GVCN lớp trước hết phải là một nhà giáo dục, thông qua việc tổ chức các hoạt động của một tập thể lớp mà giáo dục những phẩm chất, nhân cách của mỗi HS. Qua các hoạt động đa dạng và phong phú, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa HS với HS, giữa HS với những thành viên khác, hướng vào việc hình thành cho HS những thói quen, hành vi phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của XH, nên cần thực hiện các chức năng sau:
- Chức năng quản lý giáo dục toàn diện
Muốn thực hiện chức năng quản lý giáo dục toàn diện, GVCN phải có những kiến thức cơ bản về XH, về tâm lý học, giáo dục học và các kĩ năng sư phạm như: kĩ năng tiếp cận đối tượng HS; kĩ năng nghiên cứu tâm lý lứa tuổi; kĩ năng đánh giá; kĩ năng lập kế hoạch và kĩ năng giao tiếp sư phạm để có dự đoán đúng, chính xác về sự phát triển nhân cách của HS.
Trong tổ chức quản lý giáo dục, cần đặc biệt quan tâm đến việc quản lý học tập và sự hình thành, phát triển nhân cách HS. Hai mặt trên có quan hệ hỗ trợ, tác động lẫn nhau. Việc giáo dục đạo đức có hiệu quả tất nhiên sẽ có tác dụng mạnh mẽ đến chất lượng học văn hoá, nhất là trong điều kiện nay, khi từng ngày, từng giờ những cám dỗ, những ảnh hưởng tiêu cực của XH đang len lỏi, thâm nhập vào nhà trường.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
- Chức năng cố vấn
Đối với học sinh THPT, người GVCN là người cố vấn cho tập thể lớp. Điều đó có nghĩa là GVCN không nên làm thay đội ngũ tự quản của lớp, nhiệm vụ chủ yếu của GVCN là bồi dưỡng năng lực tự quản của lớp.
GVCN cần lưu ý xây dựng đội ngũ tự quản xuất phát từ nhiệm vụ từng năm học và đặc điểm riêng của tập thể HS lớp. Nhiều GVCN chỉ căn cứ vào một số tiêu chuẩn chọn cán bộ lớp như : học giỏi, có đạo đức, có năng lực hoạt động, có uy tín với lớp, rất ít GVCN dựa vào đặc điểm quá trình phát triển của tập thể để xây dựng cấu trúc đội ngũ tự quản.
Để phát huy vai trò cốt cán, GVCN cần có năng lực dự báo khá chính xác khả năng HS trong lớp. GVCN phải có biện pháp để phát huy tiềm năng sáng tạo của các em trong việc đề xuất các nội dung, xây dựng kế hoạch hoạt động toàn diện, phù hợp với nhiệm vụ và điều kiện của mỗi tháng và mỗi học kỳ, của từng năm học. GVCN là người giúp HS tự tổ chức các hoạt động đã được kế hoạch hoá. Điều đó không có nghĩa GV khoán trắng, đứng ngoài hoạt động của tập thể HS lớp mà nên cùng hoạt động, kịp thời có những điều chỉnh giúp các em tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động.
- Chức năng tổ chức, phối hợp
Nhân cách HS được hình thành không chỉ ở lớp học mà diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc. Để giáo dục toàn diện HS, đòi hỏi GVCN phải phối hợp và thống nhất các yêu cầu và các hoạt động giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội. GVCN thường xuyên liên lạc với GV bộ môn để nắm tình hình chung của lớp, cùng với họ đề ra các yêu cầu và thống nhất thực hiện các yêu cầu đó trước tập thể HS. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào có sự phối hợp chặt chẽ giữa GVCN với GV bộ môn thì công tác chủ nhiệm mới có hiệu quả.
GVCN cần cộng tác chặt chẽ với cha mẹ HS; chủ động phối hợp với các GV bộ môn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các tổ chức XH có liên quan trong hoạt động giảng dạy và giáo dục HS.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Vì vậy, cần lôi cuốn mọi tầng lớp và các tổ chức XH tham gia vào công tác giáo dục. GVCN phải biết tập hợp, khai thác và phối hợp sức mạnh giáo dục toàn thể của cán bộ GV trong nhà trường, các lực lượng XH và gia đình HS.
- Chức năng kiểm tra, đánh giá
Chức năng này có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình học tập, rèn luyện, phát triển nhân cách của mỗi HS vì sự đánh giá khách quan, chính xác, đúng mức là một điều kiện giúp thầy và trò điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch hoạt động phù hợp.
Khi kiểm tra, đánh giá phong trào hoạt động của lớp, cần căn cứ vào những tiêu chuẩn nhất định. GVCN cần tránh cách nhìn thiên vị và chỉ chú ý đến một số nội dung hoạt động. Khi kiểm tra, đánh giá từng HS nên căn cứ vào năng lực, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng em, tránh quan điểm khắc khe, định kiến, thiếu quan điểm động viên và phát triển, nhất là đối với những HS có hoàn cảnh khó khăn, có đặc điểm tâm lý “đặc biệt”.
Điều quan trọng là sau khi kiểm tra, đánh giá, cần vạch ra phương hướng, nêu những yêu cầu mới với thái độ nghiêm túc, tôn trọng nhân cách HS và với tấm lòng nhân hậu, thương yêu các em. Mọi yêu cầu đặt ra không nên quá cao hoặc quá thấp so với năng lực và điều kiện của HS.