Thông tin kém minh bạch

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 53 - 55)

Trên TTCK, giá của một cổ phiếu thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư đối với tương lai của doanh nghiệp. Mà kỳ vọng của nhà đầu tư lại được quyết định thông qua những thông tin được công bố về doanh nghiệp. Những thông tin đó có thể là những quyết định của Ban Giám đốc về phương án kinh doanh, Nghị quyết của Hội đồng quản trị về chiến lược phát triển, tình hình giao dịch của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, các báo cáo tài chính,… tất cả đều có ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư. Chính vì vậy, việc công bố thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với một doanh nghiệp niêm yết nào.

Tuy vậy, TTCK Việt Nam lâu nay hầu như đã quá quen thuộc với việc chậm công bố thông tin, hay công bố thông tin không chính xác của các doanh nghiệp. Hàng loạt công ty bị nhắc nhở, cảnh cáo toàn Thị trường hoặc thậm chí bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do chậm công bố báo cáo tài chính theo quy định, tuy nhiên, có vẻ như bao nhiêu đó vẫn chưa đủ răn đe và bắt buộc các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với cổ đông. Đối với cổ đông lớn và cổ đông nội bộ, theo quy chế công bố thông tin của các Sở giao dịch thi mọi giao dịch mua – bán cổ phiếu của cổ đông nội bộ (bao gồm các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban kiểm soát, Kế toán trưởng) và cổ đông lớn (nắm giữ từ 5% vốn điều lệ trở lên) đều phải thực hiện công bố thông tin. Thế nhưng, trên thực tế không phải cổ đông lớn nào cũng nghiêm túc chấp hành việc này. Dư luận từng khá ồn áo khi một cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Vật tư Vận tải Xi măng (mã chứng khoán VTV, niêm yết tại HNX) đã âm thầm bán 557.800 cổ phiếu VTV đang sở hữu trước khi thông tin được công bố đến 7 ngày, trong khi trước đó cổ đông này lại nghiêm túc thực hiện công bố thông tin chào mua hơn 1,3 triệu cổ phiếu VTV nhưng không mua được do giá tăng quá cao. Thông qua những giao dịch này, cổ đông đó hưởng lợi ước tính khoảng 8,3 tỷ đồng. Các chuyên gia đánh giá việc chào mua thật ra chỉ

là hành động gây chú ý trên Thị trường nhằm nâng giá cổ phiếu trước khi bán ra để kiếm lợi. Sự bất cân xứng về công bố thông tin này khiến cho những cổ đông nhỏ lẻ phải chịu thiệt hại nặng nề, khi chỉ tiếp nhận thông tin một chiều hoặc không chính xác so với cổ đông nội bộ và cổ đông lớn. Cổ đông là những người chủ nhưng lại bị chính những thành viên của doanh nghiệp lừa dối khi họ không thể tiếp cận được thông tin một cách chính xác và đầy đủ nhất. Chắc chắn uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng sau những bê bối như vậy, cùng với đó là niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK cũng bị lung lay, dẫn đến nguy cơ nhà đầu tư quay lưng lại với Thị trường và cả doanh nghiệp.

Trên đây là những tồn tại và hạn chế của TTCK niêm yết Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cùng với những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan dẫn đến thực trạng trên. Có thể nói, TTCK Việt Nam đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức và trở ngại không nhỏ trong quá trình phát triển của mình. Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, các nhà quản lý cũng như các thành viên tham gia Thị trường đều có những nhiệm vụ để thực hiện nếu muốn Thị trường trở nên hoàn thiện và hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư trong nước.

CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG THU HÚT DÒNG VỐN ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC VÀO THỊ TRƯỜNG

CHỨNG KHOÁN NIÊM YẾT VIỆT NAM

3.1. Định hướng phát triển Thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay đến năm 2020

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 53 - 55)