Các công trình nghiên cứu về đào tạo nguồn nhân lực khá phong phú. Ngoài các công trình trên còn rất nhiều công trình nghiên cứu khác cũng đề cập đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực với những cách tiếp cận khác nhau. Nhìn chung các công trình đều hệ thống hóa được cơ sở lý luận về nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực đồng thời khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này đối với sự phát triển của tổ chức. Mỗi công trình nghiên cứu đưa ra một quan điểm riêng về đào tạo nhưng đều thống nhất đào tạo nguồn nhân lực là quá trình nâng cao kỹ năng, kiến thức để người lao động hoàn thành tốt công việc hiện tại. Đa số các luận văn đều tách biệt được hai khái niệm đào tạo nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực trong phần cơ sở lý luận. Và nhiều luận văn đã đưa ra các tiêu chí so sánh để làm rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm này. Tuy nhiên đến phần thực trạng thì sự tác biệt này không còn được duy trì. Hai khái niệm đào tạo nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực được gộp chung trong quá trình phân tích nhưng thực chất về nội dung chỉ đề cập đến công tác đào tạo mà không nhắc đến công tác phát triển. Các phương hướng, giải pháp hay các chiến lược…. nhằm tăng cường, hoàn thiên công tác đào tạo của các công trình đều xuất phát từ thực tiễn đơn vị và từ những phân tích, đánh giá về thực trạng công tác đào tạo tại đơn vị đó. Vì vậy, hầu hết các giải pháp đề xuất đều phù hợp với tổ chức và có tính ứng dụng thực tiễn. Tuy nhiên trong quá trình phân tích có rất ít tác giả phân tích theo trình tự của quá trình đào tạo. Điều này dễ gây thiếu sót trong quá trình phân tích cũng như gây cản trở người đọc tiếp cận thực trạng của vấn đề nghiên cứu.
Những đánh giá trên đây về những mặt đạt được và những mặt còn hạn chế của các công trình nghiên cứu trước sẽ làm cơ sở cho việc xác định hướng nghiên cứu của đề tài luận văn.