Các biện pháp về mặt chính sách của Nhà nước

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 59 - 65)

3.2.1.1. Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và Tập đoàn Nhà nước

Các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước (hay còn được gọi dưới tên Tổng công ty 91) là các doanh nghiệp vốn Nhà nước được thành lập theo Quyết định số

91/Ttg ngày 7/3/1994 của Thủ tướng Chính phủvề việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh. Mục tiêu và nhiệm vụ của các Tập đoàn và Tổng công ty này là “tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế”. Chính vì thế, ngay từ khi thành lập, các Tổng công ty này đã được xác định phải trở thành doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực mà mình kinh doanh, có trách nhiệm hỗ trợ, thúc đẩy và định hướng để các doanh nghiệp khác trong ngành đi đúng theo đường lối mà Đảng và Chính phủ đã vạch ra. Với nhiệm vụ và chức năng như vậy nên các Tập đoàn và Tổng công ty này được đầu tư rất nhiều vốn từ ngân sách Nhà nước, được chyển giao các công nghệ kỹ thuật tiên tiến nhất, cùng với đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Có thể nói, chính nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ trong suốt quá trình hình thành và phát triển mà các Tập đoàn và Tổng công ty quốc doanh mới có thể đạt được quy mô và những lợi thế nhất định so với các doanh nghiệp khác cùng ngành.

Tuy vậy, cùng với sự phát triển ngày càng cao của nền kinh tế thị trường, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước dần bộc lộ những yếu kém cũng như hạn chế của mô hình doanh nghiệp quốc doanh. Do được Nhà nước gần như bao cấp trong tất cả mọi hoạt động kinh doanh và được dành cho những ưu đãi tốt nhất, trong khi các doanh nghiệp khác lại phải chịu những quy định và ràng buộc của pháp luật nên các Tập đoàn này dần chiếm lĩnh thị trường, từ đó tạo nên thế độc quyền trong kinh doanh so với các doanh nghiệp khác trong ngành. Sự độc quyền như thế có một ưu điểm là đảm bảo vai trò lãnh đạo và điều tiết của Nhà nước, đặc biệt là trong những lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm như an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, đối với sự phát triển chung của xã hội thì tình trạng độc quyền này lại có nhiều tác động tiêu cực, nhất là đối với các ngành kinh doanh liên quan đến năng lượng, lương thực – những mặt hàng thiết yếu đối với đời sống. Với việc chiếm thị phần thống lĩnh, các doanh nghiệp Nhà nước có thể dễ dàng làm cho giá cả trên thị trường biến động theo ý muốn của mình mà sự tăng giá của các mặt hàng điện, xăng dầu trong thời gian vừa qua là những ví dụ. Do đó đều là những mặt hàng đóng vai trò không thể thay thế trong đời sống và sản xuất nên những biến động của chúng, dù là nhỏ nhất, cũng gây ra những ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề lạm phát.

Tình hình lạm phát của Việt Nam trong năm 2011 khi nền kinh tế không hề có dấu hiệu tăng trưởng nóng, ngoài việc do độ trễ của việc mở rộng cung tiền trong quá khứ như đã phân tích ở trên còn một phần nằm ở việc tăng giá liên tiếp các mặt hàng thiết yếu trên vào khoảng 3 tháng đầu năm, gây tâm lý hoang mang và tình trạng “tát nước theo mưa” ảnh hưởng đến mặt bằng giá trong những tháng sau đó.

Thứ hai, nguồn vốn hoạt động của các Tập đoàn Nhà nước chủ yếu là từ ngân sách, do đó việc sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả và mang lại lợi nhuận thường không được các lãnh đạo Tập đoàn xem trọng. Trong thực tế, đã có không ít những doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, thậm chí thâm hụt vào phần vốn của Nhà nước do làm ăn thiếu hiệu quả, đầu tư dàn trải vào nhiều ngành không đúng chức năng và chuyên môn. Mới đây nhất là hai vụ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin do đầu tư thua lỗ nên phải gánh một khoản nợ hơn 80.000 tỷ đồng và Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN vừa bị kiểm toán Nhà nước phanh phui khoản lỗ lũy lế đến cuối năm 2011 khoảng 40.400 tỷ đồng, chủ yếu do đầu tư ngoài ngành tràn lan nhưng không có hiệu quả. Hậu quả của những khoản thua lỗ đó cuối cùng đều do ngân sách Nhà nước gánh chịu, gây áp lực lên thâm hụt ngân sách và tăng gánh nặng nợ công đối với hệ thống tài chính.

Chính vì vậy, yêu cầu tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước được Chính phủ xác định là một trong 3 khu vực trọng tâm của kế hoạch tái cấu trúc nền tài chính của đất nước trong giai đoạn mới. Một trong những biện pháp cần thực hiện ngay là đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các Tập đoàn và doanh nghiệp Nhà nước, đưa cổ phiếu các doanh nghiệp đó lên sàn niêm yết, bởi khi đã cổ phần hóa thì các chiến lược kinh doanh, các phương án đầu tư quan trọng sẽ được đưa ra bàn bạc trước Đại hội đồng cổ đông và quyền quyết định lúc đó sẽ nằm trong tay các cổ đông và Hội đồng quản trị, chứ không còn chỉ tập trung trong tay một hoặc một vài cá nhân như hiện nay. Cùng với đó, quyền hạn và trách nhiệm giám sát hoạt động các công ty này sẽ không còn của riêng các cơ quan Chính phủ mà toàn bộ người dân, những nhà đầu tư trên TTCK, vì vậy sẽ tăng tính minh bạch, công khai và hiệu quả hoạt động của công ty. Đối với TTCK, việc cổ phiếu các doanh nghiệp đầu ngành được niêm yết trên sàn sẽ giúp nâng cao chất lượng hàng hóa, làm cho nhà đầu tư có thêm nhiều sự lựa chọn hơn. Bởi suy cho cùng, nếu xét trong điều kiện

kinh tế Việt Nam hiện nay thì các doanh nghiệp Nhà nước vẫn được đánh giá cao về lợi thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển do những chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với các doanh nghiệp này.

Quá trình cổ phần hóa cần được thực hiện ngay từ bây giờ, bởi TTCK đã phát triển hơn 11 năm mà số lượng chỉ 2 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank và Vietinbank được niêm yết trên sàn là vô cùng ít ỏi. Gần đây nhất, vào ngày 28/12/2011 thì Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV cũng đã tổ chức bán đấu giá cổ phần ra công chúng, dự định sẽ trở thành ngân hàng quốc doanh thứ ba lên sàn. Đó có thể là một tín hiệu tốt cho quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn sắp tới. Tuy nhiên, trong các vụ cổ phần hóa đã diễn ra thì có thể thấy số cổ phần bán ra ngoài chỉ chiếm khoảng 10% tổng vốn điều lệ các ngân hàng, trong khi Nhà nước vẫn nắm giữ hơn 90%. Điều đó chứng tỏ tuy Nhà nước đã rút dần sự kiểm soát đối với các ngân hàng quốc doanh này nhưng tốc độ và mức độ vẫn còn khá thấp, chưa tạo được nhiều thay đổi đáng kể trong hoạt động của các ngân hàng. Vì vậy, trong giai đoạn sắp tới, Nhà nước cũng cần giảm mạnh hơn nữa mức độ góp vốn vào các doanh nghiệp Nhà nước (ngoại trừ những doanh nghiệp ảnh hưởng tới tình hình an ninh chính trị), trước mắt có thể giảm xuống mức 75%, đủ để vẫn đảm bảo vai trò chi phối của Nhà nước trong các quyết định quan trọng của doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhà đầu tư có nhiều cơ hội hơn tham gia đầu tư và điều hành doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực công.

3.2.1.2. Hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ của Chính phủ có ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn đầu tư trên TTCK nói chung và dòng vốn đầu tư trong nước nói riêng. Bởi những chính sách này sẽ trực tiếp làm thay đổi các nhân tố quan trọng của nền kinh tế như lạm phát, tăng trưởng GDP,… từ đó cũng ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư trên Thị trường.

Với việc ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 13/2/2012 về kiểm soát hoạt động tín dụng trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi tín hiệu cho thấy việc điều hành thị trường trong năm nay sẽ chủ yếu bằng “chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt nhằm ổn định thị trường tiền tệ,…, giảm mặt bằng lãi

suất ở mức hợp lý”. Điều đó chứng tỏ trong năm 2012 này, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô vẫn được Chính phủ xem là quan trọng và cấp thiết hơn nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế. Do đó, cánh cửa cho vay của hệ thống ngân hàng đối với hoạt động đầu tư chứng khoán sẽ khá hẹp, do chứng khoán vẫn được đưa vào diện không khuyến khích cho vay với chỉ tiêu tín dụng cho nhóm này chiếm không quá 16% tổng dư nợ tín dụng. Điều này khá giống như nội dung trong Chỉ thị 01 năm 2011 cũng do Ngân hàng Nhà nước ban hành, vốn được xem là một nguyên nhân khiến TTCK diễn biến ảm đạm suốt năm 2011. Tuy nhiên, một hi vọng cho Thị trường trong năm nay đó là khác với năm 2011, sau khi ban hành Chỉ thị 01, cũng trong ngày 13/2 Ngân hàng Nhà nước đã ký Công văn số 674/NHNN-CSTT quy định rõ hơn một số nội dung trong Chỉ thị 01. Theo đó, phần dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán sẽ được “loại trừ dư nợ cho vay đối với người lao động của công ty nhà nước để mua cổ phần phát hành lần đầu khi chuyển công ty nhà nước này thành công ty cổ phần”. Điều đó có nghĩa là những đối tượng này khi vay vốn ngân hàng để sử dụng vào mục đích đã nêu thì ngân hàng được quyền không tính đó là khoản cho vay phi sản xuất, từ đó cơ hội cho vay với những đối tượng này sẽ được mở rộng hơn. Điều này chứng tỏ Chính phủ đang mong muốn thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước nên đã tạo điều kiện cho người lao động có thể tham gia vào đợt đấu giá cổ phần của doanh nghiệp mình. Đây là nhóm cổ đông mà doanh nghiệp nào khi cổ phần hóa cũng mong muốn chiếm số lượng cao nhất. Bởi một khi đã có mối quan hệ gắn bó về lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp thì họ sẽ tích cực và hăng say làm việc hơn để mang lại nhiều hơn nữa lợi nhuận cho doanh nghiệp, cũng chính là cho bản thân mình. Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả phiên đấu giá cổ phiếu của BIDV vừa qua thì có thể thấy tỷ lệ cán bộ công nhân viên của ngân hàng đặt mua chỉ chiếm khoảng 40%, số còn lại là những nhà đầu tư bên ngoài. Do đó, nếu thật sự muốn việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước được thuận lợi và khả năng thành công cao hơn, những nhà quản lý cần nghiên cứu nới rộng quy định về đối tượng được loại trừ khỏi nhóm tín dụng phi sản xuất trong Chỉ thị 01, đó là tất cả những nhà đầu tư vay vốn để tham gia mua cổ phần phát hành của các doanh nghiệp Nhà nước thay vì chỉ có những người lao động của doanh nghiệp đó như hiện nay.

Một vấn đề nữa liên quan đến chính sách tiền tệ chính là vấn đề về lãi suất. Bởi kể từ năm 2008, khi lạm phát vượt lên gần 20% thì lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh luôn được duy trì ở mức cao, cao nhất có thời điểm lên đến 25%/năm, thấp nhất cũng khoảng 17 – 18%. Với mức lãi suất như vậy đòi hỏi tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp phải đạt gần 30% mới có thể đáp ứng yêu cầu trả lãi nợ vay. Do đó, các doanh nghiệp thời gian qua đa phần đều hạn chế tăng vốn qua kênh vay ngân hàng mà chủ yếu phát hành qua kênh chứng khoán làm cho nhà đầu tư cảm thấy “bội thực” như đã đề cập ở chương 2. Bên cạnh đó, do vấn đề thiếu thanh khoản ở một số ngân hàng nhỏ đã làm dậy nên một cuộc đua lãi suất tiền gửi, có lúc lên đến 17%/năm trong toàn hệ thống ngân hàng. Và hệ quả là một phần lớn vốn nhàn rỗi đã chảy qua kênh tiết kiệm do lãi suất cao, rủi ro thấp, làm cho TTCK không những không hút được vốn mà một bộ phận nhà đầu tư còn rút vốn chuyển thành tiền gửi ngân hàng. Do vậy, giải pháp cần thực hiện là Ngân hàng Nhà nước phải quyết liệt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, sáp nhập bắt buộc hoặc tự nguyện những ngân hàng quản trị rủi ro kém và có khả năng mất thanh khoản. Nếu thực hiện được việc đó thì hệ thống ngân hàng sẽ trở nên lành mạnh, cộng với quyết tâm kiếm chế lạm phát của Chính phủ thì cuộc đua lãi suất đầu vào cũng sẽ được chấm dứt. Trên thực tế, Nhà nước, bằng các hiện pháp hành chính, nên duy trì lãi suất thực giữa tiền gửi và lạm phát ở mức gần bằng 0, có thể lên đến khoảng 0,5 – 1%/năm như các nước đang áp dụng để hút bớt dòng tiền từ kênh tiết kiệm trở thành vốn đầu tư cho nền kinh tế, trong đó có TTCK. Mức lãi suất này sẽ được các ngân hàng điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của lạm phát và tình hình cung – cầu vốn huy động của ngân hàng. Và một khi lãi suất tiền gửi đã hạ nhiệt thì sẽ đến lúc lãi suất cho vay đầu ra cũng được hạ xuống, khi đó đến lượt các doanh nghiệp được hưởng lợi do chi phí đi vay thấp, lợi nhuận tạo ra sẽ lớn hơn. Kết quả đó sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên sàn do tình hình kinh doanh cũng như các chỉ số tài chính của doanh nghiệp đều được cải thiện. Đây được xem là một giải pháp để vực dậy nền kinh tế đang suy thoái nói chung, và để cứu TTCK nói riêng mà các cấp quản lý cần phải quyết tâm thực hiện ngay từ giai đoạn đầu năm này để tạo đà tốt cho cả năm 2012.

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 59 - 65)