Cơ sở kinh tế xã hội cho sự hình thành nhân sinh quan Phật Giáo

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của nguyễn du – giá trị và hạn chế (Trang 31 - 35)

Phật giáo là một trong số các học thuyết triết học - tôn giáo lớn trên thế giới, được hình thành vào khoảng thế kỷ VI (TCN) ở Ấn Độ cổ đại. Giáo lý và tư tưởng của Phật giáo khá đa dạng và phong phú, nhưng về cơ bản thì nội dung của tư tưởng Phật giáo chủ yếu hướng vào giải quyết vấn đề con người và đời sống của con người, chỉ ra những đau khổ và cách thức hóa giải những đau khổ đó. Câu hỏi được nhiều nhà nghiên cứu đặt ra là tại sao Phật giáo lại nói về sự đau khổ của con người trong cuộc sống và cách thức để tiêu diệt sự đau khổ ấy, hay nói cách khác, tại sao Phật giáo lấy cái khổ của con người làm vấn đề trọng tâm trong hệ tư tưởng của mình?

Trong tác phẩm Về vấn đề nhà ở, Ăngghen viết: “Quan điểm duy vật về lịch sử dùng những điều kiện sinh hoạt vật chất, những điều kiện kinh tế của một thời kỳ lịch sử nhất định để giải thích tất cả những sự biến đổi và những khái niệm lịch sử, chính trị, triết học, tôn giáo” [52, tr.379]. “Bản thân tôn giáo tự nó không có nội dung, các cội nguồn của nó không phải ở trên trời, mà là trên mặt đất” [54, tr.603]. Theo cách lý giải duy vật lịch sử đó của các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác thì khi muốn tìm hiểu và giải thích về nội dung hay lý giải về sự hình thành, biến đổi hay phát triển của tôn giáo, triết học, chính trị cần phải tìm ở trong những điều kiện sinh hoạt vật chất mà trong đó chúng đang tồn tại và phát triển, chứ không phải là ở trong những khái niệm trừu tượng hay những yếu tố mang tính tinh thần.

Vì vậy, để có thể hiểu được lý do mà hệ tư tưởng Phật giáo đặt ra và hướng đến chủ yếu là vấn đề đau khổ của con người và sự giải thoát khỏi

những đau khổ ấy thì trước hết phải tìm lời giải trong đời sống kinh tế - xã hội của Ấn Độ thời kỳ cổ đại.

Phật giáo ra đời vào khoảng thế kỷ thứ V (TCN), trong thời kỳ này, mặc dù nền kinh tế tự nhiên của công xã nguyên thủy chiếm ưu thế nhưng do sự phát triển của sản xuất, của sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất đã dẫn đến sự phân hoá và mâu thuẫn giai cấp, đẳng cấp hết sức sâu sắc. Do đặc điểm về kết cấu xã hội mà sự phân hoá này gắn chặt chẽ với sự phân hoá đẳng cấp, làm cho sự phân hoá đẳng cấp, giai cấp thêm sâu sắc và khắc nghiệt. Về cơ bản, thời kỳ này có các đẳng cấp sau:

+ Đẳng cấp Brahmana: là những tăng lữ, tu sĩ Bàlamôn - là những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp. Đẳng cấp Brahmana được coi là có vị trí thần thánh cao nhất trong xã hội.

+ Đẳng cấp Kshatriya: gồm vua quan cai trị và tầng lớp chiến binh: đây là đẳng cấp làm nhiệm vụ quản lý và duy trì trật tự xã hội, mặc dù vậy vẫn chịu sự chi phối của tầng lớp tăng lữ.

+ Đẳng cấp Vaishyas: gồm dân tự do - những người làm nông nghiệp, buôn bán, thợ thủ công. Dân tự do ở Ấn Độ cũng như ở các nước trong khu vực châu Á khác với dân tự do ở các nước phương Tây vì ở các nước này, dân tự do là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội chứ không phải là tầng lớp nô lệ. Đẳng cấp dân tự do có nhiệm vụ lao động sản xuất ra của cải vật chất để cung cấp vật phẩm cho xã hội; Ngoài ra, họ còn có nghĩa vụ nộp sưu thuế và đi lính cho nhà nước.

+ Đẳng cấp Shudra: gồm những chiến binh bại trận trong các cuộc chiến tranh, những người ở tầng lớp trên bị phá sản…. không còn tư liệu sản xuất, đứng ngoài tổ chức công xã. Đây là đẳng cấp thấp nhất, nô lệ ở phương Đông nói chung, Ấn Độ nói riêng không phải là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội mà chỉ đóng vai trò giúp việc trong gia đình, làm các công việc hầu hạ,

phục dịch cho các đẳng cấp trên. Họ bị coi là loại “tài sản hai chân” thuộc quyền sở hữu của chủ nô như những thứ tài sản khác. Do vậy chủ nô có thể đem bán hoặc trao đổi như một loại gia súc ở trong nhà. Họ phải phục vụ cho đẳng cấp trên một cách vô điều kiện, không được kêu ca, oán thán, họ cũng không được tham gia vào các nghi lễ tôn giáo ngoài những khu vực thờ riêng cho đẳng cấp của họ.

Ngoài ra, còn đẳng cấp Paria là con cháu của những người có đẳng cấp khác nhau mà vẫn lấy nhau. Người thuộc đẳng cấp Paria bị coi là hạng người cùng đinh, hạ đẳng, đáng nguyền rủa nhất của xã hội. Họ là những người làm những nghề bị coi là thấp hèn, không trong sạch và ô uế như: đồ tể, thợ thuộc da, phu đòn đám ma… Luật Manu nói rằng họ phải sống ở rìa làng và ở cuối hướng gió để các đẳng cấp khác khỏi nhiễm sự xú uế do họ mang lại. Họ phải ăn bằng những bát mẻ và dùng những thứ giống như chó và lừa… [11, tr.45].

Để bảo vệ cho sự phân chia đẳng cấp khắc nghiệt trong xã hội, Kinh Veda cho rằng: loài người được chia làm hai loại: Arya: cao quý, thiện; Dasya: thấp hèn, ác. Hay lý giải rằng: “Thần sáng tạo Brahman đã tự phân thân thành 4 đẳng cấp: miệng thần là đẳng cấp tăng lữ, hai vai thần là đẳng cấp quý tộc; hai bắp đùi thần là đẳng cấp dân tự do; hai bàn chân thần là đẳng cấp nô lệ” [11, tr.40]. Còn bộ luật Manu thì viết: “Ưu tú nhất trong mọi sinh vật là loài động vật, ưu tú nhất trong loài động vật là giống vật có lý tính, ưu tú nhất trong giống vật có lý tính là loài người, ưu tú nhất trong loài người là người Bàlamôn” [11, tr.41]. Luật Manu cũng quy định rằng tất cả mọi thứ tồn tại trong vũ trụ này đều là sở hữu của người Bàlamôn, dân chúng phải nuôi họ hoặc riêng từng người hoặc chung sức nhau cùng nuôi họ.

Sự phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt ở Ấn Độ còn thể hiện ở những quy định về quan hệ hôn nhân hết sức khắt khe. Pháp luật nghiêm cấm người ở

các đẳng cấp khác nhau kết hôn với nhau, nếu cố tình vi phạm thì con cái do họ sinh ra sẽ bị đẩy xuống đẳng cấp Paria.

Trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày, các đẳng cấp thấp thường bị phân biệt đối xử rất nặng nề. Chẳng hạn: nếu người Bàlamôn không may bị một người thuộc tầng lớp thấp hèn giẫm lên cái bóng của mình thì người Bàlamôn phải thanh tẩy mình bằng cách nhịn ăn và tắm nước thánh suốt cả ngày hôm đó. Còn đẳng cấp nô lệ thì không được tham gia các cuộc hội họp, không được tham gia và hưởng lễ vật của các buổi tế lễ, thậm chí họ không được khiêng, không được sờ vào người Bàlamôn đã chết. Họ cũng không được mặc quần áo kiểu dáng đẹp mà phải mặc kiểu dáng tối và màu sắc xỉn tối. Họ cũng không được đặt những tên biểu hiện sự cao quý, hùng tráng hay thanh lịch, mà phải đặt những tên thể hiện sự thấp hèn, ngu dốt.

Sự bất bình đẳng này còn được thể hiện trong pháp luật. Chẳng hạn, bộ luật Manu quy định: kẻ nào có ý định đánh người Bàlamôn thì sẽ bị đẩy xuống địa ngục 100 năm; nếu thực sự đánh người Bàlamôn thì sẽ bị đẩy xuống địa ngục 1000 năm. Một người thuộc đẳng cấp nô lệ giết một người cũng thuộc đẳng cấp của anh ta thì có thể được tha tội nếu nộp 10 con bò cái; nếu giết người thuộc đẳng cấp dân tự do thì phải nội 100 con bò cái mới được tha tội, còn nếu giết người thuộc tầng lớp quý tộc thì phải nộp phạt 1000 con bò cái mới được tha tội. Nhưng nếu họ giết một người Bàlamôn thì không có cách gì chuộc tội được, nhất định phải bị xử tội chết. Còn tăng lữ Bàlamôn nếu có phạm tội dù có nặng đến đâu đi nữa thì vua cũng không có quyền xử tội chết mà chỉ có quyền đầy đi một nơi khác mà vẫn được giữ nguyên tài sản vì họ coi tầng lớp Bàlamôn là người thần [11, tr.46].

Như vậy, có thể thấy rằng, chế độ phân biệt đẳng cấp ở xã hội Ấn Độ là hết sức đặc biệt, nó không chỉ được giáo lý đạo Bàlamôn biện hộ mà còn được pháp luật của nhà nước bảo vệ. Nó không chỉ là sự phân biệt về địa vị,

sang hèn hay giàu nghèo, mà còn là sự phân biệt về màu da, chủng tính, nghề nghiệp, tôn giáo, chế độ hôn nhân, quan hệ giao tiếp và cả quan niệm về sự trong sạch… thể hiện trong đời sống hàng ngày. Chính vì sự khắc nghiệt này đã thúc đẩy các đẳng cấp thấp chống lại đẳng cấp cao, nhất là chống lại đẳng cấp Bàlamôn với mong muốn xoá bỏ sự bất bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội.

Với những đặc thù về kinh tế - xã hội như vậy nên nội dung chủ yếu Phật giáo là những vấn đề thuộc về nhân sinh quan (những quan niệm về cuộc sống của con người, về hạnh phúc và đau khổ mà con người đang phải trải qua, về đẳng cấp và sự bất bình đẳng đang ràng buộc con người, xã hội Ấn Độ cổ đại lúc đó) chứ không phải là những vấn đề thuộc thế giới quan. Như Đức Thích-Ca-Mầu-Ni đã nói: "Không có đẳng cấp trong dòng máu đỏ như nhau, không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn. Mỗi người sinh ra không phải đã mang sẵn trong bào thai vòng dây ở cổ tay hay dấu ti-ca trên trán” [107, tr.115].

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của nguyễn du – giá trị và hạn chế (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w