Cơ hội và thách thức cho Thị trường chứng khoán Việt Nam trong

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 56 - 59)

giai đoạn sắp tới

3.1.2.1. Thách thức cho Thị trường

TTCK Việt Nam vừa trải qua cơn suy thoái kéo dài suốt từ năm 2008 đến nay, chính vì vậy vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức mà cả Thị trường phải đối mặt trong giai đoạn sắp tới, có thể kể đến là:

Thứ nhất, niềm tin và kỳ vọng của các nhà đầu tư trên Thị trường đang lung lay dữ dội sau một giai đoạn ảm đạm kéo dài. Không chỉ vì diễn biến Thị trường không được như kỳ vọng mà những vụ bê bối của Thị trường trong thời gian qua cũng khiến các nhà đầu tư đánh mất niềm tin ở các doanh nghiệp niêm yết, ở năng lực quản lý của các cơ quan Nhà nước. Giao dịch trong những phiên cuối 2011 và đầu 2012 đạt mức thấp về cả khối lượng và giá trị cho thấy nhiều nhà đầu tư đã

không còn mặn mà với chứng khoán, ngay cả khi cổ phiếu đang giao dịch ở mức giá khá thấp nếu so với các Thị trường khác trong khu vực và trên thế giới. Chỉ số P/E trung bình của cổ phiếu trên Thị trường Việt Nam ở mức 5 – 6 lần, trong khi các Thị trường khác dao động ở mức 13 – 15 lần. Mà ai cũng biết TTCK là thị trường của những kỳ vọng, của niềm tin, chính vì vậy, nếu một khi nhà đầu tư đã đánh mất luôn cả điều đó thì Thị trường rất khó để hồi phục.

Thứ hai, nền kinh tế thế giới và Việt Nam tuy đã vượt qua được đáy của cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công theo như nhận định của các chuyên gia nhưng vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Có thể kể đến là tình hình bất ổn ở Trung Đông làm tăng sức ép lên giá dầu, tăng trưởng kinh tế vẫn còn ở mức thấp của một số đầu tàu kinh tế thế giới như Mỹ, Nhật Bản,… Còn tại Việt Nam, đó là nỗi lo về lạm phát sẽ bùng phát bất cứ lúc nào do sự tăng giá của các nguyên liệu đầu vào như xăng, điện, gas do biến động giá trên thị trường thế giới. Tất cả những trở ngại và thách thức trên khiến cho TTCK không thể phục hồi một cách ổn định, chắc chắn và rất dễ bị tổn thương. Chỉ cần một cú sốc nhẹ, một tin tức không tốt về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội cũng đủ khiến cho các sàn chứng khoán trên toàn cầu, trong đó bao gồm cả Thị trường Việt Nam, chìm ngập trong sắc đỏ giảm điểm.

Thứ ba, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thì kể từ ngày 11/1/2012, tức đúng 5 năm sau khi trở thành thành viên chính thức, các nội dung trong biểu cam kết đối với dịch vụ chứng khoán bắt đầu có hiệu lực (xem Phụ lục 6). Theo đó, kể từ thời điểm trên, cho phép thành lập các doanh nghiệp chứng khoán 100% vốn nước ngoài và thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ như một công ty chứng khoán trong nước, từ môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành, tư vấn và quản lý vốn, tài sản. Điều đó cho thấy mức độ cạnh tranh đối với các công ty chứng khoán trong nước sẽ trở nên quyết liệt và căng thẳng hơn, bởi với những lợi thế về vốn, công nghệ, nhân lực cũng như với kinh nghiệm hoạt động tại các thị trường lâu đời trên thế giới thì các công ty chứng khoán nước ngoài sẽ là những đối thủ đáng gờm của các công ty trong nước. Vì vậy, các công ty trong nước đang đứng trước yêu cầu phải tự nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh để bước vào sân chơi với những đối thủ mới nếu không muốn bị thua ngay trên chính sân nhà.

Tuy phải đối mặt với những khó khăn và thách thức như vậy nhưng TTCK Việt Nam vẫn được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là đang đứng trước những cơ hội không nhỏ cho sự phát triển trong giai đoạn sắp tới.

Thứ nhất, việc Thị trường giao dịch ở mức giá thấp trong một thời gian dài tuy có thể khiến nhiều nhà đầu tư ngắn hạn chán nản và bỏ cuộc, nhưng đó lại là cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn tận dụng để thu gom cổ phiếu giá rẻ. Bằng chứng là chỉ số giá trên cả 2 sàn trong năm 2010 và 2011 tuy không tăng nhưng cũng không giảm quá mạnh, đặc biệt là không xuống thấp hơn mức đáy từng thiết lập trong năm 2008 – thời kỳ đen tối nhất của Thị trường. Điều đó được giải thích là do bất cứ lúc nào Thị trường xuống đến mức quá thấp thì lại luôn có một lực mua bắt đáy được đổ vào và giúp Thị trường phục hồi. Lực cầu này có thể đến từ những nhà đầu tư ngắn hạn, nhưng phần lớn là từ những dòng vốn dài hạn với mục đích mua vào các cổ phiếu cơ bản tốt nhưng thị giá thấp. Vì vậy, đây có thể xem là quá trình thanh lọc của Thị trường: chỉ những nhà đầu tư có vốn thật sự đủ mạnh, có chiến lược đầu tư rõ ràng mới tồn tại được qua giai đoạn khó khăn này. Và sau này, khi Thị trường tăng trưởng trở lại thì chính những nhà đầu tư này sẽ đóng vai trò nòng cốt trên Thị trường, làm cho TTCK phát triển một cách bền vững và lành mạnh hơn.

Thứ hai, TTCK đang được các cấp quản lý Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt. Với tình hình khó khăn của các doanh nghiệp trong việc vay vốn từ hệ thống ngân hàng thì TTCK được xem là lựa chọn duy nhất còn lại nếu doanh nghiệp muốn huy động vốn nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, Chính phủ đang hỗ trợ hết mình cho các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do kinh tế suy thoái, từ đó tạo đà phát triển cho giai đoạn hậu khủng hoảng. Chính vì vậy, việc làm thế nào để vực dậy TTCK thoát khỏi tình hình ảm đạm hiện nay nhằm khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp đang là một trong những quan tâm hàng đầu của các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc liên tiếp ban hành Chiến lược phát triển Thị trường giai đoạn 2011 – 2020 cùng với Chỉ thị 08 về thúc đẩy và tăng cường quản lý TTCK trong vòng 3 tháng đầu năm 2012 đã cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong việc “cứu” Thị trường. Điều đó cũng hứa hẹn sẽ giúp cho TTCK trong năm 2012 bắt đầu phục hồi sau chu kỳ giảm điểm kéo dài trước đó.

Cuối cùng, việc kể từ năm 2012 nước ta bắt đầu thực hiện các cam kết WTO trong lĩnh vực chứng khoán tuy sẽ tạo ra sự canh tranh mạnh mẽ đối với các công ty chứng khoán trong nước nhưng bên cạnh đó cũng tạo ra cơ hội cho các công ty Việt Nam hợp tác với các công ty chứng khoán hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh sự am hiểu về Thị trường Việt Nam là điểm yếu lớn nhất của các công ty nước ngoài khi muốn thâm nhập vào thị trường mới nổi này thì các công ty chứng khoán trong nước hoàn toàn có thể đề nghị hợp tác với các công ty này nhằm tận dụng những lợi thế về vốn, công nghệ, nhân lực cũng như học hỏi được những kinh nghiệm từ đối tác. Từ đó, TTCK sẽ có cơ hội phát triển lành mạnh và ổn định hơn, từng bước tiến gần hơn tới các chuẩn mực, thông lệ của thị trường thế giới khi mà các công ty chứng khoán – với vai trò là những tổ chức trung gian trên Thị trường – được tăng cường sức mạnh về tài chính cũng như năng lực hoạt động từ các công ty hàng đầu trên thế giới.

Tóm lại, TTCK Việt Nam bước sang giai đoạn mới với những thách thức và khó khăn nhất định do tình hình chung của nền kinh tế, cũng như do những khiếm khuyết của chính bản thân Thị trường, song bên cạnh đó vẫn tồn tại những cơ hội và hy vọng cho sự trở lại mạnh mẽ hơn của Thị trường. Nhận diện được cơ hội và thách thức cho Thị trường không phải là một việc quá khó khăn và hầu như nhà đầu tư, chuyên gia chứng khoán hay nhà quản lý nào cũng đều có thể tự đưa ra cho mình những kết luận tương tự. Điều quan trọng và khó khăn chính là làm thế nào để có thể tận dụng những cơ hội đó, biến nó thành những động lực để phát triển Thị trường, đồng thời tìm ra giải pháp để hạn chế những thách thức, trở ngại ngăn cản sự phục hồi của Thị trường. Các thành viên trên Thị trường, từ những doanh nghiệp niêm yết đến những nhà đầu tư, đang cần những biện pháp cụ thể và mang tính thực tiễn cao nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại của Thị trường.

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w