Sự “bội thực” cổ phiếu phát hành thêm

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 47 - 49)

Số liệu thống kê bên dưới thể hiện số cổ phiếu niêm yết bổ sung trên sàn HOSE. Đây là số cổ phiếu do các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn phát hành thêm dưới các hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu và quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Ngoại trừ việc chia cổ tức hoặc chia thưởng bằng cổ phiếu không có ảnh hưởng đến số vốn đầu tư, còn việc phát hành thêm thông qua hình thức chào bán, trong giai đoạn vừa qua, thực sự là nỗi “ám ảnh” của các nhà đầu tư. Các cổ phiếu loại này được chia cho cổ đông của doanh nghiệp dựa trên số lượng cổ phiếu mà họ đang nắm giữ với một tỷ lệ nhất định.

Nguồn: Quy mô niêm yết - HOSE

Ví dụ, nhà đầu tư đang nắm giữ 1.000 cổ phiếu A và doanh nghiệp A dự định phát hành thêm cổ phiếu với tỷ lệ 10:1 (hay 10%) – tức cứ mỗi 10 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới – thì nhà đầu tư được quyền mua thêm 100 cổ phiếu. Và nếu doanh nghiệp chào bán với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu thì nhà đầu tư phải bỏ ra thêm 1 triệu đồng để mua số cổ phiếu trên. Do là quyền mua cổ phiếu nên nhà đầu tư có quyền không bỏ thêm tiền để mua số cổ phiếu đó, nhưng điều đó lại gây bất lợi cho nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư là người đầu tư dài hạn và muốn nắm quyền kiểm soát cũng như quyết định các chiến lược của doanh nghiệp thì mục tiêu của anh ta sẽ là duy trì tỷ lệ sở hữu của mình trong doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu với tỷ lệ 10% nên vốn điều lệ sẽ tăng thêm 10%. Do đó nếu vẫn giữ nguyên số cổ phiếu của mình mà không mua thêm thì tỷ lệ sở hữu của anh ta chắc chắn sẽ giảm xuống. Còn nếu là nhà đầu tư ngắn hạn, mục đích là kiếm lợi nhuận từ việc lên xuống giá cổ phiếu thì anh ta cũng gần như buộc phải mua thêm số cổ phiếu phát hành mới do lúc đó, giá thị trường của cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh giảm tương ứng với tỷ lệ phát hành, và nếu không mua thêm thì với giá mới (thấp hơn) nhân với số lượng cổ phiếu (không đổi) thì số vốn đầu tư của anh ta sẽ bị “bốc hơi” mất một khoản. Vì vậy, tuy gọi là quyền mua nhưng gần như nhà đầu tư nào cũng bắt buộc phải mua số cổ phiếu phát hành thêm của doanh nghiệp.

Nhìn vào biểu đồ trên, chúng ta có thể nhận thấy tốc độ cũng như khối lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung tăng mạnh đến mức nào. Nếu trong giai đoạn TTCK tăng

điểm như năm 2007 và 2009, đây thực sự được xem là “quyền” của cổ đông khi họ có thể mua được cổ phiếu với giá rẻ hơn thị giá thì trong giai đoạn Thị trường đi ngang hoặc giảm điểm, đây lại không phải là điều các nhà đầu tư mong chờ. Cụ thể, trong năm 2008, tuy Thị trường rơi vào suy thoái nghiêm trọng vẫn có gần 600 triệu cổ phiếu được chào bán thêm. Hay trong năm 2010 cũng có hơn 250 triệu cổ phiếu niêm yết bổ sung trên HOSE. Thực tế thì đây là sự lựa chọn bắt buộc của các doanh nghiệp niêm yết do trong những năm này, Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt như đã phân tích ở trên, tăng trưởng tín dụng qua hệ thống ngân hàng bị hạn chế. Do đó, các doanh nghiệp muốn tăng vốn chỉ còn một cách thông qua TTCK, vì kênh vốn vay ngân hàng đã bị tắc. Tuy nhiên, không may là trong xu hướng giá cổ phiếu càng ngày càng giảm như vậy thì không nhà đầu tư nào chịu bỏ thêm tiền ra để mua vào cổ phiếu, nhưng nếu không mua thêm thì vốn đầu tư của họ vẫn bị thâm hụt. Cổ đông của một số doanh nghiệp thậm chí còn phải bỏ ra một số tiền cao hơn thị giá của cổ phiếu để mua số cổ phiếu phát hành thêm. Chính vì vậy, thay vì hào hứng đón nhận tin doanh nghiệp sẽ phát hành thêm cổ phiếu như giai đoạn tăng trưởng của Thị trường thì trong giai đoạn này, những tin tức như vậy lại làm nhà đầu tư ngao ngán. Và hệ quả là, khi doanh nghiệp công bố tin chào bán cổ phiếu, thay vì giá cổ phiếu sẽ tăng do ai cũng tranh mua trước ngày chốt quyền thì ngược lại, giá cổ phiếu lại giảm do ai cũng tranh bán vì không muốn thực hiện quyền. Điều đó cũng góp phần giải thích lý do mà các nhà đầu tư trong nước không mặn mà với Thị trường trong giai đoạn này.

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 47 - 49)