Các nhân tố thúc đẩy cạnh tranh

Một phần của tài liệu Vai trò của đầu tư tư nhân đối với phát triển kinh tế việt nam (Trang 25 - 26)

Cạnh tranh là yếu tố cho phép các DN mới gia nhập thị trường và là động lực buộc các DN đang tồn tại phải tiến hành đổi mới, nâng cao năng suất.

Việc dỡ bỏ những cản trở từ hoạt động điều tiết phi lý của chính phủ là một trong những cách thức tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Bằng chứng thực nghiệm cho thấy, ở Việt Nam, việc loại bỏ các giấy phép con và việc đưa tất cả các DN hoạt động theo Luật DN đã làm gia tăng mạnh mẽ số lượng các DN đặc biệt là các DN tư nhân ở nước ta trong những năm qua. Trước khi Luật DN 2000 ra đời, yêu cầu đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép đăng ký kinh doanh là một quá trình hết sức phức tạp. Những hồ sơ và thủ tục cồng kềnh đã hạn chế việc thành lập các DN. Tính trung bình thời gian đó, việc đăng ký kinh doanh phải mất đến 90 ngày và phải đi lại không ít hơn 10 cơ quan khác nhau, nộp hơn 20 loại giấy tờ các loại và tương ứng với chứng từ đó là con dấu của các cấp. Ngoài ra còn cần một loại giấy phép trước khi khai trương. Với thủ tục như vậy, ước chừng chi phí về tài chính chưa kể thời gian mất từ 700 đến 1400 USD. Đối với một DN nhỏ, khoản chi này là thực sự lớn. Khi Luật DN 2000 ra đời, thời gian thành lập DN giảm xuống còn ít hơn 2 tháng và thủ tục đăng ký kinh doanh chỉ có 15 ngày, tổng chi phí của việc thành lập một DN chỉ mất khoảng 350 USD.[19] Hệ quả là riêng trong năm 2000, sau khi Luật DN 2000 chính thức đi vào thực tiễn, số DN đăng ký mới là 14.444 DN, bằng 32% tổng số DN đăng ký trong vòng 9 năm từ 1991 đến 1999. Con số này vào năm 2005 lên đến 38.144 DN (xem bảng 4). Luật DN 2000 ra đời thực sự đã tạo sân chơi bình đẳng cho các DN, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động mở rộng hay ĐT mới của tư nhân.

Những quy định về hạn chế độc quyền cũng là một biểu hiện của việc thúc đẩy cạnh tranh. Quan niệm về độc quyền ở mỗi nước lại rất khác nhau. Ở các nước Đông Á, thị phần của các DN được coi là độc quyền phải chiếm

từ 50 – 70%; trong Liên minh châu Âu, các DN độc quyền có thị phần 40 – 50%; ở Đông Âu và Trung Á, con số này có ít hơn, từ 30 – 40%; Châu Phi là 20 – 45%; đặc biệt ở Mỹ chỉ là 2 – 3%.[8] Các con số nêu trên khiến người ta dễ dàng liên tưởng tới hoạt động kinh tế tại các nước, các khu vực này. Ở Mỹ, nước có nền kinh tế được đánh giá là năng động bậc nhất thế giới, quy định về độc quyền của họ rất chặt chẽ, thị phần chiếm chỉ ở mức 2 – 3% đã được coi là độc quyền. Chính việc quy định chặt chẽ này đã hạn chế tối đa tình trạng độc quyền diễn ra trong nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các công ty, nhất là những công ty vừa và nhỏ. Ở Việt Nam, năm 2004 đã ban hành Luật cạnh tranh, có hiệu lực vào 1/7/2005 với mục đích xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, đồng thời tạo cơ hội cho DN nhỏ tồn tại và phát triển trước những đối thủ lớn.

Các yếu tố trên nếu được thực hiện tốt chắc chắn sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng tạo thuận lợi cho các DN, đặc biệt là các DN nhỏ, các DN mới gia nhập thị trường có điều kiện phát triển từ đó hấp dẫn các nhà ĐTTN ở cả trong và ngoài nước.

Một phần của tài liệu Vai trò của đầu tư tư nhân đối với phát triển kinh tế việt nam (Trang 25 - 26)