Cơ sở tư tưởng cho sự hình thành nhân sinh quan Phật giáo

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của nguyễn du – giá trị và hạn chế (Trang 35 - 40)

Sự hình thành và phát triển của các tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại luôn gắn liền với những thành quả của khoa học, tư tưởng và tôn giáo đã và đang tồn tại trong xã hội lúc bấy giờ. Các hệ tư tưởng ra đời sau luôn chịu sự ảnh hưởng và có tính kế thừa các tư tưởng của các học thuyết và trào lưu tư tưởng trước đó.

Phật giáo nói chung, nhân sinh quan Phật giáo nói riêng ra đời trên cơ sở kế thừa những tư tưởng triết học đương thời như: Samkhuya; Yoga; Nyaya; Mimansa; Vedanta. Đây còn gọi là những trường phái triết học chính thống (tức là thừa nhận tính đúng đắn tuyệt đối của Vêda).

Thứ nhất, trường phái triết học Samkhuya, đây là trường phái triết học xuất hiện vào khoảng trước thời kỳ Phật tổ ra đời, nó thường được nhắc đến trong các bộ kinh Phật và trong bản anh hùng ca cổ Ấn Độ. Tư tưởng triết học

căn bản của Samkhuya là dung hòa tư tưởng của phái mình với thuyết nhất nguyên, và thừa nhận “tinh thần vũ trụ tối cao”, hay đấng sáng tạo tối cao là nguyên lý duy nhất sang tạo vũ trụ trong Veda, Upanishad.

Trả lời câu hỏi làm sao để con người thoát khỏi cảnh khổ đau, nghiệp báo, luân hồi, Samkhuya cho rằng: muốn giải thoát, con người cần nhận thức rằng chỉ có cơ thể, ý thức và “cái ngã” của ta là tan hợp, hợp tan, còn cái bản thể của ta khác với “cái ngã”, với cơ thể và ý thức của ta, nó là “tinh thần thuần túy” và phổ quát, tuyệt đối, bất diệt, thanh khiết, không thiện, không ác, không buồn, không vui. Muốn vậy, phải hiểu được thực chất nguyên lý cấu tạo của vũ trụ vạn vật [11, tr.147].

Triết học Samkhuya cũng quan niệm rằng việc con người tự ý thức về mình, về “cái tôi” ấy là nghiệp thân. Nghiệp thân có hai loại: loại thứ nhất ở trong 11 cơ quan của thân thể gồm: năm cơ quan cảm giác (mắt, mũi, tai, lưỡi, thân) và năm cơ quan hành động (cuống họng, tay, chân, cơ quan bài tiết, cơ quan sinh dục), cùng cơ quan thứ 11 là ý thức.

Loại nghiệp thân thứ hai là do các yếu tố tinh tế, tế vi trong cơ quan hành động của con người mà thành, gồm: thanh duy (thanh năng) cùng tính chất với không khí của ngoại giới; xúc duy (xúc năng) đồng tính chất với gió của ngoại giới; sắc duy (thị năng) đồng tính chất với lửa của ngoại giới, vị duy (vị năng) đồng tính chất với nước của ngoại giới và hướng duy (khứu năng) đồng tính chất với đất của ngoại giới [11, tr.146].

Thứ hai, trường phái triết học Yoga. Đây là một trong sáu trường phái triết học chính thống ở thời kỳ cổ điển. Phái Yoga chủ trương phổ biến đường lối giải thoát theo phương pháp riêng của mình, gọi là Yoga (Du già). Người theo Yoga gọi là Yogi và người đắc quả, giải thoát là Muni.

Yoga theo tiếng Phạn có nghĩa là “liên kết” hay “hợp nhất tâm thể về một mối”. Theo nguồn gốc, nó là cái ách, cột vào sự tu luyện khổ hạnh theo

giới luật mà người tu hành tự chấp nhận để tinh thần trút hết được mọi ràng buộc với nhục thể, để linh hồn tinh thần trở nên trong sạch, thanh tịnh và đạt được một sự hiểu biết trực giác sáng suốt và năng lực siêu nhiên, thể nhập vào đấng tối cao. Vật chất, nhục thể là nguồn gốc của vô minh và đau khổ. Do vậy, phải giải thoát linh hồn khỏi mọi ảnh hưởng của giác quan, mọi ràng buộc với nhục thể, đạt được sự đại giác tối cao bằng cách trong kiếp này gột rửa hết mọi tội lỗi của linh hồn trong các kiếp trước [11, tr.153].

Thứ ba, trường phái triết học Nyaya. Nyaya là một trong những trường phái triết học thuộc hệ thống của Ấn Độ cổ đại với quan điểm về bản thể luận và nhận thức luận là những nội dung chủ yếu và đóng vai trò quan trọng của trường phái triết học này.

Theo Nyaya, thế giới vật chất và tất cả các sự vật, hiện tượng của nó đều được cấu thành từ bốn yếu tố là đất, nước, lửa, gió. Nhưng những bộ phận cấu thành đầu tiên của các thực thể đất, nước, lửa, gió tồn tại trong không khí (ete) và thời gian là những hạt nhỏ khác chất mà người ta gọi là anu - hay là những nguyên tử. Nguyên tử là thành tố nhỏ nhất cấu tạo nên thế giới, chúng có đặc tính là không biến đổi, không bị tiêu diệt và tồn tại vĩnh viễn. Những nguyên tử phân biệt với nhau không chỉ ở chất lượng mà còn ở khối lượng và hình dạng [11, tr.160].

Trả lời cho câu hỏi “nguyên nhân của nỗi khổ là gì?”, trường phái Nyaya cho rằng: nguồn gốc của nỗi khổ chính là do linh hồn bất tử luôn bị trói buộc, vây hãm của những thực thể vật chất hay thân xác của con người với những ý chí, dục vọng khiến con người sa vào “tham, sân, si, dục, ái”, thúc đẩy con người ta hành động chiếm đoạt nhằm thỏa mãn những dục vọng ấy. Điều này đã gây nên những hậu quả, nghiệp báo, giam hãm linh hồn bất tử vào vòng ám muội của những nguyên tử hay nhục thể, không trở về với chân bản tính thanh khiết, tuyệt đối, vĩnh viễn của mình được. Muốn giải thoát khỏi nỗi

khổ, con người cần phải tu luyện trì giới, thiền định, xóa bỏ vô minh, mê lầm đã tạo ra nghiệp. Từ đó sẽ đạt được sự giác ngộ.

Trường phái triết học thứ tư ảnh hưởng đến sự hình thành nhân sinh qua Phật giáo là Mimansa. Mimansa là trường phái triết học do triết gia Jaimini (khoảng thế kỷ II, TCN) sáng lập. Nội dung của trường phái này tập trung vào việc nghiên cứu, biện luận, khai thác mặt nghi thức, quy tắc tế tự cũng như những luật lệ, nghĩa vụ xã hội tôn giáo được quy định trong kinh Veda.

Để nghi thức hóa những luật lệ, những quy tắc tế tự một cách chặt chẽ và có hệ thống như những pháp quy, trường phái Mimansa chú trọng vào biện luận về chữ “pháp” (dharma) được quy định trong kinh Veđa. “Pháp” là những nguyên tắc làm cơ sở căn bản cho những quan niệm về nghi thức và đường lối thực hành tổ chức tế tự được ghi trong kinh Veda. Cho nên “pháp” có giá trị tối cao trong giáo lý đạo Bà la môn. Với ý nghĩa về mặt hình thức tổ chức tế lễ, theo “pháp” cần phải định rõ cấp bậc, vị trí, chức năng của các đấng thần linh mà thực hành nghi lễ cho đúng. Trường phái Mimansa cũng đề cập đến hai bản nguyên cấu thành nên vũ trụ là bản nguyên vật chất và bản nguyên tinh thần. Nhưng phái Mimansa cũng cho rằng “tinh thần thế giới vô ngã” Brahman là nguyên thể duy nhất, tuyệt đối, tối cao sáng tạo và chi phối vạn vật trong thế giới. Linh hồn cá biệt Atman chỉ là hiện thân của “linh hồn vũ trụ tối cao” trong mỗi chúng sinh. Do đó, về bản chất, Atman là đồng nhất với Brahman, nhưng vì Atman biểu hiện trong mỗi thân xác cụ thể của chúng sinh có cảm giác, ý chí, dục vọng nên nó đã bị những cảm giác, dục vọng ấy lôi kéo sa đọa vào thế giới vật dục, che lấp đi bản chất bản nhiên, thanh khiết vốn có của mình.

Vì vậy, để có thể giải thoát hoàn toàn linh hồn khỏi sự ràng buộc của thể xác và thế giới vật dục là không thể đạt được, không thể lý giải được bằng tri thức, trí tuệ thuần túy, mà phải bằng việc giữ nghiêm giới luật và thực hành

cho đúng mọi quy tắc, luật lệ và nghi thức tế tự được quy định trong kinh Veda [11, tr.174].

Thứ năm, triết học Vedanta. Vedanta là học thuyết triết học tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn trong hệ thống triết học chính thống ở Ấn Độ cổ đại, ra đời vào khoảng thế kỷ thứ III - IV (TCN) từ phong trào tổng thuật, chú giải, khai thác mặt triết lý có tính chất trừu tượng của kinh Veda và kinh Upanishad.

Triết lý căn bản nhất của Veda và Upanishad mà Vedanta lấy làm cơ sở cho học thuyết triết học của mình đó là tư tưởng cho rằng bản chất sâu xa của mọi cái tồn tại, từ đó vạn vật trong vũ trụ nảy sinh và hòa nhập về với nó khi tiêu tan, đó là tinh thần vũ trụ tối cao Brahman. Brahman là thực thể duy nhất, tuyệt đối, vĩnh viễn, bất diệt, vô hình, không thể nắm bắt, không màu sắc, không mắt, không tay, không chân, ở khắp cả và không thể đụng chạm, không có cái gì không có nó… Brahman là nguồn sáng của mọi nguồn sáng, là nguồn sống, là linh hồn của vũ trụ. Linh hồn cá biệt chỉ là sự hiện thân của Brahman trong mỗi chúng sinh. Cho nên, về bản chất, Brahman và Atman là đồng nhất. Chỉ có điều do Atman thể hiện ở trong mỗi thân xác con người với cảm giác, ý chí, dục vọng nên con người ta lầm tưởng rằng Atman là khác với Brahamn. Những hành động của con người nhằm thỏa mãn ý chí dục vọng của mình đã gây nên nghiệp báo, luân hồi, làm cho linh hồn con người vốn thanh tịnh, trở nên lu mờ, ám muội, phải lặn lội trôi dạt trong thế giới phù du, đầu thai vào hết kiếp này sang kiếp khác, hết thân xác này đến thân xác khác [11, tr.177-178].

Vì vậy, theo trường phái Vedanta, con người muốn giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc của thể xác và nhục dục đối với linh hồn thì phải đưa linh hồn cá thể (Atman) trở về đồng nhất với linh hồn vũ trụ tối cao (Brahman).

Trên cơ sở kế thừa nội dung những tư tưởng triết học trên, Phật giáo đã xây dựng nhân sinh quan của mình với nội dung cơ bản xoay quanh quan niệm về nhân quả, nghiệp báo và luân hồi.

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của nguyễn du – giá trị và hạn chế (Trang 35 - 40)