Canon Việt Nam

Một phần của tài liệu đầu tư trực tiếp của nhật bản vào công nghiệp điện tử việt nam đến năm 2020 (Trang 80 - 91)

Sản phẩm của Canon đã có mặt tại Việt Nam từ những năm 1980 thông qua các nhà phân phối ủy quyền. Tập đoàn Canon (Nhật Bản) chính thức đầu tư tại Việt Nam từ năm 2002 với nhà máy đầu tiên đặt tại khu Công nghiệp Thăng Long ( Hà Nội) với diện tích là 225.000m2. Là một trong 18 nhà máy sản xuất của Canon ngoài Nhật Bản, Canon Thăng Long đóng góp 25% sản lượng máy in phun toàn cầu và là xuất khẩu lớn nhất miền Bắc, chiếm 53% tổng lượng xuất khẩu với tổng doanh thu khoảng hơn 200 triệu USD/ năm.

Nối tiếp thành công của Canon Thăng Long, trong vòng 2 năm 2005 và 2006, Canon đã liên tiếp xây dựng thêm 2 nhà máy nữa tại KCN Quế Võ và Tiên Sơn ( Bắc Ninh). Tháng 1/2012, Canon đã khởi công xây dựng nhà máy Nhà máy số 3 tại KCN Phố Nối A, Hưng Yên.

Công ty TNHH Canon Việt Nam hiện có 3 nhà máy đang hoạt động nằm trong số 20 nhà máy sản xuất của Canon ở khu vực Châu Á. Tập đoàn Canon đã đầu tư vào Việt Nam với số vốn khoảng 300 triệu USD và tạo được 12.000 việc làm. Các sản phẩm chính của Canon là những sản phẩm điện tử kỹ thuật cao sản phẩm về hình ảnh và quang học dành cho cá nhân và văn phòng như: máy ảnh, máy in cá nhân đa chức năng, máy in văn phòng, máy fax, máy quét, máy camera, máy Photocopy.

Tại KCN Quế Võ, Canon đã đầu tư 1 trung tâm sản xuất máy in Lazer lớn nhất thế giới, sản lượng khoảng 700.000 sản phẩm/ tháng, 8,4 triệu sản phẩm mỗi năm và thu hút hơn 3.000 lao động. Máy in sản xuất tại Việt Nam sẽ xuất khẩu 100% chủ yếu sang thị trường Châu Á, Châu Âu và Mỹ. Tổng lượng sản phẩm tại nhà máy Quế Võ bằng 80% tổng lượng máy in mà Canon sản xuất mỗi năm và chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này trên toàn thế giới.

Doanh thu xuất khẩu của Canon trong năm 2011 là 1,6 tỷ USD, tăng hơn 100 triệu USD so với năm 2010 và tăng gấp 2,3 lần so với năm 2006.

2.2.5.2. Panasonic Việt Nam

Tập đoàn Panasonic có trụ sở chính đặt tại Osaka, Nhật Bản, là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về chế tạo và phát triển các sản phẩm điện tử dân dụng, điện tử doanh nghiệp và điện tử công nghiệp. Panasonic Japan đã thâu tóm rất nhiều các công ty điện tử con nổi tiếng một thời như: Matsushita, Technics, Quasar, JVC và hiện đang là nhà sản xuất TV Plasma lớn nhất thế giới.

Panasonic có mặt tại Việt Nam từ năm 1996 với việc thành lập nhà máy đầu tiên Panasonic AVC Network Vietnam tại thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là thành viên của tập đoàn Panasonic (Global Panasonic Corporation – GPC). Đến năm 2005, Panasonic Viet Nam Co., ltd (PVCL) được biết đến với vai trò là công ty

mẹ của tập đoàn Panasonic tại Việt Nam. Chỉ sau 9 năm thành lập, nó đã được mở rộng một cách nhanh chóng và điều hành 6 chi nhánh khác của Panasonic tại đây gồm: Panasonic Sales, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Panasonic R&D, Panasonic Electronic Devices, Panasonic System networks, Panasonic Home Appliances and Panasonics AVC Networks.

Trong thời gian qua, Panasonic không ngừng mở rộng thông qua việc thành lập các công ty con và nhiều dự án trên cả nước. Tính đến tháng 8/2011, nhóm các công ty Panasonic tại Việt Nam gồm có 6 công ty, 1 công ty mẹ chủ quan, 4 công ty sản xuất và 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao với tổng số lao động là 8.200 người. Năm 2012, Panasonic sẽ khánh thành một nhà máy mới chuyên sản xuất máy giặt tại KCN Thăng Long 2, Hưng Yên. Với qui mô lớn nhất Châu Á, nhà máy này đạt mục tiêu sản xuất 700.000 sản phẩm/ năm vào năm 2015. Bên cạnh đó, một trung tâm R & D cũng sẽ được thành lập tại Hưng Yên nhằm nghiên cứu và phát triển những sản phẩm điện gia dụng phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Dự kiến khi đi vào hoạt động, trung tâm này sẽ góp phần tạo ra hơn 1.000 việc làm cho lao động địa phương.

Hiện nay, trong khi có nhiều nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rời khỏi thị trường Việt Nam do chi phí ngày tăng cao, thì Panasonic là có động thái ngược lại là mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Theo ông Shinichi Wakita – Tổng Giám đốc của Panasonic Việt Nam, thì Việt Nam là một thị trường phù hợp với việc sản xuất tủ lạnh, máy giặt và điều hòa vì đời sống của người Việt Nam đang được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng đang tăng trưởng rất nhanh. Trong khi đó ở Thái Lan, nhu cầu đối với các sản phẩm này đã tương đối ổn định và công suất các nhà máy ở đó cũng có giới hạn. Với mức tăng trưởng tốt, nền chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm ở khu vực Châu Á mà Panasonic cam kết đầu tư lâu dài.

Trong quý 3/2011, Panasonic đã khởi công xây dựng một nhà máy mới chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Thăng Long, Hà Nội phục vụ nhu cầu gia tăng nhanh chóng của điện thoại thông minh. Nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động

trong tháng 8/2012. Đây là nhà máy thứ 3 sản xuất mạch bo công nghệ cao của Panasonic ngoài Nhật Bản và Đài Loan. Bên cạnh đó, Panasonic tiếp tục mở rộng nhà máy sản xuất tủ lạnh 2 cánh tại khu CN Thăng Long nhằm mục đích nâng gấp đôi năng lực sản xuất đến năm 2015 so với năm 2011 ( từ 400.000 chiếc/năm lên 800.000 chiếc/năm). Dòng sản phẩm được sản xuất tại đây là tủ lạnh cỡ lớn nhằm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Mục tiêu tăng trưởng bình quân mỗi năm là 2 con số trong giai đoạn 2011-2015, trước mắt mục tiêu doanh thu của Panasonic là 1 tỷ USD tại thị trường Việt Nam.

2.3. Đánh giá hoạt động đầu tư trực tiếp của Nhật Bản trong ngành CN-ĐT ở Việt Nam trong thời gian qua

2.3.1. Những kết quả đạt được

Nhìn chung Nhật Bản đã rất thành công trong hoạt động đầu tư vào lĩnh vực CN-ĐT tại Việt Nam và bản thân Việt Nam cũng được xem là thành công trong việc thu hút được một nguồn vốn lớn từ Nhật Bản nhằm phát triển công nghiệp điện tử tại Việt Nam.

Qui mô vốn của các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực CN-ĐT ngày càng được mở rộng. Trong lĩnh vực CN-ĐT các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn tiếp tục mở rộng qui mô đầu tư tại Việt Nam do tận dụng được nhiều ưu đãi của Chính phủ . Điển hình là năm 2011, tập đoàn Brother đã cho xây dựng thêm nhà máy số 4 của mình tại Việt Nam, việc xây dựng này hoàn toàn nằm trong chiến lược của Brother tại Việt Nam nhằm đáp ứng việc mở rộng sản xuất của tập đoàn tập trung và các sản phẩm máy in lazer. Công trình dự kiến hoàn thành vào đi vào hoạt động vào đầu năm 2013 với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ Yên và tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động tại địa phương. Với việc xây dựng thêm nhà máy mới này, Brother Việt Nam trở thành một trong những công ty có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Hải Dương (khoảng 80 triệu USD).

Số lượng các dự án tăng lên cùng với việc mở rộng một số dự án trong lĩnh vực CN-ĐT tại Việt Nam đã làm gia tăng một lượng việc làm đáng kể, tăng chất lượng cuộc sống cho người lao động Việt Nam.

2.3.2. Một số hạn chế và nguyên nhân

2.3.2.1. Hạn chế

- Hầu hết các dự án đầu tư của Nhật Bản đều được phân bố ở các khu công nghệ cao và các thành phố lớn. Sự phân bố không đồng đều này ảnh hưởng lớn đến cơ cấu phát triển vùng cũng như khó giải quyết được các vấn đề lao động tại các địa phương vốn còn nhiếu khó khăn.

- Chi phí sản xuất tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng do lạm phát khiến giá cả nguyên vật liệu đầu vào như nhiên liệu (than, dầu, ga, xăng), giá nhân công tăng đáng kể, ảnh hưởng sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như giảm lợi nhuận của các nhà đầu tư.

- Trong giai đoạn đầu của quá trình mở cửa, do thiếu vốn đầu tư chúng ta đã chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là những ngành công nghiệp mũi nhọn như CN-ĐT. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng dự án và chất lượng dòng vốn FDI còn được thả lỏng. Không phải tất cả dự án liên quan đến điện tử vào nước ta trong thời gian qua là nhằm mục tiêu phát triển công nghiệp điện tử trong nước. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần có tư duy mới, không chỉ quan tâm tới yếu tố tăng trưởng vốn mà còn phải xây dựng được cơ cấu hợp lý, chất lượng.

- Việc quảng bá xúc tiến để thu hút các nhà đầu tư mới của Nhật Bản còn nhiều hạn chế. Nội dung xúc tiến đầu tư mới chỉ dừng lại ở quảng bá, giới thiệu tiềm năng mà chưa đề ra được một chiến lược xúc tiến đầu tư dài hạn và có chiều sâu. Nguồn nhân lực chưa chuyên nghiệp, còn thiếu trình độ quản lý nên hạn chế đến tiếp xúc trực tiếp, kinh phí thiếu, thông tin quảng bá còn đơn điệu, chậm cập nhật, tính chủ động trong xúc tiến đầu tư còn yếu, còn nặng về tâm lý chờ nhà đầu tư đến thay vì chủ động tìm kiếm, tiếp xúc, chào mời…Bên cạnh đó, các địa phuong trong nước cùng cạnh tranh sang Nhật Bản để xúc tiến chào mời, tuy nhiên do công tác xúc tiến chưa tốt dẫn đến chồng chéo lẫn nhau.

- Hiện tại, việc đầu tư cho CN-ĐT nội địa đã nhỏ lại manh mún cộng thêm chưa cho định hướng cụ thể khiến các doanh nghiệp điện tử trong nước gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp điện tử của Việt Nam hầu như không tiếp nhận được

công nghệ từ các nhà sản xuất Nhật Bản do tính liên kết còn kém, nhân lực còn hạn chế. Hầu hết là các doanh nghiệp Việt Nam phải phát triển tự phát, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ do công nghệ quá lạc hậu, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh đã phải chuyển hướng sản xuất kinh doanh các mặt hàng khác. Nhà nước chưa có một hình thức hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp điện tử trong nước, trong khi đó định hướng phát triển đưa ra chưa rõ ràng cho từng giai đoạn. Như vậy, càng làm các doanh nghiệp nội địa đã khó khăn về vốn lại càng khó khăn hơn trong hướng phát triển nên không thể cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản

- Sản phẩm điện tử XK của Việt Nam chủ yếu gồm máy in, linh kiện điện tử như bo mạch, RAM máy tính, linh kiện máy in… Một vài năm trở lại đây, hướng đi mới là XK thành phẩm với thị trường chủ đạo là Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ…Kim ngạch XK tăng nhưng năng lực cạnh tranh lại thấp, giá trị gia tăng trong sản phẩm chiếm chưa đến 17%, thể hiện ở hoạt động gia công và lắp ráp. Khi tỷ giá bị điều chỉnh, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam hầu như ít bị ảnh hưởng đến doanh thu vì phần lớn hoạt động lắp ráp nguyên liệu và thị trường đều do công ty mẹ thực hiện.

Ngành CN-ĐT Việt Nam đang ở đáy của chuỗi giá trị. Mặc dù kim ngạch XK năm sau cao hơn năm trước nhưng không hề có chỗ đứng trong ASEAN. Đây là ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam lại rất thấp. Muốn nâng cao được sức cạnh tranh thì cần tăng giá trị trong các sản phẩm, nếu không sẽ không thoát khỏi lắp ráp và gia công. Thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp lắp ráp sản xuất hàng điện tử, kể cả doanh nghiệp FDI thi nhau thu hẹp sản xuất, chuyển hướng sang nhập khẩu hàng nguyên chiếc để bán là những dấu hiệu đáng lo ngại. Nếu không có chính sách phù hợp và kịp thời, nguy cơ phá sản ngành CN-ĐT vốn đã yếu kém sẽ là điều không tránh khỏi.

- Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn chậm, không phát triển kịp với nhu cầu sản xuất trong nước, khiến các doanh nghiệp điện tử của Nhật Bản phải nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài. Với công việc lắp ráp đơn giản, hàm lượng lao động Việt Nam trong các sản phẩm điện tử bình quân chỉ khoảng 5-10% giá trị sản phẩm. Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mới chỉ dừng ở giai đoạn sơ khai và còn rất nhiều

yếu kém. Việt Nam có khoảng 30 ngành kinh tế-kỹ thuật cần đến công nghiệp hỗ trợ, trong đó có nhiều ngành sản xuất hàng XK, nhưng hầu hết các ngành công nghiệp lớn của Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu và phụ kiện từ nước ngoài vào để sản xuất.

Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ của Việt Nam còn rất ít và công nghệ lạc hậu. Theo số liệu của Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, cho đến nay Việt Nam có khoảng 230 doanh nghiệp sản xuất linh kiện và phụ tùng nhưng các linh kiện và phụ tùng đó chủ yếu là dùng cho các sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp. Chỉ có các sản phẩm của một số doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này mới có trình độ tiên tiến. Thực tế hiện nay, phần lớn các sản phảm của công nghiệp hỗ trợ nước ta vẫn do doanh nghiệp nhà nước cung cấp với chất lượng thấp và khả năng cạnh tranh hạn chế nên chủ yếu là tiêu thụ ở thị trường trong nước. Vẫn còn tình trạng thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc sản xuất các sản phẩm hỗ trợ. Chính điều này đã dẫn đến không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải nhập những linh kiện, chi tiết sản phẩm mà doanh nghiệp trong nước sản xuất được với giá rẻ hơn nhập khẩu.

Các sản phẩm hỗ trợ của ta nhìn chung còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, giá thành lại cao hơn so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Trong khi đó các sản phẩm hỗ trợ của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… nhất là Trung Quốc, chất lượng cũng không phải là cao hơn quá nhiều so với sản phẩm của Việt Nam nhung hàng của họ giá rất rẻ, nhiều chủng loại, mẫu mã đa dạng; thêm vào đó các quốc gia này có nhiều chính sách ưu đãi với những nhà đầu tư mới, lớn. Đó là chính sách ưu đãi về giá, cho thanh toán chậm, có phong cách phục vụ tận tình nên được nhiều doanh nghiệp trong nước thuộc các lĩnh vực cần sản phẩm hỗ trợ đặt hàng.

Nhân lực của ngành công nghiệp phụ trợ còn chưa được đáp ứng về cả mặt số lượng và chất lượng. Nguồn nhân lực giá rẻ không còn là lợi thế thu hút FDI vào Việt Nam nữa. Mà vấn đề cần quan tâm ở đây là làm thế nào để sản xuất được mặt

hàng vừa có chất lượng tốt, giá lại rẻ. Vì thế, điều cốt yếu là cần phải đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng quản lý, khả năng ứng dụng và có tính sáng tạo để sản xuất ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

Phát biểu của ông Mitsuru Okada – Tổng giám đốc của công ty Panasonic Việt Nam về ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

“Sự kém phát triển của ngành CN hỗ trợ gây nhiều thiệt thòi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại chúng tôi phải vận chuyển linh kiện từ những cơ sở tại nước ngoài vào lắp ráp tại Việt Nam. Đơn giản vì không có đơn vị nào tại đây sản xuất. Nếu chúng tôi tự đầu tư dây chuyền sản xuất, linh kiện và lắp ráp hiện đại ở Việt Nam thì kinh phí quá lớn. Do vậy, một phần lợi nhuận đương nhiên phải thuộc về nhà sản xuất linh kiện, chi phí vận chuyển cũng là một yếu tố làm tăng giá thành

Một phần của tài liệu đầu tư trực tiếp của nhật bản vào công nghiệp điện tử việt nam đến năm 2020 (Trang 80 - 91)