Giai đoạn từ năm 2008 đến 2011

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 32 - 34)

Sau một năm 2007 đầy bùng nổ đối với TTCK thì sang năm 2008, Thị trường bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái. Biểu đồ chỉ số VN-Index của sàn HOSE và HNX-Index của sàn Hà Nội liên tục nằm trong xu hướng giảm điểm (xem Phụ lục 2). Mặc dù có những lúc Thị trường cố gắng bật dậy nhờ vào dòng tiền đầu cơ tham gia bắt đáy Thị trường nhưng bấy nhiêu đó là không đủ khi trong giai đoạn này những thông tin tiêu cực về vĩ mô, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tại Mỹ rồi khủng hoảng nợ công của châu Âu tác động tới kinh tế Việt Nam, cũng như những vụ bê bối của nội bộ Thị trường liên tiếp đánh vào tâm lý của các nhà đầu tư, khiến họ mất niềm tin và không còn đủ kiên nhẫn đeo bám Thị trường.

Tốc độ tăng của khối lượng chứng khoán niêm yết trên Thị trường trong giai đoạn này đã giảm hẳn so với giai đoạn bùng nổ (xem Phụ lục 4). Nếu như chỉ trong vòng 2 năm từ 2006 đến 2007, số lượng chứng khoán niêm yết tăng trung bình 388%/năm đối với HOSE và 7.219%/năm trên HNX, thì trong khoảng thời gian 5 năm từ 2008 đến 2011, tốc độ trên chỉ còn tương ứng 60%/năm và 47%/năm. Xét chi tiết từng sàn thì có thể thấy HNX có sự gia tăng khối lượng hàng hóa theo từng năm một cách đồng đều hơn, chỉ có năm 2011 tốc độ đó giảm mạnh khi tổng số lượng chứng khoán chỉ tăng hơn 230 triệu đơn vị. Trong khi đó, trên sàn HOSE, tốc độ tăng trưởng khối lượng có sự biến động khá lớn qua từng năm, lần lượt là 46%, 75%, 23% và 8% trong giai đoạn từ 2008 - 2011. Rõ ràng có sự liên hệ giữa diễn biến giá trên Thị trường và tình hình niêm yết chứng khoán trên sàn của các doanh nghiệp (xem Phụ lục 2). Trong cả giai đoạn suy thoái này của Thị trường có một đợt sóng phục hồi năm 2009 khi HNX-Index tăng từ đáy 80,56 điểm lên 220 điểm, còn VN-Index tăng từ mức đáy 236,57 điểm lên 626,14 điểm vào tháng 10/2009. Chính đợt sóng phục hồi này đã khiến cho khả năng chào sàn thành công của các doanh nghiệp được nâng cao, kích thích nguồn cung hàng hóa cho Thị trường. Sau đó, tình hình Thị trường duy trì ảm đạm trong suốt năm 2010 và 2011 khiến cho giá các loại chứng khoán liên tục đi xuống, đặc biệt trong thời gian này có khoảng 60% số cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên cả 2 sàn giao dịch với giá thị trường dưới mệnh giá. Từ đó, việc phát hành thêm hoặc niêm yết mới với giá trên mệnh giá sẽ không hấp dẫn các nhà đầu tư bỏ vốn, còn nếu phát hành dưới mệnh giá thì trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp sẽ phải gánh một khoản chênh lệch âm trong tài khoản “Thặng dư vốn cổ phần” của khoản mục “Vốn chủ sở hữu”, từ đó làm giảm giá trị của doanh nghiệp. Chính nguyên nhân trên đã làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn và không mặn mà với việc đưa chứng khoán lên sàn trong giai đoạn này.

Tình hình không khả quan của giá cổ phiếu trên Thị trường cùng với khối lượng niêm yết mới không cao đã dẫn đến việc suy giảm của tỷ trọng vốn hóa Thị trường so với GDP.

Bảng 2.3. Tình hình vốn hóa Thị trường giai đoạn 2008 - 2011 Năm 2008 2009 2010 2011 GDP 1.477.717 1.645.481 1.843.318 2.478.532(*) Vốn hóa Thị trường 224.520 618.641 718.894 535.673 - HOSE 169.346 495.094 591.345 453.784 - HNX 55.174 123.547 127.549 81.889 % Vốn hóa/GDP 15% 38% 39% 22% Nguồn: Tổng cục thống kê và SSC (*) số liệu GDP 2011 ước tính

So với năm 2007 khi mà tổng vốn hóa Thị trường chiếm 43% GDP thì có thể thấy ngay rằng trong giai đoạn này, tỷ trọng đó đã giảm khá mạnh. Ngay vào thời điểm đen tối nhất của Thị trường năm 2008, khi mà cơn “địa chấn” khủng hoảng tài chính đột ngột ập đến thì tổng vốn hóa sụt giảm hơn 1 nửa so với 2007 và chỉ bằng 15% GDP. Trong cơn phục hồi của Thị trường năm 2009, vốn hóa có lúc tăng lên gần gấp 3 lần con số năm 2008, đạt 38 – 39% GDP nhưng vẫn chưa bằng tỷ lệ năm 2007. Sang năm 2011, khi “cơn bão” thứ hai – cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu – xảy ra thì một lần nữa, Thị trường lại rơi vào trạng thái giảm điểm và tỷ lệ vốn hóa/GDP chỉ còn 22%. Mức giảm trong năm này của HNX là khá cao, từ 112,96 điểm xuống chỉ còn 57,91 điểm (tương đương giảm 95%), trong khi ở HOSE chỉ giảm 27% (từ 481,4 điểm xuống mức 351,55). Chính điều này đã làm cho giá trị giao dịch năm 2011 trên HNX giảm mạnh đến 60% so với năm 2010, trong khi khối lượng giao dịch chỉ giảm khoảng 9%.

Có thể nói chính những tồn tại của Thị trường và nền kinh tế tích lũy từ các thời kỳ trước đó lần lượt bộc lộ ra trong giai đoạn này và tác động lên nhà đầu tư theo hướng tiêu cực là nguyên nhân làm cho Thị trường rơi vào giai đoạn suy thoái kéo dài suốt từ năm 2008 đến nay.

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 32 - 34)