chỉnh suy nghĩ và hành vi đạo đức của con người
Phật giáo không chỉ là một tôn giáo, một trào lưu triết học mà còn là một cách sống, phương pháp sống do Đức Phật Thích Ca giáo huấn khoảng 2500 năm về trước. Với tính chất một triết thuyết vị nhân sinh, Phật giáo mang lại cho con người cách nhận thức về cuộc sống và chỉ ra bản chất của cuộc sống đó là khổ, đồng thời tìm ra con đường “thoát khổ”, hướng con người tới những lý tưởng cao đẹp, nhân văn và từ bi, lấy điều thiện làm chuẩn mực sống.
Rất nhiều tư tưởng nhân sinh của Phật giáo nói chung và trong “Truyện Kiều” nói riêng đã và đang ảnh hưởng đến đời sống của con người Việt Nam hiện đại. Đó là quan niệm về thiện - ác của Phật giáo; quan niệm từ, bi, hỉ, xả, bình đẳng, bác ái, vị tha, tu thân, tích đức, nhẫn nhịn; nuôi dưỡng nhân tâm để đạt tới trí tuệ giải thoát của nhà Phật. Thuyết luân hồi, nghiệp báo của đạo Phật giúp họ có ý thức hơn trong mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ của mình. Những nội dung đó được thể hiện trong lối sống, trong suy nghĩ và đến cả sự hình thành nhân cách của con người Việt Nam.
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du không chỉ là một kiệt tác về văn thơ, mà hơn thế nữa, nó còn là một tấm gương lớn nơi mỗi người (khi đọc “Truyện Kiều”) đều có thể nhìn thấy hình ảnh của mình, của cuộc đời mình ở trong đó.
Như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nhận xét: “Truyện Kiều” là truyện về cuộc đời, có những hoàn cảnh khổ đau, hạnh phúc và u mê của cuộc đời. Lấy con mắt của người quán chiếu nhìn vào “Truyện Kiều”, chúng ta có thể thấy được bản chất của cuộc đời. Những điều xảy ra trong mười lăm năm của cô Kiều có thể xảy ra cho bất cứ một người nào [31, tr.6]. Ông thậm chí còn gọi “Truyện Kiều” là một cuốn kinh của Phật giáo. Ông viết: “Trong quá khứ, có nhà Nho đã liệt “Truyện Kiều” vào loại dâm thư vì trong truyện có tả đời sống của một gái giang hồ. Họ có thể đứng về phương diện đạo đức của Nho giáo mà nói như vậy. Nhưng dùng con mắt quán chiếu mà nhìn cuộc đời của Thúy Kiều, ta có thể học được bài học của khổ đau và kinh nghiệm. Nếu biết cách đọc, chúng ta có thể học được rất nhiều từ “Truyện Kiều” như học từ một cuốn kinh. Và “Truyện Kiều” sẽ không phải là dâm thư mà là kinh điển [31, tr.5-6]. Tất nhiên, nhận định này của Thích Nhất Hạnh không hẳn là không có cơ sở.
Với hình ảnh Kiều sáng tác bản nhạc Bạc mệnh từ khi mới 16 tuổi, cùng với những tâm lý sầu đau, buồn bã và tiêu cực trong cuộc sống, Nguyễn Du muốn cảnh tỉnh những hành vi, suy nghĩ của chúng ta ở hiện tại. Theo đó, dẫu có trải qua khó khăn, bất hạnh và đau khổ dường nào, thì chúng ta cần có tinh thần lạc quan, luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp sẽ đến với mình. Điều này sẽ góp phần giúp chúng ta có tinh thần tốt nhất để có thể vượt qua những khó khăn, bất hạnh ấy. Ngược lại, nó sẽ kéo ta xuống tâm trạng tiêu cực, không thể giúp chúng ta vượt qua những đau khổ mà mình đang gặp phải.
Theo cách giải thích của Phật giáo thì những đau khổ, bất hạnh của Thúy Kiều là do những nghiệp nhân ở tiền kiếp tạo ra. Ngoài ra, những nghiệp nhân này lại được tưới tẩm bởi tâm tư, tình cảm mang tính sầu đau, bi quan, yếm thế của Thúy Kiều. Điều này đã không giúp cho Kiều giảm bớt đi những quả báo mình phải thọ lãnh mà nó càng thúc đẩy những quả đó xảy ra và siết lấy Thúy Kiều. Trong bốn lần Nguyễn Du miêu tả Thúy Kiều gảy đàn thì có tới
ba lần diễn tả tâm trạng sầu bi, ai oán và tang thương của Thúy Kiều. Lần đầu là cảnh Kim Trọng ngồi nghe Kiều đánh đàn.
“Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu Khi tựa gối khi cúi đầu
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày”
Kim Trọng là người không phải gánh nghiệp nhân đau khổ như Thúy Kiều, đồng thời, Kim Trọng cũng khác Thúy Kiều ở chỗ không bi quan, yếm thế và luôn nghĩ tới những sự không may mắn và tiêu cực như Thúy Kiều. Thế nhưng, khi một tâm hồn lạc quan, tích cực bị tưới tẩm bởi những giọt nước sầu đau, yếm thế đã làm cho nó bị cuốn hút vào thế giới sầu khổ với một tâm lý bất an, tiêu cực (Khi tựa gối khi cúi đầu, Khi vò chín khúc khi chau đôi mày”. Lần khác, Kiều đã tấu bản nhạc này ở nhà của Thúc Sinh với tư cách của một người đầy tớ đàn cho ông bà chủ nghe:
Bốn dây như khóc như than, Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng!
Cùng trong một tiếng tơ đồng,
Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm. Giọt châu lã chã khôn cầm,
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt tương
Một lần nữa Kiều phải đàn cho Hồ Tôn Hiến để ăn mừng thắng trận sau khi lừa và giết được Từ Hải:
Một cung gió thảm mưa sầu, Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.
Ve ngâm vượn hót nào tày, Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.
Theo quan niệm của Phật giáo, trong mỗi con người chúng ta luôn có nhiều loại hạt giống khác nhau (nhất thiết chủng tử). Có hạt giống vui, hạt
giống buồn, hạt giống tích cực, hạt giống tiêu cực… Có những hạt giống cần tưới tẩm và có những hạt giống không nên tưới tẩm. Khi chúng ta vun trồng, tưới tẩm hạt giống nào thì cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi theo hướng của hạt giống đó. Vì vậy, chúng ta không nên tưới tẩm những hạt giống tiêu cực, sầu đau của mình. Hát và ngâm thơ là một cách tưới tẩm những hạt giống trong lòng mình. Thúy Kiều đã thực hiện việc tưới tẩm các hạt giống của mình bằng âm nhạc và thi ca. Nhưng thay vì tưới tẩm những hạt giống tốt, tích cực, Kiều lại tưới tẩm những hạt giống sầu đau, tiêu cực. Điều này đã tác động rất xấu đến cuộc sống của Thúy Kiều trong hiện tại.
Chính vì vậy, việc sống trong tinh thần lạc quan, hưởng thụ những tác phẩm âm nhạc, tác phẩm văn học nghệ thuật trong sáng, lành mạnh, vui tươi cũng đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, nếu chúng ta không muốn cuộc sống trở nên sầu bi, tiêu cực và bế tắc.
Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, toàn bộ sự thăng trầm và đau khổ của Kiều không hoàn toàn do nghiệp trước của nàng gây ra.
Sư rằng phúc họa đạo trời Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra
Có trời mà cũng tại ta Tu là cõi phúc, tình là dây oan.
Khi đọc “Truyện Kiều”, chúng ta sẽ không chỉ tìm thấy sự đồng cảm của mình đối với Thúy Kiều mà còn có thể nhìn thấy hình ảnh của mình trong Thúc Sinh, Từ Hải, Mã Giám Sinh, Tú Bà… Với mỗi nhân vật ấy, chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá cho bản thân.
Ai cũng vậy, không nhiều thì ít cũng có sự đam mê và nhu nhược của Thúc Sinh trong con người mình (Thúc Sinh rất yêu Thúy Kiều, nhưng không nghe lời khuyên của Kiều để đến nỗi Kiều phải gánh chịu sự trả thù của Hoạn Thư, và khi thấy sự đau khổ của Kiều, Thúc Sinh đã không đủ sự dũng cảm (do bản tính sợ vợ) để cứu Thúy Kiều.
Dù ai cũng có sự nhu nhược của Thúc Sinh trong con người, nhưng đôi lúc, chúng ta lại tỏ ra là người có khí phách anh hùng như Từ Hải, thấy sự bất bình chẳng tha. Trong cuộc sống, nếu chúng ta thường xuyên tưới tẩm hạt giống của sự khí khái, anh hùng thì hạt giống đó sẽ lớn lên, còn hạt giống của sự nhu nhược như Thúc Sinh thì không nên tưới tẩm. Khi đó, chúng ta sẽ có thể trở thành một người có bản lĩnh, mạnh mẽ và quyết tâm như Từ Hải.
Cũng như vậy, trong mỗi chúng ta còn có hạt giống của sự ghen ghét, đố kỵ như Hoạn Thư. Tự bản thân chúng ta không thể nhận ra hạt giống ganh ghét đó, và chúng ta cũng có những lý lẽ khác nhau để biện minh cho thái độ ganh ghét của mình. Chính sự ganh ghét, đố kỵ của mỗi chúng ta sẽ làm cho những người bị chúng ta ghen ghét, đố kỵ đau khổ, phiền muộn.
Vì vậy, thông qua “Truyện Kiều”, chúng ta cần học tập tinh thần Từ, Bi, Hỷ, Xả của Phật giáo để chuyển hóa cái ghen của mình. Cần phải biết tha thứ cho lỗi lầm của người khác cũng như vui cái vui, cái hạnh phúc của họ. Có như vậy, ta mới có một cái tâm thanh thản, nhẹ nhàng và hạnh phúc, mới có một nghiệp nhân tốt cho tương lai. Cũng giống như Hoạn Thư vậy, ở Hoạn Thư, không chỉ tồn tại sự ghen ghét, đố kỵ, trong cô cũng có sự từ bi và tha thứ. Sau khi đọc tờ khai của Kiều, Hoạn Thư đã tha thứ và cho Kiều đi tu ở Quan Âm Các. Dù nghe lỏm được câu chuyện giữa Kiều và Thúc Sinh, nhưng Hoạn Thư đã lờ đi, không canh gác để cố ý cho Kiều chạy trốn; Kiều đã lấy trộm chuông vàng khánh bạc của nhà chùa trong lúc trốn chạy, nhưng Hoạn Thư vẫn không truy đuổi dù cô có đủ phương tiện và nhân lực để truy đuổi. Chính những hành động nhân từ này đã tạo nghiệp nhân tốt và giúp cho cô thoát khỏi sự trừng phạt của Thúy Kiều sau này.
Rồi những hạt giống xấu của Tú Bà, Mã Giám Sinh, Ưng, Khuyển…, chúng ta đều có nó ở trong mỗi chúng ta. Tất cả chúng ta, người nào cũng có những hạt giống tốt và những hạt giống xấu. Vấn đề là chúng ta phải biết chấp
nhận nhau và giúp đỡ cũng như chăm chút, tưới tẩm để những hạt giống tốt trong mỗi chúng ta ngày càng phát triển, còn những hạt giống xấu thì ngày càng mất dần đi.
Như Thích Nhất Hạnh đã nhận xét: Đọc “Truyện Kiều” dưới con mắt Phật học sẽ giúp chúng ta thấy rằng người nào cũng có mặt trong ta cả. Họ ở ngay đó, trong đời sống hàng ngày. Ta chỉ đưa tay ra là đụng. Bằng chánh niệm chúng ta nhận diện ngay lập tức những hạt giống của những nhân vật đó trong ta và trong người xung quanh. Ta phải thấy được họ và thấy một cách sáng suốt để có thể giúp họ và phản chiếu nội tâm ta. Thấy để bắt chước những cái hay, cái đẹp cũng như tránh lặp lại những lỗi lầm của họ [31, tr.212].
Trong cuộc sống, có thể có những người nhìn ra và ngày ngày tưới tẩm những hạt giống tốt mình có, nhưng cũng có những người vô tình không nhận ra những chủng tử tốt trong cơ thể của mình, mà lại đi tưới tẩm những hạt giống xấu, thực hiện những điều ác, những điều trái với giới luật nhà Phật. Mặc dù, có thể trong hiện tại, những người bạc ác, bất lương (tưới tẩm những nhân xấu, tạo các nghiệp xấu) vẫn hưởng những cuộc sống sung sướng, an nhàn và ngược lại, những người hiền lành lương thiện (tưới tẩm những nhân tốt, có nghiệp nhân tốt) nhưng cuộc sống lại vất vả, đau khổ (Ăn trộm, ăn cướp thành Phật thành tiên, Đi chùa, đi chiền bán thân bất toại).
Nhưng, theo thuyết nhân quả, nghiệp báo của Phật giáo, điều đó không phải là mãi mãi, nó có thể do những hành động nghiệp nhân của họ tạo ra và nhất thời như vậy, nhưng trong tương lai sẽ có sự thay đổi. Mọi hành động độc ác (nghiệp xấu) trong cuộc sống đều bị trả giá (Mã Giám Sinh, Tú Bà, Ưng, Khuyển….), còn những hành động tốt sẽ được đền bù xứng đáng (Thúy Kiều, Hoạn Thư, Giác Duyên…).
“Cho hay muôn sự tại trời, Phụ người chẳng bõ khi người phụ ta”
“Mấy người bạc ác tinh ma,
Mình làm mình chịu kêu mà ai thương.”
Mọi thứ đều có nhân quả của nó, mọi nghiệp quả mình lãnh nhận đều do hành vi của chính mình (nghiệp nhân) gây ra. Trồng bắp thì được ăn bắp, trồng đậu thì được ăn đậu, gieo gió thì gặt bão. Khi mình yêu thương, đối xử tốt với một người nào đó thì mình được người đó yêu thương, đối xử tốt lại. Còn khi mình phản bội độc ác với một người nào đó thì mình sẽ bị đáp lại bằng sự độc ác và phản bội của chính người đó hoặc của một người nào khác. Vì vậy, chúng ta phải tự chịu trách nhiệm trước chính chúng ta và cộng đồng vì những hành vi mình đã tạo ra.
“Chị sao phận mỏng phúc dày, Kiếp xưa đã vận lòng này dễ ai!
Tâm thành đã thấu đến trời, Bán mình là hiếu cứu người là nhân.
Một niềm vì nước vì dân, Âm công cất một đồng cân đã già”
Nhờ những nghiệp nhân tốt tích được trong cuộc sống mà Kiều đã chuyển hóa được chính cuộc sống của mình và có được một kết cục thỏa đáng
“Còn nhiều hưởng thụ về sau, Duyên xưa tròn trặn phúc sau dồi dào”. Chính những quan niệm ấy đã ảnh hưởng đến tư duy, lối sống của người Việt. Họ luôn khuyên nhau làm điều thiện, tránh điều ác vì nhân nào quả nấy.
Trồng cây chua ăn quả chua Trồng cây ngọt ăn quả ngọt Trứng rồng lại nở ra rồng Liu điu lại nở ra dòng liu điu
Qua đó, đã góp phần điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mỗi người trong cuộc sống, hướng họ đến những việc tốt để hưởng quả lành và lánh xa những việc ác để tránh quả xấu.
4.1.2. Nhân sinh quan Phật giáo trong “Truyện Kiều” giúp con người tìm được sự “tĩnh tâm”, hướng thiện trong cuộc sống người tìm được sự “tĩnh tâm”, hướng thiện trong cuộc sống
Trong quan niệm của Phật giáo, “tâm” là phạm trù cơ bản được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất, “tâm” chính là ý thức, là ý chí, tình cảm, sự hiểu biết…. Ngoài ra, “tâm” còn biểu hiện ra là những tư tưởng, xúc cảm, cảm giác, tư duy, tinh thần, tâm linh, linh hồn, tâm trạng… là tất cả những gì mà có thể suy tư và lĩnh hội. “Tâm” còn là tất cả những gì mình có thể hiểu biết và ý thức. Tất cả ý thức và vô thức hay hạ thức, tiềm thức, hiện thức và thượng thức, theo Kinh Bát Nhã, đều thuộc về “tâm” [2, tr.28]. Theo đó, “cái “tâm” tự bản tính là thanh tịnh và thoát khỏi các phạm trù xác định và vô định, là cái chúng sinh hữu tình hiểu một cách lầm lạc” (Kinh Lăng Già, kệ 750).
Nghĩa thứ hai, “tâm” được hiểu là Bản thể vũ trụ, là tâm thể, là thực tướng, chân tâm [2, tr.29]. Với cách hiểu này thì Phật giáo luôn nhấn mạnh “tâm” với nghĩa là sự thanh tịnh, không vọng động, không thay đổi theo ngoại vật. Người đắc đạo, theo nhà Phật, phải đạt được cái “tâm” theo nghĩa này. Ngoài ra, “tâm” cũng được coi là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thế giới và chi phối các hoạt động của con người. Theo đó thì hết thảy mọi cái đều bởi “tâm” tạo ra. “Tâm” sinh thì vật sinh, “tâm” diệt thì vật diệt, “tâm” làm chủ vật, vật chuyển theo “tâm”. Nếu không có “tâm” thì cũng sẽ không có vật, sở dĩ vật tồn tại được là do có “tâm”, không có “tâm” thì vật là gì thì cũng không ai biết. Ngay cả tên gọi của vật cũng do “tâm” đặt ra. Trong kinh luận Phật giáo thường chép: ‘Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức’ (ba cõi dục giới, sắc giới, và vô sắc giới là do tâm, vạn pháp hữu hình, vô hình, tâm pháp, sắc pháp đều do thức tạo ra). Nghĩa là tâm là chủ thể của muôn sự muôn vật. Ở giữa đời này, sở dĩ có muôn vạn sai biệt, có những màu sắc, âm thanh khác nhau, tất cả đều do tâm. Riêng đối với con người ta, tâm là động cơ chính thúc đẩy
ta đến hành động, mà hành động ấy thiện hay ác, tốt hay xấu, một phần lớn cũng phải căn cứ vào tâm.
Khi Phật giáo vào Việt Nam thì chữ “tâm” của Phật giáo được người Việt hiểu với nghĩa gần gũi với đạo đức, với con người hơn. Chữ “tâm” lúc này