I. Cơ sở, mục tiêu và quan điểm chuyển dịch cơ cấu lao động Tuyên Quang đến năm 2020.
1.3. Dựa trên chiến lược phát triển kinh tế đến 2020 của Tuyên Quang.
1.3.1. Định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng
(i) Định hướng phát triển vùng núi phía Bắc tỉnh (bao gồm các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên)
Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội như mạng lưới giao thông, hệ thống cấp điện, cung cấp nước sạch, thủy lợi…; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng.
Đẩy mạnh sản xuất nông/lâm nghiệp; phát huy lợi thế của vùng về cây công nghiệp, cây ăn quả; tập trung phát triển đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển mạnh vùng nguyên liệu giấy, gỗ lớn cho sản xuất và xuất khẩu; phát triển khai thác và chế biến các loại khoáng sản như măng gan, đá xây dựng, angtimoan, bột đá mịn; tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử.
Hoàn thành xây dựng thủy điện Tuyên Quang, thủy điện Chiêm Hóa, xây dựng các thủy điện nhỏ khác; phát triển hạ tầng, sản xuất dịch vụ trên cơ sở lấy thủy điện Tuyên Quang làm động lực phát triển.
Hình thành và phát triển các điểm đô thị trên cơ sở phát triển sản xuất, thương mại và dịch vụ, kết cấu hạ tầng tại thị trấn Phù Lưu (huyện Hàm Yên), thị trấn Đầm Hồng, Minh Quang, Hòa Phú (huyện Chiêm Hóa), thị xã Na Hang (huyện Na Hang).
(ii) Định hướng phát triển vùng trung tâm tỉnh (bao gồm thị xã Tuyên Quang và một số vùng lân cận)
Xây dựng thị xã Tuyên Quang trở thành thành phố là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đầu mối giao thông và là động lực phát triển kinh tế-xã hội của các vùng trong tỉnh.
Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là mạng lưới giao thông và mạng lưới thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt với các vùng trong tỉnh và với các tỉnh khác.
Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến nông/lâm sản, khoáng sản.
Khai thác tốt khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm thành điểm du lịch đột phá của du lịch Tuyên Quang. Đồng thời, phát triển điểm du lịch lịch sử văn hóa tại thị xã Tuyên Quang; phát huy tiềm năng về cảnh quan và vận tải của dòng sông Lô chạy qua thị xã Tuyên Quang.
(iii) Định hướng phát triển vùng phía Nam tỉnh (bao gồm huyện Yên Sơn và huyện Sơn Dương)
Tập trung phát triển nông/lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đẩy mạnh công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, phù hợp với lợi thế về tự nhiên và tài nguyên khoáng sản của vùng như: khai thác khoáng sản thiếc, barit, fenspat.
Tăng cường đầu tư và khai thác dịch vụ du lịch tại các điểm có lợi thế phát triển du lịch như: các khu di tích lịch sử Cách mạng, khu du lịch văn hóa, khu du lịch sinh thái quốc gia Tân Trào mang tầm vóc khu vực.
Phát triển nông nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng trồng cây công nghiệp (mía, chè…) và cây lương thực có hiệu quả kinh tế cao.
Hình thành và phát triển các điểm đô thị trên cơ sở phát triển sản xuất, thương mại và dịch vụ, kết cấu hạ tầng tại thị trấn Tân Bình, thị trấn Mỹ Bằng, khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, thị tứ Kim Xuyên.
1.3.2. Định hướng chuyển dịch cơ cấu lao động đến năm 2020.
Chuyển dịch mạnh cơ cấu lực lượng lao động theo hướng tăng tỷ trọng và số lượng lao động qua đào tạo (đặc biệt là lao động qua đào tạo nghề) tại cấp trình độ từ trung và cao cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cho quá trình phát triển kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển mạnh Công nghiệp.
Đối với vùng núi phía Bắc tỉnh (bao gồm các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên): cần tập trung nâng cao tỷ trọng và số lượng lực lượng lao động qua đào tạo trình độ trung cấp và đào tạo ngắn hạn (chủ yếu là cho các địa bàn thuộc các xã nông thôn, vùng sâu/vùng xa/vùng núi) các nhóm nghề thuộc các ngành nông nghiệp/lâm nghiệp/chăn nuôi, công nghiệp khai khoáng, mía đường, dịch vụ du lịch và thương mại; và ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực có trình độ từ trung cấp trở lên cung ứng cho các khu/cụm/điểm công nghiệp tập trung đóng trên địa bàn.
Đối với vùng trung tâm tỉnh (bao gồm thị xã Tuyên Quang và một số điểm lân cận thuộc huyện Yên Sơn và Sơn Dương): Tập trung nâng cao tỷ trọng lực lượng lao động qua đào tạo theo hướng ưu tiên cho nhóm trình độ cao cấp (Cao đẳng nghề trở lên) đối với các địa bàn thuộc phạm vi khu công nghiệp Long Bình An và các khu/cụm/điểm công nghiệp khác. Các nhóm ngành/nghề cần tập trung đào tạo gồm: công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến bột kẽm, công nghiệp mía đường, công nghiệp chế biến chè, công nghiệp chế biến lâm sản, kiến thức trồng trọt (lúa gạo và các loại cây lương thực khác có giá trị kinh tế cao), du lịch tổng hợp.
Đối với vùng phía nam tỉnh (bao gồm toàn bộ những phần còn lại thuộc huyện Yên Sơn và Sơn Dương): Tập trung nâng cao tỷ trọng lực lượng lao động qua đào tạo theo hướng ưu tiên cho nhóm trình độ cao cấp và trung cấp (trung cấp nghề trở
lên) đối với các địa bàn thuộc phạm vi khu công nghiệp Long Bình An và các khu/cụm/điểm công nghiệp khác đóng trên địa bàn. Các nhóm ngành/nghề cần tập trung đào tạo gồm: công nghiệp khai khoáng, kiến thức trồng trọt cây lương thực và các loại cây công nghiệp(chè, mía…), du lịch tổng hợp.
Tăng dần tỷ trọng lực lượng lao động thuộc khu vực thành thị trên cơ sở thúc đẩy quá trình đô thị hóa diễn ra với tóc độ nhanh hơn. Trước mắt, tập trung nâng cấp thị xã Tuyên Quang trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và lấy đó làm điểm trung tâm đô thị chính để phát triển một số điểm đô thị vệ tinh tại các vùng phụ cận thuộc các huyện Yên Sơn, Sơn Dương và Hàm Yên. Các khu vực còn lại trong tỉnh (huyện Na Hang, Chiêm Hóa và Hàm Yên) sẽ thực hiện quá trình đô thị hóa dựa trên cơ sở phát triển các thị xã/thị trấn/thị tứ và các vùng có quy hoạch các khu/cụm điểm công nghiệp tập trung hoặc độc lập.
Duy trì hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của các kênh tạo việc làm thông qua các chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm của tỉnh (chương trình vay vốn giải quyết việc làm 120, chương trình 135, chương trình 134…), chương trình xuất khẩu lao động, chương trình cung ứng lao động cho các cụm khu công nghiệp tập trung trong và ngoài tỉnh.
Phương hướng chuyển dịch cơ cấu lao động có việc làm theo ngành kinh tế trong thời gian tới là giảm cả về số tuyệt đối và tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành nông nghiệp.
Ở các vùng nông thôn, cần đẩy mạnh việc chuyển dịch lao động từ thuần nông sang các ngành nghề khác, đặc biệt là hình thành và khuyến khích phát triển các ngành nghề phụ phù hợp với lợi thế của địa phương (huyện/xã).
Tăng nhanh cả về số lượng và tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp theo các hướng: (i) tập trung ưu tiên tăng tỷ trọng và số lượng lao động cho các ngành/lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, đột phá tạo ra nhiều giá trị sản xuất cũng như có năng suất lao động cao mà tỉnh có ưu thế và đã được phê duyệt trong chiến lược phát triển kinh tế. Hướng chuyển dịch này cần chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên và tập trung vào các ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp lắp ráp linh kiện điện/điện tử, công nghiệp chế biến, xây dựng tại vùng trung tâm tỉnh (thị xã Tuyên Quang và các điểm phụ cận thuộc huyện Sơn Dương, Yên Sơn) và các cụm/khu công nghiệp tập trung hoặc độc lập khác; (ii) tăng tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động (dệt may, da giầy và chế biến lương thực/thực phẩm) tại các vùng
phía Nam (huyện Yên Sơn, huyện Sơn Dương) và vùng phía Bắc (chủ yếu là huyện Hàm Yên và một số vùng có khu công nghiệp/khu đô thị tại huyện Na Hang, Chiêm Hóa) hoặc các cụm/khu công nghiệp độc lập cấp huyện và tập trung nhiều vào các nhóm công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp trở xuống (trong đó những những công việc đòi hỏi trình độ sơ cấp sẽ chủ yếu ưu tiên tập trung tại các khu vực nông thôn thuộc những vùng này); (iii) tăng tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực dịch vụ (đặc biệt là dịch vụ du lịch, thương mại và vận tải) theo hướng đối với vùng trung tâm tỉnh thì tập trung vào nhóm ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, khách sạn/nhà hàng/trung tâm thương mại đầu mối…. ở cấp trình độ trung và cao cấp (trong đó ưu tiên phát triển ở cấp trình độ cao cấp), đối với các vùng phía Nam tỉnh thì tập trung ưu tiên vào nhóm ngành dịch vụ cung ứng nguyên vật liệu, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, thương mại và giao thông vận tải ở cấp trình độ trung cấp; đối với các vùng phía Bắc thì tập trung phát triển mạnh số lượng lao động làm việc trong các nhóm ngành dịch vụ du lịch sinh thái, thương mại quy mô nhỏ, giao thông vận tải cung ứng nguyên vật liệu/hàng hóa thiết yếu ở.
Tăng cả về số lượng và tỷ trọng lao động làm việc theo hình thức làm công ăn lương
Giảm dần và duy trì một cách ổn định quy mô và tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nhà nước vào khoảng 10%.
Tiếp tục ưu tiên, chú trọng hoạt động xuất khẩu lao động để giải quyết việc làm, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và tạo thu nhập. Theo đó ưu tiên vào nhóm lao động yếu thế (lao động nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho quá trình phát triển các khu/cụm/điểm công nghiệp tập trung) tại các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên và Yên Sơn.
Duy trì quy mô hoạt động cung ứng lao động nội địa như hiện tại (cung ứng lao động cho các khu công nghiệp tập trung ngoài tỉnh) theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và mức độ ổn định/bền vững về việc làm/chuyển đổi việc làm cũng như an sinh xã hội của người lao động, đảm bảo hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các bên tham gia trong quá trình cung ứng lao động (người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức cung ứng lao động, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan).
2. Quan điểm
Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc có vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của vùng Đông Bắc, nên khả năng vươn lên và phát triển của tỉnh sẽ có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của vùng. Trong thời gian tới, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh cần quán triệt các quan điểm cơ bản sau: