Giai đoạn 2006 – 2007

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 29 - 32)

TTCK niêm yết Việt Nam kết thúc năm 2005 với một bước phát triển mới. Đó là sự ra đời của sàn giao dịch tập trung thứ hai – Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (từ đầu năm 2009 đổi tên thành Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội – HNX). Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg ngày 11/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên phải đến ngày 14/7/2005 thì Trung tâm mới chính thức đi vào hoạt động với chức năng tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết (trước đó nơi đây chỉ hoạt động như một thị trường sơ cấp với các phiên đấu giá cổ phần và đấu thầu trái phiếu).

Việc xuất hiện thêm một trung tâm niêm yết chứng khoán giúp cho các doanh nghiệp cổ phần có thêm sự lựa chọn và cũng có nhiều cơ hội hơn khi đưa cổ phiếu của mình lên sàn. Bởi theo quy định hiện hành của sàn HOSE, một doanh nghiệp muốn niêm yết trên sàn thì yêu cầu đầu tiên cần đáp ứng là phải có vốn điều lệ tối thiểu 80 tỷ đồng, trong khi quy định của HNX chỉ là 10 tỷ đồng. Vì vậy có thể nói HNX là sân chơi của những doanh nghiệp cổ phần có quy mô vừa và nhỏ, trong khi HOSE là sàn của những doanh nghiệp “đại gia”. Bên cạnh đó, quy định về biên độ dao động giá trong phiên của HNX là 7% so với chỉ 5% của HOSE cũng là một yếu tố tăng tính hấp dẫn của sàn này đối với nhà đầu tư. Chính vì vậy, số lượng các công ty niêm yết trên toàn thị trường tăng rất nhanh trong 2 năm 2006 và 2007, đặc biệt là trên sàn HNX, từ mức 37 công ty trong năm 2005 vượt lên 193 trong năm 2006 (119 trên HOSE và 74 trên HNX) và 250 trong năm 2007 (HOSE: 150, HNX: 100). Cùng với đó thì khối lượng chứng khoán niêm yết cũng tăng lên tương ứng.

Rõ ràng với những quy định có phần thoáng hơn thì sàn HNX đã thu hút được một số lượng công ty cũng như chứng khoán niêm yết đáng kể. Tuy ra đời sau sàn HOSE gần 5 năm nhưng chỉ ngay năm thứ hai hoạt động, khối lượng chứng khoán trên sàn HNX đã tăng hơn 90 lần, từ mức 22,95 triệu chứng khoán trong năm 2005 đã tăng vọt lên đến hơn 2 tỷ chứng khoán chỉ trong vòng 1 năm, trong đó

riêng cổ phiếu có mức tăng trưởng hơn 17.300%, một con số cực kỳ ấn tượng ngay cả đối với những sàn giao dịch chứng khoán phát triển nhất trên thế giới. Sự tăng trưởng trên HNX vẫn được duy trì qua năm 2007, tuy nhiên với một tốc độ có phần suy giảm mạnh, chỉ tăng thêm 42% so với năm trước, do đa số những doanh nghiệp có khả năng và ý định lên sàn đều đã thực hiện trong năm 2006. Đối với sàn HOSE, sau một năm 2006 để cho HNX vượt mặt về quy mô niêm yết thì sang năm 2007, với mức tăng trưởng 157%, HOSE đã vượt lên lại với hơn 4,1 tỷ chứng khoán niêm yết (xem Phụ lục 4).

Sự phát triển nhanh và mạnh của cả 2 sàn trong giai đoạn này vượt ngoài mong đợi của các nhà đầu tư và ngay cả những nhà quản lý TTCK. Khi mới thành lập, theo Chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2010, Chính phủ chỉ đạt mục tiêu đến năm 2010 tổng vốn hóa thị trường đạt khoảng 10 – 15% GDP. Trong giai đoạn 2000 – 2005, như đã đề cập ở trên, tổng vốn hóa thị trường chỉ đạt xấp xỉ 1%, khiến cả những người lạc quan cũng phải nghi ngờ những con số mà Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn bùng nổ của TTCK năm 2006 – 2007, sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức phát hành làm tăng khối lượng hàng hóa cùng với dòng tiền của các nhà đầu tư đã làm cho tổng vốn hóa thị trường tăng lên hàng chục lần và đạt mức gần 43,3% GDP năm 2007.

Bảng 2.2. Tổng vốn hóa thị trường so với GDP giai đoạn 2005 – 2007

Đvt: tỷ đồng Năm 2005 2006 2007 GDP 839.211 974.266 1.143.275 Vốn hóa thị trường 9.356 221.156 494.547 - HOSE 7.472 147.967 364.425 - HNX 1.884 73.189 130.122 % Vốn hóa/GDP 1,11% 22,70% 43,26% Nguồn: Tổng cục thống kê và SSC

Nguyên nhân làm cho TTCK phát triển một cách sôi động, đặc biệt trong năm 2007, chính là vì trong năm này đã diễn ra một sự kiện đặc biệt đối với nền kinh tế Việt Nam. Đó là việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Chính kỳ vọng của các nhà đầu tư nói riêng và của toàn xã hội nói chung về sự hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam sẽ là một động lực to lớn tạo điều kiện cho nền kinh tế đang trên đà phát triển của nước ta có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa đã thúc đẩy TTCK có bước nhảy vọt như vậy.

Thực ra thì ngay từ thời điểm cuối tháng 11 năm 2006, nước ta đã trở thành thành viên (không chính thức) của WTO, và TTCK sau một thời gian dài tích lũy từ cuối năm 2003 cũng đã bật lên từ thời điểm đó.

Hình 2.1. Khối lượng và giá trị giao dịch cổ phiếu trên HOSE 2005 - 2007

Nhìn vào biểu đồ thể hiện tình hình giao dịch cổ phiếu trên HOSE trong giai đoạn này, chúng ta có thể nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của Thị trường. Từ mức giao dịch chỉ khoảng 353 triệu cổ phiếu trong năm 2005 đã tăng lên hơn 1,12 tỷ năm 2006 và gần 2,39 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trong năm 2007, đạt tốc độ tăng tương ứng là 217% và 113%. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn tương quan giữa tốc độ tăng của khối lượng và giá trị giao dịch trong 2 năm này ta thấy có một điểm đáng chú ý: tốc độ tăng của khối lượng trong năm 2007 chỉ hơn 1,13 lần so với năm 2006, nhưng giá trị giao dịch lại tăng hơn 2 lần. Điều này có thể được giải thích bằng việc kết hợp với diễn biến chỉ số giá VN-Index (xem Phụ lục 2) như sau:

• Trong năm 2006, nguồn cung hàng hóa trên Thị trường tăng lên đến hơn 1,3 tỷ cổ phiếu – bằng 4 lần so với năm 2005 – do nhiều doanh nghiệp đua nhau lên sàn nên mặc dù nguồn cung vốn trên thị trường có tăng nhưng cũng không thể tạo ra cú huých về giá đối với số cổ phiếu trên. Chính vì vậy, hầu hết giá trị cổ phiếu trong năm này tuy đều tăng so với năm 2005 nhưng mức tăng không cao, đỉnh của VN-Index trong năm chỉ là 809,86 điểm lập được ngày 20/12/2006. Điều này làm cho tổng giá trị giao dịch chỉ tăng 223% so với năm 2005.

• Ngược lại, trong năm 2007, nguồn cung cổ phiếu trên Thị trường không có sự đột biến như năm 2006, chỉ tăng thêm 180%, tuy nhiên dòng tiền vào Thị trường lại có phần gia tăng mạnh do sự lạc quan của nhà đầu tư với sự kiện gia nhập WTO đã làm cho giá trị cổ phiếu trong năm này có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ. Chỉ số giá VN-Index trong năm 2007 tăng liên tục và lập đỉnh cao nhất trong lịch sử hơn 11 năm tồn tại của mình tại mức 1.174,22 điểm vào ngày 12/3/2007. Đây chính là sự khác biệt làm cho giá trị giao dịch trong năm này tăng hơn 203% so với năm 2006.

Có thể nói, giai đoạn 2006 – 2007 là thời kỳ vàng son của TTCK Việt Nam từ khi thành lập. Thời điểm đó, với sự nâng đỡ của tình hình kinh tế vô cùng sáng sủa, cộng thêm với việc gia nhập WTO đã gây nên tâm lý hưng phấn và kỳ vọng to lớn nơi nhà đầu tư. Kết quả là TTCK có một thời kỳ tăng điểm liên tục và thiết lập những đỉnh cao mới. Tuy nhiên, giữa lúc Thị trường toàn một màu hồng ấy, có vẻ như các nhà đầu tư đã quên mất bài học hồi năm 2001 từng một lần khiến cả Thị trường chao đảo. Đó là khi mà những tín hiệu tích cực như kỳ vọng của việc gia nhập WTO vẫn chưa rõ ràng, và tình hình kinh tế tuy nhìn chung là khả quan nhưng vẫn ẩn chứa những rủi ro tiềm ẩn mà ngay cả những chuyên gia dự báo kinh tế hàng đầu cũng khó phát hiện ra thì sự kỳ vọng và phấn khích quá cao của nhà đầu tư lại một lần nữa làm cho “quả bong bóng chứng khoán” bị thổi phồng quá mức, đến nỗi chỉ cần một tác động nhỏ cũng có nguy cơ bị vỡ. Và quả thực, điều không mong đợi đó đã xảy ra với nhà đầu tư ngay trong năm tiếp sau đó.

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 29 - 32)