- Quyền đảm bảo tính toàn vẹn (Điều 3.4):
THỰC TIỄN BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI PHẦN MỀM MÁY TÍNH Ở VIỆT NAM VÀ KINH NGHIỆM TỪ PHÁP LUẬT QUỐC TẾ
3.1. Thực tiễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy
tính ở Việt Nam hiện nay
So với các quốc gia phát triển trên thế giới đặc biệt là những quốc gia hàng đầu về công nghệ thông tin như Hoa Kỳ, Ấn Độ hay Châu Âu, máy tính và phần mềm máy tính du nhập vào Việt Nam chậm hơn khá nhiều, cùng với đó những quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính cũng xuất hiện muộn hơn. Từ những quy định hết sức sơ sài trong Luật Dân sự 1995, pháp luật về sở hữu trí tuệ trong đó có nội dung về bảo hộ phần mềm máy tính, pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã và đang không ngừng phát triển, hoàn thiện để thích ứng với thời đại công nghệ thông tin và nhu cầu bảo hộ các sản phẩm của ngành công nghệ thông tin hiện tại. Sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO ngày 1/1/2007 với các cam kết về mở cửa thị trường và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 đã ra đời cùng với đó là rất nhiều văn bản hướng dẫn quy định một cách chi tiết, cụ thể, rõ ràng về bảo hộ quyền tác giả trong đó có phần mềm máy tính nhờ đó hiệu quả của việc bảo hộ đã được tăng lên. Thực tiễn trong những năm qua đã chỉ ra những điểm tích cực và hạn chế nhất định đối với vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính ở Việt Nam.
3.1.1. Điểm tích cực
Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính ở Việt Nam hiện nay có những điểm tích cực sau:
- Thứ nhất, pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính ngày càng phát triển và hoàn thiện. Sau khi Luật Sở hữu trí tuệ 2005 ra đời đã có hàng loạt các văn bản hướng dẫn thực thi về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm nói chung và đối với phần
mềm máy tính nói riêng như: Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan; Nghị định số 85/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 100/2006/NĐ-CP; Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ... Các văn bản trên đã quy định được những nội dung cơ bản về bảo hộ quyền tác giả đối với phần mềm máy tính: điều kiện bảo hộ, nội dung bảo hộ, thời hạn bảo hộ,… một cách rõ ràng và tương thích với các điều ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã tham gia như: hiệp định TRIPs, hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ,… Pháp luật Việt Nam mặc dù không có sự đột phá khi chỉ áp dụng hoàn toàn chế định quyền tác giả vào việc bảo hộ phần mềm máy tính nhưng những văn bản quy phạm pháp luật trên nhưng cũng phần nào khái quát được “phần mềm máy tính” dưới góc độ pháp lý và căn cứ vào những điểm khác biệt của phần mềm máy tính so với tác phẩm thông thường để có một số quy định riêng cho phần mềm máy tính.
- Thứ hai, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính ở Việt Nam trong những năm trở lại đây đang ngày càng nhận được quan tâm không chỉ từ các tổ chức, cá nhân trong nước mà còn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam đã trở thành thị trường phần mềm tiềm năng của rất nhiều hãng phần mềm nổi tiếng thế giới và rất nhiều hãng đã có văn phòng đại diện cũng như đại lý ở Việt Nam: Microsoft, Oracle, Yahoo, Symantech… Đặc biệt, các lãnh đạo cao cấp của Microsoft- tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới đã có nhiều lần đến Việt Nam (Ông Bill Gates-chủ tịch hãng năm 2006 và ông Steve Ballmer-Tổng giám đốc năm 2008). Trong các cuộc viếng thăm này, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính luôn được ưu tiên thảo luận. Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra cam kết của Việt Nam về bảo hộ phần mềm máy tính đồng thời kí các hợp đồng lớn về việc mua các phần mềm có bản quyền
của Microsoft (Windows 7, Office 2007,…) để sử dụng trong các cơ quan nhà nước[26].
- Thứ ba, các cơ quan nhà nước đã có thái độ nghiêm túc, tích cực hơn trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính. Trang web của Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa-Thông tin (nay thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ở địa chỉ: http://www.cov.gov.vn/ đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2005 với 2 ngôn ngữ Việt-Anh. Website này đã cung cấp cho người đọc những vấn đề cơ bản nhất về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm trong đó có phần mềm máy tính (chính sách bảo hộ, nội dung, điều kiện và thủ tục bảo hộ, các văn bản pháp luật có liên quan,…).
Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra của các Cơ quan nhà nước về vấn đề bản quyền phần mềm cũng đã được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc hơn và đã xử lý được phần nào những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh những phần mềm không có bản quyền. Theo ông Phạm Xuân Phúc- phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, năm 2011 đã tiến hành thanh tra tại 59 doanh nghiệp, kiểm tra 2.299 máy tính và số tiền mua phần mềm có bản quyền của doanh nghiệp là gần 19 tỷ đồng; Năm 2012, đã kiểm tra 89 doanh nghiệp, 3.907 máy tính đã được kiểm tra, số tiền xử phạt lên tới 1.580 tỷ đồng và đặc biệt số tiền mua phần mềm bản quyền của doanh nghiệp hơn 39 tỷ đồng; Từ đầu năm 2013 tính đến tháng 8/2013, đã thanh tra 64 doanh nghiệp, kiểm tra 3.958 máy tính, với số tiền xử phạt là gần 1,3 tỷ đồng; Số tiền doanh nghiệp mua phần mềm có bản quyền đạt hơn 11 tỷ đồng [27].
- Thứ tư, nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính đã được tổ chức trên cả nước để tìm ra được những giải pháp cải thiện vấn đề vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam như: ngày 10/12/2012 Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm NEPTECH thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Sở hữu trí tuệ trong công nghiệp phần mềm, ngày 16/3/2005 Bộ Văn hóa- Thông tin phối hợp với Liên minh doanh nghiệp phần mềm (BSA) tổ chức hội
thảo “Đẩy mạnh hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm và tác động tới nền kinh tế”, ngày 20/3/2006 Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành quyết định số 962/QĐ-BVHTT tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động
“chống vi phạm bản quyền phần mềm” dành cho sinh viên, Cục Bản quyền tác giả Văn học-Nghệ thuật cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về quyền tác giả ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh như “Bảo vệ bản quyền ở Việt Nam”, “Quản lý tập thể quyền sao chép”, “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ”,… [22, Trg. 44 ].
- Thứ năm, ý thức sử dụng phần mềm có bản quyền của doanh
nghiệp và người sử dụng đã được nâng cao so với trước. Đối với các phần mềm máy tính có thu phí, hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh máy tính lớn ở Việt Nam như Trần Anh, Phúc Anh, Nguyễn Kim,… đều có những cam kết về việc kinh doanh phần mềm có bản quyền và chỉ tiến hành cài đặt các phầm mềm miễn phí hoặc phiên bản dùng thử của phần mềm có thu phí cho khách hàng. Người sử dụng máy tính hiện nay cũng quan tâm hơn đến việc chọn mua những thương hiệu máy tính có cài sẵn hệ điều hành có bản quyền như Sony Vaio, Macbook,…
Đối với các phần mềm miễn phí, các lập trình viên của Việt Nam đã xây dựng được những bản hệ điều hành miễn phí với ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt như: Vietkey Linux, Há Cảo Linux,... để người dùng có thêm những lựa chọn ngoài những Hệ điều hành thu phí đã quá phổ biến như Windows hay Mac OS và giảm bớt sự phụ thuộc của người dùng vào những hệ điều hành này. Cùng với đó là hàng loạt hoạt động và sân chơi luôn sẵn sàng chào đón và hướng dẫn người dùng đến với những phần mềm máy tính như diễn đàn Ubuntuvietnam.com, “Ngày phần mềm tự
do mã nguồn mở”,…
- Thứ sáu, nhờ có những điểm tích cực ở trên, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam đã có chiều hướng giảm. Theo thống kê của BSA từ năm 2006-2012, tỉ lệ vi phạm bản quyền đối với phần mềm máy tính ở Việt Nam đã giảm từ 85% xuống còn 81%,[xem bảng 1 phụ lục]. Đặc biệt, trong năm 2010, Việt Nam không còn nằm trong nhóm 10 quốc gia có tỉ lệ vi
phạm bản quyền cao nhất thế giới và trong năm 2011 lần đầu tiên tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam chỉ còn 79% [xem bảng 2 phụ lục].
3.1.2. Điểm hạn chế
Mặc dù vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính ở Việt Nam trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới bởi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính ở Việt Nam vẫn có những hạn chế rất lớn, đó là:
- Thứ nhất, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam trong những năm gần đây tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức rất cao. Việt Nam tuy “thoát khỏi” nhóm 10 nước có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới trong năm 2010 nhưng lại tiếp tục quay trở lại nhóm này trong năm 2011. Cụ thể, trong năm 2011, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam là 79%, cao thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Nigeria [xem bảng 2 phụ lục], năm 2012 tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam lại tăng lên 81%. Bên cạnh đó, tuy tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam giảm dần nhưng giá trị thương mại của việc vi phạm bản quyền từ năm 2007 đến năm 2011 đã tăng gần gấp đôi từ 200 triệu USD lên đến 395 triệu USD [xem bảng 3 phụ lục]. Việc sử dụng phần mềm không có bản quyền còn gây hại cho chính bản thân người sử dụng. Từ năm 2005 đến năm 2010 ở Việt Nam đã có hơn 1.200 báo cáo từ những người dùng mua phải phần mềm giả và thường bị virus tấn công hoặc gặp những phần mềm độc hại. Những tác động của phần mềm độc hại có thể chỉ là những quảng cáo gây khó chịu cho người dùng, nhưng nguy hiểm hơn là vi phạm nghiêm trọng bảo mật thông tin của cá nhân hoặc các tổ chức. Theo một nghiên cứu của nhóm Harrison thuộc BSA, 73% công ty sử dụng phần mềm không có bản quyền có khả năng bị mất hoặc hư hại những dữ liệu nhạy cảm, hơn 73% có khả năng gặp những lỗi nghiêm trọng về máy tính kéo dài trong 24 giờ hoặc hơn. Kinh doanh phần mềm giả nổi
lên như một ngành kinh doanh béo bở, trở thành chiêu thức lừa đảo và ăn cắp thông tin cá nhân khá phổ biến [28].
- Thứ hai, tình trạng sao chép và kinh doanh phần mềm không có bản quyền ở tất cả các địa phương vẫn diễn ra công khai mà rất ít khi bị cơ quan chức năng can thiệp. Ở Hà Nội, có thể kể ra những con phố nổi tiếng chuyên kinh doanh băng, đĩa phần mềm lậu như: Phố Lý Nam Đế, Chùa Bộc, Đường Láng,… Những điểm kinh doanh này có thể đáp ứng nhu cầu phần mềm của hầu hết người dùng từ những phần mềm cao cấp của nước ngoài như Windows, AutoCAD, Photoshop cho đến những phần mềm tiện ích đơn giản ở trong nước như Lạc Việt mtdEVA, Vietkey,. với mức giá rất rẻ chỉ từ 8000 đến 10000 đồng, trong khi những phần mềm có bản quyền tương đương có giá trị gấp vài lần thậm chí là vài trăm lần, đây là một trong những nguyên nhân gây mất việc làm, giảm GDP và thất thoát thuế của Nhà nước. Nghiêm trọng hơn, một số đối tượng còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tin học của người sử dụng để bán những phần mềm không có bản quyền với mức giá của phần mềm có bản quyền để trục lợi. Điển hình là vụ việc của công ty Cổ phần thương mại và công nghệ Tân Long kinh doanh phần mềm Windows 7 giả với mức giá 1,4 triệu đồng/bộ (so với phần mềm thật là 3-4 triệu đồng/bộ) bị Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) phát hiện và thu giữ [29].
- Thứ ba, việc sử dụng phần mềm không có bản quyền như hiện nay đã và đang gây ra những thiệt hại khổng lồ cho nền kinh tế cũng như công nghệ thông tin ở trong nước. Theo báo cáo thống kê của BSA, tình trạng vi phạm bản quyền Việt Nam trong 5 năm từ năm 2006-2011 gây thiệt hại lên đến 200 triệu USD năm 2007 và 257 triệu USD năm 2008 và đạt mức 412 triệu USD năm 2009 [xem bảng 3 phụ lục]. Tình trạng này khiến những doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh những phần mềm có bản quyền lâm vào tình trạng khó khăn và có thể dẫn đến phá sản, kể cả doanh nghiệp trong nước. Điển hình ở Việt Nam là trường hợp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bình Minh với phần mềm tra từ điển Click&See: “Năm 1998, Cty TNHH Ban Mai đưa ra thị trường phần mềm Click & see, chuyên về tra cứu từ
nhanh (Việt - Anh; Anh - Việt). Ngay lập tức sản phẩm này được tiêu thụ mạnh mẽ và được người tiêu dùng ưa thích vì tính tiện dụng của nó. Sản phẩm cũng được nhận giải thưởng của tạp chí PC World trong dịp hội chợ "Tuần lễ tin học Việt Nam". Thế nhưng khi phiên bản 3.1 của phần mềm này mới đưa ra thị trường vài ngày (2002), gần như ngay lập tức nó đã có mặt tại tất cả các cửa hàng bán các sản phẩm phần mềm dưới dạng đã bị "bẻ khoá" bất hợp pháp, hơn nữa lại với mức giá cực rẻ (7-8 ngàn/1 bản so với khoảng 50 ngàn đồng 1 bản chính thức do Ban Mai cung ứng. Không thể cạnh tranh, Ban Mai đành quyết định giải tán nhóm lập trình cho dù khi thành lập nó đã mang bao hi vọng. Theo ông Phan Tuấn - Giám đốc Ban Mai thì: "Đây là một quyết định rất "đau" nhưng là bắt buộc vì Ban Mai là công ty tư nhân nên không thể và không đủ điều kiện để "làm và mất trắng", và rằng "càng tiếp tục càng lỗ vì không có kinh phí để tái đầu tư cho sản phẩm” [30].
3.1.3. Những hạn chế của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính ở Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam cũng như đa số các quốc gia trên thế giới đều sử dụng chế định quyền tác giả để bảo hộ phần mềm máy tính. Tuy nhiên, như đã phân tích ở mục 1.2, phần mềm máy tính có rất nhiều điểm khác biệt so với tác phẩm văn học nghệ thuật. Hơn nữa, tốc độ phát triển của phần mềm máy tính là rất nhanh mà pháp luật khó có thể theo kịp. Pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính của Việt Nam hiện