- Quyền đối với việc nêu nguồn gốc tác phẩm và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm (Điều 106A) bao gồm: quyền nêu tên tác giả, quyền
2.2.2.2. Luật sáng chế
Ấn Độ tuy không phải là nước khai sinh ra máy tính và phần mềm máy tính nhưng cũng là một trong những cường quốc về ngành công nghệ thông tin. Phần mềm máy tính theo pháp luật Ấn Độ được bảo hộ chủ yếu theo Luật Quyền Tác giả nhưng bên cạnh đó, Luật Sáng chế Ấn Độ 1970 cũng không loại trừ trường hợp cấp bằng sáng chế đối với phần mềm máy tính.
2.2.2.2.1. Điều kiện bảo hộ
Về điều kiện bảo hộ, điều kiện bảo hộ nói chung đối với sáng chế được quy định ở phần định nghĩa sáng chế, cụ thể: “Sáng chế là những thứ mới và hữu ích bao gồm:
(i) Việc thực hiện, quá trình, phương pháp hoặc cách thức sản xuất;
(ii) Máy móc, linh kiện hoặc thiết bị khác;
(iii) Những dạng vật chất được sản xuất;
và bất kỳ một sự cải tiến nào của chúng có tính mới và hữu ích”.
Điều 3 quy định những đối tượng không phải là sáng chế theo nghĩa của luật này bao gồm:
“(a) Một sáng chế phi thực tế, trái với mọi thứ, đi ngược lại với những quy định, những sự thật khách quan;
(b) Sáng chế mà mục đích của nó trái với pháp luật, đạo đức xã hội hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng;
(c) Những phát hiện nhỏ nhặt của một quy tắc khoa học, hoặc một công thức hoặc một lý thuyết trừu tượng;
(d) Những phát hiện nhỏ nhặt về một tài sản mới hoặc về công dụng mới của những vật chất quen thuộc hoặc những công dụng nhỏ nhặt của một quá trình, máy móc, dụng cụ đã được biết đến trừ khi chúng dẫn đến một sản phẩm mới hoặc một phản ứng mới;
(e) Một dạng vất chất có được do kết quả từ một sự trộn lẫn nhỏ nhặt các thành phần lại với nhau;
(f) Sự kết hợp, tái kết hợp nhỏ nhặt hoặc sự nhân đôi của các thiết bị cấu thành nên một hệ thống;
(g) Một phương pháp hoặc quá trình thử nghiệm khả thi trong quá trình sản xuất máy móc, phụ tùng hoặc các thiết bị khác để việc sản xuất hiệu quả hơn, tăng năng suất của máy móc hiện có hoặc dây chuyền máy móc hiện có;
(h) Bất kỳ một liệu pháp, phẫu thuật, phương thuốc hoặc cách chữa bệnh nào khác trên cơ thể người hoặc phương pháp tương đương trên cơ thể động vật hoặc thực vật nhằm tăng sức đề kháng hoặc nâng cao giá trị kinh tế của những sản phẩm này”.
Như vậy, điều kiện bảo hộ sáng chế theo luật Ấn Độ có một chút khác biệt so với luật Hoa Kỳ và luật Việt Nam khi tập trung vào yếu tố hữu ích chứ không phải là yếu tố sáng tạo. Có thể thấy, trong số các trường hợp không được xem là sáng chế theo quy định tại Điều 3 nêu trên, rất nhiều đối tượng gắn với yếu tố “nhỏ nhặt” không được xem là sáng chế và sẽ không được bảo hộ với tư cách là sáng chế. Tuy nhiên, hai quy định trên không hề có bất cứ một sự loại trừ nào cho phần mềm máy tính. Vì vậy, theo pháp luật Ấn Độ, nếu một phần mềm máy tính đáp ứng được tính mới và tính hữu ích thì hoàn toàn có thể được bảo hộ với tư cách là sáng chế.
2.2.2.2.2. Nội dung và thời hạn bảo hộ
- Về nội dung bảo hộ, cũng giống như pháp luật Hoa Kỳ, Luật Sáng chế Ấn Độ tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc cấp bằng sáng chế, điều kiện, thủ tục, cơ quan có thẩm quyền, giải quyết tranh chấp. Vì vậy nên các quyền của tác giả/chủ sở hữu phần mềm máy tính với tư cách sáng chế được quy định rất ngắn gọn, bao gồm: quyền bán, quyền cho thuê (Điều 141), quyền từ bỏ sáng chế (Điều 63), quyền khởi kiện, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm (Điều 77),…
- Về thời hạn bảo hộ, so với pháp luật Hoa Kỳ, Luật Sáng chế Ấn Độ quy định về thời hạn bảo hộ theo các đối tượng bảo hộ tương ứng và thời hạn bảo hộ này ngắn hơn so với pháp luật Hoa Kỳ đồng thời không có quy định về việc gia hạn bảo hộ, cụ thể, khoản (1) Điều 53 quy định:
“(a) Đối với sáng chế là một phương pháp hoặc quá trình sản xuất một dạng vật chất nhất định, thức ăn, dược phẩm, thời hạn bảo hộ là năm năm
kể từ ngày bằng sáng chế được ký bởi đại diện của cơ quan có thẩm quyền hoặc bảy năm kể từ ngày cấp bằng sáng chế phụ thuộc vào thời hạn nào ngắn hơn;
(b) Đối với các sáng chế khác, thời hạn bảo hộ là mười bốn năm kể từ ngày cấp bằng sáng chế”.
2.2.3. Pháp luật Châu Âu
Bên cạnh Hoa Kỳ và Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) cũng là một trong những nền kinh tế lớn trên thế giới với những ngành công nghiệp rất phát triển trong đó có công nghiệp phần mềm. Phần mềm máy tính ở Châu Âu được bảo hộ theo Bộ luật Quyền Tác giả Châu Âu 2002 và các văn bản hướng dẫn trong đó có chỉ thị 2009/24/EC ngày 23/4/2009 của Hội đồng Châu Âu EC về bảo hộ phần mềm máy tính. So với pháp luật Hoa Kỳ và Pháp luật Ấn Độ, pháp luật EU đơn giản và dễ tiếp cận hơn, Bộ Luật Quyền tác giả chỉ bao gồm 5 chương 28 điều quy định rất rõ ràng về đối tượng bảo hộ, nội dung bảo hộ, các ngoại lệ của quyền tác giả, thời hạn bảo hộ. Chỉ thị 2009/24/EC của Hội đồng Châu Âu gồm 12 điều quy định cụ thể về các vấn đề liên quan đến bảo hộ phần mềm máy tính, làm rõ vấn đề tác giả, ngoại lệ quyền tác giả, các biện pháp bảo hộ,...
2.2.3.1. Điều kiện bảo hộ
Về đối tượng bảo hộ, theo khoản 2 Điều 1 Bộ Luật Quyền tác giả Châu Âu, những tác phẩm sau sẽ được bảo hộ như là một tác phẩm văn học hoặc khoa học:
“(a) Những từ ngữ được nói hoặc viết ra; (b) Tác phẩm âm nhạc;
(c) Tác phẩm kịch, nhạc kịch;
(d) Tác phẩm hội họa, đồ họa, nhiếp ảnh, điêu khắc; (e) Tác phẩm điện ảnh;
(f) Kiểu dáng công nghiệp hoặc thiết kế kiến trúc; (g) Phần mềm máy tính;
Có thể thấy, khác với pháp luật Hoa Kỳ và Ấn Độ và giống với pháp luật Việt Nam, pháp luật Châu Âu quy định trực tiếp phần mềm máy tính là một trong những đối tượng bảo hộ quyền tác giả. Về điều kiện bảo hộ đối với phần mềm máy tính, khoản 3 Điều 1 Chỉ thị 2004/29/EC quy định: “Một phần mềm máy tính sẽ được bảo hộ nếu nguyên gốc của nó là sự sáng tạo của tác giả. Không một tiêu chuẩn nào khác sẽ được áp dụng để quyết định khả năng bảo hộ của phần mềm máy tính”.
Về vấn đề tác giả của phần mềm máy tính, cũng giống như pháp luật Hoa Kỳ, pháp luật Châu Âu quy định rất nhiều trường hợp khác nhau liên quan đến tác giả của phần mềm máy tính ở Điều 2 Chỉ thị 2009/24/EC, bao gồm:
“1. Tác giả của phần mềm máy tính là một người hoặc một nhóm người tạo ra phần mềm máy tính hoặc trong trường hợp pháp luật của quốc gia thành viên cho phép, pháp nhân cũng có thể xem là tác giả của phần mềm máy tính.
Trong một công trình hợp tuyển theo định nghĩa của pháp luật quốc gia thành viên, người tạo ra công trình này theo pháp luật của quốc gia thành viên được xem là tác giả.
2. Đối với trường hợp phần mềm máy tính được tạo ra bởi nhiều tác giả, tất cả các tác giả này đều có quyền đối với phần mềm máy tính.
3. Khi phần mềm máy tính được tạo ra bởi một người lao động khi đang thực hiện công việc của mình hoặc theo chỉ dẫn của người sử dụng lao động, người chủ sử dụng lao động này sẽ có các quyền kinh tế với phần mềm máy tính trừ khi hai bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng lao động”.
Tuy nhiên, về điều kiện bảo hộ tác giả của phần mềm máy tính, so với pháp luật của các quốc gia như đã phân tích, pháp luật Châu Âu không quy định các điều kiện: quốc tịch, nơi cư trú, nơi công bố lần đầu, có đi có lại,.... mà tập trung vào nội dung bảo hộ với các quyền của tác giả.
Nội dung bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật Châu Âu gồm quyền nhân thân và quyền kinh tế. Khác với pháp luật Hoa Kỳ, quyền nhân thân theo Bộ Luật Quyền tác giả Châu Âu được quy định một cách cụ thể về nội dung, thời hạn. Bên cạnh đó, quyền kinh tế theo Bộ Luật quyền tác giả cũng được quy định một cách đầy đủ, rõ ràng đi kèm với đó là những ngoại lệ cụ thể.