1. 3 Phân loại vốn lưu động
1.3.2. Một số biện pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh việc tổ chức quản lý và
nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động trong doanh nghiệp
Trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp nhà nước cũng như mọi doanh nghiệp khác đều bình đẳng trước pháp luật, phải đối mặt với cạnh tranh, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, tự chủ về vốn. Do đó, việc nâng cao sử dụng vốn sản xuất kinh doanh nói chung và vốn lưu động nói riêng là vấn đề quan trọng và cần thiết. Để sử dụng vốn lưu động có hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Thứ nhất, phải xác định chính xác số VLĐ cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó đưa ra kế hoạch tổ chức huy động VLĐ đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh được thuận lợi, đồng thời tránh tình trạng ứ đọng vốn, thúc đẩy VLĐ luân chuyển nhanh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Thứ hai, lựa chọn hình thức thu hút VLĐ. Tích cực tổ chức khai thác triệt để các nguồn VLĐ bên trong doanh nghiệp, vừa đáp ứng kịp thời vốn cho nhu cầu VLĐ tối thiểu cần thiết một cách chủ động, vừa giảm được một khoản chi phí sử dụng vốn cho doanh nghiệp. Tránh tình trạng vốn tồn tại dưới hình thái tài sản không cần sử dụng, vật tư hàng hoá kém phẩm chất... mà doanh nghiệp lại phải đi vay để duy trì sản xuất với lãi suất cao, chịu sự giám sát của chủ nợ làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, trước khi quyết định đầu tư doanh nghiệp cần phải cân nhắc kĩ nguồn tài trợ vốn đầu tư, quy trình công nghệ, tình hình cung ứng nguyên vật
liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để đảm bảo chi phí sử dụng vốn đầu tư là thấp nhất doanh nghiệp phải xem xét sự quyết định đầu tư ảnh hưởng như thế nào đến kết cấu vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng tốt hay xấu đến công tác tổ chức và sử dụng VLĐ của doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng tốc độ luân chuyển VLĐ: tốc độ luân chuyển VLĐ thể hiện bằng hai chỉ tiêu là số vòng quay VLĐ và kỳ luân chuyển bình quân của VLĐ. Số vòng quay VLĐ trong kỳ được tính toán trên cơ sở mức luân chuyển VLĐ và số VLĐ bình quân. Vì vậy phương hướng chung để tăng tốc độ luân chuyển VLĐ là trên cơ sở mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh tạo điều kiện tăng doanh thu tiêu thụ sản phẩm, sẽ dẫn tăng tổng mức luân chuyển VLĐ.
Để tăng tốc độ luân chuyển VLĐ, sử dụng vốn tiết kiệm cần phải thực hiện tốt những biện pháp về các mặt mua sắm dự trữ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thanh toán với người mua và người bán hay nói cách khác, doanh nghiệp cần phải sử dụng hợp lý, tiết kiệm VLĐ ở tất cả các khâu dự trữ, sản xuất và lưu thông. Cụ thể:
+ Trong lĩnh vực sản xuất cần rút ngắn chu kỳ sản xuất, công ty cần có biện pháp rút ngắn thời gian làm việc trong quy trình công nghệ ở mức cho phép và hạn chế tới mức thấp nhất thời gian ngừng việc do các nguyên nhân khác nhau.
+ Trong lĩnh vực lưu thông cần có các biện pháp cụ thể trong việc tổ chức hoạt động tiêu thụ và mua sắm, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường và khả năng sản xuất tối đa của doanh nghiệp, từ đó dự đoán về vốn thành phẩm để đưa ra kế hoạch sản xuất thích hợp cả về số lượng, chất lượng sản phẩm cũng như chủng loại sản phẩm. Có như vậy vốn thành phẩm trong khâu lưu thông mới đúng kế hoạch theo ý muốn của công ty.
Thứ năm, làm tốt công tác thanh toán công nợ, chủ động phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh. Doanh nghiệp cần chủ động trong công tác thanh
toán công nợ, chủ động thanh toán tiền hàng, hạn chế tình trạng bán hàng không thu được tiền, vốn bị chiếm dụng làm phát sinh nhu cầu vốn cho sản xuất dẫn đến doanh nghiệp phải đi vay ngoài kế hoạch làm phát sinh chi phí sử dụng vốn lẽ ra không có (nếu như thanh toán tốt), đồng thời vốn bị chiếm dụng còn là một rủi ro khi trở thành nợ khó đòi làm thất thoát VLĐ của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường thì mọi rủi ro đều có thể xảy ra đối với mỗi doanh nghiệp, để chủ động phòng ngừa rủi ro các doanh nghiệp cần phải mua bảo hiểm, lập quỹ dự phòng tài chính để có nguồn bù đắp khi rủi ro xảy ra, cần đề phòng các rủi ro như hoả hoạn, lũ lụt...
Thứ sáu, tăng cường bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý tài chính. Để đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả cao, tình hình sử dụng vốn hợp lý, tiết kiệm thì bên cạnh những điều kiện về trình độ công nghệ của máy móc thiết bị, về cơ cấu sản phẩm được thị trường chấp nhận, còn phải kể đến một vấn đề quan trọng trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý tài chính. Nếu có đủ các điều kiện khác mà không làm tốt công tác quản lý thì việc sử dụng VLĐ cũng không mang lại hiệu quả cao. Cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý tài chính phải năng động nhạy bén với thị trường, huy động linh hoạt các nguồn vốn có lợi nhất, quản lý vốn huy động được một cách uyển chuyển nhất, phù hợp nhất với điều kiện của doanh nghiệp để càng ngày nâng cao hiệu quả sử dụng VLĐ.
Thứ bảy, xác định và quản lý lưu lượng tiền mặt (tiền tại quỹ và tiền trên tài khoản thanh toán tại ngân hàng) là điều tất yếu mà doanh nghiệp phải làm để đảm bảo việc thực hiện các giao dịch kinh doanh hàng ngày cũng như đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh doanh trong từng giai đoạn. Doanh nghiệp giữ quá nhiều tiền mặt so với nhu cầu sẽ dẫn đến việc ứ đọng vốn, tăng rủi ro về tỷ giá (nếu dự trữ ngoại tệ), tăng chi phí sử dụng vốn (vì tiền mặt tại quỹ
không sinh lãi, tiền mặt tại tài khoản thanh toán ngân hàng thường có lãi rất thấp so với chi phí lãi vay của doanh nghiệp). Hơn nữa, sức mua của đồng tiền có thể giảm sút nhanh do lạm phát.
Nếu doanh nghiệp dự trữ quá ít tiền mặt, không đủ tiền để thanh toán sẽ bị giảm uy tín với nhà cung cấp, ngân hàng và các bên liên quan. Doanh nghiệp sẽ mất cơ hội hưởng các khoản ưu đãi giành cho giao dịch thanh toán ngay bằng tiền mặt, mất khả năng phản ứng linh hoạt với các cơ hội đầu tư phát sinh ngoài dự kiến.
Lượng tiền mặt dự trữ tối ưu của doanh nghiệp phải thỏa mãn được 3 nhu cầu chính:
Chi cho các khoản phải trả phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp.
Dự phòng cho các khoản chi ngoài kế hoạch.
Dự phòng cho các cơ hội phát sinh ngoài dự kiến khi thị trường có sự thay đổi đột ngột.
Số lượng tiền mặt tại quỹ giới hạn ở mức thấp chỉ để đáp ứng những nhu cầu thanh toán không thể chi trả qua ngân hàng. Doanh nghiệp cần ưu tiên lựa chọn nhà cung cấp có tài khoản ngân hàng. Thanh toán qua ngân hàng có tính minh bạch cao, giảm thiểu rủi ro gian lận, đáp ứng yêu cầu pháp luật liên quan.
Xây dựng và phát triển các mô hình dự báo tiền mặt.
Tính toán và xây dựng các bảng hoạch định ngân sách giúp doanh nghiệp ước lượng được khoảng định mức ngân quỹ là công cụ hữu hiệu trong việc dự báo thời điểm thâm hụt ngân sách để doanh nghiệp chuẩn bị nguồn bù đắp cho các khoản thiếu hụt này.
- Biện pháp cần làm khi thiếu tiền mặt: đẩy nhanh tiến trình thu nợ, giảm số lượng hàng tồn kho, thương lượng lại thời hạn thanh toán với nhà
cung cấp, hoãn thời gian mua sắm tài sản cố định và hoạch định lại các khoản đầu tư, bán các tài sản thừa, không sử dụng, giãn thời gian chi trả cổ tức, sử dụng dịch vụ thấu chi của ngân hàng hoặc vay ngắn hạn.
- Biện pháp cần làm khi thừa tiền mặt trong ngắn hạn: thanh toán các khoản thấu chi; sử dụng các khoản đầu tư qua đêm của ngân hàng, sử dụng hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với điều khoản rút gốc linh hoạt, đầu tư vào những sản phẩm tài chính có tính thanh khoản cao (trái phiếu chính phủ), đầu tư vào cổ phiếu quỹ ngắn hạn.
Trên đây là một số biện pháp cơ bản nhằm thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng VLĐ của các doanh nghiệp. Trong thực tế, do các doanh nghiệp thuộc những ngành nghề kinh doanh và lĩnh vực kinh doanh khác nhau nên mỗi doanh nghiệp cần phải căn cứ vào những biện pháp chung để từ đó đề ra cho doanh nghiệp mình những giải pháp cụ thể, có tính khả thi nhằm nâng cao hiệu quả vốn lưu động của mình.