Sự tồn đọng của nếp tư duy cũ kỹ của thời kỳ kinh tế tập trung và bao
cấp đối với DN tư nhân được Thời báo Kinh tế Sài Gòn nhận xét: “Ở Việt
Nam, thời kỳ bao cấp đã làm hằn sâu trong tâm trí con người quan niệm về một nền kinh tế được coi như một phần của hệ thống hành chính công… Cung cách chủ quản hành chính theo kiểu thượng cấp - thuộc quyền đối với DN được duy trì đến nay, thậm chí, còn bao trùm cả KVKTTN… Cho đến nay, những cụm từ “tư thương”, “thương lái”, vẫn được dùng để chỉ những cá nhân, tổ chức hoạt động thương mại không do Nhà nước lập ra và được hiểu là một loại người xấu, cơ hội trong kinh doanh, chuyên lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác, nhất là của bà con nông dân, để đầu cơ, trục lợi. Cách gọi mang tính phân biệt đối xử đó thậm chí có thể được ghi nhận trong các hoạt động giao tiếp có tầm ảnh hưởng sâu rộng, như các bản tin, bài báo phổ biến trên các phương tiện truyền thông của nhà nước, các phát biểu mang tính công vụ của những người giữ trọng trách trên các diễn đàn chính thức”.
Thứ đến là tâm lý è dè của doanh nhân trong kế hoạch khuếch trương DN phản ảnh cách đối xử phân biệt của Nhà nước đối với các DN tư nhân đã có giảm đi nhiều về mặt chính sách, song vẫn còn nặng nề trong thực tế. Qua
cuộc phỏng của Đài BBC thực hiện tháng 10/2007, tiến sĩ kinh tế Vũ Thành Tự Anh, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright ở TP. HCM, đã bày tỏ ý kiến: “Yếu tố thứ nhất chính là các DN phải có khát vọng trở thành công ty lớn. Khi anh hỏi nhiều DN Việt Nam có muốn lớn không, họ bảo thôi, thế này là được rồi. Không hẳn là họ không muốn, nhưng khi phát triển lên thì gặp rất nhiều trục trặc, thí dụ về cạnh tranh hay là bị sự chú ý từ cơ quan quản lý… Có công ty chia nhỏ DN của mình thành nhiều công ty khác nhau để tránh dòm ngó của cơ quan quản lý và đối thủ.”