MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA QUA CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của nguyễn du – giá trị và hạn chế (Trang 28 - 31)

Nhìn chung trong thời gian gần đây, đã có nhiều công trình tiến hành nghiên cứu tư tưởng nhân sinh quan, thế giới quan của Phật giáo nói chung, những quan niệm về nghiệp, nhân quả và luân hồi nói riêng. Tuy nhiên, chủ yếu những công trình này đề cập đến những nội dung trên dưới góc độ văn hóa, tôn giáo học, lại gắn với những câu chuyện mang tính huyễn hoặc như:

- Những kinh sách nhà Phật viết về nhân quả, nghiệp báo, luân hồi. - Những câu chuyện về nhân quả, nghiệp báo và luân hồi trong cuộc sống - Sự đúng đắn (trong cuộc sống thực tại) của thuyết nhân quả, nghiệp báo… Bên cạnh đó, số lượng các công trình nghiên cứu về “Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng rất nhiều, nhưng chủ yếu dưới góc độ ngôn ngữ, văn học và nghệ thuật hay những công trình viết về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du cùng với “Truyện Kiều”.

Với tình hình như vậy, tác giả nhận thấy rằng cần có sự tiếp cận và nghiên cứu “Truyện Kiều” của Nguyễn Du dưới góc độ triết học theo lát cắt Phật học để chỉ ra được những ảnh hưởng của quan niệm nghiệp báo, nhân quả Phật giáo đối với nội dung của “Truyện Kiều”. Muốn làm được điều đó, luận án cần phải đặt ra và giải quyết được những vấn đề sau:

-Một là: cần phải khái lược lại những quan niệm về nhân quả, nghiệp báo, luân hồi của Phật giáo, để từ đó làm công cụ tiếp cận và giải quyết vấn đề thứ hai.

-Hai là: cần phải chỉ ra được tư tưởng về nhân quả, nghiệp báo của Phật giáo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du thông qua cuộc đời của Thúy Kiều cũng như sự xuất hiện của các nhân vật khác trong “Truyện Kiều” như Kim Trọng, Đạm Tiên, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Giác Duyên, Bạc Bà, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến…

-Ba là: Dưới góc độ triết học, tác giả luận án cần phải có những đánh giá về giá trị và hạn chế của những quan niệm về nghiệp báo, nhân quả trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

Tiểu kết chương 1

Nội dung tư tưởng nhân sinh quan của Phật giáo cũng như những giá trị tư tưởng của tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du cùng với vấn đề nhân sinh quan Phật giáo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã và đang được khá nhiều các tác giả nghiên cứu dưới những góc độ tiếp cận khác nhau. Thông qua việc khảo cứu và phân loại những công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài thành hai nhóm: Những công trình nghiên cứu về nhân sinh quan Phật giáo qua quan niệm về nhân quả, nghiệp báo; những công trình nghiên cứu về “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và nhân sinh quan (qua quan niệm về nghiệp báo, nhân quả) của Phật giáo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, nghiên cứu sinh có thể khẳng định rằng

cho đến nay chưa có một công trình nào nghiên cứu về nhân sinh quan Phật giáo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du một cách có hệ thống dưới góc độ triết học khi chỉ ra những quan niệm về nghiệp báo, nhân quả của Phật giáo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng như những giá trị, hạn chế và ý nghĩa của việc nghiên cứu nhân sinh quan Phật giáo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

Với thực trạng tình hình nghiên cứu đó, nghiên cứu sinh đã chọn đề tài

“Nhân sinh quan Phật giáo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du” làm đề tài nghiên cứu là không trùng lặp và có tính mới so với các công trình khoa học trước đây đã công bố.

Chương 2

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của nguyễn du – giá trị và hạn chế (Trang 28 - 31)