Thuyết nhân quả là một trong những nội dung quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Phật giáo. Hiểu theo nghĩa thông thường, nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Tuy nhiên, trong quan niệm của Phật giáo thì nhân - quả không đơn giản như vậy. Nhân có thể được hiểu là năng lực phát động, là cái hạt, còn quả được hiểu là sự hình thành của năng lực phát động ấy, là cái quả do hạt ấy sinh ra.
Nhân và quả không tồn tại độc lập với nhau mà có liên quan mật thiết với nhau, đan lấy nhau, ảnh hưởng, tương phản và thừa tiếp nhau. Nhân không thể sinh ra quả nếu thiếu duyên. Một quả được hình thành có thể do nhiều nhân tạo ra. Một nhân cũng có thể cho nhiều quả khác nhau. Bản thân nhân, quả cũng chỉ mang tính tương đối. Trong nhân đã chứa quả, và trong quả đã chứa nhân. Chính trong nhân hiện tại đã có hàm chứa cái quả vị lai, cũng chính trong quả hiện tại đã có hình bóng của nhân quá khứ. Một sự vật mà ta gọi là nhân, là khi nó chưa biến chuyển, hình thành ra quả; Một sự vật mà ta gọi là quả là khi nó biến chuyển hình thành ra trạng thái mà ta thấy. Một vật đều có nhân và quả: đối với quá khứ thì nó là quả, nhưng đối với tương lai thì nó là nhân. Nhân và quả đắp đổi nhau, tiếp nối nhau tạo thành một chuỗi vô cùng tận.
Vì vậy, để có thể tìm ra được cái nhân chính của quả, hay cái quả chính của nhân, không phải là việc dễ. Chẳng hạn, hạt lúa có thể làm nhân cho những bông lúa vàng - là quả trong mùa gặt sau, nếu người ta đem gieo nó xuống đất; nhưng nó cũng có thể làm cho người ta no bụng, biến thành máu thành thịt trong cơ thể và thành phân bón cho cây cỏ, nếu chúng ta đem nấu nó để mà ăn.
Như thế, một nhân chính có thể thành ra quả này hay quả khác nếu có những nhân phụ khác nhau. Chẳng hạn, muốn hạt lúa ở mùa này thành bông
luá ở mùa sau, thì phải có đất, có nước, có ánh sáng, có không khí, có thời gian, có nhân công; Muốn nó thành máu huyết thì phải nấu, phải ăn, phải có bộ máy tiêu hóa. Cho nên, khi nói nhân quả là tách riêng sự vật ra khỏi cái chung cùng toàn thể của vũ trụ, lấy một khía cạnh nào đó, để dễ quan sát, nghiên cứu, chứ muốn nói cho đúng thì phải dùng hai chữ “nhân - duyên”.
Nhân duyên được hiểu là một quá trình để đưa đến hay tạo thành một sự vật hay hiện tượng gì đó. Trong đó, “duyên” là yếu tố tác động giữa “nhân” và “quả”. Duyên cũng được hiểu là điều kiện, hoàn cảnh, môi trường…(điều kiện xấu được gọi là nghịch duyên, còn điều kiện tốt được gọi là thuận duyên).
Theo sự giải thích bằng lối chiết tự của một số nhà khoa học thì trong chữ Hán, chữ “duyên” được viết với bộ “mịch” có nghĩa là sợi dây, nên cũng có ý nghĩa như một sự nối kết, ràng buộc với nhau, như duyên phận hay duyên số [37]. Tất nhiên, sự ràng buộc của duyên ấy không phải là ngẫu nhiên, mà nó hàm chứa nhân quả hay “nghiệp” ở trong đó. Cái duyên đưa người ta đến với nhau có thể là do lòng ái dục, do ân oán nợ nần từ kiếp trước - bởi vậy, cũng có chữ “duyên nợ” để chỉ cho những ràng buộc vợ chồng.
Mặc dù “duyên” mang tính phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ nhân - quả như vậy, nhưng trong mối tương quan với nhân thì nhân mới là yếu tố quan trọng nhất. Nếu không có nhân thì có duyên cũng sẽ không sinh ra (hình thành) quả. Nhưng theo sự giải thích của giáo lý nhà Phật thì bản thân yếu tố “duyên” cũng mang tính tương đối mà thôi. Nghĩa là, trong mối quan hệ này, nó có thể được hiểu là duyên, nhưng cũng vẫn là nó, khi xem xét ở mối quan hệ khác thì lại trở thành nhân hoặc quả của một cái gì đó. Vì vậy, giáo lý Phật giáo hay nói “trùng trùng duyên khởi” là vậy. Nhưng dù sao thì nhân, quả hay duyên đều là vô thường, tức là luôn trong quá trình “thành, trụ, hoại, không” như tất cả vạn pháp trên thế gian này. Duyên hợp rồi sẽ có lúc tan, quả biến chuyển sẽ trở thành nhân và duyên khác.
* Phân loại nhân quả
Thông thường, khi một quả hình thành, nó cần có sự kết hợp của nhiều nguyên nhân và các nhân duyên. Chính vì vậy, căn cứ vào những tiêu chí khác nhau thì sẽ có những loại nhân quả khác nhau.
- Theo thời gian: Do tiến trình hình thành quả không xảy ra và đồng nhất trong một khoảng thời gian nhất định nên nhân quả có thể được chia thành những loại sau:
+ Nhân quả đồng thời: Là loại nhân quả mà thời gian từ nhân đến quả xảy ra rất nhanh. Như ăn thì liền no, uống nước vào liền hết khát, sân hận vừa khởi lên thì phiền não liền xuất hiện, hay chiếc dùi vừa đánh vào trống thì tiếng trống liền phát ra . . .
+ Nhân quả khác thời: Là loại nhân quả mà quá trình diễn ra từ nhân đến quả phải có một khoảng thời gian nhanh hay chậm khác nhau. Khoảng thời gian ấy đựơc chia thành 3 loại: Hiện Báo (nghiệp nhân trong đời này đưa đến quả báo ngay trong hiện tại); Sinh Báo (nhân ở đời này nhưng đến đời sau mới nhận quả); Hậu Báo (nhân trong đời này nhưng đến nhiều đời sau mới thọ quả báo).
- Theo vật lý và tâm lý: Trên cùng một con người, thế nhưng những biểu hiện nhân quả tâm lý và vật lý của người ấy lại khác nhau. Như một người có thân (vật lý) xấu xí, tật nguyền, thô kệch . . . nhưng tâm (tâm lý) thì lại hiền từ nhân hậu và rất thông minh, sáng suốt. Ngược lại cũng có những người tuy vẻ bên ngoài đẹp trai, khỏe mạnh nhưng tâm hồn thì lại xấu xa, ích kỷ. Tuy vậy, cũng có những trường hợp đặc biệt ngoại lệ, như có người đầy đủ phước báu vẹn toàn cả hai mặt, hoặc cũng có những trường hợp ngược lại.
- Theo nội tâm và ngoại giới: Nội tâm là những trường hợp mà quá trình nhân quả diễn ra bên trong tâm lý của con người. Còn quá trình nhân quả diễn ra bên ngoài thì được gọi là nhân quả ngoại giới (bên ngoài). Chẳng
hạn có người tuy thân bị giam cầm trong chốn tù lao nhưng tâm vị ấy luôn trú trong an định, giải thoát. Điều đó cho ta thấy rằng nghiệp quả chỉ biểu hiện ở thân chứ không biểu hiện nơi tâm.
Tiểu kết chương 2
Phật giáo không chỉ dừng lại là một tôn giáo mà hơn thế nữa, nó còn là một hệ tư tưởng triết học ra đời nhằm chống lại tư tưởng thần quyền trong xã hội Ấn Độ cổ đại, đề ra con đường tôn giáo “giảm thần quyền”, mở ra một tôn giáo bình đẳng về niềm tin tôn giáo cho tất cả mọi người, mọi chúng sinh. Trọng tâm trong các tư tưởng triết học của Phật giáo chủ yếu giải quyết vấn đề thuộc về nhân sinh chứ không quá tuyệt đối, sa đà vào những vấn đề siêu hình học hay vấn đề thế giới quan. Trên cơ sở những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cũng như kế thừa những tư tưởng của các trường phái triết học trước đó, Phật giáo đã hình thành nên nội dung nhân sinh quan riêng có của mình.
Trong phạm vi nghiên cứu của luận án gắn với “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, Nghiên cứu sinh chỉ đi sâu vào trình bày quan niệm về nghiệp báo và nhân quả. Qua đó cho thấy rằng, nghiệp báo được hiểu là những hành vi hay hành động có tác ý. Tức là, tất cả những hành động có tác ý, dù biểu hiện bằng thân, khẩu, hay ý, đều tạo nghiệp, còn những hành động không có chủ tâm (không tác ý, vô ý), mặc dầu đã biểu hiện bằng lời nói hay việc làm, đều không tạo nghiệp. Nhân quả được hiểu là một mối quan hệ mật thiết giữa
nhân - là năng lực phát động, là cái hạt và quả - là sự hình thành của năng lực phát động ấy, là cái quả do hạt ấy sinh ra. Nhân và quả chỉ được hiểu trong những mối quan hệ cụ thể nhất định và có tính tương đối. Trong mối quan hệ nhân - quả, không thể không nhắc đến vai trò của duyên - như là yếu tố trung gian, hoàn cảnh đóng vai trò không thể thiếu trong quan hệ nhân quả.
Điểm nổi bật trong quan niệm về nghiệp báo và nhân quả chính là sự phủ nhận vai trò của những lực lượng siêu nhiên, thần thánh chi phối đến sự hình thành và biến đổi của con người cũng như cuộc sống của họ, mà khẳng định tính khách quan, vô thần khi nhấn mạnh đến sự thọ lãnh trách nhiệm của con người đối với chính hành vi (thân, khẩu, ý) của mình trong quá khứ cũng như ở hiện tại. Những tư tưởng này, về sau này kết hợp với sự “thần bí hóa”, “thần thánh hóa” nội dung một số tư tưởng và nhân vật Phật giáo đã thúc đẩy Phật giáo phát triển mạnh mẽ với tư cách là một tôn giáo nhiều hơn là một triết thuyết.
Tất nhiên, dưới góc độ của Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử thì những quan niệm về nghiệp báo, nhân quả và luân hồi của Phật giáo nhuốm màu duy tâm, thần bí tôn giáo. Nó không chỉ cho ta thấy những căn nguyên mang tính xã hội đã chi phối đến cuộc sống của con người mà lại đề cao những trách nhiệm mang tính cá nhân không chỉ ở thế giới hiện tại mà còn cả những những thế giới trong kiếp trước cũng như kiếp sau.
Mặc dù vậy, ở một góc độ nào đó, quan niệm này của Phật giáo cũng góp phần thúc đẩy trách nhiệm và sự chịu trách nhiệm của cá nhân trước các hành động của bản thân mình trong quá khứ, ở hiện tại cũng như trong tương lai. Nó giúp cho quá trình điều chỉnh hành vi đạo đức của cá nhân có hiệu quả hơn, góp phần duy trì sự ổn định và bình yên của các quan hệ xã hội.
Chương 3
NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO