Hoàn thiện nội dung phân tích

Một phần của tài liệu hoàn thiện phân tích tài chính tại công ty tnhh vĩnh trinh (Trang 87)

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH TẠI CÔNG TY TNHH VĨNH TRINH

3.2.3.1. Hoàn thiện nội dung phân tích

- Công ty cần chú trọng và phân tích sâu hơn đối với các nội dung phục vụ thiết thực cho công tác quản lý, phụ thuộc vào tính cấp bách của từng thời kỳ, thay vì chỉ thực hiện phân tích các chỉ tiêu tài chính chung chung mang tính định hướng. Ví dụ như phân tích hiệu quả kinh doanh theo từng loại mặt hàng, phân tích hiệu quả của từng hợp đồng, xem xét chi phí sử dụng các nguồn vốn để lựa chọn cơ cấu vốn tối ưu… Các danh mục đầu tư của Công ty có hiệu quả hay không, nên giữ lại, bán hay mua thêm các khoản đầu tư cũng là nội dung cần được xem xét khi phân tích tài chính. Để thực hiện nội dung phân tích này, Công ty cần xem xét các yếu tố về lợi nhuận tiềm năng, tác động của lạm phát, tác động của môi trường kinh doanh, chi phí sử dụng vốn… để đưa ra mô hình phân tích phù hợp, từ đó có quyết định hợp lý.

- Cần bổ sung phân tích rủi ro và dự đoán tài chính, bởi đây được xem là nội dung quan trọng trong các báo cáo phân tích tài chính của Công ty.

Rủi ro tài chính có thể hiểu là sự bất trắc, sự không ổn định có thể đo lường được, có thể đưa đến những tổn thất, mất mát, thiệt hại hoặc làm mất đi những cơ hội sinh lời. Những rủi ro này gắn liền với hoạt động tài chính và mức độ sử dụng nợ của doanh nghiệp, nghĩa là gắn liền với cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp. Phân tích rủi ro tài chính giúp đánh giá, dự báo được rủi ro, trên cơ sở đó có biện pháp quản lý rủi ro, hạn chế thấp nhất những thiệt hại, tổn thất nếu có rủi ro xảy ra.

Tuy nhiên, việc phân tích rủi ro tài chính dựa theo hai tham số đo lường là giá trị kỳ vọng và độ lệch chuẩn có cách tính toán tương đối phức tạp, đặc biệt là khi xem xét một tập hợp quan sát có nhiều yếu tố ảnh hưởng. Vì thế, để phân tích rủi ro tài chính, cần có sự hỗ trợ của phần mềm hỗ trợ phân tích.

Muốn tiến hành quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cần phải có một lượng vốn nhất đinh. Lượng vốn mà doanh nghiệp cần sử dụng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh nhiều hay ít phụ thuộc vào quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Nhu cầu về vốn của doanh nghiệp chính là số vốn cần thiết để doanh nghiệp tiến hành kinh doanh phù hợp với từng quy mô hoạt động. Dự báo nhu cầu tài chính là ước tính về cầu tài chính trong tương lai gần, giúp đánh giá tiềm lực tài chính, có kế hoạch tổ chức huy động vốn phù hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Để dự báo các chỉ tiêu tài chính, trước hết cần chọn các khoản mục trên các Báo cáo tài chính (Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Bảng cân đối kế toán) có khả năng thay đổi khi doanh thu thuần thay đổi, dựa vào mối quan hệ giữa doanh thu thuần với từng khoản mục. Từ đó, sẽ dự báo trị số của từng chỉ tiêu trong kỳ tới. Quy trình thực hiện dự báo được thực hiện qua các bước:

+ Bước 1: Xác định mối quan hệ giữa các chỉ tiêu trên từng báo cáo với doanh thu thuần. Phân loại các khoản mục trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Bảng cân đối kế toán vào 2 nhóm: Nhóm những chỉ tiêu thay đổi cùng chiều với doanh thu thuần và nhóm những chỉ tiêu không thay đổi hoặc thay đổi không rõ ràng khi doanh thu thuần thay đổi.

+ Bước 2: Xác định trị số dự báo của các chỉ tiêu thuộc nhóm thay đổi cùng chiều với doanh thu thuần thông qua việc xác định tỷ lệ của từng chỉ tiêu so với doanh thu thuần từ số liệu năm trước, sau đó lấy doanh thu thuần dự báo năm nay nhân với tỷ lệ đã xác định được.

+ Bước 3: Lập báo cáo tài chính dự báo: Các chỉ tiêu thuộc nhóm không thay đổi hoặc thay đổi không rõ ràng khi doanh thu thuần thay đổi được lấy bằng giá trị kỳ trước.

+ Bước 4: Xác định lượng vốn thừa, thiếu ứng với mức doanh thu thuần mới: là phần chênh lệch giữa tổng nguồn vốn dự báo và tổng tài sản dự báo.

+ Bước 5: Xác định lượng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ qua việc tìm ra mối quan hệ giữa lượng tiền và tương đương tiền với các chỉ tiêu khác trên Bảng cân đối kế toán, xác định các nguyên nhân làm tiền và tương đương tiền tăng, giảm. Từ đó, căn cứ vào Bảng cân đối kế toán dự báo để xác định lượng tiền thuần lưu chuyển trong kỳ theo công thức:

Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ =

Lượng tiền tăng (thu vào) trong kỳ -

Lượng tiền giảm (chi ra) trong kỳ

Trong trường hợp lượng tiền giảm lớn hơn lượng tiền tăng trong kỳ, Công ty phải có kế hoạch để huy động thêm tiền từ các nguồn khác nhằm tránh gặp phải khó khăn trong thanh toán.

- Ngoài ra, Công ty cũng cần bổ sung phân tích điểm hòa vốn.

Một doanh nghiệp muốn tồn tại, khi tiến hành hoạt động kinh doanh, cần xác định doanh thu tối thiểu đủ bù đắp chi phí của quá trình hoạt động kinh doanh đó. Phân tích điểm hoà vốn cho phép xác định được sản lượng, mức doanh thu và thời gian sản xuất để ít nhất đủ để bù đắp chi phí bỏ ra, từ đó giúp nhà quản lý nhìn nhận quá trình kinh doanh trong mối quan hệ với nhiều yếu tố tác động tới lợi nhuận, cho phép xác định rõ ràng vào thời điểm nào trong kỳ kinh doanh, hay ở mức sản xuất và tiêu thụ bao nhiêu sản phẩm thì doanh nghiệp không bị lỗ, doanh nghiệp muốn đạt được mức lợi nhuận mong muốn thì cần phải sản xuất và bán ra bao nhiêu sản

phẩm… từ đó có các quyết định chủ động, tích cực phù hợp và đảm bảo thực hiện được mục tiêu đặt ra.

Để phân tích điểm hòa vốn, trước hết người phân tích phải xác định mối quan hệ giữa chi phí cố định và chi phí biến đổi, số lượng tiêu thụ và lợi nhuận. Từ đó, xác định sản lượng hòa vốn, doanh thu hòa vốn. Việc xác định điểm hòa vốn có thể thực hiện cho từng loại mặt hàng Công ty kinh doanh.

Một phần của tài liệu hoàn thiện phân tích tài chính tại công ty tnhh vĩnh trinh (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w