KẾT QUẢ SỚM SAU PHẪU THUẬT

Một phần của tài liệu nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả phẫu thuật thay van hai lá có huyết khối nhĩ trái tại bệnh viện việt đức (Trang 105 - 107)

4.5.1. Tử vong bệnh viện.

Tử vong bệnh viện bao gồm những trường hợp tử vong tại viện và tử vong trong khoảng 30 ngày sau phẫu thuật. Với những trường hợp chưa tử vong tại viện nhưng tình trạng nặng, tiên lượng không qua khỏi và gia đình xin về chúng tôi cũng coi là tử vong bệnh viện.

Trong nghiên cứu của chúng tôi có 1 BN tử vong bệnh viện chiếm 1,8%. Bệnh nhân nữ, Nguyễn Thị Nh, 45 tuổi. Bệnh nhân có tiền sử phát hiện bệnh van tim do thấp 9 năm, đã được nong van hai lá bằng bóng 1 lần năm 2008. Khám và làm xét nghiệm trước mổ cho thấy BN có các triệu chứng điển hình của bệnh VHL có HKNT, chức năng tim trước mổ tôt (EF 57%), ALĐMPTT tăng nhẹ. BN được mổ ngày 9/6/2010. Diễn biến trong mổ hoàn toàn thuận lợi thời gian kẹp ĐMC là 40 phút, chạy máy 57 phút. BN được mổ

lấy HKNT và thay VHL cơ học. Sau đó về phòng hồi sức trong những giờ đầu ổn định. Đến giờ thứ 12 sau mổ BN đột ngột xuất hiện rung thất, được cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực, Shock điện phá rung. Tim đập trở lại nhưng huyết áp thấp được dùng thuốc vận mạch liều cao, phối hợp cả 3 thuốc. Tuy nhiên, diễn biến các giờ sau BN thỉnh thoảng lại xuất hiện các đợt rung thất, HA thấp kéo dài đến ngày thứ 3 BN nặng gia đình xin về. Nguyên nhân tử vong chưa được xác định.

4.5.2. Biến chứng sớm sau mổ.

Ngoại trừ 1 BN bị tử vong bệnh viện, theo dõi 54 BN còn lại trong thời gian hậu phẫu chúng tôi không gặp BN nào bị vỡ thất, không BN nào chảy máu phải mổ lại, không BN nào bị: nhiễm trùng xương ức, tắc mạch, huyết khối nhĩ trái tái phát và kẹt van.

Có 1 BN (1,8%) bị phù phổi cấp sau mổ. BN nữ, Trương Thị Huế 53 tuổi. Có 9 BN (16,4 %) bị nhiễm trùng vết mổ.

Trên siêu âm kiểm tra lúc ra viện có 6 BN (11,1%) bị hở cạnh van ≤ 1/4 và 1 BN (1,9%) bị hở cạnh van 2/4, còn lại 47 BN (87%) không bị hở cạnh van. Như vậy tỉ lệ hở cạnh van trong nghiên cứu của chúng tôi là 13%. Tỉ lệ hở cạnh van của Đặng Hanh Sơn là 2,2%, của các tác giả khác trên thế giới vào khoảng 0 – 2,2%. Như vậy, tỉ lệ hở cạnh van trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn rất nhiều so với các tác giả khác. Giải thích cho điều này có thể là do những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan là do kĩ thuật khâu: khâu mớm vào vòng van, khâu vào phần mỏng của lá van, khâu vào chỗ yếu của vòng van mà không có miếng đệm, buộc chỉ mạnh tay gây xé tổ chức, buộc lỏng chỉ tuột nơ chỉ,....Các nguyên nhân khách quan là: nhóm bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi là những bệnh nhân bị bệnh VHL ở giai đoạn muộn của bệnh nên tổn thương bộ máy VHL rất nặng nề, đặc biệt là vôi hóa vào vòng van nên sau khi cắt VHL và lấy vôi thường để lại nhiều chỗ yếu trên vòng van. Mặt khác, cỡ mẫu trong nghiên cứu của chúng tôi còn nhỏ nên chưa phản ánh được tỉ lệ thực của hở cạnh van.

Một phần của tài liệu nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả phẫu thuật thay van hai lá có huyết khối nhĩ trái tại bệnh viện việt đức (Trang 105 - 107)