Thực trạng của dòng vốn đầu tư trong nước trên Thị trường chứng

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 34 - 39)

khoán niêm yết Việt Nam

Sau khi tìm hiểu về tình hình phát triển chung của TTCK niêm yết Việt Nam từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là diễn biến giao dịch của các nhà đầu tư qua từng giai đoạn, chúng ta đã có cái nhìn khái quát về hoạt động của dòng vốn đầu tư trên Thị trường. Tuy nhiên, đối tượng nghiên cứu chính của chúng ta trong đề tài này chỉ là dòng vốn đầu tư trong nước trên TTCK, với những người nắm giữ dòng vốn này

là những nhà đầu tư trong nước. Vì vậy, tiếp sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu riêng về tình hình hoạt động của dòng vốn này trên Thị trường.

Như đã đề cập lúc đầu, mục tiêu của các phân tích này là để tìm ra những tồn tại và hạn chế của TTCK hiện nay, từ đó đề xuất những giải pháp cho Thị trường trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong nước. Chính vì vậy, người viết cho rằng việc nghiên cứu giai đoạn 2000 – 2005, giai đoạn mà TTCK Việt Nam đang bắt đầu những bước đi chập chững đầu tiên sau khi thành lập, là không cần thiết. Bởi vì trên thực tế, những hạn chế và tồn tại của TTCK Việt Nam hiện nay phần lớn đều bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn bùng nổ 2006 – 2007 và kéo dài qua cả giai đoạn 2008 – 2011 sau này, khi mà Thị trường phải đối mặt với những thách thức mới cả khách quan của nền kinh tế đến chủ quan của những nhà quản lý, nhà đầu tư và các thành viên khác trên Thị trường. Vì thế, trong phần này, chúng ta chỉ tập trung tìm hiểu các vấn đề trong phạm vi từ năm 2006 đến 2011, giai đoạn có những ảnh hưởng to lớn đến tình hình Thị trường hiện tại.

Đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu về cơ cấu dòng vốn trên TTCK, tức là tỷ lệ của từng dòng vốn trong ước và vốn nước ngoài trong tổng giá trị nguồn vốn đầu tư trên Thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, không có một thống kê chính thức nào về cơ cấu vốn trong nước trong tổng nguồn vốn trên Thị trường. Nguyên nhân của tình trạng này là do rất khó để thu thập và quản lý số vốn của một nhà đầu tư tham gia trên TTCK, bất kể đó là nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước, pháp nhân hay thể nhân. Nhà đầu tư có thể rút vốn hoặc nộp thêm tiền vào tài khoản bất kỳ lúc nào, và chỉ có các ngân hàng thương mại hoặc các công ty chứng khoán mới quản lý được những giao dịch đó. Ngoài ra, trong những giai đoạn khác nhau của Thị trường, nhất là trong những thời kỳ Thị trường giao dịch trầm lắng, các nhà đầu tư tuy không tham gia mua bán nhưng vẫn để số vốn của mình trong tài khoản mà không rút ra nhằm chờ đợi và nắm bắt những cơ hội có thể đột ngột xuất hiện. Lúc đó, số vốn trên tạm thời rời khỏi Thị trường và không thể được tính như là dòng vốn trên Thị trường. Một loại vốn nữa cũng không được tính là tham gia trên Thị trường đó là dòng vốn của các tổ chức, các quỹ đầu tư đóng vai trò là cổ đông chiến lược và cổ đông sáng lập của doanh nghiệp. Họ vẫn nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp, nhưng khi muốn giao dịch số cổ phiếu đó thì phải đáp ứng những điều kiện khác

nhau về thời gian nắm giữ, cũng như việc công bố thông tin, do đó có thể xem đây là dòng vốn cố định và không ảnh hưởng nhiều đến Thị trường. Nói tóm lại, cơ cấu vốn trên TTCK chỉ thực sự được tính toán một cách chính xác nếu có thể thống kê mọi hoạt động giao dịch của từng nhà đầu tư. Vì điều đó là không khả thi đối với công tác thống kê và phân tích, nên trong nghiên cứu này, chúng ta sẽ tiếp cận vấn đề trên theo một hướng khác. Đó là chúng ta sẽ đi từ cơ cấu số lượng tài khoản của nhà đầu tư tham gia Thị trường, trong một chừng mực nào đó có thể cho ta một cái nhìn tổng quát về tình hình cơ cấu của các dòng vốn trên Thị trường.

Bảng 2.4. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán qua các năm

Năm 2006 2007 2008 2009 2010 2011 Số tài khoản NĐT

trong nước 82.895 296.155 518.695 809.324 1.017.578 1.180.916

Số tài khoản NĐT

cá nhân nước ngoài 3.050 8.607 11.844 12.439 13.393 13.845

Số tài khoản NĐT tổ chức nước ngoài 239 536 889 1.151 1.442 1.724 Tổng số tài khoản 86.184 305.298 531.428 822.914 1.032.413 1.196.485

Nguồn: Trung tâm lưu ký chứng khoán

Nhìn vào bảng trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng TTCK Việt Nam vẫn chủ yếu là sân chơi của những nhà đầu tư trong nước khi mà số lượng tài khoản của nhóm nhà đầu tư này luôn duy trì ở mức 97% -99% so với tổng số tài khoản của toàn Thị trường, trong khi nhóm nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức) chỉ chiếm vỏn vẹn 1% - 3%. Về phía các nhà đầu tư Việt Nam, số lượng tài khoản biến động hàng năm có vẻ cũng tương đồng với diễn biến của Thị trường. Trong năm thăng hoa của TTCK 2007, số lượng tài khoản tăng gấp 2,5 lần so với năm 2006, lên xấp xỉ 300 ngàn tài khoản. Vào thời điểm đó, có thể nói “cơn sốt” chứng khoán đã lan tỏa đến hầu như mọi tầng lớp dân cư trong xã hội, từ những chuyên gia kinh tế, nhân viên công sở đến giới sinh viên, ngay cả những đối tượng có ít kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực này như các bà nội trợ, người buôn bán,… hàng ngày cũng tụ tập trên sàn, nhận định sôi nổi và đặt lệnh mua bán nhộn nhịp. Đà tăng đó kéo dài qua cả năm 2008 với tốc độ tăng khoảng 75% do dư âm của thời kỳ huy hoàng trong quá khứ vẫn còn thôi thúc và hấp dẫn những nhà đầu tư mới kỳ vọng vào sự hồi phục của Thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, Thị trường lại diễn biến không đúng như tâm lý kỳ vọng của họ, và kết quả

là số người đến với chứng khoán ngày một ít đi, tốc độ mở tài khoản mới cũng giảm dần từ 56% năm 2009, xuống còn 26% năm 2010 và 16% năm 2011 – mức thấp nhất kể từ năm 2006.

Tuy nhiên, không thể chỉ căn cứ vào số lượng tài khoản như trên để kết luận một cách đơn giản rằng dòng vốn trong nước vì vậy sẽ chiếm 97 – 99% cơ cấu vốn trên Thị trường. Nguyên nhân là vì các nhà đầu tư nước ngoài tuy chiếm số lượng khá ít nhưng số vốn của họ tương đối lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức – thường là những tập đoàn tài chính đa quốc gia, các ngân hàng đầu tư lớn hay các công ty quản lý quỹ ngoại với số vốn đầu tư hàng triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, các nhà đầu tư Việt Nam phần nhiều lại là những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ với số vốn chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, cho nên việc giả định mỗi tài khoản được mở ra đều với số vốn như nhau là không phù hợp thực tế. Do đó, chúng ta cần phải phân tích thêm một yếu tố nữa, đó là tỷ trọng giá trị giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài so với nhà đầu tư trong nước nhằm có cái nhìn đầy đủ và đa chiều hơn về cơ cấu thực sự của dòng vốn nội trên Thị trường.

Hình 2.2. Tỷ trọng giá trị giao dịch của các dòng vốn đầu tư trên HOSE

Nguồn: Quy mô giao dịch - HOSE

Nhìn chung, tỷ trọng giữa giá trị giao dịch của khối ngoại và so với tổng giá trị giao dịch không thay đổi nhiều, chủ yếu xoay quanh mức khoảng 15 – 20%. Điều đó cũng đồng nghĩa với tỷ trọng dòng vốn nội chiếm khoảng 80% – 85% trong tổng nguồn vốn tham gia giao dịch trên Thị trường. Đây có thể chưa phải là con số

chính xác nhất, nhưng với việc tỷ lệ trên duy trì khá ổn định trong một khoảng thời gian nhất định, trải qua cả giai đoạn bùng nổ cũng như trầm lắng của Thị trường, có thể cho phép chúng ta xem kết quả trên là những ước lượng gần đúng.

Tìm hiểu về tình hình hoạt động của dòng vốn trong nước, chúng ta không thể không quan tâm những hành động của khối nhà đầu tư – những người chủ nắm giữ dòng vốn đó – trong những giai đoạn khác nhau của Thị trường.

Nhìn vào diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nội trên cả 2 sàn niêm yết trong giai đoạn 2006 – 2011, chúng ta có thể nhận thấy xu hướng thay đổi về cả khối lượng và giá trị giao dịch của khối này theo khá sát với xu hướng chung của toàn Thị trường (xem thêm ở Phụ lục 5). Thị trường thật sự đã có bước phục hồi trong 2 năm 2009 và 2010 với khối lượng giao dịch đạt lần lượt gần 14 tỷ và hơn 19,3 tỷ đơn vị, nhưng giá trị giao dịch trong năm 2010 chỉ tăng 7% so với 2009 chủ yếu bởi mặt bằng giá trong năm này nhìn chung duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên trên sàn HNX lại có một chút khác biệt trong giai đoạn này khi giá trị giao dịch năm 2010 không giảm so với năm 2009 mà còn tăng khá cao, 71% so với năm 2009. Điều này có thể lý giải được bởi tuy giá cổ phiếu trong năm 2010 có giảm so với 2009 nhưng nhìn chung mức giảm là không đáng kể và HNX-Index chủ yếu là đi ngang trong cả năm. Do đó, với việc khối lượng giao dịch tăng khá cao lên gần 9 tỷ đơn vị đã góp phần giúp giá trị giao dịch có thể duy trì đà tăng của nó.

Hình 2.3. Tổng hợp giao dịch của nhà đầu tư trong nước trên toàn Thị trường

Bảng 2.5. Cơ cấu các loại chứng khoán đầu tư của nhà đầu tư trong nước

Năm 2006 2007 2008 2009 2010 2011

Cổ phiếu 88% 86% 83% 88% 91% 91%

Trái phiếu 9% 12% 15% 10% 8% 8%

Chứng chỉ quỹ 3% 2% 2% 1% 1% 1%

(Nguồn: Quy mô giao dịch – HOSE và HNX)

Nhìn vào cơ cấu các loại chứng khoán đầu tư của nhà đầu tư nội trên toàn Thị trường, chúng ta thấy rõ một điều đa phần nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu làm sản phẩm đầu tư. Tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu luôn xấp xỉ khoảng 90%, chỉ trừ năm 2007 và 2008 khi con số này giảm lần lượt còn 86% và 83%. Nguyên nhân của sự suy giảm là do trong khoảng thời gian này, trên sàn HNX phát hành thêm gần 1 tỷ trái phiếu, trong đó chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, khiến cho tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu tăng mạnh. Tuy nhiên, đa số những nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu lại là các nhà đầu tư tổ chức như các quỹ đầu tư, các ngân hàng thương mại trong nước, rất ít nhà đầu tư cá nhân chịu bỏ vốn do thời hạn trái phiếu khá dài, giao dịch trái phiếu trên sàn so với cổ phiếu còn khá hạn chế. Bởi vậy, có thể nói thị trường trái phiếu vẫn chưa tạo được sự hấp dẫn và đủ sức thu hút đối tượng nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Tuy vậy, nhìn chung với việc chiếm khoảng hơn 4/5 lượng vốn tham gia trên Thị trường, có thể nói chính dòng vốn đầu tư trong nước là yếu tố đóng vai trò chủ đạo trong các giao dịch cũng như tham gia điều tiết TTCK niêm yết ở Việt Nam từ khi thành lập đến nay.

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 34 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w