Trong số 54 BN, chúng tôi tiến hành khám lại được cho 39 BN (70,9%). Bên cạnh đó chúng tôi liên lạc được qua điện thoại với 12 BN, và tiến hành phỏng vấn để tiến hành thu thập thông tin lâm sàng, cận lâm sàng theo bệnh án mẫu đã đề ra. Nhờ đó nâng tổng số BN có thông tin sau mổ lên 51 BN (94,4%). Hiện tại, chúng tôi chưa có thông tin gì về 3 BN còn lại. Thời gian khám lại trung bình sau phẫu thuật là 23,7 ± 14,02 tháng.
4.6.1. Tử vong muộn.
Tử vong chúng tôi gặp 3 BN (5,9%) (Biểu đồ 3.11). Trong đó có 1 trường hợp sau mổ xuất hiện phù phổi cấp quay lại Bệnh viện Việt Đức điều trị chúng tôi lấy lại được bệnh án và 2 trường hợp tử vong tại Bệnh viện tỉnh chúng tôi thu thập thông tin qua người nhà BN, cụ thể như sau:
Trường hợp thứ nhất: Bệnh nhân Vũ Thị L, 41 tuổi. Sau mổ 9 tháng, BN đột ngột xuất hiện khó thở, thở ra bọt hồng được chuyển tới Bệnh viện Việt Đức cấp cứu với chẩn đoán là phù phổi cấp, tràn dịch màng phổi hai bên / sau mổ thay van hai lá, lấy huyết khối nhĩ trái. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, dẫn lưu màng phổi hai bên và điều trị hồi sức tích cực sau 4 ngày vẫn mất hoàn toàn tri giác, đồng tử hai bên giãn được xác định là chết não và gia đình xin về. Nguyên nhân tử vong muộn được xác định là do phù phổi cấp.
Trường hợp thứ hai: Bệnh nhân Bùi Thị H 62 tuổi. Sau mổ 14 ngày bệnh nhân vẫn còn dấu hiệu suy tim nặng được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai điều trị ngoại trú. Tại đây bệnh nhân tiếp tục được điều trị suy tim nhưng sau ba tháng xuất hiện viêm phổi, tràn dịch màng phổi và suy thận. Bệnh nhân được chuyển tới khoa điều trị tích cực dẫn lưu màng phổi, đặt ống nội khí quản, thở máy và lọc máu ngắt quãng. Sau hai tuần, tình trạng viêm phổi, suy tim và suy thận không giảm bệnh nhân tử vong với nguyên nhân tử vong được xác định là do viêm phổi và suy đa tạng.
Trường hợp thứ ba: Bệnh nhân Đặng Thị D 54 tuổi. Sau mổ 2 năm, BN nhân vẫn khám làm SÂ tim kiểm tra và theo dõi đông máu định kỳ. Theo như người nhà kể lại bệnh nhân đột ngột ngã qụy xuống và mất tri giác. Được người nhà đưa tới Bệnh viện tỉnh Nghệ An cấp cứu trong tình trạng mạch không, huyết áp không, mất tri giác, tim đập rời rạc được ép tim ngoài lồng ngực và đặt nội khí quản bóp bóng. Sau hai giờ cấp cứu không kết quả bệnh nhân tử vong. Nguyên nhân tử vong chưa được xác định.
Như vậy, tỉ lệ tử vong muộn của chúng tôi là 5,9% cao hơn nhiều so với nghiên cứu của Đặng Hanh Sơn [15] là 0%, nhưng lại thấp hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Hữu Ước [21] là 6,4%, của Nguyễn Văn Phan [12] là 6,1%. Tuy nhiên, do cỡ mẫu còn nhỏ, thời gian theo dõi chưa đủ dài và còn bị mất liên lạc với 3 BN nên tỉ lệ tử vong muộn này của chúng tôi vẫn chưa phản ánh được thực tế. Có thể sẽ tăng lên trong những đợt khám kiểm tra tiếp theo.
4.6.2. Biến chứng muộn.
Về tắc mạch, những trường hợp tắc mạch sau phẫu thuật thay van nhân tạo nhưng không do nhiễm khuẩn được coi là biến chứng tắc mạch. Chúng tôi gặp 1 BN (2,1%) bị tắc mạch não phải vào điều trị tại khoa thần kinh Bệnh viện Bạch Mai. Hiện tại, BN tỉnh, vẫn còn yếu 1/2 người trái nhưng đã tự đi lại được (Bảng 3.37).
Về biến chứng kẹt van nhân tạo chúng tôi gặp 1 BN (2,1%) bị kẹt van hai lá nhân tạo phải mổ lại (Bảng 3.37). BN Vũ Thị D 32 tuổi, mổ thay VHL ngày 12/11/09. Bệnh nhân ở nông thôn do về nhà theo dõi và điều trị chống đông không tốt nên ngày 9/8/2010 bệnh nhân đột ngột khó thở nhiều, không ho ra máu đến Bệnh viện Việt Đức khám phát hiện kẹt VHL nhân tạo. BN đã được mổ cấp cứu thay lại van hai lá nhân tạo ngày 9/8/2010. Hiện tại, BN đã hoàn toàn bình phục.
Về biến chứng xuất huyết do dùng chống đông chúng tôi gặp 8 BN (16,7%) (Bảng 3.7). Trong đó, có 1 BN (2,1%) bị tràn máu khớp gối (khi đó
INR 7,8) đã được điều trị giảm liều thuốc chống đông và chọc hút khớp gối nhiều lần, đến thời điểm nghiên cứu thì BN đã ổn định. 1 BN (2,1%) bị đái máu và chảy máu chân răng, chảy máu mũi nhiều (khi đó INR 13,7) BN đã được cấp cứu vào Bệnh viện tỉnh, điều trị bằng ngừng thuốc chống đông, truyền plasma, tiêm Vitamin K. Hiện tại, BN đã ổn định, không để lại di chứng gì. Những BN còn lại chỉ có biểu hiện xuất huyết nhẹ: chảy máu chân răng, mảng tím dưới da,... và đều đã được điều trị ổn định bằng giảm liều thuốc chống đông.
Về biến chứng hở cạnh van nhân tạo, trên kết quả SÂ tim kiểm tra lại chúng tôi thấy có 5 BN bị hở ≤ 1/4, 1 BN bị hở 2/ 4 (BN này trên kết quả SÂ lúc ra viện cũng hở 2/4). Như vậy, mức độ hở cũng không tăng lên và khi khám BN không có dấu hiệu tan máu. Do vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi những BN này. Đặc biệt, khi so sánh về tỉ lệ hở cạnh van nhân tạo giữa nhóm khâu vắt và khâu mũi rời trên SÂ tại thời điểm khám lại chúng tôi thấy không có sự khác biệt với P = 0,685 > 0,05 ( Fisher’s test) (Bảng 3.44)
4.6.3. Thay đổi trên lâm sàng.
Mức suy tim theo NYHA có sự cải thiện đáng kể so với thời điểm trước mổ (Bảng 3.38 và Biểu đồ 3.12). Kết quả này cũng phù hợp với kết quả trong các nghiên cứu của Đặng Hanh Sơn [15], Nguyễn Hữu Ước [21].