nghiệp thương mại của VIB
Thứ nhất, Ngân hàng VIB chưa thực sự có các sản phẩm mang nét đặc trưng của mình. Các sản phẩm tuy có nhiều tiện ích nhưng nếu không có điểm khác biệt thì dễ bị các ngân hàng khác cạnh tranh sao chép, gây lẫn lộn trong tâm trí người tiêu dùng. Ví dụ như sản phẩm e-savings và tiết kiệm lũy tiến; khi sản phẩm vừa được đưa ra thị trường đã nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý. Do vậy, trong thời gian ngắn, hầu hết các ngân hàng đã quảng cáo sản phẩm này của mình tới khách hàng với lãi suất ngày càng hấp dẫn. Trong khi đó, một số ngân hàng đã đưa ra một số sản phẩm cho vay đặc trưng của ngân hàng mình và có cơ chế đối với mỗi sản phẩm để nâng cao khả năng vay vốn cho khách hàng. Đó là ngân hàng TMCP Bảo Việt với sản phẩm thẻ BVIP – Vươn tới thành công trọn vẹn. Lần đầu tiên tại Việt Nam, khách hàng có cơ hội sở hữu bộ sản phẩm dành riêng cho khách hàng cao cấp với sự kết hợp trọn gói, hoàn chỉnh và toàn diện các dịch vụ Tài chính- Đầu tư- Bảo hiểm; bao gồm: tài khoản không kỳ hạn với lãi suất cao (được phép thấu chi tín chấp với hạn mức cao, thủ tục đơn giản), thẻ BVIP sang trọng, dịch vụ i-banking an toàn, tiện lợi, dịch vụ phone banking, mobile banking 24/7, dịch vụ tài khoản tiền gửi thanh toán chứng khoán và tặng phí bảo hiểm. Ngoài ra, Bảo Việt còn có sản phẩm tài khoản thanh toán tiện ích hơn các ngân hàng khác ở chỗ, thay vì phải phát hành một thẻ ứng với mỗi tài khoản khác nhau thì khách hàng chỉ việc phát hành một thẻ ứng với nhiều tài khoản được liên kết với nhau. Với sản phẩm đặc trưng, khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng sẽ nghĩ ngay tới ngân hàng có sản phẩm đó.
Thứ hai: Nhiều sản phẩm của ngân hàng được phát triển nhưng chưa đi vào thực tế, vì chúng chưa thực sự có cơ hội được khách hàng tiếp cận cũng như chưa thực sự được khách hàng hiểu rõ lợi ích mà dịch vụ đó mang lại. Ví dụ, VIB đã có sản phẩm tài khoản tiền gửi thanh toán tiền đô, cho phép giao dịch bằng tiền đô nhưng cũng có thể rút tiền tại ATM bằng tiền việt và rút tiền tại quầy bằng tiền đô hoặc tiền việt với tỷ giá tại thời điểm rút tiền. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, sản phẩm không được ưa chuộng như dự đoán khi mà lãi suất tiền gửi đô không những không tăng mà lại giảm đi…
Thứ ba: Thời gian phát triển sản phẩm còn dài và chưa thực sự đa dạng, khiến cho VIB mất đi nhiều cơ hội bắt kịp nhu cầu đó trong thị trường bởi các đối thủ có thể đi trước chiếm lĩnh thị phần dịch vụ đó. Bài học xương máu là sự kiện ra mắt thẻ Master Chip - thay vì thẻ Master với dải từ - đầu tiên tại Việt Nam. Vì nhiều lý do, sau khi đã quảng bá trên hầu hết các thông tin đại chúng cũng như cho thử nghiệm sản phẩm thẻ Master Chip một thời gian, trước ngày VIB cho ra mắt sản phẩm tâm huyết của mình thì ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) đã chớp lấy thời cơ và trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đưa ra thị trường sản phẩm thẻ Master Chip, chiếm lĩnh thị phần dịch vụ thẻ Chip, VIB trở thành ngân hàng đi sau.
Thứ tư: Các sản phẩm dành cho doanh nghiệp thương mại của VIB quy định mức lãi suất tương đối cao. Ví dụ đối với sản phẩm tiền gửi thanh toán, một mặt thu hút được nguồn vốn lớn từ phía khách hàng nhưng mặt khác ngân hàng phải đối mặt với rủi ro về thanh khoản. Trên thế giới, các khoản tiền gửi này không được hưởng lãi và phải mất phí. Tuy nhiên, tại ngân hàng VIB nói riêng và tại các ngân hàng Việt Nam nói chung lại áp mức lãi suất khá cao và năm 2011 mức lãi suất này có thể lên tới 16%/năm. Nguồn vốn này lại được sử dùng để ngân hàng đầu tư kiếm lời với lãi suất cao hơn nữa. Điều đó có thể gây ra rủi ro bất cứ lúc nào khi ngân hàng dự đoán sai về khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn.