Luật Quyền tác giả

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI PHẦN MỀM MÁY TÍNH VÀ KINH NGHIỆM ÁP DỤNG CHO PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 36)

- Nguyên tắc đối xử quốc gia: giống như các điều ước quốc tế đa phương, nguyên tắc đối xử quốc gia trong vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí

2.2.1.1. Luật Quyền tác giả

Cũng như pháp luật sở hữu trí tuệ của đa số các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, chúng ta có thể tìm thấy trong Luật Quyền tác giả Hoa Kỳ các nội dung như đối tượng bảo hộ, điều kiện bảo hộ đối với tác giả, tác phẩm, nội dung bảo hộ, thời hạn bảo hộ. Tuy nhiên, so với pháp luật Việt Nam, pháp luật Hoa Kỳ gộp tất cả các quy định liên quan đến quyền tác giả trong đó có các quy định về biện pháp thực thi quyền tác giả, cơ quan thực thi, quyền, nghĩa vụ của cơ quan trọng tài,….vào trong một bộ luật.

2.2.1.1.1. Điều kiện bảo hộ

Khi xem xét về điều kiện bảo hộ theo pháp luật của một quốc gia, đối tượng bảo hộ là vấn đề cần phải được đặt ra đầu tiên nhằm xác định pháp luật quốc gia đó bảo hộ những đối tượng nào. Đối tượng bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Điều 101 và 102 của Luật Quyền tác giả Hoa Kỳ. Cụ thể Điều 102 về các tác phẩm được bảo hộ bao gồm:

“(1) Tác phẩm văn học;

(2) Tác phẩm âm nhạc bao hàm tác phẩm kèm theo bất kỳ một từ nào;

(3) Tác phẩm sân khấu bao hàm các tác phẩm kèm theo bất kỳ âm thanh nào;

(4) Tác phẩm kịch câm và vũ ba lê;

(5) Tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc;

(6) Tác phẩm điện ảnh và các tác phẩm nghe nhìn khác; (7) Bản ghi âm, và

(8) Tác phẩm kiến trúc”

Khác với pháp luật Việt Nam, pháp luật Hoa Kỳ không có một quy định cụ thể nào về việc xem phần mềm máy tính như là tác phẩm văn học và được bảo hộ như tác phẩm văn học nhưng phần mềm máy tính vẫn được quy định trong mục định nghĩa. Điều 101- Các định nghĩa quy định rõ:

Tác phẩm văn học” là các tác phẩm không phải là tác phẩm nghe nhìn được diễn đạt bằng từ ngữ, số hoặc các hình thức chữ viết khác hoặc các biểu tượng số hoặc ký hiệu không phân biệt bản chất của vật liệu sử dụng như là sách, tạp chí, sổ tay, bản ghi âm, phim, băng, đĩa, thẻ ghi mà trong đó các tác phẩm được biểu hiện.

“Chương trình máy tính” là một tập hợp các hướng dẫn hoặc các mệnh lệnh được sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp trên máy tính nhằm mục đích mang lại một kết quả cụ thể.

Mặc dù luật không quy định nhưng thuật ngữ “Chương trình máy tính” theo Luật Quyền tác giả Hoa Kỳ hoàn toàn mang đầy đủ những đặc điểm của một tác phẩm văn học và có thể xem như một tác phẩm văn học. Trên thực tế, theo phân tích của các luật gia Hoa Kỳ, tác phẩm văn học không hoàn toàn chỉ là những tác phẩm liên quan đến văn chương như nghĩa của nó mà còn bao hàm cả những tác phẩm dưới dạng chữ viết theo một ngôn ngữ nhất định bao gồm cả phần mềm máy tính và phần mềm máy tính hoàn toàn được bảo hộ như một tác phẩm văn học [44].

Theo Điều 103, tất cả những tác phẩm thuộc đối tượng bảo hộ như quy định tại Điều 102 sẽ được bảo hộ với tư cách là “tác phẩm biên soạn”

Về điều kiện bảo hộ, để được bảo hộ phần mềm máy tính theo pháp luật Hoa Kỳ, tác giả và tác phẩm cần phải đáp ứng các điều kiện quy định ở Điều 104, cụ thể:

- Thứ nhất, nếu phần mềm máy tính chưa công bố thì chúng sẽ được bảo hộ mà không phân biệt quốc tịch hoặc nơi cư trú của tác giả.

- Thứ hai, nếu phần mềm máy tính đã công bố thì phần mềm máy tính sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng được một trong các điều kiện được quy định ở điểm b Điều 104, cụ thể tác giả của phần mềm máy tính vào ngày công bố lần đầu phải là công dân hoặc thường trú tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hoặc là công hoặc là công dân của quốc gia có Hiệp định về quyền tác giả mà Hoa Kỳ là một bên hoặc là tác giả theo công ước Berne hoặc phần mềm máy tính được công bố thông qua Liên Hiệp Quốc hoặc các cơ quan thuộc Chính phủ Hoa Kỳ. Ngoài ra, pháp luật Hoa Kỳ cũng có thể bảo hộ một phần mềm máy tính theo một trường hợp đặc biệt theo quyết định của Tổng Thống, đây là trường hợp bảo hộ giống như việc bảo hộ theo nguyên tắc “có đi có lại” phổ biến trong quan hệ quốc tế.

- Thứ ba, phần mềm máy tính muốn được bảo hộ thì phải được thể hiện dưới dạng vật chất hữu hình chứ không phải dạng ý tưởng theo Điều 301, tuy nhiên, điểm (b) quy định này cũng không loại trừ việc pháp luật của các Bang bảo hộ tác phẩm trong đó có phần mềm máy tính ngay cả khi nó chưa được định hình dưới bất kỳ dạng vật chất hữu hình nào.

Bên cạnh các quy định về điều kiện bảo hộ, Luật Quyền Tác giả Hoa Kỳ còn có những quy định rất chi tiết về tác giả trong các trường hợp khác nhau được quy định ở Điều 201 bao gồm tác giả là chủ sở hữu gốc của tác phẩm, tác giả được thuê để tạo ra tác phẩm và trường hợp tác phẩm hợp tuyển của nhiều tác giả. Cụ thể:

“a. Chủ sở hữu gốc: Quyền tác giả đối với tác phẩm được bảo hộ theo Điều luật này trước hết thuộc về tác giả hoặc những tác giả của tác phẩm. Các tác giả của một tác phẩm đồng tác giả là những đồng sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm.

b. Tác phẩm được tạo ra cho thuê mướn: đối với những tác phẩm được tạo ra do thuê mướn, người sử dụng lao động hoặc những người khác mà đối

với những người này, tác phẩm được sáng tạo cho họ thì được coi là tác giả trong phạm vi Điều luật này, và, trừ phi các bên có thỏa thuận rõ ràng bằng văn bản đã được ký, những người đó đã sở hữu tất cả các quyền thuộc quyền tác giả của tác phẩm.

c. Tác phẩm trong một tác phẩm hợp tuyển: quyền tác giả tác phẩm của từng tác phẩm riêng biệt trong một tác phẩm hợp tuyển là độc lập với quyền tác giả tác phẩm hợp tuyển như một tổng thể, và trước hết thuộc về các tác giả của các tác phẩm riêng biệt đó. Nếu không có sự chuyển nhượng rõ ràng quyền tác giả tác phẩm hoặc bất kỳ quyền nào thuộc quyền tác giả tác phẩm, thì chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm hợp tuyển chỉ giành được quyền nhân bản và phân phối tác phẩm hợp tuyển đó, bất kỳ sự sửa đổi nào tác phẩm hợp tuyển đó, và bất kỳ sự tuyển tập nào tiếp theo trong cùng một chủng loại”.

Có thể thấy, pháp luật Hoa Kỳ đã ghi nhận trực tiếp quyền tác giả đối với phần mềm máy tính một cách đầy đủ trong nhiều trường hợp khác nhau, bên cạnh trường hợp một tác giả sáng tạo ra một phần mềm, phần mềm máy tính được tạo ra bởi nhiều tác giả còn có một trường hợp xảy ra rất nhiều trên thực tế đó là trường hợp có một hoặc nhiều tác giả sáng tạo ra phần mềm máy tính theo đơn đặt hàng hoặc theo hợp đồng lao động. Thực tế, trên thế giới có rất nhiều công ty chuyên về phát triển và kinh doanh phần mềm mà sản phẩm của họ được tạo ra bởi một tập thể tác giả là người lao động ví dụ như tập đoàn Microsoft với sản phẩm hệ điều hành Windows, bộ phần mềm văn phòng Office, hãng Adobe với sản phẩm là các phần mềm Adobe Photoshop, Adobe Flash rất nổi tiếng. Trong trường hợp này, những người đặt hàng/người sử dụng lao động tuy không phải là tác giả nhưng sẽ là người sở hữu quyền tác giả đối với phần mềm máy tính.

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI PHẦN MỀM MÁY TÍNH VÀ KINH NGHIỆM ÁP DỤNG CHO PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(104 trang)
w