Đức Phật người hình thành nên nhân sinh quan Phật giáo

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của nguyễn du – giá trị và hạn chế (Trang 40 - 42)

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thời thơ ấu là một thái tử tên Siddhantha (Tất Đạt Đa), Ngài giáng sinh vào ngày 15-4 năm 624 TCN tại vườn Lumbini (Lâm tỳ ni) cách thành Kapilavastu (Ca tỳ la vệ) khoảng 15 km. Song thân của Ngài là Quốc Vương Suddhodana (Tịnh Phạn) và Hoàng Hậu Màya (Ma da) thuộc dòng dõi Sakya (Thích Ca). Vua Suddhodana trị vì một Vương Quốc nằm ven sườn dãy núi cao ngất trời Himalaya thuộc phía đông bắc Ấn Độ, thủ phủ là Kapilavastu, nay là Nêpan.

Thái tử Siddattha được nuôi nấng và dạy dỗ một cách toàn diện cả về lĩnh vực văn chương và võ thuật. Vừa tròn bảy tuổi Thái tử đã được học các môn học đương đại như Thanh minh, Công xảo minh, Y phương minh, Nhân minh và Nội minh. Về đạo học, Thái tử đã học đươc bốn Thánh điển Veda. Nhìn chung, trong truyền thuyết thì cuộc sống của Thái tử trong thời kỳ này là rất xa hoa, luôn được đáp ứng mọi yêu cầu về vật chất. Thế nhưng dường như vẫn có một thứ gì đó thôi thúc Thái tử, khiến Ngài thường có những tâm trạng không thoải mái khi sống trong một điều kiện đầy đủ nhất về vật chất như vậy.

Theo truyền thuyết, lý do dẫn đến bước ngoặt trong cuộc đời Thích ca là 4 cuộc gặp gỡ ở bốn cổng thành. Tại cổng Đông của hoàng cung, người gặp một cụ già còm cõi, Người bèn hỏi phu xe: “Này phu xe, ngươi có nhìn thấy ông cụ đầu bạc, lưng gù, mắt loà, chân yếu đang phải chống gậy đi đường kia không? Liệu có phải đến bây giờ ông cụ mới biểu hiện thành như thế hay là vận mệnh của ông cụ lúc sinh ra đã như vậy rồi?; Tại cổng Nam, Người gặp một người bệnh tật thân gầy, bụng ỏng, chân tay như cành củi khô, miệng rên rỉ. Người hỏi phu xe “Tại sao người đó lại trở nên như vậy? Trên thế gian này chỉ có mình ông ta hay mọi người đều không tránh khỏi bệnh tật?”; Một lần khác, khi ra cổng Tây, Ngài gặp một xác chết. Người lại hỏi phu xe: “Con người tại sao lại phải chết?”. Lần đầu tiên trong đời, đức Phật thấy rằng già

yếu, bệnh tật và cái chết là tất yếu sẽ đến với tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ, nam nữ, sang hèn. Bất kỳ ai khi sinh ra cũng sẽ phải già đi, bị bệnh tật và cuối cùng là cái chết. Từ đó Người kết luận rằng “Con người sinh ra thật là khổ”, làm sao con người có thể sống yên vui được. Mọi chúng sinh trên thế gian này đều bị sự ngu si ám hoặc bao trùm. Mọi người đâu có biết bệnh tật, tuổi già và cái chết luôn luôn rình rập và có thể bất thần kéo đến. Vậy mà họ lại cứ đi tìm sự sung sướng của ngũ dục mơ hồ. Cuối cùng khi đi ra cổng Bắc, Ngài thấy một người đàn ông tu hành đi ngang qua và rồi từ đó, Người quyết định noi gương vị tu sĩ ấy xuất gia để cứu khổ cho mọi người - lúc đó người mới 29 tuổi.

Trong sáu năm đầu, Ngài chọn hình thức tu ép xác, sống khổ hạnh trong rừng sâu. Tuy nhiên, sau sáu năm tu luyện đó, Người vẫn không đạt được sự yên tĩnh trong tâm hồn và cũng không nhận ra chân lý. Người thấy rằng cả cuộc sống no đủ về vật chất, thoả mãn về dục vọng lẫn cuộc sống khổ hạnh ép xác đều không thể tìm ra được chân lý, đều là lầm lạc bởi vì cuộc sống thứ nhất là cuộc sống tầm thường, vô tích sự, nó chỉ đưa con người đến chỗ tham ái. Còn cuộc sống thứ hai cũng không giải thoát được con người, không thu được kết quả gì ngoài thân thể gầy mòn, tiều tuỵ, tâm thần tán loạn.

Từ đó ông bỏ con đường tu khổ hạnh và tự tìm cho mình một con đường riêng. Đó là con đường Trung đạo, theo đó, Người không quá coi trọng cuộc sống đề cao vật chất nhưng cũng không quá xa lánh và loại bỏ cuộc sống vật chất ấy. Sau khi từ bỏ con đường tu khổ hạnh trên núi, Ngài xuống sông tắm rồi ngồi thiền tại gốc cây Bồ đề. Sau bốn chín ngày ngồi thiền, Đức Thích ca đã tìm ra được chân lý Tứ diệu đế - như là một nguyên lý để giải thoát con người khỏi nỗi khổ.

Như vậy, dù cuộc đời của Đức Phật chỉ mang tính truyền thuyết, nhưng những yếu tố cũng phần nào cho ta thấy rằng cái mà Đức Phật quan tâm hàng

đầu và muốn hướng đến chính là việc giải thoát con người khỏi sự đau khổ, bất hạnh - vấn đề thuộc về nhân sinh quan chứ không quá sa đà vào những vấn đề thuộc siêu hình học bởi vì nước mắt của chúng sinh nhiều hơn nước biển. Kinh A Hàm có đoạn: “Này các vị, đừng thắc mắc rằng thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, cõi đời này là hữu cùng hay vô cùng, thì điều các vị phải thừa nhận trước hết vẫn là: cuộc đời đang đầy rẫy những khổ đau…” [107, tr.113]. Và Đức Phật cũng khẳng định rằng: “Này các đệ tử, ta nói cho mà biết: nước ngoài bể khơi chỉ có một vị mặn, đạo của ta dạy đây cũng chỉ có một vị là giải thoát” [107, tr.113].

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của nguyễn du – giá trị và hạn chế (Trang 40 - 42)