Về cuộc đời của Nguyễn Du

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của nguyễn du – giá trị và hạn chế (Trang 62 - 74)

Nguyễn Du tự là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, còn có biệt hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ. Ông sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu (1765), nhằm niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông tại Kinh thành Thăng Long trong một gia đình đại quý tộc có thế lực bậc nhất thời bấy giờ.

Nguyễn Du vốn quê gốc ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Dòng họ Nguyễn của ông là một dòng họ lớn có rất nhiều người làm quan dưới triều Lê-Trịnh. Thân phụ ông là Nguyễn Nghiễm, làm quan đến chức Tể tướng đương triều. Mẹ ông là bà Trần Thị Tấn, vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngân xứ Kinh Bắc, Bắc Ninh.

Dòng họ Nguyễn của Nguyễn Du không chỉ thành đạt về đường quan lộ mà còn rất có truyền thống về văn học. Cha ông còn là một sử gia, một nhà thơ. Anh cả Nguyễn Du là Nguyễn Khản cũng rất giỏi thơ Nôm, từng làm thơ đối đáp với chúa Trịnh Sâm. Một người anh khác mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Đề, cháu ông là Nguyễn Thiện, Nguyễn Hành đều là những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Ảnh hưởng của huyết thống và môi trường như thế nên năng khiếu văn học của Nguyễn Du có điều kiện nảy nở và phát triển từ rất sớm.

Nguyễn Du sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử vô cùng rối ren và phức tạp. Đất nước chia đôi, các thế lực phong kiến cầm quyền bị phân hóa, không còn đủ sức ổn định tình hình và lãnh đạo đất nước. Ở Đàng Ngoài, vua Lê chỉ trị vì một cách bù nhìn, quyền hành tập trung trong tay chúa Trịnh.

Nhưng chúa Trịnh cũng không còn đủ sức kiểm soát, làm chủ tình hình được nữa. Sự tha hóa về đạo đức, ăn chơi sa đọa của chúa Trịnh đã vắt kiệt sức dân, dẫn đến các cuộc khởi nghĩa chống đối của nhân dân nổi lên khắp nơi cùng với các cuộc chiến tranh liên miên giữa hai nhà chúa đã đưa đất nước vào chỗ suy sụp về mọi mặt, không thể cứu vãn. Ở Đàng Trong, nội tình chúa Nguyễn cũng không có gì sáng sủa hơn.

Về kinh tế nền sản xuất nông nghiệp bị đình trệ vì các cuộc xung đột vũ trang (khởi nghĩa chống chính quyền phong kiến) nổ ra liên miên ở nhiều nơi cũng như bởi thiên tai, dịch bệnh mất mùa từ năm này sang năm khác. Sử sách có ghi lại:

Năm 1713 mùa xuân trời hạn lâu giá lúa cao vọt, dân gian phải ăn vỏ cây rễ cỏ, chết đói đầy đường, làng xóm tiêu điều. mùa thu lụt lội, vỡ đê Sơn Tây, Sơn Nam, Thanh Hóa, trôi hàng vạn nóc nhà, nhân dân cơ cực. Khoảng đời Cảnh Hưng (1742-1786) Chiêu Thống (1787-1789) luôn mất mùa, đói kém, dân gian trôi dạt, lưu ly, cha con không thể nuôi nhau, anh em không thể nương nhau. Mùa thu năm 1776, đại hạn, đồng ruộng cháy khô không sao làm được công việc đồng áng. Những người nghèo khó hết qua cửa quyền nọ lại đến nhà sang kia cũng không sao kiếm được một chỗ làm thuê làm mướn [105, tr.104 - 105].

Còn theo cuốn Sử ký Đại Nam Việt (do Giáo hội Công giáo xuất bản), Khoảng năm 1787, “làng nọ đánh làng kia, chẳng biết cậy ai cứu giúp. Đâu đâu cũng có kẻ cướp, người ta giết lẫn nhau. Vả lại cả năm ấy phải đại hạn, đoạn phải bão cùng lụt cả thể. Các đảng đê… về xứ Nam Định vữa hết, hai huyện Quỳnh Lưu và Đông Thành thì càng khốn nạn hơn nữa. Bão lớn lắm, cửa nhà sập hết: cây cối cùng sanh hoa đẳng vật hao hại tận tuyệt chẳng còn giống gì… kẻ đã chết

đói thì vô ngần vô số kể chẳng xiết… người ta chỉ ăn cỏ như bò hay là ăn những rễ cây gốc chuối thì lại sinh bệnh dịch mà càng thêm chết hơn nữa… trong xứ Nghệ An có xã chẳng còn sót người nào, hoặc chết đói hoặc chết bệnh hết[dẫn theo 105, tr.105].

Với tình hình sản xuất như vậy đã dẫn đến đời sống kinh tế của nhân dân hết sức khổ cực và khốn đốn. Đó chính là căn nguyên của nhiều vấn đề về chính trị, đạo đức của xã hội thời kỳ đó.

Về chính trị, với một nền kinh tế đình đốn và bất ổn đã dẫn đến sự hỗn loạn về chính trị. Những mâu thuẫn vốn có, chứa chất lâu ngày trong lòng chế độ phong kiến Việt Nam đến đây đã có dịp bùng nổ dữ dội. Tầng lớp thống trị lục đục, tàn sát lẫn nhau: Trịnh Giang giết vua Lê Duy Phương, giết đại thần Nguyễn Công Kháng, Lê Anh Tuấn; Trịnh Doanh bắt vua Lê Ý Tông nhường ngôi cho Lê Hiến Tông; Trịnh Sâm giết thái tử Lê Duy Vũ, giết em là Trịnh Đệ; Trịnh Khải và em là Trịnh Cán tranh quyền nhau làm rối loạn cả triều đình… Đời sống của tầng lớp vua chúa thì trụy lạc, hoang dâm vô độ (Trịnh Giang, Trịnh Sâm, Chúa Phúc Thuần đều vì hoang dâm mà mắc bệnh) để mặc triều đình cho bọn tham quan chi phối. Trong khi đó thì dân chúng đói khổ, điêu linh, các cuộc khởi nghĩa xảy ra khắp nơi như cuộc khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương (1740 - 1750), khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu (1741 - 1751), khởi nghĩa Hoàng Công Chất (1736 - 1769) và rất nhiều các cuộc khởi nghĩa nông dân khác. Tất cả khí thế, sức mạnh của thế kỷ nông dân khởi nghĩa ấy kết tinh vào cuộc khởi nghĩa Tây Sơn năm 1771.

Về tư tưởng, trong thế kỷ XVIII, Nho giáo vẫn được nhà nước phong kiến bảo vệ, duy trì để làm nền tảng cho các tổ chức chính trị, kinh tế của chính quyền và làm kỷ cương của xã hội. Tuy vậy, Nho giáo thời kỳ này bước vào thời kỳ suy đốn dần, không còn được độc tôn như trước. Thực trạng này được biểu hiện ở lĩnh vực giáo dục, thi cử. Các chính quyền phong kiến

vẫn duy trì và mở rộng chế độ giáo dục, thi cử làm phương tiện đào tạo quan lại, đáp ứng nhu cầu tổ chức bộ máy ngày một đông đảo, nhưng không còn được nghiêm túc như trước. Hiện tượng mua quan bán tước đã khá phổ biến cả Đàng trong và Đàng ngoài. Những người không có học nhưng có tiền thì dùng tiền mua chức tước. Trong thi cử, nhiều vụ hối lộ và ăn hối lộ đã diễn ra trắng trợn. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hoá và sự tấn công của đồng tiền vào thành trì lễ giáo phong kiến đã làm cho ý thức hệ Nho giáo bị rạn nứt dần.

Trong khi Nho giáo bước vào thời kỳ suy thoái dần thì Phật giáo lại được phục hưng. Các vua, chúa, quý tộc, quan lại cả hai Đàng (ngoài và trong) đua nhau tôn thờ đạo Phật, bỏ nhiều tiền của để trùng tu chùa cũ, xây cất nhiều chùa, tháp mới. Các chùa Tây Phương, Phúc Long, Thiền Tông, Độc Tông, Sùng Nghiêm, Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Hương Hải, v.v., (ở Đàng ngoài) và các chùa Thiên Mụ, Hoà Vang, Mỹ An, Thuận Trạch, Kính Thiên, Hà Trung, Quốc Ân, v.v., (ở Đàng trong) đều được sửa chữa hay xây dựng trong thời kỳ này. Đạo Phật lại được xã hội tôn sùng và phổ biến hơn thời Lê sơ.

Trong thời kỳ này, do tình hình xã hội đầy rối loạn, tinh thần tam giáo dường như lại có cơ hội để phát triển. Phật giáo không chỉ tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng ở tầng lớp bình dân mà còn được mở rộng ở tầng lớp Nho sĩ. Thái độ “cư Nho mộ Thích”, “dĩ Phật tải Nho” là khá phổ biến trong tầng lớp nho sĩ cũng như quan lại phong kiến thời kỳ này.

Tất cả những yếu tố của thời đại ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ và hành động của Nguyễn Du. “Trải qua một cuộc bể dâu”, Nguyễn Du đã không thể dửng dưng với những biến động xã hội ở xung quanh mình, “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Rất nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du không đơn thuần là một tác

phẩm được ra đời theo một cốt truyện của một tác phẩm khác, mà hơn thế, nó chính là tâm sự, là tấm gương phản ánh cuộc đời của Nguyễn Du và thời đại của ông. Như nhà nghiên cứu P. Lafargue đã viết:

Nhà văn bao giờ cũng bị cột vào hoàn cảnh xã hội của mình. Muốn làm cách nào, y cũng không thể tách ra ngoài hay trốn thoát được hoàn cảnh ấy; dù y không thích hay không biết đến nó, y cũng vẫn chịu ảnh hưởng của nó. Trốn vào quá khứ hay ngoài đến tương lai, ở chiều hướng nào y cũng không đi quá được cái giới hạn mà thời đại của y đã ấn định [dẫn theo 105, tr.96].

Nguyễn Du đã có một tuổi thơ êm ấm trong cảnh vàng son nhung lụa của gia đình. Thế nhưng cuộc sống ấy kéo dài không được bao lâu. Những biến cố dữ dội của thời đại và của gia đình đã nhanh chóng đẩy Nguyễn Du ra giữa cuộc đời đầy bão táp.

Nguyễn Du lên mười tuổi thì thân phụ là Nguyễn Nghiễm mất. Hai năm sau ông lại mồ côi mẹ. Bốn anh em cùng mẹ với nhà thơ chưa ai trưởng thành. Gia đình bên ngoại không phải là nơi quyền quý giàu sang có thể nương náu được nên mấy anh em Nguyễn Du phải đến ở với người anh cả cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản, bấy giờ đang làm Tả thị lang Bộ Hình kiêm chức Hiệp trấn xứ Sơn Tây. Nhưng chỉ vài năm sau, địa vị của Nguyễn Khản cũng lao đao. Năm 1780, Đặng Thị Huệ, thứ phi của Trịnh Sâm, cùng Hoàng Đình Bảo lập mưu giành ngôi Thế tử của Trịnh Khải cho con mình là Trịnh Cán. Nguyễn Khản ủng hộ Trịnh Khải. Việc bại lộ, Nguyễn Khản bị cách chức và bắt giam. Đến khi Trịnh Khải lên ngôi chúa, Nguyễn Khản được phục chức làm Lại bộ Thượng thư rồi thăng Tham Tụng. Đến khi loạn kiêu binh nổi lên đã kéo đến phá nhà, toan giết chết ông. Nguyễn Khản phải trốn vào phủ chúa rồi cải trang chạy lên Sơn Tây sau đó về quê nhà ở Hà Tĩnh. Trong thời gian đầy biến động này, Nguyễn Du còn ít tuổi vẫn tiếp tục đi học.

Năm 1783, Nguyễn Du 18 tuổi, đi thi Hương ở Sơn Nam và đậu tam trường. Sau đó, có lẽ do hoàn cảnh gia đình và biến động xã hội nên ông bỏ luôn không đi thi nữa.

Trước đó có một người họ Hà, làm quan dưới quyền Nguyễn Nghiễm, giữ chức Chánh thủ hiệu Hùng hậu quân ở Thái Nguyên, vì không có con trai nên nhận Nguyễn Du làm con nuôi. Sau khi người họ Hà mất, ông được kế chân giữ chức ấy. Năm 1789, vua Quang Trung kéo quân ra Bắc đánh tan hai mươi vạn quân Thanh, Nguyễn Du và hai người anh em cùng mẹ theo vua Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu nhưng không kịp. Nguyễn Du trở về quê vợ ở xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Sơn Nam (Thái Bình), sống nhờ nhà người anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn, bấy giờ đang làm quan cho nhà Tây Sơn. Nhà thơ sống ở đây được mấy năm thì về quê nhà ở Hà Tĩnh.

Năm 1796, Nguyễn Du lên đường vào Gia Định theo Nguyễn Ánh, nhưng chưa đi khỏi địa phận Nghệ An, nhà thơ đã bị viên Trấn tướng của Tây Sơn là Quận công Nguyễn Thận bắt giữ. Nguyễn Du bị giam ba tháng. Sau vì Nguyễn Thận là bạn của Nguyễn Đề, lại mến phục tài năng của nhà thơ nên tha cho ông. Từ đấy, Nguyễn Du về ở hẳn Tiên Điền suốt mười năm sau đó.

Mười năm gió bụi và những năm tháng tại quê nhà dưới chân núi Hồng Lĩnh là thời gian nhà thơ có dịp gần gũi, hiểu biết, cảm thông và đồng điệu với đời sống của quần chúng nhân dân lao động; nhà thơ có cơ hội tiếp cận những giá trị văn học dân gian, nơi khơi nguồn cho những giá trị tinh thần vô giá của dân tộc. Có thể nói, thiên tài lỗi lạc Nguyễn Du; những vần thơ lung linh châu ngọc, bất diệt với thời gian của nhà thơ xứ Tiên Điền đã được ấp ủ, nảy nở trong những năm tháng buồn vui tâm sự của nhà thơ tại quê nhà này.

Tháng 8 năm 1802, Nguyễn Du được triều đình vua Gia Long bổ làm tri huyện Phù Dung (nay là tỉnh Hưng Yên). Tháng 11 năm ấy, thăng Tri phủ Thường Tín (Hà Tây). Năm sau, ông được cử lên Nam Quan tiếp sứ thần nhà

Thanh. Năm 1805, Nguyễn Du được thăng Đông các Điện học sĩ, tước Du Đức hầu. Năm 1807, được cử làm Giám khảo trường thi Hương ở Hải Dương. Năm 1809, được bổ làm Cai bạ dinh Quảng Bình, đây là chức vụ nhà thơ giữ lâu nhất trong thời gian làm quan dưới triều Nguyễn.

Năm 1813, Nguyễn Du thăng Cần chánh Điện học sĩ và được cử cầm đầu phái bộ đi sứ Trung Quốc. Sau khi về nước, năm 1815 ông được thăng Hữu Tham tri Bộ Lễ. Nguyễn Du chết ngày 16 tháng 9 năm 1820 (tức ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn) do dịch bệnh.

Cuộc đời làm quan của Nguyễn Du dưới triều Nguyễn không có trở ngại, biến động gì đáng kể. Trong suốt gần hai mươi năm ấy, nhà thơ có xin về trí sĩ bốn lần nhưng lần dài nhất cũng chỉ sáu tháng, sau đó lại ra làm việc lại. Nguyễn Du được thăng chức rất nhanh, có lúc được giữ những chức vụ tương đối quan trọng trong triều đình. Thế nhưng, nhà thơ không lấy đó làm vui mà luôn có những tâm sự u uẩn. Những tâm sự đó được Nguyễn Du gửi gắm vào thi ca, đặc biệt là nhân vật Thúy Kiều trong tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” của ông.

Xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, làm quan với những chức vụ cao và trọng trách ở triều đình, thế nhưng hậu thế hoài niệm, ngưỡng vọng về Nguyễn Du không phải ở những điều ấy. Tất cả đã qua đi, đã trở thành dĩ vãng trong cuộc biến động trường thiên của lẽ vô thường. Sự nghiệp lớn nhất, có ý nghĩa nhất nhà thơ núi Hồng Lĩnh để lại cho đời đó là sự nghiệp văn chương của ông.

Ngoài thơ chữ Hán, Nguyễn Du còn có biệt tài về thơ Nôm, mà đỉnh cao thể hiện biệt tài ấy là tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” hay còn gọi là “Truyện Kiều”. Với “Truyện Kiều”, ngôn ngữ của dân tộc ta đã được nâng lên một tầm cao mới với sự súc tích, đẹp đến không ngờ! “Truyện Kiều” đi vào lòng quần chúng nhân dân, từ bác học đến bình dân trước tiên là nhờ ở tài sử

dụng, biểu đạt ngôn ngữ của nhà thơ và trở thành linh hồn văn học Việt Nam. Ngoài áng văn chương tuyệt tác “Truyện Kiều”, Nguyễn Du còn những sáng tác chữ bằng chữ Nôm khác cũng rất nổi tiếng như: “Văn tế thập loại cô hồn”, “Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu”, “Thác lời trai phường nón”…

Với những ảnh hưởng của nhiều biến cố xã hội cũng như cuộc sống của bản thân, Nguyễn Du đã sáng tác những tác phẩm văn học (chưa hẳn đã đồ sộ) nhưng có giá trị vô giá. Thông qua từng câu chữ của thơ ông là cả một tâm hồn dạt dào mẫn cảm yêu thương, nhân hậu. Tinh thần nhân bản, thái độ bao dung, cảm thông và đồng điệu là chìa khóa để thi ca Nguyễn Du đi vào lòng người và đọng lại với những cảm nhận ở nhiều mức độ khác nhau.

3.1.2. Khái lược tác phẩm “Truyện Kiều”

Truyện Kiều” được Nguyễn Du phóng tác từ tác phẩm “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, một tác giả sống khoảng cuối đời Minh, đầu đời Thanh - Trung Quốc.

Do có rất nhiều bản dịch “Truyện Kiều” khác nhau với một số nội dung còn có sự tranh luận trong giới nghiên cứu “Truyện Kiều”. Vì vậy, luận án nhất quán sử dụng cuốn “Truyện Kiều” do GS. Nguyễn Thạch Giang khảo đính, chú giải và Nhà xuất bản Đại học và Giáo dục Chuyên nghiệp phát hành năm 1991 (xuất bản lần thứ IX) để thống nhất trong nghiên cứu.

Câu chuyện kể về cuộc đời tài hoa bạc mệnh, truân chuyên lưu lạc của người con gái họ Vương tên Thúy Kiều. Gia đình Vương viên ngoại có ba người con: Thúy Kiều, Thúy Vân, và con trai út là Vương Quan. Thúy Kiều là một cô gái tài sắc vẹn toàn. Không chỉ đẹp người, Thúy Kiều còn rất đa tài: biết làm thơ, đặc biệt là chơi đàn rất hay. Nàng còn là một cô gái có tâm hồn rất đa cảm và đó

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của nguyễn du – giá trị và hạn chế (Trang 62 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w