của doanh nghiệp do quy định hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo Quyết định 238/2005/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/2/2005. Theo đó, riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh

vực tài chính – ngân hàng, vì lý do an toàn của cả hệ thống tài chính nên nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 30%, còn các doanh nghiệp khác tỷ lệ room nước ngoài là 49% tổng vốn điều lệ. Điều đó chứng tỏ dòng vốn đầu tư trong nước vẫn đóng vai trò quyết định khả năng thành công của các đợt huy động vốn của doanh nghiệp từ TTCK.

Mở rộng hơn đối với xã hội, TTCK tuy cũng là một kênh đầu tư như các kênh vàng hay ngoại tệ nhưng về bản chất thì hoàn toàn khác. Nếu như vàng và ngoại tệ là những kênh mang tính chất đầu cơ cao, dòng vốn bỏ vào đó chỉ nhằm mục đích chờ sự biến động của giá cả để ăn chênh lệch, không mang lại lợi ích cho xã hội thì TTCK, bên cạnh một số nhà đầu tư ngắn hạn có cùng mục đích như trên thì vẫn còn tồn tại một bộ phận nhà đầu tư đúng nghĩa. Đó có thể là những tổ chức hay cá nhân luôn tìm kiếm những cổ phiếu của các doanh nghiệp lành mạnh hoặc có tiềm năng phát triển, thực hiện góp vốn đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp. Từ đó các doanh nghiệp có triển vọng tốt sẽ có được nguồn vốn cần thiết để tiếp tục phát triển, nhà đầu tư sẽ thu được lợi nhuận phần nhiều từ chính lợi nhuận và giá trị tăng thêm của doanh nghiệp chứ không phải từ việc hưởng chênh lệch giá của cổ phiếu trên thị trường. Và tất nhiên điều đó sẽ góp phần một cách tích cực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, bởi trong một nền kinh tế mà các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả lại nhận được sự giúp đỡ về vốn của các nhà đầu tư chắc chắn sẽ phát triển bền vững hơn so với nền kinh tế gồm toàn những nhà đầu cơ ngắn hạn.

Sự bền vững như vậy của nền kinh tế bắt nguồn từ việc đa phần số vốn nhàn rỗi trong dân cư – một con số rất lớn đối với bất kỳ quốc gia nào – được sử dụng trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh tạo ra công ăn việc làm và sản phẩm cho nền kinh tế. Do đó lượng cung tiền luôn được cân bằng bởi lượng cung hàng hóa, hệ quả là giá cả trên thị trường không biến động nhiều và không gây áp lực lạm phát lên nền kinh tế. Ngược lại, với những nền kinh tế tăng trưởng quá nóng do nạn đầu cơ, nhất là trên thị trường vàng và ngoại tệ, thì dòng vốn nhàn rỗi không được dành cho sản xuất kinh doanh mà chỉ chảy quanh quẩn giữa những nhà đầu cơ. Hậu quả là một nguồn cung vốn lớn được đưa vào nền kinh tế, trong khi lại không có sự tăng lên tương ứng của hàng hóa sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát luôn tiềm ẩn trong sự phát triển của nền kinh tế đó.

2.3.2. Một số hạn chế của dòng vốn đầu tư trong nước trên TTCK Việt Nam

Tuy đóng vai trò khá lớn trong việc huy động nguồn vốn cho các doanh nghiệp nói riêng và cho quá trình sản xuất hàng hóa dịch vụ cho xã hội nói chung, trong những giai đoạn đã qua, tình hình của dòng vốn trong nước trên TTCK niêm yết Việt Nam cũng vẫn còn những hạn chế và nhược điểm cần phải được khắc phục trong thời gian sắp tới để Thị trường phát triển một cách hoàn thiện và an toàn hơn.

Thứ nhất chính là việc thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong nước còn chưa cao. Mặc dù số tài khoản chứng khoán theo thống kê luôn tăng trưởng với tốc độ không phải là thấp nhưng số lượng tài khoản cho đến thời điểm hiện tại chỉ khoảng gần 1,2 triệu là một con số khá khiêm tốn nếu so với tổng dân số gần 90 triệu của Việt Nam. Bên cạnh đó, tổng giá trị vốn hóa Thị trường tuy đã có thời điểm đạt hơn 43% so với GDP nhưng trải qua 11 năm phát triển, TTCK niêm yết chỉ mới thu hút cho các doanh nghiệp thêm hơn 27 ngàn tỷ đồng từ cổ phiếu phát hành thêm, đạt khoảng 0,21% tổng mức GDP trong cùng giai đoạn. Đa số những người có vốn nhàn rỗi vẫn lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc mua vàng để cất giữ chứ không đem số vốn đó đầu tư vào chứng khoán. Thậm chí, nhiều người còn quan niệm đầu tư vào chứng khoán mang nhiều tính chất may rủi như một trò cờ bạc. Điều đó chỉ đúng một phần vì bản chất của mọi kênh đầu tư đều là sự đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro, nhà đầu tư càng kỳ vọng mức lợi nhuận cao thì phải dám chấp nhận rủi ro cao tương ứng, và ngược lại. Tuy nhiên họ lại không thấy được vai trò của TTCK đối với các doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung, bởi đó chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa TTCK với các kênh đầu cơ như vàng, ngoại tệ và đặc biệt phủ nhận việc đầu tư chứng khoán là một trò cờ bạc không hơn không kém. Con số ước tính khoảng 300 – 500 tấn vàng đang “nằm im” trong dân của Ngân hàng Nhà nước là một minh chứng, nếu có thể huy động một phần trong số đó chảy vào Thị trường thì có thể vực dậy được tình hình ảm đạm hiện nay.

Thứ hai là tuy số lượng tài khoản chứng khoán theo thống kê đến hơn 1,2 triệu nhưng trong đó, số tài khoản “chết” lại khá nhiều. Tài khoản “chết” là tài khoản của những nhà đầu tư không tham gia bất cứ một giao dịch mua hay bán một loại chứng khoán gì trong một khoảng thời gian nhất định. Theo báo cáo của Ủy ban chứng khoán Nhà nước đến cuối năm 2010, số tài khoản dạng này tổng hợp từ

các công ty chứng khoán đã lên đến khoảng hơn 700 ngàn tài khoản, số tài khoản thường xuyên hoạt động chỉ đạt tỷ lệ 25% – 30%, tức khoảng 250 ngàn – 300 ngàn. Với tình hình Thị trường diễn biến trầm lắng trong cả năm 2011 thì dù số lượng tài khoản mở mới được tăng thêm khoảng gần 200 ngàn nhưng chắc chắn số tài khoản “chết” cũng tăng lên tương ứng, thậm chí còn cao hơn. Việc gia tăng số lượng tài khoản không tham gia giao dịch một phần là do tình hình Thị trường diễn biến không thuận lợi, nhưng điều đó cũng chứng tỏ rằng tâm lý đa phần nhà đầu tư đã tỏ ra chán nản, họ không còn hứng thú với việc đến sàn để theo dõi tình hình Thị trường. Mà nhà đầu tư là đối tượng tham gia giao dịch chủ yếu trên sàn, một khi họ đã không còn đủ kiên nhẫn và rời bỏ sàn thì sẽ là mối đe dọa lớn đối với sự sống còn của Thị trường và cũng là nỗi lo chung của các doanh nghiệp niêm yết.

Hạn chế thứ ba là đa phần các nhà đầu tư trong nước không có một chiến lược đầu tư rõ ràng. Đối với một nhà đầu tư chuyên nghiệp, việc có được một chiến lược đầu tư cụ thể và tuân thủ triệt để chiến lược đó là một trong những điều kiện cần thiết đầu tiên và tạo nên sự khác biệt về mức độ thành công giữa các nhà đầu tư trên cùng một thị trường. Trong khi đó những nhà đầu tư Việt Nam, trong suốt một thời gian dài từ khi thành lập đến nay, thường ra quyết định mua – bán theo những nhà đầu tư có vốn lớn, nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài hoặc theo nhận định của các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Việc đầu tư theo nhận định của các tổ chức thường sẽ gây cho các nhà đầu tư cá nhân trong nước một sự rối loạn thông tin trong việc ra quyết định vì mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đưa ra nhận định đều dựa trên ý kiến chủ quan của mình nên các khuyến nghị thường không giống nhau, và nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn sẽ nghe theo ai nếu không tự chuẩn bị sẵn một nhận định cho riêng mình. Còn việc đầu tư “ăn theo” những nhà đầu tư vốn lớn, nhà đầu tư tổ chức hay khối ngoại sẽ khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước luôn gặp nhiều rủi ro. Bởi như đã phân tích trong chương 1, những đối tượng trên giờ đây chính là những người khởi đầu một xu hướng và với vị thế đó, họ chính là những người hưởng lợi nhiều nhất. Trong khi đó, những nhà đầu tư nhỏ lẻ chạy theo xu hướng có thể cũng sẽ có người tìm kiếm được lợi nhuận nếu họ biết được chính xác đâu là thời điểm mà những nhà đầu tư “đầu đàn” bắt đầu ra khỏi xu hướng để có hành động thích hợp.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp đã xảy ra trên Thị trường Việt Nam, đa phần những nhà đầu tư nhỏ lẻ luôn là những người bị mắc kẹt lại khi một xu hướng đã chấm dứt và chính vì vậy họ là đối tượng gánh hết mọi thiệt hại tương đương với phần lợi nhuận mà những nhà đầu tư “khôn ngoan” thoát ra trước đó đã kiếm được. Đó chính là những rủi ro của việc các nhà đầu tư cá nhân trong nước không chuẩn bị cho mình một chến lược đầu tư rõ ràng và hợp lý trước khi ra quyết định đầu tư.

Thứ tư, tâm lý đa số nhà đầu tư trong nước rất dễ bị tác động, dẫn đến những phản ứng thái quá trước các diễn biến trên Thị trường. Trong lịch sử phát triển của TTCK, đã từng có những thời kỳ mà diễn biến Thị trường phụ thuộc chủ yếu vào tâm lý quá đà của nhà đầu tư. Có thể kể đến giai đoạn giữa năm 2001 khi Thị trường tuy mới thành lập được 1 năm nhưng chỉ số giá đã tăng đến hơn 5 lần, hoặc giai đoạn 2006 – 2007 khi Thị trường lập đỉnh lịch sử trên cả 2 sàn. Đó là những lúc mà tâm lý có phần quá hưng phấn của nhà đầu tư là nguyên nhân chính tạo nên xu thế tăng điểm của Thị trường, chứ hầu như không có một thông tin chắc chắn về vĩ mô hay vi mô nào làm cơ sở. Có thể đà tăng của năm 2007 bắt nguồn từ việc Việt Nam đã hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu, lần đầu tiên tổ chức thành công hội nghị của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) cũng như những con số tăng trưởng GDP cực kỳ ấn tượng trong các năm trước đó. Thế nhưng, chính tâm lý phấn khích của các nhà đầu tư trong nước thời điểm đó đã làm họ cố tình lờ đi những dấu hiệu báo trước của lạm phát hay tình trạng tăng trưởng tín dụng quá nóng đang có nguy cơ trở thành hiện thực. Và sau những sự hưng phấn thái quá ấy thì cũng đến lúc Thị trường phải quay về với giá trị thực của nó và những bất ổn cũng dần hé lộ. Khi đó, chính nhà đầu tư lại chuyển từ tâm trạng lạc quan sang bi quan, Thị trường mất đi lực đỡ duy nhất còn lại và rơi vào thời kỳ dài ảm đạm và suy thoái như giai đoạn 2002 – 2005 hay đặc biệt là từ 2008 đến nay.

Và cuối cùng, một hạn chế nữa của dòng vốn đầu tư trong nước trên TTCK thứ cấp hiện nay đó là tỷ lệ nhà đầu tư ngắn hạn đang chiếm phần lớn hơn nhiều so với nhà đầu tư dài hạn. Đa số nhà đầu tư hiện nay mua chứng khoán chỉ nhằm mục đích đợi giá lên thì bán ra hưởng chênh lệch, chứ rất ít nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu vì triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Nguyên nhân của thực trạng này là do đa số nhà đầu tư nội trên TTCK Vệt Nam là những nhà đầu tư cá

nhân nhỏ lẻ, với số vốn không nhiều. Do đó, yêu cầu họ phải đầu tư số vốn ít ỏi đó vào doanh nghiệp, rồi chờ đợi trong một thời gian dài để doanh nghiệp ăn nên làm ra như kỳ vọng là một điều gần như không thể. Mặc dù trong giai đoạn bình thường, việc này không ảnh hưởng nhiều vì nhiệm vụ chính của Thị trường thứ cấp chỉ là tạo thanh khoản cho cổ phiếu, và hoạt động của dòng vốn trên đó ra sao cũng không ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp, nhưng trong những giai đoạn Thị trường gặp khó khăn như hiện tại thì tình trạng đó lại có tác động tiêu cực. Do có quá nhiều nhà đầu tư ngắn hạn nên khi Thị trường đi ngang hoặc giảm điểm, việc huy động vốn của doanh nghiệp trên sàn sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Bởi cho dù kế hoạch kinh doanh trình cổ đông có khả quan đến thế nào, doanh nghiệp có triển vọng và tình hình tài chính tốt đến đâu thì những nhà đầu tư ngắn hạn vẫn không sẵn sàng bỏ vốn vào cổ phiếu trong các đợt phát hành khi mà diễn biến trên Thị trường thứ cấp không thuận lợi.

2.4. Nguyên nhân sự hạn chế của dòng vốn đầu tư trong nước trên Thị trường chứng khoán trong thời gian qua trường chứng khoán trong thời gian qua

Những hạn chế và tồn tại trên của dòng vốn đầu tư trong nước bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Sau đây, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu những nguyên nhân đó nhằm đưa ra được những giải pháp phù hợp nhất trong tình hình hiện tại.

2.4.1. Nguyên nhân từ tình hình kinh tế vĩ mô

Các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô luôn được các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư trong nước nói riêng quan tâm một cách sát sao. Bởi những biến động về tình hình kinh tế chính là nền tảng cho những kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự tăng trưởng hay suy thoái của TTCK.

Nguồn: Tổng cục thống kê – www.gso.gov.vn

Nhìn vào diễn biến các chỉ số kinh tế vĩ mô từ 2006 -2011, chúng ta có thể thấy rõ hơn ảnh hưởng của các yếu tố này đối với sự tham gia Thị trường của các nhà đầu tư trong nước. Giai đoạn 2006 – 2007 hội đủ những yếu tố khiến cho nhà đầu tư đua nhau bỏ vốn vào chứng khoán: tốc độ tăng trưởng GDP ở mức khoảng 8,2%, chỉ số CPI ở mức thấp chỉ 6,6%, cùng với chính sách tiền tệ mở rộng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ làm cho tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao từ 26% năm 2006 lên đến 54% trong năm 2007. Cùng với đó, những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình hội nhập cũng gặt hái được những thành công đầu tiên từ Hội nghị cấp cao APEC 2006 đến việc chính thức gia nhập WTO. Tất cả như vẽ ra một bức tranh đầy sáng sủa cho kinh tế Việt Nam, trong đó có TTCK, và từ đó nhà đầu tư trong nước ồ ạt mở tài khoản, mua cổ phiếu , đẩy giá chứng khoán lên cao gấp hơn 3 lần. Tuy nhiên, có vẻ các nhà đầu tư đã quá lạc quan.

Bởi chỉ trong nửa cuối năm 2007, những hạn chế tiềm ẩn của nền kinh tế Việt Nam dần được phơi bày. Đầu tiên là chỉ số lạm phát nửa cuối năm 2007 tăng cao đột biến, làm CPI cả năm này tăng lên đến 2 con số (12,63%), cao nhất kể từ năm 2000 khi TTCK ra đời. Tốc độ tăng trưởng GDP tuy có tăng so với năm 2006

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 39 - 95)