NỘI DUNG NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của nguyễn du – giá trị và hạn chế (Trang 42 - 44)

Cũng giống như nhiều trào lưu triết học Ấn Độ cổ đại cùng thời, Phật giáo ngay từ khi mới ra đời đã luôn hướng nội dung triết học của mình đến những vấn đề nhân sinh chứ không quá tập trung vào vấn đề bản thể luận (thế giới quan). Giống như một người bị thương vì một mũi tên độc, bạn bè thân thích đưa đến một ông thầy giải phẫu, nhưng anh ta nói: ta sẽ không để cho rút mũi tên này ra trước khi biết ai làm ta bị thương, hắn ở đẳng cấp nào, tên họ hắn là gì; hắn ta to, bé hay trung bình; hắn ta từ đâu tới; ta sẽ không cho rút mũi tên này ra trước khi biết nó là loại cung nào, dây cung và mũi tên làm bằng gì, đầu nhọn mũi tên được làm như thế nào? Nếu cứ đòi hỏi như vậy, con người này sẽ chết mà không hề biết những điều đó. Cuộc sống của con người không phụ thuộc vào những câu hỏi kiểu như vậy. Chúng là vô ích, không dẫn chúng ta đến giải thoát. Việc cấp bách là cứu khổ cũng giống như việc giải phẫu lấy mũi tên thuốc độc cắm trên thân thể con người chứ không phải những vấn đề siêu hình trừu tượng mà hết đời này sang đời khác cũng không giải quyết nổi [32, tr.266].

Trong tư tưởng triết học của Phật giáo, nhân sinh quan là những quan niệm về con người và cuộc đời con người mà hạt nhân của nó chính là Tứ

diệu đế và thuyết nhân quả, nghiệp báo, luân hồi. Với những quan niệm ấy, Phật giáo phủ nhận vai trò quyết định của một vị thượng đế tối cao đến sự hình thành cũng như cuộc sống của con người. Theo đó, Phật giáo cho rằng con người nói riêng, giống hữu tình nói chung được hình thành theo luật nhân quả, nghiệp báo.

Trong quá trình phát triển của mình, Phật giáo đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau, từ Phật giáo nguyên thủy đến Phật giáo Đại thừa, rồi các tông phái Phật giáo khác nhau, nhưng về cơ bản thì vấn đề nhân sinh quan của Phật giáo không thay đổi nhiều, vẫn xoay quanh vấn đề về sự đau khổ của con người và cách thức để giải thoát con người khỏi những đau khổ đó trong cuộc sống.

Với cách hiểu như vậy về nhân sinh quan Phật giáo, có thể thấy rằng, nội hàm và ngoại diên của khái niệm này là rất rộng. Nhưng trong khuôn khổ luận án này chỉ giới hạn ở những khía cạnh liên quan mật thiết với “Truyện Kiều”, cụ thể là thuyết nhân quả và nghiệp báo.

Khi Phật giáo vào Việt Nam, vấn đề nhân sinh quan cũng có sự thay đổi. Sở dĩ như vậy là bởi Phật giáo khi vào Việt Nam đã có sự kết hợp giữa nhiều hệ phái Phật giáo và tín ngưỡng bản địa với nhau như: sự kết hợp giữa Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông, Nho giáo, Lão giáo, tín ngưỡng bản địa. Điểm nổi bật rõ nhất của nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam chính là tinh thần nhập thế. Đối với người Phật tử Việt Nam, tu Phật không có nghĩa là xa rời gia đình, làng xóm, xã hội để chỉ chuyên tâm vào việc tụng kinh, niệm phật trong chùa. Tu hành là phải gắn với nhân sinh, với xã hội. Thậm chí khi đất nước bị xâm lăng thì nhà sư cũng sẵn sàng lên ngựa ra chiến trường giết giặc để bảo vệ Tổ quốc. Họ không chấp vào giới luật sát sinh để mà nhìn giặc ngoại xâm giày xéo và tàn sát đồng bào của mình mà sẵn sàng giết một người (vi phạm giới luật) mà cứu muôn người. Trong trường hợp này đánh giặc cũng là thiền.

Người Việt có câu: Dù xây chín cấp phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người để nói về việc giết một người mà cứu muôn người của Phật tử Việt Nam. Còn nhà sư Thiện Chiếu đã viết:

“Phật giáo thị nhập thế nhi phi yếm thế Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh”

(dịch nghĩa: Đạo Phật là nhập thế chứ không phải yếm thế Từ bi là sát sinh để cứu độ chúng sinh) [32, tr.400].

Quan niệm của Thiện Chiếu nói riêng, Phật giáo Việt Nam là hoàn toàn khác so với Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Quốc. Có lẽ đây chính là sự sáng tạo (bản địa hóa) của Phật giáo Việt Nam. Như GS Nguyễn Hùng Hậu đã nhận xét: “Phải chăng đóng góp của Phật giáo Việt Nam là đã tìm ra một con đường mới vừa tương đối cụ thể, thiết thực, rõ ràng, vừa tương đối ngắn, để đi đến giác ngộ? Lịch sử Phật giáo từ trước tới nay theo một khía cạnh nào đó có thể nói là lịch sử ngày càng rút ngắn con đường đến Niết bàn. Hơn nữa, trong Phật giáo, đặc biệt là Thiền tông (Việt Nam), khi đã giác ngộ thì con người hoàn toàn không bị trói buộc bởi bất cứ cái gì, mọi chấp thủ bị vỡ tung ra, họ tự do, tự tại, vô tâm, vô ngại, vô bổ úy, không chú tâm, không thiên chấp, do đó không còn tạo nghiệp [32, tr.397].

Về cơ bản, nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam nhìn trên những nét đại thể như quan niệm về con người, về cuộc đời con người vẫn giữ lại những nét cơ bản của nhân sinh quan Phật giáo nói chung mà không có sự thay đổi lớn về chất. Điểm khác biệt là nó có sự hỗn dung giữa Nho, Phật, Lão và tín ngưỡng bản địa. Sự khác biệt này còn được làm rõ nét hơn khi chúng ta phân tích nhân sinh quan Phật giáo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của nguyễn du – giá trị và hạn chế (Trang 42 - 44)