Vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo khả năng triển khai, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Quản lý nguồn vốn thế nào cho phù hợp là trách nhiệm của cơ quan quyết định đầu tư, chủ đầu tư. Việc quản lý nguồn vốn
đầu tư phát triển thông qua dự toán chi đầu tư phát triển. Dự toán chi đầu tư phát triển phải đảm bảo yêu cầu bố trí, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Để tránh hiện tượng đó, UBND cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các công tác liên quan đến bố trí nguồn vốn, đảm bảo vốn sử dụng thiết thực. Cụ thể:
UBND cần đảm bảo việc bố trí vốn đầu tư thỏa mãn các điều kiện để cấp phát vốn đầu tư. Các dự án đầu tư chỉ được ghi kế hoạch đầu tư hằng năm của Nhà nước khi có đủ điều kiện:
- Dự án quy hoạch có đề cương hoặc nhiệm vụ dự án và dự toán chi phí được duyệt.
- Dự án chuẩn bị đầu tư phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và lãnh thổ được duyệt, có văn bản cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư của cấp có thẩm quyền về dự toán chi phí công tác chuẩn bị đầu tư được duyệt.
- Dự án chuẩn bị thực hiện đầu tư phải có quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền từ thời điểm tháng 10 năm kế hoạch và dự toán chi phí công tác chuẩn bị thực hiện dự án được duyệt.
- Dự án thực hiện đầu tư phải có quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền từ thời điểm tháng 10 năm kế hoạch; có thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán được duyệt. Các dự án nhóm C phải đủ vốn bố trí không quá 2 năm.
Trong việc bố trí danh mục các dự án đầu tư, phải cân đối nguồn lực trên quan điểm đầu tư phát triển, không chạy theo số lượng dự án: Cần cân đối giữa tính ngắn hạn, dài hạn trong việc sắp xếp thứ tự các dự án để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Trong dài hạn, cần đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở. Đối với những hạng mục cần nguồn vốn lớn có thể chia từng giai đoạn để đầu tư cho phù hợp với tình hình ngân sách địa phương. Trong ngắn hạn, UBND cần định hướng tập trung vào các nhiệm vụ kinh tế giải quyết nhu cầu cần thiết của đại bộ phận người dân, trong đó, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư xây mới các dự án đáp ứng nhu cầu bức thiết; nâng cấp, cải tạo các công trình còn có thể sử dụng. Trong từng lĩnh vực cụ thể, phải cân đối dự án trong khả năng nguồn lực có thể có, không bố trí các dự án theo kiểu phân tán, dàn trải, không sát với tiến độ thi công hoặc không bố trí
vốn cho các dự án không đủ điều kiện dẫn đến kéo dài thời gian thi công, chậm đưa vào sử dụng làm giảm hiệu quả đồng vốn đầu tư. Tránh hiện tượng bố trí kế hoạch đầu tư chỉ chú trọng kế hoạch khối lượng, không xây dựng kế hoạch vốn dẫn đến phát sinh mất cân đối giữa kế hoạch khối lượng và kế hoạch vốn dẫn đến hiện tượng thừa thiếu vốn giả tạo cho các dự án; bố trí kế hoạch đầu tư hàng năm cho các dự án không theo sát tiến độ thực hiện dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trong quyết định đầu tư; phải cân nhắc tính cân đối trong bố trí vốn từng dự án với tổng vốn đầu tư từ ngân sách, đảm bảo khả năng bố trí vốn mới cho từng dự án nhưng đồng thời tính toán nguồn vốn trả nợ cho từng dự án khác.
Để nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các bộ phận tham mưu cũng như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND cùng cấp. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Do đó, UBND cần có cái nhìn tổng thể, cân đối nguồn lực, đồng thời, có những đánh giá cụ thể để phát huy thế mạnh của địa phương.