Các biện pháp về mặt quản lý Thị trường

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 70 - 95)

3.2.3.1. Tăng cường quản lý trách nhiệm công bố thông tin đối với các doanh nghiệp niêm yết

Hiện nay, theo quy định tại Thông tư 09/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15 tháng 1 năm 2010 hướng dẫn về việc công bố thông tin trên TTCK, các doanh nghiệp niêm yết phải thực hiện công bố các báo cáo tài chính năm, báo cáo tài chính bán niên đã kiểm toán, các báo cáo tài chính quý cho toàn thể nhà đầu tư trên Thị trường cũng như các cơ quan quản lý có liên quan. Thời hạn và phương tiện công bố các báo cáo tài chính này cũng đều đã được quy định rõ ràng trong Thông tư này. Tuy nhiên, quy định này hiện đang bị các doanh nghiệp lờ đi và cố tình để xảy ra chậm trễ trong việc nộp các báo cáo tài chính, dẫn đến việc thường xuyên bị các Sở Giao dịch nhắc nhở hoặc cảnh cáo. Thậm chí ngày 13/2/2012 vừa qua, CTCP Thủy sản Bạc Liêu (BLF) còn bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt do chưa nộp báo cáo tài chính năm 2009, 2010, báo cáo tài chính quý III, IV/2010 và quý I/2011 – tức là đã quá hạn nộp theo quy định tới gần 3 năm. Hậu quả của việc chậm nộp báo cáo tài chính sẽ gây bức xúc cho các doanh nghiệp niêm yết khác và cho cả nhà đầu tư. Doanh nghiệp bức xúc là vì những doanh nghiệp không nghiêm túc chấp hành quy định cũng chẳng vấn đề gì, chỉ bị phạt tiền hoặc nhắc nhở, nặng lắm cũng chỉ đưa vào diện cảnh cáo toàn Thị trường. Như trường hợp của BLF ở trên, mặc dù có những vi phạm với mức độ nghiêm trọng như vậy nhưng cũng chỉ bị phạt 80 triệu đồng, quá nhỏ so với tổng tài sản trên 400 tỷ đồng của doanh nghiệp này. Còn nhà đầu tư bức xúc là bởi nếu không có báo cáo tài chính đầy đủ và kịp thời thì không có thông tin minh bạch, họ sẽ không có cơ sở để đánh giá cổ phiếu của doanh nghiệp, chưa kể tình trạng giao dịch nội gián của những cá nhân biết trước báo cáo tài chính có thể xảy ra.

Bên cạnh đó là tình trạng số liệu trong báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán có sự chênh lệch đáng kể. Trong mùa báo cáo tài chính 2011 này, tuy trên cả 2 sàn chỉ mới có hơn 100 doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính năm nhưng đã xuất hiện những trường hợp chênh lệch trong báo cáo trước và sau kiểm toán lên đến vài chục phần trăm, thậm chí có doanh nghiệp đến gần 300%. Đó là trường hợp CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC) có lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán tăng gấp 2,75 lần so với trước kiểm toán. Nếu như việc lợi nhuận doanh nghiệp cao hơn sau kiểm toán còn

có thể được chấp nhận thì việc lỗ hơn lại là vấn đề cần phải xem xét. Việc các CTCP Thép Việt Ý (VIS), CTCP Cao su Đồng Phú (DPR),… bị kiểm toán độc lập buộc giảm vài chục tỷ đồng lợi nhuận khiến cổ đông cảm thấy bức xúc. Dù các công ty này giải trình việc giảm lợi nhuận là do việc tăng trích lập dự phòng, đánh giá lại doanh thu và chi phí, và đây là những điều mà công ty nào cũng có thể mắc phải trong việc lập báo cáo tài chính, nhưng điều đó cũng không thể làm giảm bớt sự bất an và hoang mang của nhà đầu tư trong công tác lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Cuối cùng là việc công bố các thông tin bất thường của doanh nghiệp. Những thông tin thuộc dạng này bao gồm giao dịch cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, giao dịch chào mua/bán cổ phiếu quỹ, các quyết định của Hội đồng quản trị và Ban Tổng Giám đốc,… có thể gây nên những biến động trong giá cổ phiếu. Trong thời gian qua, liên tiếp có những văn bản nhắc nhở đối với tình hình chậm công bố thông tin bất thường của các doanh nghiệp trên sàn, chứng tỏ các doanh nghiệp và những người có liên quan cũng không thật sự nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

Có rất nhiều nguyên nhân cho những tình trạng trên, từ ý thức trách nhiệm kém của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư, do đặc thù của một số ngành nghề không thể quyết toán doanh thu và chi phí vào thời điểm cuối mỗi kỳ báo cáo, do có nhiều công ty con nên khó khăn trong việc ra báo cáo hợp nhất, nhưng nguyên nhân lớn hơn cả đó là do biện pháp chế tài của pháp luật còn quá nương nhẹ những hành vi vi phạm này. Lấy ví dụ điển hình là cổ phiếu của CTCP xây dựng và đầu tư Việt Nam (CAVICO) – cổ phiếu duy nhất của một doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ của Mỹ – đã bị hủy niêm yết bắt buộc do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2010 chỉ có 6 tháng. Từ việc đó cho thấy sự nghiêm minh và uy tín của một sàn chứng khoán hàng đầu thế giới, tuy chỉ là phi tập trung, so với sự lỏng lẻo, thiếu nghiêm túc và thiếu tính răn đe của TTCK Việt Nam.

Thứ hai, về tình trạng chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán, Bộ tài chính cần quy định rõ hơn cách thức áp dụng các chuẩn mực kế toán trong việc hạch toán các giao dịch cho từng đối tượng ngành nghề cụ thể, cố gắng cho các doanh nghiệp cùng ngành có thể theo một chuẩn kế toán thống nhất, tránh những sai lệch trọng

yếu có thể xảy ra trong các báo cáo tài chính. Về phía các doanh nghiệp, nên đầu tư nhiều hơn cho bộ phận công bố thông tin để hình thành văn hóa quan hệ với nhà đầu tư, ủy quyền cho một người chuyên trách quản lý việc công bố thông tin và giải thích các thắc mắc liên quan đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp như kế toán trưởng, chánh văn phòng,... Các doanh nghiệp cũng nên phát triển những phương tiện như e-mail, điện thoại, fax, trang web chính thức,... để nhà đầu tư có thể liên lạc với doanh nghiệp khi có nhu cầu tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp.

Đối với các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ cũng cần có những chính sách xử phạt đối với hành vi không công bố thông tin giao dịch theo quy định, có thể đánh trực tiếp vào thu nhập, cũng có thể hạn chế quyền lợi của cổ đông đó đối với doanh nghiệp một khi vi phạm như hạn chế quyền biểu quyết, quyền tham dự đại hội cổ đông,… Nếu hành vi vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Thị trường cũng như quyền lợi của các nhà đầu tư khác trên Thị trường thì có thể đưa vào xử lý hình sự với hành vi lợi dụng quyền hạn thao túng giá làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác. Muốn như vậy, Bộ Tài chính, SSC phải cùng với Bộ Tư pháp và các cơ quan soạn thảo pháp luật nghiên cứu bổ sung những tội danh liên quan đến chứng khoán, đặc biệt là trong hoạt động công bố thông tin, vào Bộ luật Hình sự nhằm tăng tính răn đe, trả lại tính minh bạch, công bằng cho nhà đầu tư và Thị trường.

3.2.3.2. Nâng cao chất lượng hoạt động của các các công ty chứng khoán

Các công ty chứng khoán (CTCK) hoạt động trên Thị trường với tư cách môi giới giao dịch, giúp chuyển lệnh của nhà đầu tư đến các Sở giao dịch. Ngoài ra, các CTCK còn được thực hiện một số nghiệp vụ khác như tự doanh, tư vấn và bảo lãnh phát hành nếu đáp ứng được các quy định về vốn điều lệ. Trong giai đoạn bùng nổ của TTCK năm 2006 – 2007, khi chứng khoán trở thành “cơn sốt” trong xã hội, nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư tăng cao nên các CTCK cũng đua nhau ra đời.

Bảng 3.1. Số lượng công ty chứng khoán qua các năm

Năm 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011

SL 7 8 9 12 13 14 55 78 102 105 105 105

Nguồn: Thành viên Thị trường – hsx.com.vn

Nhìn vào bảng số liệu trên, ta có thể thấy chỉ từ 14 CTCK năm 2005 thì qua năm 2006 số lượng CTCK tăng lên gần gấp 4 lần, đạt con số 55 công ty. Điều đó cho thấy chính sự tăng trưởng mạnh mẽ của Thị trường đã thúc đẩy sự ra đời các

CTCK, hấp dẫn ngay cả những ngân hàng thương mại hàng đầu cũng bước chân vào lĩnh vực này. Hầu như các ngân hàng thương mại lớn đều là “chỗ dựa” cho một CTCK con như Ngân hàng Á Châu, Sacombank, hay cả những ngân hàng thương mại quốc doanh (hoặc do Nhà nước nắm cổ phần chi phối) như Vietcombank, Vietinbank, Agribank,… Tuy nhiên, chính sự phát triển các CTCK một cách tràn lan và không có định hướng từ SSC đã gây nên những hạn chế và phức tạp cho Thị trường trong giai đoạn vừa qua.

Theo thống kê, đến năm 2010, cả nước có 105 CTCK hoạt động nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Thế nhưng chỉ riêng hơn 10 CTCK trong số đó đã chiếm gần 50% thị phần môi giới trên toàn Thị trường (xem Phụ lục 7). Xấp xỉ 50% thị phần còn lại được chia cho hơn 90 CTCK khác. Trong tình hình Thị trường ảm đạm như hiện nay, khi mà việc tự doanh khó mang lại lợi nhuận do giá cổ phiếu đang trong xu hướng giảm, còn nghiệp vụ bảo lãnh và tư vấn cũng không có được sự khả quan do không nhiều doanh nghiệp chọn thời điểm này để lên sàn thì doanh thu và lợi nhuận chủ yếu của các CTCK chính là đến từ hoạt động môi giới.

Do phải cạnh tranh quyết liệt để giành giật thị phần, các CTCK, nhất là các công ty nhỏ, đã dùng nhiều cách khác nhau để hấp dẫn và lôi kéo nhà đầu tư. Các chiêu trò thường thấy là tỷ lệ ký quỹ cao, có khi lên đến 80% giá trị chứng khoán đặt mua, cho phép nhà đầu tư vay chứng khoán để bán khống, cho nhà đầu tư lách quy định T+3 bằng việc bán chứng khoán đã mua trước khi về tài khoản,… Những cách cạnh tranh này vô tình đã làm méo mó Thị trường, làm mất sự công bằng với những nhà đầu tư khác, thậm chí có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, một số CTCK còn lợi dụng tài khoản của khách hàng cho mục đích tự doanh của mình. Thị trường từng phát hiện nhiều vụ CTCK đã tự ý “mượn tạm” số chứng khoán trong tài khoản của nhà đầu tư mang đi tự doanh, đến khi nhà đầu tư đặt lệnh bán thì mới vỡ lẽ do trong tài khoản lưu ký tại VSD không còn chứng khoán để bán. Một cách khác, các CTCK thường hay nhập nhằng tiền của nhà đầu tư và tiền của công ty, dẫn đến hiện tượng CTCK lấy tiền của khách hàng đem đi đầu tư, khi khách hàng muốn mua chứng khoán thì lại không còn tiền trong tài khoản. Những vụ bê bối như trên của các CTCK xuất hiện ngày càng nhiều và gây tâm lý hoang mang không tốt cho những nhà đầu tư tham gia trên Thị trường.

Chính những bất cập đó của các CTCK buộc chúng ta cần phải có những giải pháp tăng cường chất lượng cũng như giám sát hoạt động của các CTCK. Đầu tiên là việc phải tách riêng được tài khoản tiền và chứng khoán của nhà đầu tư và hoạt động tự doanh của các CTCK. Đối với tài khoản chứng khoán, SSC cần ra quy định các CTCK muốn thực hiện nghiệp vụ tự doanh thì phải mở một tài khoản lưu ký riêng tại VSD chứ không được gộp chung vào tài khoản của khách hàng như hiện nay. Một khi đã tách riêng ra như vậy thì những lệnh giao dịch không do nhà đầu tư ủy quyền CTCK, tức những lệnh giao dịch tự doanh của công ty, sẽ chỉ được phép bù trừ trên tài khoản tự doanh tại VSD. Nếu sau này có phát sinh tranh chấp, khiếu nại trong trường hợp công ty “mượn” chứng khoán của khách hàng thì cũng rất dễ dàng để truy ra từ những giao dịch trong quá khứ. Đối với tài khoản tiền, SSC cần phối hợp với Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn quy định việc quản lý tiền gửi của khách hàng cho CTCK trong một tài khoản con riêng rẽ trong khoản mục “Tiền mặt” trên bảng cân đối kế toán. Cũng tương tự như trên, chỉ những giao dịch có được sự cho phép hoặc ủy quyền của nhà đầu tư mới được hạch toán vào tài khoản riêng này, để tránh tình trạng CTCK “cố tình” dùng lấn sang tiền của khách hàng. Việc kiểm tra và phát hiện các sai phạm liên quan đến hành vi này sẽ do kiểm toán viên độc lập chịu trách nhiệm khi kiểm toán báo cáo tài chính cuối kỳ.

Về phía nhà đầu tư cũng cần lưu ý khi thực hiện đặt lệnh giao dịch với CTCK thì phải thực hiện bằng các phương tiện có thể lưu giữ được bằng chứng như internet, tin nhắn. Nếu đặt lệnh bằng phiếu lệnh thì nhà đầu tư phải lưu giữ tờ thông báo kết quả khớp lệnh, nếu thực hiện qua điện thoại thì nên có chế độ ghi âm cuộc gọi. Tất cả những biện pháp đó nhằm tự đề phòng cho chính nhà đầu tư nếu CTCK cố tình mang tiền và chứng khoán của khách hàng đi đầu tư cho mình. Trong trường hợp đó thì họ vẫn có những bằng chứng giao dịch có giá trị pháp lý để đối chất với các CTCK và cung cấp cho các cơ quan điều tra khi cần thiết.

Một vấn đề nữa là việc có quá nhiều CTCK chiếm thị phần không đáng kể vừa gây sự lãng phí cho xã hội, vừa là điều kiện làm nảy sinh những cách cạnh tranh không lành mạnh như đã nêu. Chính vì vậy, việc sáp nhập bắt buộc hoặc giải thể các CTCK làm ăn không hiệu quả là một yêu cầu đang được đặt ra đối với các cơ quan quản lý, mà cao nhất là Ủy ban chứng khoán Nhà nước. SSC có thể khuyến

khích các công ty nhỏ tự tìm đến nhau cùng hợp tác để tận dụng mạng lưới giao dịch, hệ thống kỹ thuật cũng như nguồn khách hàng của nhau, tạo nên lợi thế cạnh tranh mới lớn hơn như một số ngân hàng thương mại đã làm theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Đối với các CTCK không chịu sáp nhập dù hoạt động yếu, SSC có thể dùng những biện pháp hành chính như yêu cầu tăng vốn điều lệ để có thể hoạt động các nghiệp vụ môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành; quy định và tăng cường thanh kiểm tra các vi phạm của CTCK đối với nhà đầu tư như cho vay ký quỹ quá mức, dùng tiền và chứng khoán của khách hàng để tự doanh, cho nhà đầu tư bán khống cổ phiếu,… một mặt nhằm làm lành mạnh hóa Thị trường, trà lại sự công bằng và an tâm cho các nhà đầu tư, một mặt làm cho các CTCK làm ăn không minh bạch, yếu kém không thể tiếp tục cạnh tranh được với các CTCK khác, dẫn đến việc tự giải thể hoặc phá sản.

Những biện pháp và kiến nghị trên là cần thiết và phải được các bên có liên quan thực hiện ngay từ bây giờ để tạo một sân chơi bình đẳng, lành mạnh cho các CTCK và nhà đầu tư, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy khả năng cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các CTCK trong nước nhằm đủ sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài sẽ đặt chân vào thị trường Việt Nam trong thời gian sắp tới.

3.2.3.3. Các mô hình đầu tư mới từ VN-30 Index

Để khắc phục những hạn chế và nhược điểm của bộ chỉ số giá VN-Index như đã đề cập ở chương 2, ngày 6/2/2012, HOSE đã chính thức đưa vào áp dụng bộ chỉ số giá mới VN-30 Index bên cạnh VN-Index. Điểm khác biệt lớn nhất của VN-30 so với VN-Index là rổ hàng hóa tính chỉ số được giới hạn xuống còn 30 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất, trong đó quyền số của mỗi loại cổ phiếu đều không được vượt quá 10%. Đây là những cổ phiếu chiếm khoảng 80% giá trị vốn hóa và 60% giá trị giao dịch toàn thị trường nên vẫn đảm bảo được tính bao quát

Một phần của tài liệu Thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán niêm yết ở Việt Nam (Trang 70 - 95)