THỰC TRẠNG PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH TẠI CÔNG TY TNHH VĨNH TRINH
2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân
2.3.2.1. Hạn chế
Công tác tổ chức phân tích tài chính của Công ty không được tổ chức thành một bộ phận riêng biệt, mà được thực hiện kiêm nhiệm bởi một số nhân viên chuyên trách của phòng Tài chính kế toán, Kế toán trưởng Công ty chịu trách nhiệm trước Ban giám đốc về công tác phân tích tài chính và làm tham mưu cho Giám đốc. Quá trình phân tích được thực hiện đối với toàn bộ hoạt động tài chính từ tổ chức, phân phối và sử dụng vốn, từ chính sách huy động, chính sách đầu tư đến chính
sách phân phối lợi nhuận. Việc phân tích không được tiến hành định kỳ, mà phụ thuộc vào yêu cầu của Ban Giám đốc nhằm phục vụ cho mục đích quản trị. Tổ chức phân tích tài chính của Công ty thường được tiến hành khi Ban Giám đốc Công ty yêu cầu Báo cáo phân tích. Khi đó, nhân viên được phân công sẽ thu thập tài liệu, tiến hành phân tích và lập báo cáo để gửi Ban Giám đốc.
Thêm vào đó, việc tổ chức phân tích tài chính được thực hiện bởi bộ phận tài chính kế toán mà không có bộ phận chuyên trách thực hiện. Công tác tổ chức phân tích cũng chưa theo trình tự khoa học và thống nhất. Nội dung phân tích chủ yếu là phân tích thực hiện, chưa khai thác hết chức năng và vai trò của việc phân tích tài chính trong việc hỗ trợ ra quyết định mang tính định hướng thông qua việc phân tích dự đoán (phân tích trước, phân tích dự báo). Công ty cũng chưa chú trọng phân tích hiện hành, là việc phân tích các nghiệp vụ hay kết quả thuộc hoạt động tài chính đang diễn ra nhằm xác minh tính đúng đắn của các kế hoạch hay dự toán tài chính để có biện pháp điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý trong các dự toán, kế hoạch tài chính.
Kết quả phân tích chủ yếu sử dụng cho mục đích báo cáo, tổng kết chứ chưa phục vụ cho việc ra quyết định, các kết luận phân tích cũng tương đối chung chung, mang nặng tính lý thuyết thay vì đưa ra các kiến nghị cụ thể nhằm định hướng thực hiện hay sửa đổi, hoàn thiện các chủ trương, chính sách kinh doanh Công ty đang áp dụng.
Mặt khác, hệ thống các dữ liệu sử dụng trong phân tích chưa thực sự đầy đủ. Công ty chưa chú trọng sử dụng các nguồn tài liệu khác từ bên trong và bên ngoài doanh nghiệp nhằm đánh giá tình hình tài chính một cách đầy đủ và toàn diện. Báo cáo kế toán quản trị chưa được sử dụng như nguồn tài liệu chủ yếu khi thực hiện phân tích. Báo cáo kế toán quản trị được lập bởi bộ phận tài chính - kế toán, là nguồn cung cấp thông tin chi tiết theo từng đối tượng quản lý cụ thể phục vụ cho nhu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các loại báo cáo bộ phận như báo cáo doanh thu và kết quả kinh doanh theo từng loại mặt hàng, theo từng hợp đồng để đánh giá hiệu quả của từng loại hàng hóa bán ra
hay từng hợp đồng lớn; báo cáo nhập xuất tồn hàng hóa nhằm xem xét các loại hàng luân chuyển nhanh và các loại hàng tồn bị ứ đọng chưa được giải quyết; báo cáo công nợ để đánh giá tình hình thu hồi và thanh toán các khoản công nợ tồn đọng; … chưa được xem xét và đề cập khi thực hiện phân tích. Chúng ta đã biết, phân tích tài chính nhằm phục vụ cho những dự đoán tài chính, dự đoán kết quả tương lai của doanh nghiệp, trên cơ sở đó mà đưa ra được những quyết định phù hợp. Như vậy, không chỉ giới hạn ở việc nghiên cứu những báo biểu tài chính do bản thân Công ty lập, mà phải tập hợp đầy đủ các thông tin liên quan đến tình hình tài chính và xoay quanh hoạt động của Công ty, như các thông tin chung về chính sách vỹ mô như chính sách kinh tế, tiền tệ, thuế khoá; các thông tin về ngành kinh tế và môi trường kinh doanh, các đối thủ cạnh tranh của Công ty; môi trườn pháp lý; các chỉ tiêu trung bình ngành; các thông tin về các cuộc thăm dò thị trường, triển vọng phát triển trong kinh doanh…
Đồng thời, mặc dù đã kết hợp nhiều phương pháp khác nhau khi tiến hành phân tích nhằm đưa đến kết quả và đưa ra các kết luận xác đáng và phù hợp nhất, nhưng trong quá trình thực hiện, công tác phân tích tài chính của Công ty vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định.
Phương pháp so sánh được sử dụng rộng rãi nhất, nhưng Công ty chưa chú trọng so sánh các chỉ tiêu của Công ty với số liệu bình quân ngành, số thực hiện với số kế hoạch, chưa sử dụng việc so sánh bằng số tương đối động thái để thấy được nhịp độ biến động hay tốc độ tăng trưởng của chỉ tiêu. Việc so sánh các chỉ tiêu cũng chỉ dừng lại ở chỗ so sánh năm nay và năm trước, chưa so sánh các chỉ tiêu phân tích qua nhiều năm, do đó việc đánh giá biến động của các chỉ tiêu chưa thực sự toàn diện và khách quan.
Công ty cũng chưa chú trọng sử dụng phương pháp liên hệ đối chiếu và phương pháp dự đoán khi thực hiện phân tích, nhằm xem xét mối liên hệ kinh tế giữa các sự kiện và hiện tượng kinh tế, đồng thời xem xét tính cân đối của các chỉ tiêu kinh tế trong quá trình hoạt động hay dự đoán các chỉ tiêu kinh tế tài chính trong tương lai.
Phương pháp chi tiết cũng chưa được sử dụng nhằm đánh giá sâu hơn mọi mặt của các vấn đề phân tích, từ đó có thể thấy được nguồn gốc các biến động, nhằm đưa ra các biện pháp thiết thực và có tính ứng dụng cao nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính nói riêng và hiệu quả hoạt động kinh doanh nói chung của Công ty.
Xét về nội dung phân tích, công tác phân tích tài chính doanh nghiệp của Công ty cũng có hạn chế nhất định.
Các chỉ tiêu phân tích tại Công ty tương đối chung chung và mang tính hình thức. Mặc dù phân tích nhiều nội dung, nhưng chưa chú trọng phân tích các chỉ tiêu quan trọng nhất phục vụ thiết thực cho công tác quản lý tài chính của Công ty, phù hợp với nhu cầu quản lý trong từng thời kỳ.
Mặc dù đặc trưng ngành nghề của Công ty không bị tác động nhiều bởi yếu tố thời vụ, nhưng do Công ty chủ yếu bán hàng theo các hợp đồng, do đó doanh số bán hàng từng thời kỳ cũng bị phục thuộc vào số lượng và quy mô hợp đồng, khiến cho các chỉ số tài chính có thể thay đổi bất thường, ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả phân tích.
Một số chỉ tiêu tài chính của Công ty chưa được phân tích như phân tích doanh thu và sản lượng hòa vốn. Đồng thời, một trong những chức năng hết sức quan trọng của phân tích tài chính là phân tích rủi ro và dự đoán tài chính, mà dự đoán là nền tảng của hoạt động quản lý, làm sáng tỏ, không chỉ chính sách tài chính mà còn làm rõ các chính sách chung trong doanh nghiệp. Rủi ro hoạt động nói chung và rủi ro tài chính nói riêng luôn là một phần song hành với hoạt động của doanh nghiệp. Phân tích rủi ro tài chính giúp đánh giá, dự báo rủi ro, từ đó có biện pháp quản lý rủi ro, hạn chế thấp nhất tổn thất nếu rủi ro xảy ra. Bên cạnh đó, dự báo nhu cầu tài chính là ước tính về cầu tài chính trong tương lai gần, từ đó giúp Ban lãnh đạo đánh giá tiềm lực tài chính của Công ty, có kế hoạch tổ chức huy động vốn phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chỉ tiêu phân tích rủi ro tài chính và dự báo nhu cầu tài chính
còn bị bỏ ngỏ. Điều đó cho thấy hoạt động phân tích tài chính của Công ty chưa thực sự toàn diện.
Đối với từng chỉ tiêu thực hiện phân tích, còn những hạn chế nhất định: - Phân tích cơ cấu và sự biến động của tài sản và nguồn vốn: hiện chỉ tập trung đánh giá biến động tương đối và tuyệt đối của từng loại tài sản và từng loại nguồn vốn. Báo cáo phân tích chưa cho thấy tỷ trọng của từng loại tài sản trên tổng tài sản, từng loại nguồn vốn trên tổng nguồn vốn cũng như biến động về tỷ trọng qua các năm, nghĩa là chưa đánh giá được cơ cấu của nguồn vốn và tài sản. Việc đánh giá biến động chỉ cho thấy những chênh lệch đơn thuần của từng bộ phận riêng lẻ mà chưa xét chúng trong một thể thống nhất, có liên quan chặt chẽ và tác động đến nhau.
- Phân tích tình hình đảm bảo vốn cho hoạt động kinh doanh: hiện đã thực hiện phân tích theo quản điểm tính ổn định của nguồn tài trợ, nhưng chưa đề cập đến phân tích đảm bảo vốn theo quan điểm luân chuyển vốn. Mặt khác, khi thực hiện phân tích tình hình đảm bảo vốn theo tính ổn định của nguồn tài trợ, Công ty chỉ sử dụng phương pháp so sánh để xem xét biến động của vốn lưu chuyển, chưa xác định mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố bằng phương pháp cân đối và đi sâu xem xét từng nhân tố để có thể thấy những nguyên nhân ảnh hưởng đến vốn lưu chuyển.
- Phân tích tình hình và khả năng thanh toán: việc phân tích các chỉ tiêu thể hiện tình hình thanh toán tương đối chung chung. Vòng quay các khoản phải thu và thời gian thu tiền bình quân được tính trên tổng các khoản phải thu mà không chi tiết theo từng khoản phải thu, đặc biệt là chi tiết cho khoản phải thu khách hàng. Điều này là thiếu sót khi phân tích tình hình thanh toán tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Tương tự như vậy, chỉ tiêu vòng quay các khoản phải trả và thời gian thanh toán bình quân được tính trên tổng các khoản phải trả thay vì chi tiết theo từng khoản phải trả riêng, cũng chưa phân tích riêng khoản phải trả người bán hay các khoản nợ vay. Mặt khác, phân tích chi tiết các khoản phải thu và các khoản phải trả chưa chi tiết theo các khoản công nợ trong hạn và quá hạn, nhằm đánh giá tính chất, thời gian và nguyên nhân các khoản phải thu, phải trả.
Việc phân tích khả năng thanh toán chỉ được thực hiện khi phân tích khái quát tình hình tài chính của Công ty. Công ty chưa đi sâu vào phân tích khả năng thanh toán cho từng giai đoạn, như khả năng thanh toán tháng tới, quý tới... phục vụ cho mục tiêu quản trị. Đồng thời, việc phân tích khả năng thanh toán cũng chỉ đơn thuần ở việc tính và đánh giá biến động của các chỉ số thể hiện khả năng thanh toán, chưa đi sâu đánh giá giữa khả năng thanh toán và nhu cầu thanh toán, nhằm xem xét trong từng giai đoạn, Công ty có đảm bảo khả năng thanh toán hay không, từ đó đề xuất các chính sách phù hợp.
- Phân tích mức độ tạo tiền và tình hình lưu chuyển tiền tệ: nhìn chung, việc phân tích chỉ dừng lại ở phân tích Báo cáo lưu chuyển tiền tệ một cách riêng lẻ, chưa xem xét mối liên hệ của các thông tin về lưu chuyển tiền tệ với Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Về từng chỉ tiêu cho thấy, đánh khả năng tạo tiền chưa phân tích rõ tiền thu vào, chi ra của từng hoạt động ảnh hưởng như thế nào đến lưu chuyển tiền của từng hoạt động. Công ty hiện chỉ sử dụng phương pháp so sánh để đánh giá biến động của lưu chuyển tiền thuần trong kỳ cũng như lưu chuyển tiền thuần từ các hoạt động, chưa sử dụng phương pháp phân tích nhân tố để tính toán và xem xét ảnh hưởng của từng nhân tố đến biến động lưu chuyển tiền thuần.
- Phân tích hiệu quả sử dụng vốn: Phân tích hiệu quả sử dụng vốn qua chỉ tiêu “sức sản xuất của vốn” còn nhiều hạn chế. Công ty chưa thực hiện phân tích tốc độ luân chuyển của tài sản ngắn hạn. Do đặc điểm kinh doanh của Công ty là kinh doanh thương mại, tốc độ luân chuyển của tài sản ngắn hạn là yếu tố then chốt khi phân tích hiệu quả sử dụng vốn theo sức sản xuất. Mặt khác, khi phân tích sức sản xuất của toàn bộ tài sản, việc so sánh biến động tương đối của các chỉ tiêu đã bị bỏ qua. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, do có một số chỉ tiêu có thể biến động về số tuyệt đối lớn, nhưng biến động tương đối không đáng kể vì gốc so sánh đã là một số lớn.
- Phân tích các chỉ số đòn bẩy: Công ty chỉ thực hiện phân tích đòn bẩy tài chính và mối quan hệ giữa đòn bẩy tài chính với hiệu quả sử dụng vốn. Các chỉ tiêu
đòn bẩy kinh doanh và đòn bẩy tổng hợp không được thực hiện phân tích. Mặt khác, việc phân tích đòn bẩy tài chính chưa xem xét độ lớn của đòn bẩy tài chính trong mối quan hệ với tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu, do đó chưa đánh giá được mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính hiện tại đã hiệu quả hay chưa và nên tăng hay giảm việc sử dụng vốn vay cho hoạt động kinh doanh. Về mặt ý nghĩa của chỉ tiêu, theo báo cáo phân tích, đòn bẩy tài chính là 1,748, nghĩa là khi lợi nhuận trước lãi vay và thuế thay đổi 1%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu sẽ thay đổi 1,748% theo hướng cùng chiều. Việc xác định biến động của tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) khi lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT) thay đổi chưa chính xác. Theo chỉ tiêu đòn bẩy tài chính tính được, khi EBIT thay đổi 1%, ROE sẽ thay đổi 174,8% theo hướng cùng chiều.