Giai đoạn 2000 – 2005

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 26 - 29)

Từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, khi đất nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng và phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp. Bước đầu là xây dựng một hệ thống ngân hàng thương mại với các ngân hàng quốc doanh đóng vai trò trụ cột nhằm cung cấp nguồn vốn lưu động cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp đó, nhận thức được tầm quan trọng cũng như sự thiếu hụt nguồn cung vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, cũng như qua học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, các nhà điều hành kinh tế Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng TTCK, kênh huy động vốn mang ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của mọi doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngày 28/11/1996, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (gọi tắt là SSC) được thành lập theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho sự phát triển của TTCK nói riêng và thị trường vốn ở Việt Nam nói chung. SSC là một cơ quan trực thuộc Bộ Tài Chính thực hiện chức năng tổ chức và quản lý Nhà nước về chứng khoán và TTCK. Trên thực tế, việc ra đời của SSC được xem là sự chuẩn bị về mặt pháp lý và tổ chức cho sự thành lập của TTCK ở Việt Nam.

Và chỉ hơn 3 năm sau, vào ngày 20/7/2000, Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (từ ngày 8/8/2007 đổi tên thành Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh – viết tắt là HOSE – như hiện nay) được chính thức

thành lập và đặt tại số 45-47 Bến Chương Dương, Phường Thái Bình, Quận 1, và phiên giao dịch đầu tiên được tiến hành sau đó 1 tuần, vào ngày 28/7/2000 với 2 công ty niêm yết đầu tiên là Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán là REE) và Công ty Cổ phần Cáp và vật liệu viễn thông (SAM).

Trong giai đoạn này, do mới thành lập nên Thị trường còn có những hạn chế nhất định. Thứ nhất là số lượng các công ty niêm yết trên sàn khá ít, kéo theo đó là số lượng nguồn cung chứng khoán cũng rất hạn chế. Tính đến năm 2005, theo thống kê của HOSE, chỉ mới có 37 doanh nghiệp lên sàn HOSE với tổng số lượng chứng khoán, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ, đạt 468.558.350 đơn vị, chỉ bằng 1/30 lần so với quy mô hiện nay.

Bảng 2.1. Số lượng công ty niêm yết, vốn hóa thị trường và tình hình giao dịch trên HOSE giai đoạn 2000 – 2005

Năm 2000 2001 2002 2003 2004 2005 Số lượng công ty niêm yết 5 11 20 22 26 37 Vốn hóa thị trường (tỷ đồng) 1.046 1.605 2.540 2.408 3.913 7.472 Khối lượng chứng khoán niêm yết

(triệu đơn vị) 43,95 71,51 118,80 132,54 219,40 468,56

Khối lượng giao dịch (ngàn cổ

phiếu) 3.662 187.082 37.009 53.156 248.072 353.071

Giá trị giao dịch

(tỷ đồng) 92,36 2.657,5 1.080,89 2.998,32 19.887,15 26.877,96

Nguồn: Quy mô giao dịch – Sở giao dịch chứng khoán TPHCM

Nhìn vào những số liệu thống kê trên, có thể thấy trong giai đoạn đầu hình thành, TTCK chưa thực sự thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp trong việc đưa chứng khoán của mình niêm yết trên sàn. Trong suốt 5 năm, số lượng doanh nghiệp niêm yết chỉ tăng thêm vỏn vẹn 32 doanh nghiệp, một con số quá khiêm tốn nếu so với hàng trăm ngàn doanh nghiệp cổ phần đang hoạt động kinh doanh lúc bấy giờ. Trong 4 năm đầu thành lập Thị trường, tốc độ tăng của khối lượng chứng khoán niêm yết đạt trung bình 51%/năm, riêng cổ phiếu là 42%/năm. Đó tuy là những con số không thấp, nhưng nếu so với thời kỳ bùng nổ của TTCK thì vẫn còn kém khá xa. Ngay cả trong năm cuối cùng của giai đoạn này, tức năm 2005, hai tỷ lệ trên đã đạt lần lượt là 114% và 178% so với năm 2004. Về

mặt vốn hóa thị trường – tức tổng khối lượng chứng khoán lưu hành trên Thị trường nhân với giá trị thị trường – đến năm 2005 cũng chỉ đạt mức 7.472 tỷ đồng, bằng 0,89% so với GDP cùng năm.

Về giao dịch, khối lượng giao dịch cổ phiếu trên HOSE trong giai đoạn này duy trì ở mức thấp, một phần do số lượng hàng hóa trên Thị trường cũng không thật sự nhiều. Có một sự đột biến đáng chú ý ở năm 2001 khi tổng khối lượng giao dịch vượt lên hơn 187 triệu cổ phiếu, gấp 50 lần so với năm 2000, kéo theo giá trị giao dịch cũng đạt hơn 2.657 tỷ đồng, bằng 27 lần so với năm trước đó. Cũng trong năm này, chỉ số VN-Index – bộ chỉ số giá đại diện cho HOSE – cũng lập mức cao nhất cho cả giai đoạn này khi đạt 571 điểm vào ngày 25/6/2001 (xem Phụ lục 2). Những điều này phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào một kênh đầu tư mới đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, chính sự phấn khích quá độ cộng với sự thiếu kinh nghiệm của đa phần những nhà đầu tư Việt Nam thời điểm đó nên họ đã không tính toán được giá trị thực sự cũng như giới hạn kỳ vọng đối với Thị trường, làm cho TTCK tăng trưởng quá nóng trong một giai đoạn ngắn. Kết cục của tình trạng “bong bóng” trên chính là khi một số nhà đầu tư bình tĩnh nhìn lại và thấy giá cổ phiếu đã không còn phản ánh được giá trị kỳ vọng của nó nữa thì lực cầu bắt đầu yếu dần và Thị trường đã tuột dốc thảm hại trong nửa cuối năm 2001 và kéo dài đến cuối năm 2003 khi lập đáy tại 131 điểm. Cùng với đó, khối lượng và giá trị giao dịch cũng giảm khá thấp.

Sau khi đã có một bài học đắt giá như vậy, các nhà đầu tư bắt đầu có kinh nghiệm và họ đã quay lại Thị trường một cách điềm tĩnh hơn. Lúc này Thị trường cũng đã có những sự nới lỏng quy định hơn đối với các nhà đầu tư trong cũng như ngoải nước như bắt đầu từ năm 2003 chính thức giao dịch 5 phiên/tuần như hiện nay (khi mới thành lập Thị trường chỉ giao dịch 3 phiên/tuần); tháng 7/2003 nâng tỷ lệ room nước ngoài lên 30% và cuối năm 2005 nâng lên mức 49%, trừ các ngân hàng (trước đó quy định chỉ được tối đa 20%). Khối lượng và giá trị tăng nhanh trở lại trong năm 2004 với tốc độ tăng so với 2003 tương ứng là 367% và 563%. Cùng với đó, VN-Index cũng phục hồi dần và cán mức 307 điểm khi kết thúc năm 2005.

Có thể nói, chính sự mới mẻ của một kênh đầu tư mới, những thay đổi trong các quy định của một thị trường vẫn còn mang tính thử nghiệm, cộng với sự thiếu kinh nghiệm và kỳ vọng quá lớn của nhà đầu tư đã làm cho TTCK niêm yết Việt

Nam có một sự khởi đầu với đầy đủ những cung bậc cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên, chính nhờ sự khởi đầu như vậy đã cho các thành viên Thị trường rất nhiều bài học bổ ích, đồng thời tạo nên một thời kỳ tích lũy đủ lâu cho giai đoạn phát triển cực kỳ sôi động của Thị trường trong giai đoạn tiếp theo.

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 26 - 29)