Quyền kinh tế

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI PHẦN MỀM MÁY TÍNH VÀ KINH NGHIỆM ÁP DỤNG CHO PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 57 - 61)

- Quyền đảm bảo tính toàn vẹn (Điều 3.4):

2.2.3.2.2. Quyền kinh tế

Có cấu trúc tương tự như quyền nhân thân, Bộ Luật Quyền tác giả dành 1 Điều để đưa ra các quy định chung và sau đó là các điều luật quy định về từng quyền cụ thể của tác giả về mặt kinh tế.

Về quy định chung đối với quyền kinh tế, Điều 4.1 quy định:

“(1) Quyền kinh tế là quyền không chấp nhận sự chiếm hữu hoặc ngăn cấm việc sao chép, phân phối, bán lẻ, truyền bá tác phẩm, quyền phái sinh, toàn bộ hoặc một phần như quy định tại các Điều 4.2; 4.3; 4.4; 4.5; 4.6

(2) Thời hạn bảo hộ quyền kinh tế là suốt cuộc đời tác giả và một số năm do quốc gia thành viên quy định sau khi tác giả chết”.

So với các quyền tác giả theo pháp luật Hoa Kỳ và Ấn Độ, pháp luật châu Âu quy định một cách rõ ràng và chi tiết hơn về nội dung và các ngoại lệ, cụ thể:

- Quyền sao chép (Điều 4.2): “Quyền sao chép là quyền được sao chép tác phẩm dưới bất kỳ cách thức, hình thức nào đến mức nó là quyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng so với các quyền kinh tế khác”.

- Quyền phân phối (Điều 4.3):

“(1) Quyền phân phối là quyền được phân phối ra cộng đồng các bản gốc của tác phẩm.

(2) Quyền phân phối không áp dụng đối với việc phân phối những bản gốc hoặc bản sao đã được đưa ra thị trường bởi tác giả hoặc đưa ra thị trường bởi sự đồng ý của tác giả”.

- Quyền bán lẻ (Điều 4.4):

“(1) Quyền bán lẻ là quyền đưa ra những bản gốc hoặc bản sao của tác phẩm trong một thời gian nhất định vì mục đích thu lợi nhuận.

(2) Quyền bán lẻ không mở rộng đến các việc bán các tòa nhà và công trình ứng dụng nghệ thuật”.

- Quyền truyền bá (Điều 4.5):

“(1) Quyền truyền bá công cộng là quyền được công bố tác phẩm ra công chúng bao gồm nhưng không giới hạn ở việc trình diễn công cộng, phát sóng, hoặc bằng một cách nào đó để mọi người có thể tiếp cận khi họ muốn.

(2) Một tác phẩm được xem là đã truyền bá công cộng nếu nó dự định được truyền bá cho nhiều người trừ khi những người này có liên quan với nhau bởi một mối quan hệ cá nhân”.

- Quyền phái sinh (Điều 4.6):

“Quyền phái sinh ra quyền làm ra các tác phẩm phái sinh, dịch hoặc sắp xếp hay sự luân chuyển cấu trúc tác phẩm”.

Đây là những quyền áp dụng chung cho tất cả các tác phẩm hiểu theo nghĩa của Bộ Luật Quyền tác giả trong đó có phần mềm máy tính, để làm rõ các quyền này, khoản 1 Điều 4 Chỉ thị 24/2009/EC quy định:

“Phù hợp với Điều 5 và 6, quyền của chủ sở hữu quyền tác giả theo nghĩa của Điều 2 sẽ bao gồm quyền nắm giữ và thực hiện:

(a) Sao chép tạm thời hoặc thường xuyên một phần hoặc toàn bộ phần mềm máy tính bằng bất cứ cách thức và hình thức nào như: tải phần mềm, trình chiếu, chạy, chuyển nhượng hoặc lưu trữ phần mềm máy tính. Tất cả các hành động trên phụ thuộc vào quyết định của người nắm quyền. (b) Việc dịch, làm phần mềm phái sinh, sắp xếp lại hay bất cứ sự thay đổi nào của phần mềm máy tính và sự sao chép lại kết quả của các công việc đó mà không cần xét đến quyền của người đã thay đổi phần mềm.

(c) Bất cứ hình thức phân phối đến cộng đồng nào, bao gồm cả bán lẻ bản gốc và bản sao của phần mềm máy tính”.

Ngoài ra, Điều 5 Chỉ thị này cũng quy định các trường hợp ngoại lệ của quyền tác giả đối với phần mềm máy tính bao gồm:

“1. Khi không có các quy định cụ thể về hợp đồng, các hành động được nêu ở điểm (a) và (b) Điều 4.1 sẽ không cần sự đồng ý của tác giả nếu nó là cần thiết cho việc sử dụng phần mềm máy tính bởi người sử dụng hợp pháp phù hợp với các mục đích sử dụng phần mềm máy tính trong đó có mục đích sửa lỗi phần mềm máy tính.

2. Việc tạo ra một bản sao dự phòng bởi một người có quyền sử dụng phần mềm máy tính sẽ không bị ngăn chặn bởi hợp đồng nếu việc này là cần thiết cho việc sử dụng”.

Bên cạnh đó, Chỉ thị 2009/24/EC còn bổ sung thêm một quyền rất thiết thực về ngoại lệ của quyền tác giả đối với phần mềm máy tính mà pháp luật Hoa Kỳ và Ấn Độ không có đó là quyền dịch ngược, cụ thể khoản 1 Điều 6 quy định:

“1. Sự đồng ý của người nắm giữ quyền tác giả sẽ không cần thiết khi mà việc sao chép các đoạn mã và dịch lại các cấu trúc của chúng theo điểm (a) và (b) Điều 4.1 là điều bắt buộc để tạo ra một phần mềm máy tính mới độc lập với phần mềm máy tính ban đầu và đáp ứng được một số điều kiện:

(a) Những hành động trên được thực hiện bởi người đã được cấp phép hoặc có quyền sử dụng bản sao của phần mềm hoặc thay mặt những người này làm việc đó;

(b) Những thông tin cần thiết để phần mềm máy tính có sự tương thích trước đó đã không được cung cấp cho những người như đã nêu tại điểm (a) khoản này, và

(c) Những công việc này đã bị hạn chế bởi một phần của phần mềm gốc và cần thiết để đạt được sự tương thích”.

Đây là một quy định nhằm cân bằng quyền lợi giữa tác giả phần mềm máy tính và những người sử dụng hợp pháp phần mềm máy tính.

Như đã phân tích ở phần định nghĩa, phần mềm máy tính được viết ra để giúp cho các linh kiện phần cứng máy tính có thể hoạt động, tuy nhiên trên thực tế phần mềm và phần cứng chưa hẳn đã hoàn toàn tương thích với nhau. Nhờ có quy định tại khoản 1 Điều 6 Chỉ thị 2009/24/EC, người sử dụng hợp pháp phần mềm máy tính có thể dịch ngược lại phần mềm máy tính thành những đoạn mã, cấu trúc để thay đổi, sắp xếp lại chúng sao cho phần mềm và phần cứng có sự tương thích tối đa. Đây là một quyền cực kỳ thiết thực dành cho người sử dụng hợp pháp để tối ưu hóa phần mềm máy tính trên máy tính của mình và quy định này nên được xem xét, áp dụng vào pháp luật Việt Nam.

Qua phân tích về các điều ước quốc tế và hệ thống pháp luật của các nước phát triển về công nghệ thông tin như trên, có thể thấy, điều ước quốc tế và pháp luật các quốc gia có những điểm chung nhất định về các điều kiện bảo hộ và nội dung bảo hộ cơ bản quyền tác giả đối với phần mềm máy tính. Tuy nhiên, các quy định này đều có những điểm khác biệt riêng. Đặc biệt, khi xem xét pháp luật quốc gia có thể thấy, mặc dù các quy định về quyền tác giả của các quốc gia này vẫn phù hợp với các điều ước quốc tế nhưng luật pháp mỗi quốc gia sẽ lại có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện riêng của từng khu vực, từ đó có những điều khoản hết sức độc đáo so với các quốc gia khác và rất đáng để các quốc gia khác nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm.

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI PHẦN MỀM MÁY TÍNH VÀ KINH NGHIỆM ÁP DỤNG CHO PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(104 trang)
w