Nhân quả Nghiệp báo vốn là một giáo lý phổ quát căn bản của đạo Phật. Đạo Phật chủ trương tất cả mọi hành vi tạo tác của ba nghiệp thân, miệng, ý con người đều tạo thành những Nghiệp nhân và Nghiệp nhân đó sẽ thành Nghiệp quả hiện hành báo ứng ở ba thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai. Nói khác hơn, không một sự vật gì ngẫu nhiên sinh ra, tất cả đều chịu sự tác động tương hỗ của nhau.
Theo nhà nghiên cứu Trần Trọng Kim, Nguyễn Du đã ứng dụng “lý thuyết nhân quả phổ thông” làm tông chỉ cho tư tưởng trong “Truyện Kiều”: “Nhân nào quả ấy, hết quả này lại đeo cái nhân đã gây nên mà có cái quả khác. Nhân tốt thì quả tốt, nhân xấu thì quả xấu, cứ luân chuyển mãi như thế trong cõi hồng trần…Theo cái lý thuyết ấy, thì phàm phúc hay họa là ở tự mình gây ra cho mình. Mình đã có cái hoàn toàn tự do mà làm việc thiện hay việc ác, thì mình lại có hoàn toàn trách nhiệm về những việc ấy [24, tr.274] . Và, cái thuyết nhân quả của Phật học là thế. Đem cái thuyết ấy mà so với một đời nàng Kiều, thì thấy không có chỗ nào là không đúng…” [24, tr.274]. Còn nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh thì nhận xét: “Đạo Phật đã bổ sung cho đạo Nho ở chỗ nó dựa trên luật Nhân Quả để kết án cá nhân là tự mình gieo cái mầm khổ cho mình ngay từ kiếp trước nên tự mình phải chịu lấy quả khổ của kiếp này” [24, tr.556].
Kiều là người con gái sinh ra trong một gia đình tử tế, có nề nếp, xinh đẹp, thông minh và tài giỏi. Nhưng ngay từ những bước chân đầu vào đời, Kiều đã gặp phải nhiều nỗi éo le, bất hạnh. Tại sao điều đó lại đến với một cô gái như Kiều? Bất kỳ ai khi đọc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng đặt câu hỏi như vậy.
Thực ra, khi chúng ta đọc “Truyện Kiều” dưới góc nhìn của Phật giáo, thì có lẽ chúng ta sẽ tự tìm được lời giải cho câu hỏi trên. Đó chính là cái nghiệp nhân quá nặng mà Kiều phải thọ lãnh từ trong quá khứ đã chi phối và quyết định những nỗi đoạn trường sau này của Kiều. Và, cái nghiệp nhân này đã biểu hiện ra bởi sự đa tình, đa cảm của cô. Như Trần Trọng Kim đã nhận xét: Vì cô đa sầu, đa cảm nên khi đi tết Thanh minh, người khác trông thấy mả Đạm Tiên thì không ai để ý, còn cô trông thấy thì động lòng, rồi than khóc cho cái kiếp hồng nhan bạc mệnh của Đạm Tiên. Vì cô đa tình nên khi mới nhìn thấy Kim Trọng lần đầu mà đã dan díu mối tơ tình, để về sau trong mười
lăm năm trời đeo lấy bao nỗi sầu khổ. Dường như mọi nỗi cơ cực nó xoay cả vào một việc (Kim Trọng phải về quê gấp) làm cho Kiều phải đi đến chỗ đau khổ. Nếu không, thì việc Kim Trọng về quê hoãn lại mấy ngày, sao đến nỗi Kiều phải bán mình chuộc cha? Mà đã phải đi vào con đường ấy, sao không gặp ai lại gặp gã Mã Giám Sinh. Nhưng cái dây nghiệp chướng cứ mỗi lúc lại thắt chặt lại, bắt phải như thế. Người nào vào cái tròng ấy, muốn cựa cạy thế nào cũng không gỡ ra được [24, tr.274-275].
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan, Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong. Vậy nên những chốn thong dong, Ở không yên ổn ngồi không vững vàng.
Ma đưa lối quỷ dẫn đàng,
Lại tìm những chốn đoạn tràng mà đi.
Vô duyên, có nghĩa là không có cơ duyên may mắn. May mắn không phải ngẫu nhiên mà đến. May mắn được hiểu là những nhân duyên do mình hoặc cha mẹ ông bà mình đã gieo trồng trong quá khứ. Thúy Kiều có sắc đẹp và thông minh, nhưng lại thiếu những nhân tốt của đời trước (vô duyên) cộng với sự đa tình và thêm cả ma đưa lối, quỷ dẫn đàng (ma quỷ ở đây chính là những tâm hành tham, sân, si, mạn, nghi, tà, kiến) đã tạo nên bi kịch của Thúy Kiều.
Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du chưa bao giờ nói về những gì đã xảy ra trong kiếp trước của Kiều, Kiều đã tạo ra những nhân gì để mà rồi trong kiếp này, Kiều phải thọ lãnh quả nặng như vậy. Điều này đã gây ra một số thắc mắc của các nhà nghiên cứu. Trong bài Triết lý “Truyện Kiều”, Hoàng Ngọc Hiến viết: “Tư tưởng nhân quả khẳng định quan hệ nhân quả giữa kiếp
này, kiếp trước và kiếp sau. Nội dung hình tượng “Truyện Kiều” chỉ nói về kiếp này của Kiều. Như vậy, quan hệ “Nhân Quả” không được bộc lộ ở ngay nội dung hình tượng của tác phẩm. Đó là một quan hệ không có nội dung. Cũng có thể nói rằng một cuộc đời của Kiều chia đôi làm hai kiếp mà thời điểm phân chia là phút gieo mình xuống sông Tiền Đường. Nhưng như vậy, quan hệ giữa hai kiếp này, nói đúng hơn, giữa hai đoạn đời này không phải là quan hệ “nhân quả” theo tinh thần “luân hồi” của Phật giáo nhất thiết lấy sự hóa kiếp làm tiền đề [24, tr.546].
Tuy nhiên, trong Kinh Phật có viết: Dục tri tiền thế nhân, Kim sinh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, Kim sinh tác giả thị. Nghĩa là, muốn biết cái nhân đã gây ở đời trước, hãy xem kết quả đang thọ nhận ở đời này. Muốn biết cái quả trong đời sau, hãy nhìn hiện tại đã làm gì. Vì vậy, Nguyễn Du không cần phải chỉ rõ cuộc sống của Kiều ở những kiếp trước là gì để có thể làm tiền đề cho cuộc sống hiện tại của Kiều. Mà thực ra, Nguyễn Du có muốn kể về những nghiệp nhân trước của Kiều thì cũng khó có thể kể được, bởi theo quan niệm của Phật giáo, mối quan hệ giữa nhân và quả là không đứng yên, cố định mà nó luôn biến đổi trong từng sát - na và nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác (trợ duyên). Trong mối tương quan chằng chịt ấy, việc xác định nguyên nhân sinh ra một cây lúa đã là không thể (vì hạt lúa muốn thành cây lúa còn cần phải hội đủ bao yếu tố khác: đất, nước, khí hậu, độ ẩm, sự chăm sóc. v.v…) thì nói gì đến việc xác định nhân quả chi phối một con người qua rất nhiều đời trong quá khứ và cả đời sống hiện tại nữa.
Mối quan hệ nhân - quả trong Phật giáo không đơn giản chỉ là sự liên quan lẫn nhau giữa nghiệp nhân trong quá khứ và quả ở hiện tại, mà nó được hiểu một cách biện chứng hơn ở chỗ, quả ở hiện tại là kết quả không chỉ của nghiệp nhân trong quá khứ mà ngay cả nghiệp nhân ở hiện tại. Hay nói một cách khác, mặc dù hiện tại là kết quả của quá khứ và là nguyên nhân của
tương lai, nhưng chúng ta phải hiểu rộng ra rằng hiện tại của chúng ta không hoàn toàn được quyết định bởi quá khứ của chúng ta và cũng như vậy, tương lai của chúng ta cũng không hoàn toàn bị quyết định bởi hiện tại của chúng ta. Trong sự biến hóa vô cùng phức tạp của luật nhân quả, nghiệp báo, chúng ta không thể nhìn vào kết quả hiện tại mà quả quyết nghiệp nhân ở quá khứ và khẳng định quả ở tương lai. Giống như hình ảnh đổ một thìa muối vào một bát nước và cũng đổi thìa muối ấy xuống sông Hằng mà Đức Phật đã kể trong Kinh A Hàm. Với một người có cả một dòng sông thiện thì có một việc sai trái cũng không ảnh hưởng nhiều. Nhưng với một người chỉ có một “bát nước thiện” thì chỉ cần một hành động sai trái cũng đủ làm cay đắng cả cuộc đời. Hai người có thể cùng có cùng một hành động tạo nghiệp nhân giống nhau, nhưng lại có nghiệp quả khác nhau. Chính vì vậy, Thúy Kiều, dù là một con người thương người, sống có trước có sau, yêu thương cha mẹ, sẵn sàng bán mình để cứu cha mẹ và gia đình nhưng chỉ có “một bát nước thiện” (phận mỏng) thôi nên phải chịu quả báo đau khổ trong cuộc đời.
Tuy nhiên, thuyết nhân quả của nhà Phật không phải là thuyết định mệnh của phương Tây, nghiệp quả có thể được chuyển hóa nhờ những nghiệp thiện ở hiện tại. Đức Phật có dạy:
Nếu có ai cho rằng con người phải gặt hái trọn hậu quả theo tất cả những hành động trong quá khứ thì không thể có đời sống đạo đức, và con người cũng không thể có cơ hội tận diệt phiền não, nhưng nếu nói rằng quả phải gặt tương xứng với nhân đã gieo thì ắt có đời sống đạo đức và con người sẽ có cơ hội dập tắt phiền não [8, tr.294]. Điều này có nghĩa rằng mười lăm năm đau khổ của Thúy Kiều không hoàn toàn do nghiệp của quá khứ tạo ra mà Kiều cũng phải có trách nhiệm. Chính tài, sắc và tình của cô ràng buộc đã làm cho cô cứ đi theo mà không thể mở cho mình lối thoát khỏi vòng vây.
“Ma đưa lối, quỷ dẫn đàng, Lại tìm những chốn đoạn tràng mà đi.”
“Có trời mà cũng tại ta, Tu là cõi phúc, tình là dây oan”
Mặc dù Kiều có một nghiệp nhân rất nặng và nàng phải trả nợ cho nhân đó trong quá khứ của mình (Người này nặng kiếp oan gia, Còn nhiều nợ lắm sao đà thác oan), nhưng chính nhờ những nghiệp nhân tốt mà Thúy Kiều đã gieo trong đời hiện tại mà Kiều đã chuyển hóa phần nào nghiệp lực của nàng, làm nhẹ đi quả báo của quá khứ.
“Sư rằng: song chẳng hề chi
Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều.” “Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm”
“Lấy tình thâm trả nghĩa thâm Bán mình đã động hiếu tâm đến trời”
“Hại một người cứu muôn người Biết đường kính trọng biết lời phải chăng”
Như vậy, theo lời của Đạo cô Tam Hợp, trong thời gian lầm lẫn và đi vào những chốn đoạn tràng do ma quỷ dẫn đường, Kiều đã tạo ra được ba nghiệp nhân tốt. Thứ nhất, tuy vướng vào tình ái nhưng không phạm giới tà dâm (giữ được trinh tiết trong cơn say tình ái với Kim Trọng, Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm). Thứ hai, sẵn sàng hy sinh cuộc đời của mình để bán mình cứu cha mẹ và hai em (Bán mình đã động hiếu tâm đến trời). Và, thứ ba là khuyên Từ Hải quy thuận triều đình để chấm dứt binh đao, dân tình không phải chịu cảnh chết chóc nữa (Ngẫm từ dấy việc binh đao, Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu. Làm chi để tiếng về sau, Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào), nhưng Kiều không biết mình đã bị Hồ Tôn Hiến lừa nên vô tình đã hại chết
Từ Hải. Cái lý thứ ba này Đạo Cô đưa ra có vẻ hơi gượng, vì thực ra Kiều đâu có cố tình hại chết từ Hải mà lại nói là Hại một người cứu muôn người!. Tuy nhiên nếu nhìn nhận từ góc độ của giai cấp thống trị phong kiến thì rõ ràng việc Kiều (vô tình) giúp Hồ Tôn Hiến giết được Từ Hải là điều tốt chứ không phải là điều xấu, là điều mà giai cấp thống trị phong kiến Việt Nam luôn khuyến khích trước làn sóng chống đối nhà nước đang gia tăng của các phong trào khởi nghĩa nông dân trong thế kỷ 18.
Có thể thấy rằng, ý tưởng của Thanh Tâm Tài Nhân (tác giả nguyên lục) cũng như Nguyễn Du, là Kiều có hai nghiệp: một nghiệp xấu và một nghiệp tốt. Con sông Tiền Đường là ranh giới giữa mười lăm năm khổ đau và quãng đời hạnh phúc sau này. Nguyên nhân (nghiệp nhân) cho mười lăm năm khổ đau khổ của Thúy Kiều là thiên mệnh, là những nghiệp báo từ quá khứ, ông bà và kiếp trước của Thúy Kiều. Còn nghiệp nhân hiện tại của Thúy Kiều chính là tài, sắc, tình (vướng mắc) và tâm (thiện tâm). Tài, sắc và tình, ba cái làm lưng tựa (nhân) cho mười lăm năm khổ đau (theo lý thuyết của Nguyễn Du). Nhưng cái tâm tốt đồng thời cũng tạo ra được vài thiện nghiệp. Nhờ những thiện nghiệp đó mà tạo ra được giai đoạn thứ hai của đời Kiều, giai đoạn tu hành với sư Giác Duyên và đoàn tụ với gia đình.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở sự chuyển hóa nghiệp quả tốt của Thúy Kiều không thôi thì dường như là chưa đủ. Đối với cái nhìn nhân quả nghiệp báo của dân gian thì nhân quả phải được họ nhìn thấy một cách trực quan, ngay tại cuộc sống hiện tại của họ theo kiểu ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, đời cha ăn mặn, đời con khát nước, gieo gió gặt bão, gieo nhân nào, gặt quả ấy …. Theo đó, những kẻ làm điều ác nhất định phải bị trừng trị, những người lương thiện nhất định sẽ nhận được sự báo đáp công bằng, hạnh phúc.
Chính vì vậy mà Nguyễn Du đã sắp đặt cho Thúy Kiều thực hiện một cuộc đền ơn, báo oán phân minh là nằm trong cách hiểu ấy:
Nàng rằng lồng lộng trời cao, Hại nhân, nhân hại sự nào tại ta?
Đối với dân gian, những kẻ bạc ác, gian giảo và thất nhân, thất đức như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Bạc Bà, Bạc Hạnh… cần phải bị trừng phạt như là những nghiệp quả tất yếu mà họ phải lãnh nhận vì những đau khổ mà họ đã gây ra cho Thúy Kiều nói riêng và những người dân hiền lành, lương thiện khác nói chung.
Nàng rằng: Lồng lộng trời cao, Hại nhân, nhân hại sự nào tại ta ?
Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà, Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh.
Tú Bà cùng Mã Giám Sinh, Các tên tội ấy đáng tình còn sao ?
Lệnh quân truyền xuống nội đao, Thề sao thì lại cứ sao gia hình,
Máu rơi thịt nát tan tành, Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời .
Cho hay muôn sự tại trời,
Phụ người, chẳng bõ khi người phụ ta ! Mấy người bạc ác tinh ma,
Mình làm mình chịu kêu mà ai thương
Có lẽ chi tiết Kiều thực hiện sự báo oán này trong “Truyện Kiều” là một trong những chi tiết gây ra sự tranh luận mạnh mẽ nhất, đặc biệt khi nghiên cứu nó theo quan niệm nhân quả của Phật giáo.
Rõ ràng rằng việc làm này của Kiều đã đi ngược với tinh thần từ bi của nhà Phật. Phật giáo cho rằng không thể “Lấy oán báo oán”, bởi vì làm vậy oán sẽ chất chồng. Chẳng hạn, nếu giết những người đã làm cho mình đau
khổ thì sẽ tạo ra sự oán hờn trong lòng con cháu của những người đó, và rồi những người con, người cháu đó sẽ lại tìm cách trả thù. Điều này không những không làm oán hận tiêu tan mà lại oán chồng oán. Vì vậy, đã là người theo Phật pháp thì phải lấy ân báo oán, khi đó oán sẽ tiêu tan. Dưới cái nhìn của Phật giáo thì hành động báo oán của Thúy Kiều không được cổ vũ: “Những oan ức ngày xưa như một gánh nặng đè lên làm mình đau khổ, bây giờ trả thù được thì nhẹ đi. Nhưng đó là suy nghĩ của người đời, không phải của người tu hành (Trạc Tuyền). Người tu thì không làm theo cách đó. Làm cách đó thì không nhẹ đi được [31, tr.240].
Tất cả những đau khổ, bất hạnh mà Kiều phải gánh chịu không phải do những người kia gây ra, mà do nhân ở kiếp trước của Kiều hình thành nên. Vì vậy, Kiều không thể sử dụng biện pháp báo oán để trút bỏ đi những đau khổ và oan trái của mình ở hiện tại được. Theo quan niệm của Phật giáo, những gánh nặng trong tâm Kiều (nội kết) phải được chuyển hóa thì tâm mới thực sự nhẹ nhàng và được giải thoát.
Nhưng như trên đã nói, thuyết nhân quả mà Nguyễn Du đề cập đến trong tình huống này là nhân quả mang tính dân gian rõ nét. Ở đó Nguyễn Du (cũng như dân gian) muốn thông qua sự trừng phạt của Thúy Kiều để thể hiện rõ ràng rằng, thuyết nhân quả báo ứng là một định lý hiển nhiên, có thật. Mọi người kể cả nàng Kiều đều có thể được đáp ứng tương ứng với những hành vi, ngôn ngữ và ý nghĩ của mình đã tạo ra trong kiếp sống hiện tại. Cái ác sẽ (và phải) bị trừng phạt. Có thể ở một khía cạnh hay chừng