Nguyên nhân từ tình hình kinh tế vĩ mô

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 44 - 47)

Các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô luôn được các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư trong nước nói riêng quan tâm một cách sát sao. Bởi những biến động về tình hình kinh tế chính là nền tảng cho những kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự tăng trưởng hay suy thoái của TTCK.

Nguồn: Tổng cục thống kê – www.gso.gov.vn

Nhìn vào diễn biến các chỉ số kinh tế vĩ mô từ 2006 -2011, chúng ta có thể thấy rõ hơn ảnh hưởng của các yếu tố này đối với sự tham gia Thị trường của các nhà đầu tư trong nước. Giai đoạn 2006 – 2007 hội đủ những yếu tố khiến cho nhà đầu tư đua nhau bỏ vốn vào chứng khoán: tốc độ tăng trưởng GDP ở mức khoảng 8,2%, chỉ số CPI ở mức thấp chỉ 6,6%, cùng với chính sách tiền tệ mở rộng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ làm cho tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao từ 26% năm 2006 lên đến 54% trong năm 2007. Cùng với đó, những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình hội nhập cũng gặt hái được những thành công đầu tiên từ Hội nghị cấp cao APEC 2006 đến việc chính thức gia nhập WTO. Tất cả như vẽ ra một bức tranh đầy sáng sủa cho kinh tế Việt Nam, trong đó có TTCK, và từ đó nhà đầu tư trong nước ồ ạt mở tài khoản, mua cổ phiếu , đẩy giá chứng khoán lên cao gấp hơn 3 lần. Tuy nhiên, có vẻ các nhà đầu tư đã quá lạc quan.

Bởi chỉ trong nửa cuối năm 2007, những hạn chế tiềm ẩn của nền kinh tế Việt Nam dần được phơi bày. Đầu tiên là chỉ số lạm phát nửa cuối năm 2007 tăng cao đột biến, làm CPI cả năm này tăng lên đến 2 con số (12,63%), cao nhất kể từ năm 2000 khi TTCK ra đời. Tốc độ tăng trưởng GDP tuy có tăng so với năm 2006 (8,5%) nhưng không đủ bù đắp lạm phát, do vậy thu nhập thực tế trong năm này đã ở mức âm. Nguyên nhân gây ra lạm phát cao trong năm 2007 chính là do việc mở rộng cung tiền quá mức (tăng trưởng tín dụng luôn ở mức trên dưới 30%/năm kéo dài từ 2003) tích lũy lại và đến 2007 thì quả “bong bóng” tín dụng ấy đã vỡ. Do đó các chuyên gia cùng đưa ra nhận định cho dù sang năm 2008 và các năm sau này,

Chính phủ có ráo riết thực hiện biện pháp cắt giảm cung tiền thì cũng vẫn không thể chữa được “căn bệnh” lạm phát ở Việt Nam vốn đã “ủ bệnh” từ rất lâu. Và chỉ đến lúc này, các nhà đầu tư mới bắt đầu giật mình nhìn lại sự kỳ vọng có phần quá hưng phấn của mình và cùng nhau tháo chạy khỏi Thị trường, làm cho Thị trường xuống dốc một cách thảm hại từ nửa cuối 2007.

Và đúng như các chuyên gia dự báo, sang năm 2008, mặc dù đã có các biện pháp nhằm giảm tốc độ tăng tín dụng xuống còn tương đương năm 2006 nhưng lạm phát Việt Nam vẫn không giảm, mà còn tăng lên mức 19,9%, cao hơn cả năm 2007. Cuối năm này lại xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt đầu từ Mỹ, làm cho nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trầm trọng. Việt Nam cũng không nằm ngoài “cơn bão” ấy với tốc độ tăng GDP đã rơi xuống chỉ còn 6,2%, mức thấp nhất kể từ năm 2000. TTCK, trong bối cảnh ấy, càng trở nên ảm đạm hơn, bởi lúc này, quá nhiều thông tin bất lợi đã dồn dập giáng xuống các nhà đầu tư, làm họ chùn tay giao dịch.

Sang năm 2009, tình hình tăng trưởng kinh tế còn thấp hơn, 5,3%, tuy nhiên lạm phát cũng có xu hướng giảm đáng kể xuống còn 6,88%. Trong năm này, với nỗi lo kinh tế rơi vào suy thoái như các nước phương Tây do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, Chính phủ đã một lần nữa mở rộng cung tiền bằng gói kích thích kinh tế trị giá 1 tỷ đô la Mỹ (tương đương 17.000 tỷ đồng thời đó), chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, một phần trong số vốn đó, bằng nhiều cách khác nhau, đã chảy vào TTCK, làm Thị trường có một giai đoạn hồi phục lên hơn 600 điểm đối với VN-Index và 220 điểm đối với HNX-Index. Niềm tin đã trở lại với nhà đầu tư trong năm này, tuy nhiên đứng trước tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều bất ổn thì niềm tin đó là khá mong manh.

Thật vậy, bước qua năm 2010, thế giới lại chứng kiến thêm một cú sốc nữa, đó là “cơn bão” khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu, bắt đầu từ Hi Lạp, Ireland, Ý, Tây Ban Nha,… rồi lan sang đến Mỹ. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam, do độ trễ của gói kích thích được tung ra năm 2009, đến năm 2010 và 2011, cơn ác mộng lạm phát lại quay trở lại với mức tăng gấp đôi, gấp ba lần năm 2009 (cụ thể là 11,75% năm 2010 và 18,58% năm 2011). Mặc dù Chính phủ đã dùng mọi

biện pháp để kiềm chế nhưng với tác động kép của 2 cuộc khủng hoảng, giá cả hàng hóa trên thế giới liên tục tăng cao, và Việt Nam, vốn là một nước nhập siêu triền miên, cũng đã nhập khẩu lạm phát vào trong nước. Các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, gas, sữa,… tăng giá một cách chóng mặt không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm hàng hóa đó trong rổ tính CPI mà còn ảnh hưởng đến tất cả các nhóm hàng khác do đây đều là những nguyên liệu đầu vào chủ yếu của các ngành khác. Tăng trưởng GDP trong 2 năm này tiếp tục đạt mức thấp (lần lượt là 6,7 và 5,9% – đều thấp hơn mục tiêu mà Chính phủ đặt ra đầu mỗi năm). Đặc biệt, trong năm 2011, với mục tiêu kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu, Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho hệt thống ngân hàng thương mại, với mức tăng không quá 20%, trong đó lĩnh vực phi sản xuất, bao gồm chứng khoán và bất động sản, không được tăng trưởng quá 16%. Vậy là một dòng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư đã rời bỏ Thị trường từ năm 2010 vì chán nản, nay lại không được bơm vốn từ tín dụng ngân hàng như hồi năm 2009 đã khiến cho TTCK luôn trong tình cảnh ảm đạm suốt cả năm 2011.

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 44 - 47)