11 Khâu kiểm tra, đánh giá kết quả học tập chưa cải tiến 50% 50%
2.1.4. Nguyên tắc tính vừa sức
Trong quá trình dạy học, khi lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học việc nâng cao dần mức độ khó khăn trong học tập tương ứng với giới hạn cao nhất của vùng phát triển trí tuệ gần nhất nhằm tạo nên sự căng thẳng về mặt trí lực, thể lực phù hợp với đặc điểm của lứa tuổi, đặc điểm chính là bản chất của nguyên tắc tính vừa sức trong dạy học. Nói cách khác, nguyên tắc vừa sức trong dạy học được quan niệm là quá trình dạy học phù hợp với trình độ tiếp thu tri thức mới của HS, kích thích thúc đẩy và đi trước sự phát triển trí tuệ của HS.
Vừa sức trong dạy học không thể hiểu đơn giản là sức HS đến đâu thì dạy đến đó mà bao giờ dạy học cũng đề ra những nhiệm vụ khó khăn mà dưới sự chỉ đạo của GV thì HS bằng sự nỗ lực của mình có thể khắc phục được. Cần lưu ý rằng mức độ khó khăn trong học tập của HS khác với sự quá tải về mặt trí lực và thể lực, bởi vì sự quá tải đó sẽ làm yếu đi sự nỗ lực
ý chí, làm HS dễ bị mệt mỏi trong học tập, khả năng học tập sẽ bị hạ thấp. Trong thực tế thường có hai loại biểu hiện của việc học tập không vừa sức. Thứ nhất, dạy những vấn đề quá mới quá phức tạp HS không thể tiếp thu nổi.
Thứ hai, dạy những vấn đề đơn giản, sơ sài, không có tác dụng đối với HS. Đảm bảo tính vừa sức trong dạy học, nhằm hướng vào việc phát triển các khả năng vốn có của HS, phát huy tính độc lập, sáng tạo và tích cực học tập của HS.
- Cơ sở và ý nghĩa của nguyên tắc tính vừa sức:
Nhờ hoạt động vật chất của bộ não nên quá trình nhận thức của con người diễn ra bao giờ cũng phải phù hợp với quy luật tâm – sinh lý của con người. Nhờ sự chuyển hóa giữa các quá trình hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh trung ương không vượt quá giới hạn quy định (ngưỡng) của các kích thích mà con người có phản ứng với ngoại cảnh. Vì thế, với hệ thống tri thức trừu tượng và khái quát cao của môn GDCD mà đòi hỏi cường độ học tập quá cao, vượt quá ngưỡng lĩnh hội tri thức của HS sẽ làm cho HS không thể vượt qua được khó khăn trong học tập.
Tính vừa sức đòi hỏi phải phù hợp với đặc điểm của lứa tuổi, mỗi độ tuổi gắn liền với sự trưởng thành của những cơ quan trong cơ thể và những chức năng của các cơ quan đó cũng như với sự tích lũy của những kinh nghiệm về mặt nhận thức, mặt xã hội và hoạt động chủ đạo của lứa tuổi đó. Do đó, lứa tuổi thay đổi thì nhu cầu trí tuệ và hứng thú học tập cũng biến đổi. Tuy nhiên, theo định đề của Burns không thể có hai HS giống nhau, vì trong cùng một lứa tuổi cũng có những đặc điểm khác nhau về hoạt động của hệ thần kinh cao cấp, về sự phát triển của thể chất và tinh thần, về năng lực và hứng thú… Điều đó cho thấy, vừa sức trong dạy học còn chú ý đến cả những đặc điểm các biệt của HS. Chính vì lẽ đó nên trong
quá trình biên soạn chương trình và sách giáo khoa môn GDCD các tác giả đã phải căn cứ vào đối tượng HS đặc điểm tâm – sinh lý lứa tuổi, trình độ lĩnh hội tri thức, những tri thức cơ bản thiết thực cần trang bị cho HS, và thời gian hợp lý dành cho môn học này để xác định được lượng tri thức có thể gây được những khó khăn vừa sức với HS. Vì vậy, trong quá trình dạy học môn GDCD người GV cũng phải chú ý đến những đặc điểm này. Đây chính là chỗ dựa vững chắc cho GV phát huy năng lực sư phạm và nghệ thuật giảng dạy nhằm đạt được hiệu quả dạy học và góp phần phát triển những tư chất tốt đẹp của HS.
Môn GDCD bao gồm những tri thức về triết học, kinh tế - chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, đường lối chính trị, đạo đức, pháp luật… Những tri thức đó đã nâng lên trình độ lý luận trừu tượng và khái quát cao. Đảm bảo tính vừa sức là điều kiện cần thiết để đem lại chất lượng giảng dạy của GV và HS. Đông thời cũng đảm bảo được nguyên tắc tính khoa học, tính đảng, tính thực tiễn trong giảng dạy bộ môn.
Những yêu cầu cơ bản tỏng việc đảm bảo nguyên tắc tính vừa sức Một là, xác định khối lượng, mức độ kiến thức trong dạy học.
Trong sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kĩ thuật, sự đổi mới để xây dựng và phát triển đất nước, khối lượng tri thức của môn GDCD không chỉ thay đổi mà còn tăng lên. Trong khi đó, thời gian học tập môn học này ở trường THPT lại hạn chế vì vậy yêu cầu đặt ra là phải lựa chọn nội dung tri thức của môn học như thế nào cho vừa phải, hợp với khả năng nhận thức của HS và quỹ thời gian giành cho môn học mà vẫn đảm bảo được hệ thống tri thức khoa học, hiện đại của môn GDCD. Đây là một điều rất khó xác định. Trong thực tế, nhiều GV khi dạy học đã bổ sung quá nhiều tư liệu, thông tin làm cho việc học tập của HS trở nên nặng nề, căng thẳng. Ngược
lại có những GV lại quá đơn giản nội dung tri thức trong SGK, biến nó thành một bản tóm tắt để HS học cho dễ thuộc. Câu hỏi đặt ra nhiều khi quá dễ, HS không cần suy nghĩ cũng trả lời ngay được, nhưng có khi câu hỏi đưa ra lại mang tính đánh đố hoặc quá khó vượt khả năng trả lời của HS khiến HS không thấy hứng thú trong học tập. Có GV khi giảng dạy lại quá sa đà vào những câu chuyện vụn vặt, giật gân làm loãng trọng tâm của bài học hoặc lạm dụng quá mức các đồ dùng dạy học làm cho bài học không đạt yêu cầu về mặt tri thức… Do đó, việc xác định khối lượng và mức độ kiến thức là rất quan trọng để đảm bảo cho HS tiếp nhận tri thức một cách hiệu quả trên cơ sở giải quyết các khó khăn vừa sức trong học tập dưới sự định hướng của GV. Để thực hiện được điều này trong quá trình chuẩn bị và dạy học, GV cần chọn lọc các tri thức cơ bản và cần thiết, phải cân nhắc kĩ khối lượng, mức độ kiến thức và hệ thống câu hỏi.
Hai là, để đảm bảo tính vừa sức, GV cần phải hiểu biết đặc điểm tâm - sinh lý của HS, môi trường xã hội mà HS đang sống, những điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán, truyền thống của địa phương nơi HS cư trú, học tập, đồng thời phải nắm được khả năng lĩnh hội tri thức của HS.
Với độ tuổi từ 15 đến 18, HS THPT tuy vốn hiểu biết về đời sống xã hội chưa phong phú nhưng do trình độ phát triển dân trí của xã hội, do trình độ nhận thức đã được nâng cao, do tác động của sự bùng nổ thông tin…nên tư duy trừu tượng của HS đã có và đang phát triển. Quá trình học tập của HS đã xuất hiện những nhân tố nghiên cứu khoa học và đang từng bước được củng cố, rèn luyện. HS đã biết gắn chặt cuộc sống của bản thân với cuộc sống của xã hội, đã bước đầu thiết lập các mối quan hệ xã hội, biết đánh giá và quan tâm đến các giá trị của con người. Những yếu tố này có ảnh hưởng khá lớn đến khả năng lĩnh hội tri thức của HS, nên cần căn cứ vào các yếu tố đó để xác định các mức độ khó khăn vừa sức trong học tập
của HS để từ đó tìm ra nội dung tri thức và phương pháp giảng dạy phù hợp.
Việc đánh giá năng lực lĩnh hội tri thức của HS không nên dừng lại ở việc đánh giá qua các bài kiểm tra. Ở đây cần kết hợp nhiều biện pháp, bởi vì năng lực lĩnh hội tri thức của HS nhiều khi lại do sự say mê môn học hoặc do ảnh hưởng mạnh mẽ của dư luận xã hội. Do đó, một mặt cần tiến hành đánh giá một cách khách quan, khoa học theo các phương pháp do khoa học giáo dục cung cấp. Mặt khác, cần tìm hiểu năng lực tiếp nhận tri thức các bộ môn khoa học khác của HS để từng bước tạo ra sự say mê học tập ở HS.
Khi đã nắm vững đối tượng GV mới có thể chủ động truyền thụ tri thức từ việc xác định tri thức, sử dụng ngôn ngữ, cách diễn đạt… cho đến việc lựa chọn phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá kết quả nhận thức… Như vậy, khi giảng dạy các tri thức lí luận trừu tượng của môn GDCD, căn cứ vào đối tượng HS để nâng dần mức độ phức tạp, mở rộng dần phạm vi của tri thức sao cho HS có thể từng bước thu nhận được tri thức, và cuối cùng nắm được thực chất vấn đề đã lĩnh hội.
Ba là, việc đảm bảo nguyên tắc tính vừa sức trong dạy học môn GDCD đòi hỏi GV phải chú ý đến các đối tượng là HS cá biệt.
Đối với các học sinh kém cần kiên trì giúp đỡ để từng bước nâng trình độ. Đối với HS khá cần khuyến khích năng lực tư duy sáng tạo, độc lập và khả năng vận dụng tri thức vào hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Để làm được điều này, trong dạy học GV nên đặt ra một nhiệm vụ chung cho cả lớp, dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của GV cá nhân HS suy nghĩ và tìm cách giải quyết. Trong thời gian đó, GV có thể giúp đỡ cho HS yếu kém học tập bằng cách gợi ý và minh họa, khuyến khích HS khá, giỏi tìm hiểu kiến thức thông qua các bài tập tình huống và các câu hỏi nâng
cao. Một cách làm khác là GV tổ chức cho HS thảo luận theo các nhóm nhỏ với những vấn đề cụ thể vừa tạo cho HS cơ hội giúp đỡ lẫn nhau học tập nhằm giáo dục cho các em tinh thần tập thể, vừa kích thích các em độc lập suy nghĩ, mạnh dạn đưa ra và bảo vệ chính kiến của mình. Như vậy vấn đề học tập sẽ trở nên vừa sức với các HS đặc biệt là những HS cá biệt. Cần lưu ý, việc đảm bảo nguyên tắc tính vừa sức trong dạy học cũng không nên cứng nhắc, giáo điều mà phải luôn đánh giá đúng đắn HS, đề ra những yêu cầu phù hợp với sự phát triển trí tuệ của HS.
2.2. Một số biện pháp cơ bản nhằm nâng cao kỹ năng thực hành pháp luật trong dạy học phần “Công dân với pháp luật”