TTCK Việt Nam vừa trải qua một năm 2011 với vô vàn khó khăn và thách thức, khiến cho các nhà đầu tư gần như đánh mất niềm tin và kiên nhẫn vào sự hồi phục của Thị trường. Nhận thức được tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì và phát triển TTCK với vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm vực dậy Thị trường, cũng như thu hút trở lại dòng vốn của các nhà đầu tư. Một trong những động thái đó, ngày 1 tháng 3 năm 2012 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, trong đó có đề cập đến những quan điểm, mục tiêu phát triển Thị trường trong giai đoạn sắp tới, cũng như chỉ ra những nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Theo đó, quan điểm của Chính phủ trong việc xây dựng TTCK đến năm 2020 là phải theo sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng thị trường tập trung, thu hẹp thị trường tự do. Chính phủ đặc biệt coi trọng chất lượng và sự an toàn trong các hoạt động trên Thị trường, từng bước tiếp cận những chuẩn mực và thông lệ của thế giới, nhằm tiến tới đưa TTCK Việt Nam hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, việc phát triển TTCK còn phải gắn liền với quá trình cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước, thông qua việc cổ phần hóa tạo động lực cho các doanh nghiệp này nâng cao năng lực kinh doanh và sức mạnh tài chính. Trong giai đoạn mới, Nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và quản lý Thị trường thông qua các công cụ pháp luật cũng như các chính sách hỗ trợ nhằm đưa Thị trường phát triển ổn định, vững chắc.Bên cạnh đó cũng kêu gọi các tổ chức, hiệp hội đầu tư cần phát huy vai trò của mình trong việc bảo đảm quyền lợi và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia Thị trường.
Cùng với quan điểm về xây dựng TTCK thì Chính phủ cũng đề ra những mục tiêu cụ thể cho Thị trường trong giai đoạn 2011 – 2020:
• Một là, tăng quy mô và thanh khoản của Thị trường, thông qua việc đa dạng hóa nhà đầu tư, nâng cao tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao trình độ cho nhà đầu tư cá nhân trong nước. Mục tiêu phấn đấu đưa tổng giá trị vốn hóa Thị trường đạt 70% GDP vào năm 2020.
• Hai là, tăng tính hiệu quả cho Thị trường, tiến tới việc sáp nhập 2 Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thành một Sở giao dịch duy nhất. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng hoạt động, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm và phương thức giao dịch trên sàn, tham gia chương trình liên kết thị trường ASEAN và từng bước kết nối với các Sở giao dịch và các Trung tâm lưu ký chứng khoán trong khu vực.
• Ba là, nâng cao sức cạnh tranh của các định chế trung gian trên Thị trường, điển hình là các công ty chứng khoán bằng việc tăng quy mô, tiềm lực tài chính, đa dạng hóa các nghiệp vụ của các công ty chứng khoán. Đồng thời, mở cửa thị trường cho các trung gian tài chính nước ngoài theo cam kết khi gia nhập WTO trên cơ sở đảm bảo lợi ích và khả năng cạnh tranh của các tổ chức trong nước. • Cuối cùng là tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý Nhà nước trên cơ sở cho phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có đủ quyền lực để thực thi tốt các chức năng này.