Về quan điểm phối hợp đào tạo giữa CSDN và DN, những năm trước đây trong xã hội hầu hết các ý kiến được hỏi đều cho rằng: Công việc đào tạo là do nhà trường, cơ sở đào tạo quyết định, không cần quan tâm xem xã hội hay DN cần lao động gì? và cần bao nhiêu? Đào tạo mang tính bao cấp, theo chỉ tiêu kế hoạch. Chính vì vậy, dẫn tới kết quả đội ngũ nhân lực kỹ thuật sau đào tạo vừa không đáp ứng yêu cầu về cơ cấu ngành nghề vừa không đảm bảo chất lượng, cung - cầu lao động không gặp nhau. Tuy nhiên, thời gian qua nhận thức của xã hội nói chung và của các CSDN nói riêng ít nhiều đã quan tâm đến thị trường lao động - việc làm, nhu cầu lao động của chính DN; trong đó, một số CSDN bắt đầu xây dựng thương hiệu cho chính cơ sở của mình. Tuy nhiên, để các CSDN nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng được nhu cầu nhân lực kỹ thuật cho các DN, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường năng động luôn biến đổi như hiện nay, thì CSDN cần chủ động phối hợp với DN trong quá trình đào tạo. Nội dung phối hợp đào tạo giữa CSDN và DN là thống nhất trong việc xây dựng mục tiêu đào tạo, nâng cao vai trò trách nhiệm và cùng tác động trực tiếp vào quá trình đào tạo nhằm giải quyết tốt các tiêu chí đầu vào và việc làm cho người học. Ngoài ra, để việc triển khai thực hiện mang lại hiệu quả, bền vững cần có chế tài cụ thể cũng như hành lang pháp lý nhằm ràng buộc, trong đó nhất thiết phải quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi của cả hai bên và người học.