2.3.Đánh giá thực trạng chất lượng thẩm định tài chính dự án đầu tư trong hoạt động cho vay tại Ngân hàng TMCP Liên Việt
2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân
2.3.2.1. Hạn chế
Bên cạnh những kết quả bước đầu, do những nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan mà chất lượng thẩm định tài chính DAĐT tại Ngân hàng Liên Việt vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục:
- Công tác thẩm định chưa hỗ trợ tốt trong việc đưa ra quyết định cho vay. Dư nợ tín dụng trong năm 2009, 2010 và 6 tháng đầu năm 2011 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tuy nhiên, cùng với đó là việc tỷ lệ nợ quá hạn đang có dấu hiệu ra tăng. Tỷ lệ nợ quá hạn 6 tháng đầu năm 2011 đã tăng lên 1,75% so với mức 0,99% thời điểm 31/12/2010. Mặc dù các khoản nợ quá hạn và nợ xấu hiện tại chưa phải từ các khoản cho vay dự án, tuy nhiên, các rủi ro tiềm ẩn là không tránh khỏi đặc biệt trong tình hình kinh tế có nhiều biến động như hiện nay. Do đó, ngân hàng cần tổ chức xem xét đánh giá lại các dự án đầu tư đã cho vay để kịp thời phát hiện các vấn đề, tăng cường công tác giám sát quản lý để hạn chế phát sinh nợ quá hạn.
- Thời gian thẩm định thực tế còn dài: theo quy định hiện tại của Ngân hàng Liên Việt thì thời gian thẩm định/tái thẩm định tối đa đối với các khoản vay ngắn hạn là 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, đối với các khoản vay trung dài hạn là 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, thời gian phê duyệt tín dụng đối với Giám đốc/Ban Tín dụng chi nhánh là 01 ngày và Hội đồng Tín dụng là 02 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trình. Như vậy, tổng thời gian cho việc thẩm định và phê duyệt tín dụng là 6 -7 ngày làm việc. Tuy nhiên, thời gian thẩm định thực tế cần được tính từ khi khách hàng gửi hồ sơ lần đầu cho ngân hàng cho tới khi ngân hàng có thông báo chính
thức về việc cấp tín dụng, trên thực tế khoảng thời gian này thường khá dài, có những khoản vay mà thời gian xử lý hồ sơ kéo dài 2 – 3 tuần do việc yêu cầu hồ sơ nhiều lần và chậm trễ trong quá trình phê duyệt hồ sơ. Đây là một hạn chế cần sớm khắc phục, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của Ngân hàng Liên Việt trong việc thu hút khách hàng.
- Chi phí thẩm định chưa hợp lý: hiện các chi phí cho thẩm định dự án không chỉ bao gồm chi phí cho việc đi lại, lưu trú của cán bộ thẩm định, chi phí mua thông tin, mà còn cả các chi phí liên quan tới việc huy động vốn, chi phí giám sát và quản lý dự án trong quá trình cho vay vốn, chi phí cơ hội khi thẩm định dự án này thay cho thẩm định dự án khác… Với các chi phí nhìn thấy như chi phí đi lại hay mua thông tin, để đạt mục tiêu tối thiểu hóa chi phí, trong nhiều trường hợp không đem lại hiệu quả thẩm định. Hiện tại, chi phí mua thông tin bên ngoài cho quá trình thẩm định của Ngân hàng Liên Việt rất ít, mới dừng lại ở thông tin từ Trung tâm thông tin tín dụng CIC, ngoài ra là các thông tin khác cho dự án chủ yếu do cán bộ thẩm định tự tra cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Những tồn tại này đòi hỏi Ngân hàng Liên Việt phải có những nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án nói riêng và chất lượng thẩm định tín dụng nói chung, để tạo ra sự tăng trưởng ổn định cho ngân hàng.